Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/11/2017

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở là gì ?

Carl Thayer

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu được trông đợi tại APEC về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Đây là một thuật ngữ nghe có vẻ mới nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì thuật ngữ này đã được dùng từ lâu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vậy Tổng thống Trump muốn nói đến điều gì khi dùng thuật ngữ này thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về Châu Á - Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Obama ? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia về vấn đề này.

indiapacifique1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện các lãnh đạo doanh nghiệp cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017 - AFP

RFA : Thưa Giáo sư, xin ông cho biết thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói nhiều gần đây nhân chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Trump có nghĩa là gì ?

Carl Thayer : Đây là thuật ngữ mà Tổng thống Mỹ đã dùng gần đây nhưng trên thực tế nó đã được dùng từ trước đó trong giới quân sự và bây giờ nó đang được sử dụng một cách đặc biệt. Thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương ý muốn nói đến việc kết hợp cả Ấn Độ vào một khu vực rộng lớn hớn mà trên thực tế là đã lớn nếu xét về Bộ Chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Mỹ. Theo đó, Ấn Độ sẽ được bao gồm và khu vực nhưng Pakistan thì không bao gồm trong đó. Công thức của Tổng thống Trump là muốn vượt qua APEC vốn bao gồm cả 3 nước Nam Mỹ là Mexico, Peru và Chile và nhấn mạnh khu vực gốc là Thái Bình Dương. Khu vực mở và tự do là cố gắng của Tổng thống Trump để vượt qua vấn đề thâm hụt thương mại và những trao đổi thương mại không công bằng theo tiêu chuẩn của Mỹ và khiến các nước khác phải theo. Cho nên điều này sẽ không đồng điệu với APEC là đa phương. Nó chỉ là mong muốn của Mỹ dựa vào một ý tưởng đã cũ và được thay đổi theo kiểu của Tổng thống Trump.

RFA : Vậy điều này có khác gì so với những gì chúng ta đã thấy trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương dưới thời của Tổng thống Barack Obama, hay đây chỉ đơn thuần là một tên khác ?

indiapacifique2

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là một tên gọi khác của chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương, mà mục đích chính là kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và xuống Ấn Độ Dương

Carl Thayer : Nó chỉ là tên khác. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ cuối cùng đã cải thiện trong suốt thời kỳ của Tổng thống Obama và từ khi Thủ tướng Ấn Độ Modi lên nắm quyền thì Ấn Độ đã có những thúc đẩy trong hành động. Họ đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp Việt Nam về mặt an ninh biển và họ cũng quan ngại về hoạt động của Hải quân Trung Quốc qua Ấn Độ Dương. Cho nên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cách thường gọi nhưng người Mỹ thường nói là nước Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và đó là phần nói về biển mà Châu Á là một vùng đất rộng lớn. Ấn Độ - Thái Bình Dương là để đưa ưu tiên cho vấn đề trên biển kết nối hai vùng biển Ấn Độ và Thái Bình Dương qua biển Đông.

RFA : vậy những thách thức mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt là gì khi ông nói đến điều này tại Châu Á ?

Carl Thayer : Mọi người rất lịch sự và họ cũng không muốn đối đầu với Tổng thống, trong khi ASEAN thì làm việc theo nguyên tắc nhất trí chung. Cũng đã có cả trăm những cuộc gặp được tổ chức ở Việt Nam. Các bộ trưởng thương mại đã đưa ra 4 ưu tiên chính chủ yếu là về mặt kỹ thuật và APEC sẽ tiếp tục theo đường hướng đó. Thông tin mà tôi có được từ bên Australia trước APEC là mục tiêu cuối cùng của APEC là có được một thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Tổng thống Trump lại nói Mỹ muốn các thỏa thuận song phương ở tiêu chuẩn cao. Điều đáng chú ý là trong đó có cả những tiêu chuẩn đã được bao gồm trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã rút khỏi. Đó là các vấn đề về thương mại điện tử, dịch vụ, và bảo vệ bản quyền trí tuệ đang vượt qua cả thương mại và đầu tư.

RFA : Vậy các nước trong khu vực sẽ có lợi gì từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Trump đưa ra ?

Carl Thayer : Khi Tổng thống Trump rút khỏi TPP thì ông ấy đồng thời cũng rút ra phần quan trọng nhất của một thỏa thuận, đó là 60% của nền kinh tế thế giới. Đây được coi là phần đệm nếu như không muốn nói là phần đối trọng với ảnh hưởng về kinh tế đang lên từ Trung Quốc. Khi Mỹ rút khỏi TPP thì các nước khác trong khu vực đang trông chờ vào một nửa phần còn lại trong cam kết của Mỹ với khu vực. Vào lúc này về mặt quân sự thì cũng tương tự như thời của Tổng thống Obama với chiến lược chuyển trục về Châu Á vì các vũ khí hiện đại nhất đang được đưa về đây. Gần đây nhất là vấn đề căng thẳng với Bắc Hàn cũng gây sự chú ý. Nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nói và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng nhấn mạnh đó là các phần của sức mạnh quốc gia bao gồm kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tất cả những nhân tố này phải được kết hợp với nhau trong một chiến lược. Cho nên khi Tổng thống Trump nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, những nước muốn Mỹ vẫn cam kết với khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ áp dụng điều mình nói như thế nào, tham gia đóng góp, hợp tác với khu vực thay vì chỉ đạo tạo ảnh hưởng. Cho nên các nước trong khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ thay TPP của Tổng thống Obama bằng cái gì. Tất nhiên nó sẽ không giống như cũ nhưng liệu có đủ lớn để duy trì sự có mặt của Mỹ trong khu vực không ? Nó cũng phụ thuộc vào quan hệ của từng nước và các nước sẽ đưa ra đánh giá của mình khi Tổng thống Trump phát biểu.

RFA : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn : RFA, 09/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)