Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2017

Đường biên giới giữa Việt Nam và nước láng giềng Campuchia do ai "sáng tạo" ?

Trương Nhân Tuấn

Bài viết của tác giả Vũ Đức Liêm mang tựa đề "Sự hình thành đường biên giới Việt Nam - Campuchia thời Nguyễn", thấy đăng đi đăng lại trên các trang web tiếng Việt. Tác giả cho rằng đường biên giới này "không phải là sáng tạo của chủ nghĩa thực dân Phương Tây" ; mà nó là "sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia".

biengioi0

Biên giới Việt Nam - Campuchia

Bài viết dựa trên một số "sơ đồ - croquis" của "Đại nam nhất thống dư đồ", mô tả sơ lược địa giới giữa Cao Miên với Hà Tiên và An Giang, đồng thời cùng các sự kiện lịch sử vào các thế kỷ 17, 18.

Nhận xét đầu tiên của tôi là bài viết này tác giả không mô tả (hay phác họa) được toàn bộ đường biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, mà chỉ nói (hết sức sơ lược) về đường biên giới giữa Campuchia với hai tỉnh Hà Tiên và An Giang (gồm Long Xuyên và Châu Đốc). Tức chỉ đề cập biên giới từ biển đến sông Cửu Long (Hậu giang) mà thôi.

Trong khi trên thực tế, đường biên giới này còn kéo dài lên phía bắc, qua các tỉnh (một số mới được sáp nhập vào Việt Nam sau này), như Tây Ninh, Phước Long, Darlac, Pleiku cho tới tỉnh Kon Tum.

Nếu ta có đọc lịch sử, mỗi vùng (đất ghi trên) sáp nhập vào Việt Nam là cả một "trường thiên lịch sử" đầy éo le gay cấn (vì sự chống đối dai dẵn của phía Campuchia mà chuyện này không nói ở đây) !

Rõ ràng tác giả đã kết luận sai. Các vua nhà Nguyễn không hề "chinh phục" các vùng đất (nay là "cao nguyên" Trung Phần). Biên giới các tỉnh, từ Phước long (gồm Bình phước và Lộc Ninh) cho tới Darlac, Pleiku, Kontum hoàn toàn là "sáng kiến của chủ nghĩa thực dân phương Tây" (sic !).

Nếu Pháp không vào Việt Nam, ta không thể biết số phận của Campuchia và vùng đất "lục tỉnh" sẽ ra rao.

Nếu có nghiên cứu lịch sử ta thấy đây là vùng "biên giới sống - frontière vivante". Tức là biên giới vùng này co giãn tùy theo tương quan lực lượng giữa các bên Việt Nam và Thái Lan. Có lần Việt Nam "mở rộng" lãnh thổ qua tới Nam Vang. Nhưng cũng có lần Việt Nam phải rút về phòng thủ cho tới Tây Ninh.

Đất của Campuchia, đến năm 1914, toàn bộ khu vực tả ngạn sông Cửu Long thuộc về Thái Lan. Hiệp ước phân định biên giới năm 1914 Pháp mới mới lấy lại được vùng này trả lại cho Campuchia. Tức là biên giới của Campuchia cũng là "sáng kiến của chủ nghĩa thực dân phương Tây".

Về biên giới vùng Hà Tiên - Châu Đốc, theo tôi, ý kiến của tác giả là "lợi bất cập hại".

Tác giả viết : "thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo : từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này".

Theo tác giả đường biên giới khu vực này con kinh Vĩnh Tế.

Lợi bất cập hại là vì "bọn Tây thực dân" đã phân định biên giới đoạn này vào ngày 15 tháng bẩy năm 1873. Theo đó đường biên giới là đường song song với kinh Vĩnh Tế, cách kinh này 1.200 mét, được đánh dấu từ cột mốc số 107 đến cột số 124.

Tức là, nếu "chiếu theo lịch sử" như tác giả, (khoan nói tới các vùng đất như Darlac, Pleiku, Kontum), Việt Nam sẽ phải trả lại cho Campuchia 1.200 mét đất dọc theo kinh Vĩnh Tế.

Hiệp định phân định biên giới năm 1985, Việt Nam đã nhượng lại cho Campuchia hơn 1000 mét. Theo hiệp định này đường biên giới đi song song cách bờ bắc kênh Vĩnh Tế khoảng 150m (một trăm năm mươi mét) cắt rạch Giang Thành (Stoeng Tonhon) đến điểm có tọa độ 1164.200 – 456.450.

Tức là biên giới hiện nay là đường song song với kinh Vĩnh Tế, cách kinh này 150 mét, ở bờ phía bắc.

Theo tôi, biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là một mặt là sản phẩm của "thực dân Tây phương", mặt khác là do hệ quả của tập quán quốc tế "Uti Possidetis". Theo tập quán này, trước khi độc lập đất đó của anh thì sau khi độc lập anh tiếp tục sở hữu nó.

Mà tập quán "uti possidetis" cũng là một "sáng tạo của chủ nghĩa thực dân phương Tây".

Theo tôi, "bài Tây" quá hay là "thân Tàu" quá cũng đều không tốt.

Bằng chứng là bài viết này của tác giả Vũ Đức Liêm. Những tay chính trị gia "dân tộc chủ nghĩa" như Sam Rainsy sẽ mừng như bắt được vàng khi đọc bài này.

Ông học giả Đinh Kim Phúc có hỏi chơi rằng ông Sam Rainsy đã trả bao nhiêu tiền để tác giả viết như vậy ?

Còn tôi, Việt Nam không trả tôi xu nào, nhưng tôi cũng viết cho bà con biết là nhờ bọn Tây thực dân mà biên giới khu vực này là đường song song với kinh Vĩnh Tế, cách kinh này 1.200 mét. Kinh Vĩnh tế hoàn toàn nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

(Không biết sao, chắc phải hỏi TS Trần Công Trục, hiệp định năm 1985 lại nhượng lại cho Campuchia 1050 mét đất. Tức nhượng một dải đất dài bằng chiều dài kinh Vĩnh Tế, song song với kinh này, bề rộng là 1050 mét).

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 23/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 1181 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)