Hà Tĩnh : Dân phản ứng dữ dội chính quyền cho đào chân đê chôn hải sản nhiễm độc
Ngày 1/10/2017, đông đảo người dân Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh đã đồng loạt phản ứng dữ dội trước việc nhà cầm quyền cho đào chân đê ngăn nước biển để chôn lấp thủy sản nhiễm độc hôi thối.
Rước voi về giày mả tổ, tự đào hố chôn mình
Sáng 1/10, một chiếc máy xúc đã được điều động đến đào một hố lớn ngay chân đê ngăn nước biển để chôn lấp cá mực và một số hải sản hôi thối nhiễm độc. Khi người dân phát hiện việc chiếc máy đào hố hoạt động bất thường thì đã chú ý và khi một số xe tải chở đầy thùng xốp đựng cá mực nhiễm độc đến để chôn lấp thì tất cả người dân nơi đây đã đồng loạt phản ứng và ngăn chặn.
Lê Đình Thảo, trưởng công an và, Mai Văn Dy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh
Điều đáng nói là nhà cầm quyên đã cho đào hố ngay tại chân đê ngăn nước biển. Đây là con đê Đồng Môn bảo vệ cả khu vực Thành phố Hà Tĩnh và cả vùng lân cận của huyện Thạch Hà với hàng chục vạn người dân trước nạn triều cường và mưa bão hàng năm. Con đê này được đắp ngăn mặn dọc theo sông Cày ra đến biển.
Việc đào ngay chân đê để chôn lấp chất hữu cơ là một việc làm hết sức... quái gở của nhà cầm quyền, đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ đê điều.
Người ta không hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu sự việc này không bị phát hiện, chỉ trong vài tháng nữa thôi khi mưa bão hoành hành, lỗ hổng chân đê này sẽ tạo thành điểm phá vỡ thân đê và tai họa cho dân chúng ở đây sẽ là khủng khiếp, đó là chưa nói đến các chất độc sẽ theo dòng nước tràn vào khu vực dân sinh.
Người dân còn nhớ, trước đây, giáo xứ Văn Hạnh khi xây nhà cho tu sinh, móng nhà nằm trong khuôn viên nhà xứ, cách chân đê rất xa, nhưng đã bị nhà cầm quyền ngăn chặn phải bỏ dở vì lý do: Bảo vệ đê điều. Thế nhưng đến nay thì chính nhà cầm quyền lại đào ngay chân đê để chôn hải sản nhiễm độc.
Vị trí đào hố chôn hải sản nhiễm độc hôi thối này cách Nhà thờ Giáo họ Hạnh Tiến chỉ mấy trăm mét. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư tại Giáo họ này và là nơi sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của hàng ngàn người dân nơi đây. Việc đưa hải sản nhiễm độc vào chôn cạnh khu dân cư, sẽ ô nhiễm nặng nề nguồn nước ngầm sử dụng sinh sống của người dân nơi đây là điều chắc chắn.
Vị trí đào hố chôn hải sản nhiễm độc hôi thối này cách Nhà thờ Giáo họ Hạnh Tiến chỉ mấy trăm mét.
Người ta chưa rõ vì sao mà nhà cầm quyền lại hành động như vậy? Chẳng lẽ họ không biết những chất độc hại này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng khiếp cho đời sống dân sinh ở đây?
Ban đầu, người dân còn ngờ ngợ rằng có thể là do một số cá nhân hoặc tổ chức nào đó đào chôn trộm. Nhưng khi thấy cách phản ứng của người dân và động tác của chính quyền địa phương thì người ta hiểu rõ đây là chủ trương rõ ràng.
Phản ứng, tự cứu mình
Người dân nhất loạt phản ứng dữ dội.
Việc phản ứng ban đầu đã không được sự chú ý của chính quyền địa phương. Khi người dân bao vây, một số người mang sắc phục cảnh sát đến hiện trường, người dân yêu cầu dừng việc đào chôn lấp và lập biên bản, kết hợp với chính quyền địa phương nhưng cán bộ địa phương đến hiện trường sau đó bỏ đi hết.
Chính quyền địa phương ở đây trong những trường hợp xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến đời sống, an ninh của người dân thì thường giải quyết bằng cách... chuồn sạch, để cho đến khi nào dân mỏi thì tự giải tán.
Sau mấy tiếng đồng hồ cán bộ không làm việc dù dân vẫn biết có cả chủ tịch xã Mai Văn Dy và Trưởng Công an Xã Lê Đình Thảo cũng như cán bộ công an Thành phố tăng cường tên là Hùng ở khu vực đó. Nhiều người dân quá bức xúc đã rải hải sản trong các thùng xốp ra đường Quốc lộ 1A và kiên quyết ngăn chặn việc chôn lấp. Đồng thời dân đã gọi điện thoại đến chính quyền Thành phố yêu cầu có sự giải quyết thích đáng.
Đến khi đó cán bộ xã từ chủ tịch đến Công an xã mới có mặt đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân.
Dân đã yêu cầu lập biên bản, có sự chứng kiến của Cảnh sát môi trường và bộ phận bảo vệ đê điều.
Điều đáng nói, là chỉ cho đến khi đó, chủ tịch xã Mai Văn Dy mới đứng ra xin lỗi người dân.
Người dân kiên quyết hành động mạnh, thậm chí sẵn sàng rải hải sản này ra chặn đường Quốc lộ 1A để gây áp lực
Nhưng tất đã quá muộn cho một lời xin lỗi vào lúc bấy giờ khi mà cả hàng trăm con người đã phơi giữa nắng mấy tiếng đồng hồ để chờ đợi trong phẫn uất. Đám đông đã yêu cầu cho biết ai chịu trách nhiệm về việc đào chân đê gần nơi dân sinh sống để chôn chất nhiễm độc ?
Trước sự bức xúc quá lớn của người dân, Ban hành giáo họ Hạnh Tiến đã phải kêu gọi người dân hết sức kiềm chế, không manh động. Nhưng cơn giận của người dân không dừng lại khi chủ tịch xã chỉ xin lỗi dân bằng... miệng. Bởi họ biết kết quả của những việc xin lỗi này sẽ là hòa cả làng. Người dân kiên quyết hành động mạnh, thậm chí sẵn sàng rải hải sản này ra chặn đường Quốc lộ 1A để gây áp lực yêu cầu nhà cầm quyền giải quyết.
Sau đó linh mục quản xứ đã phải đến hiện trường thì cán bộ mới chịu lập biên bản. Tại biên bản xác nhận sự việc, chủ tịch UBND xã Thạch Trung Mai Văn Dy đã phải nhận trách nhiệm, xin lỗi người dân về việc rước chất độc về chôn tại khu dân sinh và đào chân đê chôn chất thải độc.
Chỉ đến khi đó, người dân mới chịu giải tán khỏi hiện trường.
Môi trường đang bị đầu độc nặng nề và người dân tiếp tục là nạn nhân
Cũng cần nói thêm rằng vùng Thạch Trung là điểm cuối của nơi thoát nước biển của thành phố Hà Tĩnh đổ thẳng ra sông Cày. Con sông này ngày trước là nguồn sống của người dân cả khu vực rộng lớn nơi đây, là nguồn cung cấp thủy, hải sản và là nơi sinh hoạt của nhiều ngàn dân xung quanh. Thời gian gần đây, tất cả hệ thống nước thải của bệnh viện, các nhà hàng, cơ sở công nghiệp, nước sinh hoạt... đã được dẫn thẳng xuống đổ tràn lên khu vực xã này, nhất là làng Văn Hạnh.
Gần đây, một hệ thống mương dẫn nước thải không qua xử lý đã đang được thi công, nhằm gom toàn bộ nước thải thành phố về đây cho dân được "hưởng" rồi đổ thẳng ra sông Cày.
Và con sông này đang chết bởi rác và chất ô nhiễm.
Thế nhưng, chính quyền địa phương và thành phố, tỉnh Hà Tĩnh đã không hề quan tâm đến vấn đề này.
Những cánh đồng trước đây người dân cày cấy, đánh cá, chăn nuôi thủy sản và sinh hoạt nay đã không ai dám lội xuống.
Làng Văn Hạnh là Sở hạt của Giáo hạt Văn Hạnh và tương lai được chọn là cơ sở của Giáo phận mới. Những cuộc lễ lớn, hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn người sẽ đổ về đây.
Cư dân tại làng này là 4.600 người sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Đại thảm họa Formosa đã làm cho nhiều hộ dân tại đây điêu đứng, cho đến nay vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Bên cạnh đó, con số người dân ung thư ngày càng tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi, đó là một thực tế mà trước đây người dân chưa nhận ra. Nhưng nay người dân đã hiểu rằng nguồn nước thải từ Thành phố đổ về cho họ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Do vậy, việc chính quyền cho đào chân đê, chôn lấp hải sản độc hại ngay tại khu dân sinh là việc đổ thêm dầu vào lửa.
Người dân nơi đây sẽ còn tiếp tục hứng chịu những thảm họa bệnh tật trong tương lai gần, khi mà những chất độc hại từ cả Thành phố sẽ tiếp tục đổ về đây, nếu chính quyền Thành phố không có những biện pháp xử lý thích đáng cho nước thải trước khi đổ ra môi trường một cách vô trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 1/10/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh