Việt Nam – Trung Quốc tổ chức "giao lưu quốc phòng biên giới" lần thứ tư từng bị hủy bỏ hồi Tháng Sáu vừa qua vì chuyện khai thác dầu khí Biển Đông làm mối quan hệ giữa hai nước đột ngột căng thẳng.
Tướng Ngô Xuân Lịch và tướng Phạm Trường Long chụp hình chung tại cuộc "giao lưu quốc phòng biên giới". (Hình : Bộ Quốc phòng Việt Nam)
Trang mạng của Bộ quốc phòng Việt Nam hôm Thứ Bảy 23/9/2017 đưa tin kèm theo một số hình ảnh về cuộc "giao lưu" gồm nhiều chương trình khác nhau diễn ra tại tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, kéo dài hai ngày 23 và 24/9.
Chương trình "giao lưu" quy mô dự trù diễn ra ngày 20/6/2017 đã được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều thắng trước, đột ngột bị hủy bỏ vì người cầm đầu phái đoàn của Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đột ngột rời Hà Nội về nước sau khi họp với các lãnh tụ cầm đầu chính trị và quân sự của Việt Nam.
Khi ông Phạm Trường Long đến Hà Nội ngày 18/6/2017, TTXVN và các tờ báo chính thông tường thuật với các lãnh tụ Hà Nội với những lời lẽ tốt đẹp về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cộng sản anh em "núi liền núi, sông liền sông". Nhưng khi ông Phạm đột ngột bỏ về thì sau đó Bộ quốc phòng Trung Quốc mới có một thông báo ngắn, nói do "sắp xếp lịch làm việc".
Tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ, khi ở Hà Nội, ông Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý) tuy hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng có cái vạch chủ quyền hình "Lưỡi Bò" của Trung Quốc vắt chéo qua. Trước sự đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hà Nội đã phải buộc nhà thầu Rapsol bỏ ngang cuộc khoan tìm tại lộ 136-3 được đặt tên là dự án Cá Rồng Đỏ.
Theo Bộ quốc phòng Việt Nam đưa tin, cuộc giao lưu diễn ra tại Lai Châu và Vân Nam trễ ba tháng vẫn có mặt ông Phạm Trường Long cầm đầu phái đoàn quân đội Trung Quốc như một dấu chỉ cho thấy hai bên đang cố gắng đẩy lùi sự căng thẳng trong mối quan hệ, thay vì Bắc Kinh cử một nhân vật khác.
Lễ đón Thượng tướng Phạm Trường Long tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu, Việt Nam) ngày 23/9/2017. (Hình : Bộ Quốc phòng Việt Nam)
"Tại buổi tọa đàm được tổ chức sau lễ đón đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu), lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước thống nhất tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ quốc phòng thông qua nhiều cơ chế hợp tác". Bản tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam viết hôm 23/9/2017.
Nguồn tin này kể, "cùng với chương trình tọa đàm, sẽ có lễ khánh thành nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô, xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, Lai Châu) ; lễ sơ kết 2 năm kết nghĩa cụm dân cư bản Pô Tô và thôn Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà (Trung Quốc) ; diễn tập liên hợp chống tội phạm xuyên biên giới. Tại Trung Quốc, hai bên sẽ thực hiện nghi lễ chào cột mốc 66, tham quan tuần tra chung, hội đàm…".
"Những năm qua, các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên thực hiện cơ chế hội đàm, trao đổi nghiệp vụ định kỳ ; chủ động trao đổi thông tin, xử lý thỏa đáng các vụ việc liên quan xảy ra trên biên giới. Các cuộc tuần tra chung trên biên giới được tiến hành thường xuyên, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc cũng được tổ chức trên toàn tuyến biên giới thông qua mô hình kết nghĩa "Đồn - Trạm hữu nghị - Biên giới bình yên", "Đồn trạm hữu nghị - Cửa khẩu hài hòa". Các cụm dân cư hai bên biên giới đã và đang được triển khai rộng rãi".
Tướng Nguyễn Chí Vịnh và tướng Phạm Trường Long chụp hình chung tại cuộc "giao lưu quốc phòng biên giới". (Hình : Bộ Quốc phòng Việt Nam)
Trước khi có cuộc "giao lưu quốc phòng biên giới" được tái tục, Việt Nam đã cử ông phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sang Trung Quốc gặp phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ hôm 11/9/2017 rồi sau đó Bắc Kinh cho Lưu Vân Sơn, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Hà nội ngày 19/9/2017 vừa qua.
Người ta tin rằng cả hai cuộc trao đổi này nằm trong một chuỗi hoạt động mở lại cuộc "giao lưu biên giới quốc phòng" và chuyến thăm Việt Nam và dự Diễn đàn APEC vào tháng 11 tới đây tại Đà Nẵng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm tiếp ông Lưu Vân Sơn, TTXVN tường thuật lời ông Lưu Vân Sơn nói với ông thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc rằng hai nước "cùng chung một vận mệnh" vì cùng theo chủ nghĩa cộng sản và kêu gọi "Đảng và Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Đảng và Nhà nước Việt Nam ; mong muốn cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển tốt đẹp lên tầm cao mới".
Đáp lại, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng "đề nghị hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại trong hợp tác song phương, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hợp tác".
Dịp này, ông Phúc còn được TTXVN thuật lời đề nghị Trung Quốc "cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông ; tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ; cùng các nước ASEAN sớm đàm phán thực chất để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)".
Cái mấu chốt của vấn đề Biển Đông là Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chiếm 80% đến 90% Biển Đông là của họ "từ ngàn xưa" và không chấp nhận đàm phán.
Cuộc "giao lưu quốc phòng biên giới" tuy được nối lại nhưng giúp được bao nhiêu trong mối quan hệ chính trị giữa hai nước khi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông vẫn còn bế tắc.
(Website của Bộ quốc phòng Việt Nam đã thay đổi cả loạt hình đăng tải vào buổi chiều. Các hình buổi sáng có nội dung "formal" và có ít nụ cười của cả hai bên. Trong khi loạt hình buổi chiều cho thấy nội dung "giao lưu" nhiều hơn, có cả hình 2 tướng Lịch và Long múa trên sân khấu với nhân dân 2 bên biên giới).
Ngô Đồng
Nguồn : VOA, 24/09/2017