Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2017

Việt Nam là "con cờ" hay vật để người ta trao đổi ?

Trương Nhân Tuấn

Nội các Tổng thống Trump vừa loan báo hôm kia (thứ năm) chương trình công du các nước Châu Á vào đầu tháng mười một, gồm các nước Nhật, Nam Hàn và Trung Quốc. Chuyến đi này ông Trump "có thể" ghé Việt Nam, nhân Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế các quốc gia Châu Á - Thái bình dương (APEC).

conco1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/9 tuyên bố có thể ghé thăm Việt Nam để dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC)

Chữ "có thể" tôi đặt trong dấu ngoặc, nhằm nhấn mạnh là Trump có thể không ghé Việt Nam.

Đồng thời vấn đề Liên Hiệp Quốc, 100 quốc gia (bao gồm Anh và Đức) đã đồng ý ký tên ủng hộ sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm cải tổ lại tổ chức Liên Hiệp Quốc sao cho tổ chức này hoạt động hữu hiệu hơn. Theo báo chí thì thứ hai tới ông Trump sẽ đọc diễn văn trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc để công bố sáng kiến này.

Hai sự kiện đều phát xuất từ Hoa Kỳ, xem ra không quan hệ gì với nhau. Nhưng theo tôi, đó là những dấu hiệu mạnh mẽ mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần phải "sáng suốt giải mã".

Việt Nam vẫn chưa nằm trong "lịch" của ông Trump, mặc dầu Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam (và APEC) "không là cây đinh gì" với Mỹ.

APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation ) là một "diễn đàn" kinh tế của các nước Châu Á có tiếp giáp với Thái Bình Dương. Tổ chức kinh tế này đã không còn quan trọng đối với Mỹ.

Từ thời Tổng thống Obama, với chủ trương "xoay trục sang Châu Á", diễn đàn APEC được thay thế bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), trong đó Trung Quốc bị loại ra và vai trò Việt Nam đươc xem là "trung tâm".

Trump đắc cử tổng thống, cái nhìn mới của Mỹ về "trật tự thế giới" đã làm đảo lộn, hay ít ra làm thay đổi, cách "đối xử" của Mỹ với các đối tác truyền thống. TPP đơn thuần bị dẹp bỏ. Vai trò (con cờ) Việt Nam (đối với Mỹ) trở nên bất định.

Mối quan tâm hàng đầu của ông Trump hiện nay là các vụ thử bom nguyên tử (và nhiệt nguyên tử) cùng với các vụ bắn hỏa tiễn (liên lục địa ?) của Bắc Hàn.

Cá nhân tôi không nghĩ rằng Bắc Hàn đơn phương (không có sự trợ giúp kỹ thuật bên ngoài) lại có thể phát triển "đột biến", trong vòng vài tháng thử nghiệm thành công từ bom nguyên tử sang bom nhiệt hạch (thermonucleaire).

Cũng vậy, không thể vài tháng mà Bắc Hàn chế ngự kỹ thuật phóng hỏa tiễn, từ mức độ "chiến thuật" (dưới 1000km) sang "chiến lược" (trên 3.000km) như vậy.

Những vận động của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc (nhằm cải tổ lại tổ chức này) cùng với các các biện pháp (trừng phạt kinh tế) của nước này đối với Nga và Trung Quốc, hai đại cường có chung biên giới với Bắc Hàn, có thể đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc giúp Bắc Hàn (về kỹ thuật) để thục hiện các thử nghiệm nguyên tử và hỏa tiễn, nhằm "đối trọng" với các chính sách của Mỹ.

Đối với Nga, (vụ Crimée) hay vụ "lùm xùm" can thiệp vào nội bộ Mỹ trong cuộc bầu của tổng thống vừa rồi, có thể sẽ làm cho quan hệ hai bên "đông lạnh" kéo dài.

Đối với Trung Quốc, vấn đề không đơn thuần, vì tư tưởng chủ đạo của Trump khi ra ứng cử là "ngăn chặn" sự trỗi dậy "không" hòa bình của Trung Quốc.

Từ thời chiến tranh lạnh, tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ là "phương tiện" để phe cộng sản, do Liên Xô đứng đầu, tuyên truyền cho mục tiêu nhuộm đỏ địa cầu.

Sau khi khối cộng sản sụp đổ, cơ quan Liên Hiệp Quốc lại trở thành diễn đàn để các bên "diễn trò hề", (như các nước nổi tiếng vi phạm nhân quyền thì trở thanh chủ tịch ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc), hoặc là các nghị quyết cù nhây "trừng phạt" Bắc hàn hiện nay.

Chủ trương cải tổ Liên Hiệp Quốc của Trump là đúng, bởi vì một mình Hoa Kỳ đã gánh phần lớn ngân sách điều hành của Liên Hiệp Quốc. (Nếu cần, Hoa Kỳ có thể không chi tiền nữa để cho Liên Hiệp Quốc sụp).

Trở lại "con cờ" Việt Nam. Chưa bao giờ Việt Nam "cô đơn" như lúc này.

Có giả thuyết đề nghị rằng, để giảm bớt sự hung hãn của Kim Jong-un, Hoa Kỳ cần trao đổi Biển Đông (phần của Việt Nam) cho Trung Quốc. Có như vậy Trung Quốc mới làm áp lực hữu hiệu lên Kim Jong-un.

Dĩ nhiên Việt Nam có trở thành "vật" để các đại cường trao đổi hay không là do thái độ của lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là "tiềm năng thực sự" của Kim Jong-un.

Ta thấy Trump càng gáy trên mạng thì Kim Jong-un càng làm mạnh trên thực tế. Lằn mức đỏ của Mỹ đặt ra cho Bắc Hàn, từ việc không được nghiên cứu vũ khí nguyên tử thời Clinton, sau đó lùi về mức "thử nghiệm bom nguyên tử" dưới thời Obama.

Nhưng dưới thời Trump, chỉ vài tháng mà "lằn mức đỏ" lùi về ở mức phòng thủ Guam. Vừa với bom nhiệt hạch, vừa với hỏa tiễn "liên lục địa".

"Phải có cái gì chống lưng" nên Kim Jong-un mới hung hăng làm mạnh như vậy.

Ta không thể loại trừ Trung Quốc (hay Nga) cho Kim jong Un "mượn" vài trái bom nhiệt hạch cùng với vài giàn hỏa tiễn "quá đát" để thử nghiệm. Quá đát, bởi vì cường độ "bom nhiệt hạch" "còn tốt" mạnh hàng chục, hàng trăm lần hơn trái bom (mà Bắc Hàn) vừa thử. Hỏa tiễn "liên lục địa" còn "tốt" cũng vậy, tầm bay (tối thiếu) là 5.000 km.

Cái "dỏm" của Bắc Hàn đổi lấy cái "thực" ở Biển Đông, Trung Quốc thắng lớn trong ván bài bịp bợm.

Vì vậy Việt Nam có trở thành "con cờ" hay vật để người ta trao đổi hay không là do tầm của lãnh đạo.

Xét lại lịch sử cận đại, Việt Nam "cầm ngọn cờ đầu" không biết bao nhiêu lần. Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc. Việt Nam là "mũi nhọn, đạo quân vô sản tiền phong" vùng Đông Nam Á. Việt Nam "tiền đồn thế giới tự do"... Đất nước tan hoang là do lãnh đạo "muốn đi đầu", mà thục tế là "con cờ" của bàn cờ thế giới.

Mà "tầm nhìn" của lãnh đạo bây giờ là đang loay hoay tìm cách nào "đốt nóng lò". Đọc các bài viết "nổi lửa lên em" của nhà báo Huy Đức, coi bộ vụ "đốt lò" còn kéo dài.

Ối thây kệ. Biển Đông vào tay cộng sản Việt Nam hay vào tay ai khác, kết quả là người dân vẫn là "trai thì làm nô, gái thì làm đỉ".

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 16/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)