Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2017

BOT "no" rồi, bớt ăn đi !

Lưu Vĩnh Hy

Các trạm thu phí BOT giao thông gây "sốt" trong thời gian qua bởi những bất hợp lý của hình thức đầu tư này.

Trước hết, việc bố trí, xây dựng các dự án khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác mà buộc phải sử dụng, gây cảm giác phí chồng phí. BOT sử dụng vốn xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng nhưng toàn bộ quá trình thực hiện dự án đó như được bảo mật, không có sự giám sát chặt, dễ dẫn đến bị các nhóm lợi ích chi phối.

bot1

BOT sử dụng vốn xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng, nếu không có sự giám sát chặt, dễ dẫn đến bị các nhóm lợi ích chi phối.

Chính Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những bất cập của dự án BOT, trong đó nhấn mạnh các sai phạm chủ yếu như : gần 100% dự án BOT (và BT) đều chỉ định thầu ; phần lớn các dự án là cải tạo nâng cấp các tuyến đường ; nguồn vốn xã hội hóa nhưng thực chất là vốn vay của ngân hàng lãi suất cao, đẩy giá trị đầu tư các dự án tăng cao, đưa đến hệ quả thu phí cao, kéo dài trong khi công tác kiểm toán buông lỏng…

BOT làm chi phí vận tải hàng hóa tăng lên khiến giá hàng hóa cũng té nước theo mưa. Có nơi BOT khiến chi phí vận tải tăng 300%, cá biệt có nơi tăng 500%.

Những bất cập đó thể hiện rất rõ ràng trong những xung đột gần đây giữa người dân (khách hàng của BOT), như ở BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Biên Hòa (Đồng Nai), Quốc lộ 5 (Hưng Yên)…, gây bất ổn xã hội, đe dọa an toàn giao thông đường bộ.

Cuối cùng thì Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thấy những "lỗ hổng" của các trạm BOT. Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ điều chỉnh theo hướng giảm mức phí. Khoảng 60%-70% các dự án BOT sau rà soát sẽ được điều chỉnh giảm mức phí đường bộ, thời gian thu phí giới hạn tối đa không quá 30 năm.

Việc rà soát được thực hiện như thế nào là điều người dân cần biết để giám sát. Tốt nhất là nên kiểm toán độc lập để biết nguồn vốn đầu tư ; tính toán lại lưu lượng xe hiện tại, trong tương lai và nhiều yếu tố cấu thành khác để xác định mức phí, thời gian thu phí và nên công khai để người dân, các cơ quan giám sát biết.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mức giảm phí các trạm BOT được rà soát xong dự kiến có thể dao động từ 5%-25%. Tỉ lệ này tuy nhỏ nhưng cũng cho thấy thời gian qua, các trạm BOT đã "ăn no" như thế nào.

Một vấn đề khác là trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ, có 10 trạm khoảng cách 60-70 km, 20 trạm khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT. Những bất cập này phải giải quyết, không để người dân bị bao vây bởi "ma trận" trạm BOT. Còn một vấn đề khác về lâu về dài phải tiến hành là ngoài các tuyến đường đặt trạm BOT, phải có tuyến đường khác để người dân lựa chọn, nếu không thì tính chất BOT sẽ bị biến tướng. Sau này, tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, từ Bắc vào Nam gần như tuyến nào cũng đều phải đóng phí và BOT chồng BOT, kể cả Quốc lộ 1 !

Lưu Vĩnh Hy

Nguồn : Người Lao Động, 23/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)