Cuối cùng, Miến Điện cũng đã mở cửa với thế giới bên ngoài. Họ hơi bị chậm nên thực đơn trong hàng quán ở đất nước này – phần lớn – vẫn chỉ cứ in những dòng chữ Miến (ngoằn nghoèo, bí hiểm) và tuyệt nhiên không hề có hình ảnh gì minh hoạ đi kèm ráo trọi.
Thực khách, bởi thế, thường rất cô đơn (và vô cùng hồi hộp) khi phải đối diện với những lựa chọn khó khăn. Gọi lầm thức ăn là chuyện tự nhiên, và cũng thường xuyên, y như… cơm bữa.
Dĩ thực vi tiên !
Và (chắc) vì vậy nên sân bay Mandalay và Yangon trông đìu hiu thấy rõ, so với sự tấp nập và ồn ào của phi trường Don Mueang hay Suvarnabhumi của Thái.
Thực phẩm của Thái Lan thì khó ai có thể phàn nàn, nhất là người Việt. Gừng, nghệ, sả, riềng, tiêu tỏi, ớt hành, mắm muối… đều là những gia vị thân thuộc đối với khẩu vị của cả hai dân tộc này. Nhiều tiệm ăn bình dân ở thủ đô Bangkok còn thuê người Việt nữa.
Loanh quanh Vọng Các, tôi thử óc quan sát (cùng trực giác) của mình nhiều lần, và rất ít khi bị trật :
– O là dân Hà Tĩnh, đúng không ?
– Dạ !
Tiếng "dạ" rụt rè, với nụ cười hiền lành và niềm vui (không dấu) trên nét mặt người đối diện khiến cho kẻ tha hương chợt cảm thấy có cảm giác ấm lòng. Đôi khi, tôi cũng trật nhưng chưa bao giờ xa quá :
– Dạ không, con ở Diễn Châu mà.
Hoặc :
– Cháu người Quảng Bình, chú à.
Hay :
– Không phải mô, quê con ở Huế tề.
Theo Tiến s Nguyễn Ngọc Lan (Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á – The Institute of Southeast Asian Studies) có hơn năm trăm ngàn lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong số này khoảng 50 ngàn người đang làm việc tại Thái Lan. Tất nhiên, chưa kể số người "làm chui" được gọi một cách lịch sự là những công nhân không có giấy tờ – undocumented workers.
Tuy là một lực lượng lao động đáng kể và cần thiết cho nước Thái, người Việt đến xứ sở này chưa bao giờ được đón nhận một cách đàng hoàng tử tế. Không những thế, "nhiều kẻ còn bị bạc đãi bởi giới chủ nhân với đồng lương bóc lột, đến mức gần như phải làm việc trong môi trường nô lệ, và thường bị bắt bớ bởi giới chức có thẩm quyền" (many workers are underpaid, even to the point of almost slave labour conditions, mistreated by employers and often arrested by authorities) theo như nhận xét ("Vietnamese workers in Thailand : lesser known but valuable labour source") của Christopher F. Bruton – Executive Director of Dataconsult Ltd – đọc được trên Bangkok Post hôm 21/7/2016.
Ở ngoại ô Vọng Các, trong khu chợ Yong Charoen, có một cái quán (không biết tên CHI) mà cả ba cô giúp việc đều là người Hà Tĩnh nên tôi gọi là "Quán Ba O". Chúng tôi hay đến đây vì gần chỗ trọ, vì giá cả vừa phải, và vì được "cố vấn" về những món nhậu (ngon rẻ) cùng với thái độ thân thiện của những o đồng hương rất hiền ngoan và vô cùng chân chất.
Cứ nhìn thấy Ba O Hà Tĩnh, cùng nụ cười rất tươi tuy hơi bẽn lẽn là tôi lại nhớ đến bốn câu thơ của Hồ Dzếnh :
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Quán mở cửa từ 11 giờ sáng đến tận khuya. Nhiều đêm không làm việc được, tà tà ra quán uống vài ly, chúng tôi vẫn thấy "Ba O Hà Tĩnh" đang tất bật với những công việc chả nhẹ nhàng gì : lau dọn, rửa chén, chạy bàn… Hỏi thăm mới biết là dù làm việc đủ bẩy ngày một tuần, mỗi ngày trên 12 tiếng, hàng tháng cả ba chỉ được trả số tiền vô cùng khiêm tốn (200 mỹ kim) chỉ bằng nửa số lương tối thiểu – theo qui định hiện thời của Bộ Lao động Thái.
Điều an ủi là chủ quán cho ở trọ không phải trả tiền nhà, và chuyện ăn uống tại chỗ – tất nhiên – cũng hoàn toàn miễn phí. Nhờ vậy, tiền công của cả ba o đều gửi hết về quê để nuôi mấy đứa em và bố mẹ già. Ở Hà Tĩnh, theo lời của họ : "Biết làm chi cho ra tiền được !".
Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng về đói nghèo, và "hầu như năm nào chính quyền cũng than thở là phải ‘còng lưng’ xin gạo". Địa phương này còn được cả thế giới biết đến "về sự cố môi trường biển" và là nơi chôn lấp chất phế thải của công ty Formosa.
Tuy thế, Báo Hà Tĩnh (số ra ngày 24/10/2016) vẫn hớn hở cho hay :
"Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, những nhân sự đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… đều là người Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh không chỉ vinh quang bởi các bộ trưởng, tư lệnh ngành mà Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người".
Giới tinh hoa của Hà Tĩnh, rõ ràng, hơi đông. Số người dân lưu lạc của tỉnh này cũng thế, cũng đông hơn rất nhiều nơi khác. Dường như có tỉ lệ thuận giữa con số "bộ trưởng, tư lệnh ngành, và ủy viên trung ương trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng" của Hà Tĩnh với đám con dân của địa phương này đang phải sống đời lưu lạc.
Thảo nào mà dịch giả Phạm Nguyên Trường đã rất cẩn thận với hạn từ "tinh hoa" khi chuyển ngữ :
Nghĩa của từ ELITE : the richest, most powerful, best-educated, or best-trained group in a society cho nên nếu luôn luôn dịch là TINH HOA thì e rằng không đúng. Ví dụ, người nước ngoài khi nói về giới viết lách ở Việt Nam có thể sẽ coi Đoàn Hương, Hữu Thỉnh, Hồng Thanh Quang, Tạ Bích Loan… là nhóm elite trong văn giới, hay Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng là nhóm elite trong chính trị…, nhưng nếu mình dịch lại thì mình chỉ viết "thuộc giới ăn trên ngồi trốc" mà thôi.
Dịch thuật như thế e hơi thiếu phần "thanh lịch" nhưng thực khó mà gọi đám người hiện đang cầm quyền ở Việt Nam (nói chung) và mười mấy vị ủy viên trung ương đảng của Hà Tĩnh (nói riêng) bằng một hạn từ khác được. Tiểu luận ("Những cơ hội & thách đố cho lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan") của Linh mục Antôn Lê Ngọc Đức, SVD, còn cho thấy rằng họ không chỉ là "bọn ăn trên ngồi trốc" mà còn là "đám ăn không ngồi rồi" nữa :
"…hầu hết đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn…
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo… thường dành cho lao động nữ.
Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia…
Đối với lao động từ các nước như Lào và Miến Điện được đăng ký hợp pháp, mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe để được điều trị tại bệnh viện chính phủ với những quyền lợi tương đương với công dân Thái. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam thì mỗi khi lâm bệnh hoặc gặp tai nạn và đi điều trị tại bệnh viện thì phải tự túc hoàn toàn".
Hà Tĩnh có nhân sự đứng đầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước và cả đống ủy viên Trung ương đảng mà năm nào cũng ngửa tay đi xin gạo, và con dân địa phương thì phải tha phương cầu thực khắp nơi (làm việc như nô lệ ở xứ người) để có tiền gửi về nhà cứu đói thì có hãnh diện chi mà khoe khoang về cái "bọn ăn trên ngồi trốc" và cái "đám ăn không ngồi rồi" này !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : VNTB, 11/6/2023
Giáo hoàng thiết lập giáo phận Hà Tĩnh (VOA, 24/12/2018)
Giáo hoàng Francis vừa thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh, và bổ nhiệm Linh mục Nguyễn Thái Hợp, hiện là Giám mục Giáo phận Vinh, làm Giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh, theo Vatican News.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp và cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Hà Nội. (Ảnh chụp từ Facebook Ted Osius)
Trong một thông báo hôm 22/12, Phòng Báo chí Tòa thánh Vatican cho biết : "Giáo phận mới Hà Tĩnh [tiếng Latinh : Dioecesis Hatinhensis] ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình".
Thông báo của Vatican cho biết, Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Hà Tĩnh toạ lạc tại giáo xứ Văn Hạnh. Giáo phận Hà Tĩnh thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, là giáo phận thứ 27 của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Ngoài ra, Giáo hoàng Francis còn bổ nhiệm Linh mục Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hoá, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh, thay cho Giám mục Nguyễn Thái Hợp.
Tuy nhiên, Vatican không cho biết nguyên nhân của việc bổ nhiệm và điều chỉnh này.
Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, tân Giám mục Hà Tĩnh Nguyễn Thái Hợp, 73 tuổi, từng phụ trách Giáo phận Vinh trong 8 năm qua, "sẽ coi sóc giáo phận mới với diện tích hơn 14 ngàn km vuông với 241.112 tín hữu Công giáo và 96 giáo xứ".
Linh mục Nguyễn Hữu Long, 65 tuổi, làm Giám mục Phụ tá Hưng Hóa từ năm 2013, "sẽ phụ trách Giáo phận Vinh được điều chỉnh có diện tích hơn 16 ngàn km vuông với 281.934 số tín hữu Công giáo và 93 giáo xứ".
*******************
Tân giáo phận Hà Tĩnh tách ra từ Vinh (RFA, 24/12/2018)
Hội thánh Công giáo Việt Nam vừa có thêm một giáo phận mới là Giáo phận Hà Tĩnh.
Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám mục đầu tiên của Giáo phận Hà Tĩnh - Courtesy vaticannews
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican công bố quyết định vừa nêu vào ngày 22 tháng 12 vừa qua. Người phụ trách giáo phận Hà Tĩnh là Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp.
Giáo phận Hà Tĩnh được tách ra từ Giáo phận Vinh và đến khi có quyết định mới công bố của Tòa Thánh Vatican thì Giám mục Nguyễn Thái Hợp là vị chủ chăn của giáo phận Vinh.
Nay Giám mục Nguyễn Thái Hợp được điều về làm giám mục tiên khởi cho giáo phận Hà Tĩnh ; còn Giáo phận Vinh do Giám mục Nguyễn Hữu Long đảm trách.
Trước khi được điều về Vinh, Giám mục Nguyễn Hữu Long đảm trách chức vụ phụ tá giáo phận Hưng Hóa.
Tin cho biết Giáo phận Hà Tĩnh gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa được đặt tại Giáo xứ Văn Hạnh. Giáo phận Hà Tĩnh thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.
Như thế đến nay Giáo hội Việt Nam có 27 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh : Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Tổng số giáo dân Công giáo La Mã tại Việt Nam được thống kê chừng 7 triệu người trên tổng số 96 triệu dân hiện nay.
Vào ngày 19 tháng 12 vừa qua Nhóm Làm việc hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam tiến hành phiên họp lần thứ 7 tại thủ đô Hà Nội. Một thỏa thuận được công bố sau phiên họp là hai phía hướng đến nâng cấp mối quan hệ từ vị Đại diện không Thường trú của Vatican tại Việt Nam lên Đại diện Thường trú.
Vị Khâm sứ Tòa Thánh Vatican cuối cùng tại miền nam Việt Nam trước đây là Giám mục Henri Lemaitre. Ông phải rời Việt Nam vào ngày 19 tháng 12 năm 1975.
Hà Tĩnh : Dân phản ứng dữ dội chính quyền cho đào chân đê chôn hải sản nhiễm độc
Ngày 1/10/2017, đông đảo người dân Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh đã đồng loạt phản ứng dữ dội trước việc nhà cầm quyền cho đào chân đê ngăn nước biển để chôn lấp thủy sản nhiễm độc hôi thối.
Rước voi về giày mả tổ, tự đào hố chôn mình
Sáng 1/10, một chiếc máy xúc đã được điều động đến đào một hố lớn ngay chân đê ngăn nước biển để chôn lấp cá mực và một số hải sản hôi thối nhiễm độc. Khi người dân phát hiện việc chiếc máy đào hố hoạt động bất thường thì đã chú ý và khi một số xe tải chở đầy thùng xốp đựng cá mực nhiễm độc đến để chôn lấp thì tất cả người dân nơi đây đã đồng loạt phản ứng và ngăn chặn.
Lê Đình Thảo, trưởng công an và, Mai Văn Dy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh
Điều đáng nói là nhà cầm quyên đã cho đào hố ngay tại chân đê ngăn nước biển. Đây là con đê Đồng Môn bảo vệ cả khu vực Thành phố Hà Tĩnh và cả vùng lân cận của huyện Thạch Hà với hàng chục vạn người dân trước nạn triều cường và mưa bão hàng năm. Con đê này được đắp ngăn mặn dọc theo sông Cày ra đến biển.
Việc đào ngay chân đê để chôn lấp chất hữu cơ là một việc làm hết sức... quái gở của nhà cầm quyền, đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ đê điều.
Người ta không hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu sự việc này không bị phát hiện, chỉ trong vài tháng nữa thôi khi mưa bão hoành hành, lỗ hổng chân đê này sẽ tạo thành điểm phá vỡ thân đê và tai họa cho dân chúng ở đây sẽ là khủng khiếp, đó là chưa nói đến các chất độc sẽ theo dòng nước tràn vào khu vực dân sinh.
Người dân còn nhớ, trước đây, giáo xứ Văn Hạnh khi xây nhà cho tu sinh, móng nhà nằm trong khuôn viên nhà xứ, cách chân đê rất xa, nhưng đã bị nhà cầm quyền ngăn chặn phải bỏ dở vì lý do: Bảo vệ đê điều. Thế nhưng đến nay thì chính nhà cầm quyền lại đào ngay chân đê để chôn hải sản nhiễm độc.
Vị trí đào hố chôn hải sản nhiễm độc hôi thối này cách Nhà thờ Giáo họ Hạnh Tiến chỉ mấy trăm mét. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư tại Giáo họ này và là nơi sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của hàng ngàn người dân nơi đây. Việc đưa hải sản nhiễm độc vào chôn cạnh khu dân cư, sẽ ô nhiễm nặng nề nguồn nước ngầm sử dụng sinh sống của người dân nơi đây là điều chắc chắn.
Vị trí đào hố chôn hải sản nhiễm độc hôi thối này cách Nhà thờ Giáo họ Hạnh Tiến chỉ mấy trăm mét.
Người ta chưa rõ vì sao mà nhà cầm quyền lại hành động như vậy? Chẳng lẽ họ không biết những chất độc hại này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng khiếp cho đời sống dân sinh ở đây?
Ban đầu, người dân còn ngờ ngợ rằng có thể là do một số cá nhân hoặc tổ chức nào đó đào chôn trộm. Nhưng khi thấy cách phản ứng của người dân và động tác của chính quyền địa phương thì người ta hiểu rõ đây là chủ trương rõ ràng.
Phản ứng, tự cứu mình
Người dân nhất loạt phản ứng dữ dội.
Việc phản ứng ban đầu đã không được sự chú ý của chính quyền địa phương. Khi người dân bao vây, một số người mang sắc phục cảnh sát đến hiện trường, người dân yêu cầu dừng việc đào chôn lấp và lập biên bản, kết hợp với chính quyền địa phương nhưng cán bộ địa phương đến hiện trường sau đó bỏ đi hết.
Chính quyền địa phương ở đây trong những trường hợp xảy ra vụ việc ảnh hưởng đến đời sống, an ninh của người dân thì thường giải quyết bằng cách... chuồn sạch, để cho đến khi nào dân mỏi thì tự giải tán.
Sau mấy tiếng đồng hồ cán bộ không làm việc dù dân vẫn biết có cả chủ tịch xã Mai Văn Dy và Trưởng Công an Xã Lê Đình Thảo cũng như cán bộ công an Thành phố tăng cường tên là Hùng ở khu vực đó. Nhiều người dân quá bức xúc đã rải hải sản trong các thùng xốp ra đường Quốc lộ 1A và kiên quyết ngăn chặn việc chôn lấp. Đồng thời dân đã gọi điện thoại đến chính quyền Thành phố yêu cầu có sự giải quyết thích đáng.
Đến khi đó cán bộ xã từ chủ tịch đến Công an xã mới có mặt đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân.
Dân đã yêu cầu lập biên bản, có sự chứng kiến của Cảnh sát môi trường và bộ phận bảo vệ đê điều.
Điều đáng nói, là chỉ cho đến khi đó, chủ tịch xã Mai Văn Dy mới đứng ra xin lỗi người dân.
Người dân kiên quyết hành động mạnh, thậm chí sẵn sàng rải hải sản này ra chặn đường Quốc lộ 1A để gây áp lực
Nhưng tất đã quá muộn cho một lời xin lỗi vào lúc bấy giờ khi mà cả hàng trăm con người đã phơi giữa nắng mấy tiếng đồng hồ để chờ đợi trong phẫn uất. Đám đông đã yêu cầu cho biết ai chịu trách nhiệm về việc đào chân đê gần nơi dân sinh sống để chôn chất nhiễm độc ?
Trước sự bức xúc quá lớn của người dân, Ban hành giáo họ Hạnh Tiến đã phải kêu gọi người dân hết sức kiềm chế, không manh động. Nhưng cơn giận của người dân không dừng lại khi chủ tịch xã chỉ xin lỗi dân bằng... miệng. Bởi họ biết kết quả của những việc xin lỗi này sẽ là hòa cả làng. Người dân kiên quyết hành động mạnh, thậm chí sẵn sàng rải hải sản này ra chặn đường Quốc lộ 1A để gây áp lực yêu cầu nhà cầm quyền giải quyết.
Sau đó linh mục quản xứ đã phải đến hiện trường thì cán bộ mới chịu lập biên bản. Tại biên bản xác nhận sự việc, chủ tịch UBND xã Thạch Trung Mai Văn Dy đã phải nhận trách nhiệm, xin lỗi người dân về việc rước chất độc về chôn tại khu dân sinh và đào chân đê chôn chất thải độc.
Chỉ đến khi đó, người dân mới chịu giải tán khỏi hiện trường.
Môi trường đang bị đầu độc nặng nề và người dân tiếp tục là nạn nhân
Cũng cần nói thêm rằng vùng Thạch Trung là điểm cuối của nơi thoát nước biển của thành phố Hà Tĩnh đổ thẳng ra sông Cày. Con sông này ngày trước là nguồn sống của người dân cả khu vực rộng lớn nơi đây, là nguồn cung cấp thủy, hải sản và là nơi sinh hoạt của nhiều ngàn dân xung quanh. Thời gian gần đây, tất cả hệ thống nước thải của bệnh viện, các nhà hàng, cơ sở công nghiệp, nước sinh hoạt... đã được dẫn thẳng xuống đổ tràn lên khu vực xã này, nhất là làng Văn Hạnh.
Gần đây, một hệ thống mương dẫn nước thải không qua xử lý đã đang được thi công, nhằm gom toàn bộ nước thải thành phố về đây cho dân được "hưởng" rồi đổ thẳng ra sông Cày.
Và con sông này đang chết bởi rác và chất ô nhiễm.
Thế nhưng, chính quyền địa phương và thành phố, tỉnh Hà Tĩnh đã không hề quan tâm đến vấn đề này.
Những cánh đồng trước đây người dân cày cấy, đánh cá, chăn nuôi thủy sản và sinh hoạt nay đã không ai dám lội xuống.
Làng Văn Hạnh là Sở hạt của Giáo hạt Văn Hạnh và tương lai được chọn là cơ sở của Giáo phận mới. Những cuộc lễ lớn, hàng chục, thậm chí cả trăm ngàn người sẽ đổ về đây.
Cư dân tại làng này là 4.600 người sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Đại thảm họa Formosa đã làm cho nhiều hộ dân tại đây điêu đứng, cho đến nay vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Bên cạnh đó, con số người dân ung thư ngày càng tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi, đó là một thực tế mà trước đây người dân chưa nhận ra. Nhưng nay người dân đã hiểu rằng nguồn nước thải từ Thành phố đổ về cho họ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Do vậy, việc chính quyền cho đào chân đê, chôn lấp hải sản độc hại ngay tại khu dân sinh là việc đổ thêm dầu vào lửa.
Người dân nơi đây sẽ còn tiếp tục hứng chịu những thảm họa bệnh tật trong tương lai gần, khi mà những chất độc hại từ cả Thành phố sẽ tiếp tục đổ về đây, nếu chính quyền Thành phố không có những biện pháp xử lý thích đáng cho nước thải trước khi đổ ra môi trường một cách vô trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 1/10/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Vụ lúa xuân vừa qua, Hà Tĩnh là địa phương bị mất mùa hết sức nặng nề. Theo giới chức sở tại, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lên tới trên 20.000ha, trong đó hơn 12.000ha giống lúa Thiên Ưu 8 bị mất trắng.
Thiên Ưu 8 được VINASEED quảng cáo là giống lúa thuần, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là kháng bệnh đạo ôn. Ảnh : Lê Anh Hùng.
Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết : "Lịch sử gần 40 năm mới lặp lại đợt dịch đạo ôn như vụ xuân 2017. Mất hơn 11 vạn tấn lương thực, 1/3 tổng sản lượng lương thực cả năm cũng đồng nghĩa hơn 40 vạn người (1/3 dân số toàn tỉnh) có khả năng 'treo niêu'".
Với giá lúa 6.000 VNĐ/kg như hiện nay, ước tính, bà con nông dân ở tỉnh nghèo Miền Trung này bị thiệt hại đến hơn 660 tỷ VNĐ. Đối với một tỉnh có đến 80% dân số làm nông nghiệp và vẫn chưa hết choáng váng sau cú sốc mang tên Formosa, đây thực sự là một thảm hoạ.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhận định : "Vụ mất mùa vừa qua có nhiều nguyên nhân, bệnh đạo ôn có biến chủng. Có ảnh hưởng của thời tiết nhưng chỉ là một phần, không thể đổ lỗi hoàn toàn do thời tiết".
Đến thời điểm này, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc nhưng nhiều chuyên gia cho rằng "thủ phạm" của vụ mất mùa lịch sử này chính là giống lúa Thiên Ưu 8 nói trên. Vậy giống lúa này từ đâu ra ?
Bài "Thiên Ưu 8 trên đồng Quảng Điền" ngày 20/6/2016 trên website của Hội Nông dân Việt Nam viết "Trạm Khuyến nông huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, qua ba vụ theo dõi tại Quảng Điền nhận thấy giống lúa Thiên ưu 8 được Cty Cổ phần Giống cây trồng trung ương nghiên cứu chọn tạo…". Bài "Giống lúa thuần Thiên Ưu 8 đạt năng suất cao" trên báo Thanh Hóa Điện Tử ngày 16/5/2017 lại viết "Giống lúa thuần Thiên Ưu 8 là bộ giống chất lượng, do Công ty CP Giống cây trồng trung ương (VINASEED) chọn tạo, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là bộ giống chuẩn quốc gia và đã được đưa vào sản xuất chính thức tại tỉnh Thanh Hóa từ nhiều năm nay".
Trên website của VINASEED, bài "Lúa thuần Thiên Ưu 8" cho biết : "‘Chưa bao giờ thấy giống lúa nào tốt như thế’ – đó là nhận định chung của mọi người khi nhắc đến giống lúa thuần Thiên Ưu 8 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương nghiên cứu, chọn tạo" và "Những ngày đầu tháng 6, niềm vui đến với Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương khi giống lúa thuần năng suất, chất lượng Thiên Ưu 8 trở thành sản phẩm giống cây trồng duy nhất của Thủ đô được vinh danh trong danh sách 145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2014 (do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp trao tặng)". (Giống lúa lai F1 CNR 6206 của Trung Quốc thì được ghi rõ là "giống lúa lai ba dòng [C762A/RF106] do Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao, Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Trung Quốc chọn tạo".)
Bài "145 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nào được tôn vinh ?" trên báo điện tử Dân Việt ngày 7/6/2015 cho biết : "Giống lúa thuần năng suất, chất lượng Thiên Ưu 8" của Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương nằm trong nhóm 63 sản phẩm nông nghiệp được 3 cơ quan nói trên tôn vinh.
Tuy nhiên, trong bài "Lúa bạc trắng bông bất thường : ‘Sẽ hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân’" trên Dân Việt ngày 25/5/2016, Phó Tổng Giám đốc VINASEED Đỗ Bá Vọng lại nói "giống lúa Thiên Ưu 8 có xuất xứ từ Trung Quốc được công ty đưa vào Việt Nam và chính thức được công nhận là giống quốc gia năm 2015". Còn trong bài "Hà Tĩnh mất mùa lịch sử : Tại người hay tại trời ?" trên báo Lao Động ngày 16/6/2017 thì PGS.TS Vũ Văn Liết – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – cho biết : "Hai loại giống Thiên Ưu và Nhị Ưu là giống lúa lai nhập từ Trung Quốc về và chuyển cho dân trồng".
Như vậy, Thiên Ưu 8 là giống lúa Trung Quốc, hay giống lúa Việt Nam ? Và Thiên Ưu 8 là giống lúa lai hay lúa thuần ?
Trên website của mình, trên bao bì sản phẩm, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng, VINASEED khẳng định Thiên Ưu 8 là giống lúa thuần do chính họ "nghiên cứu" và "chọn tạo".
Chưa hết, các trang mạng chính thức đưa thông tin về giống lúa này còn khẳng định : giống lúa thuần Thiên Ưu 8 do Công ty CP Giống cây trồng trung ương chọn tạo đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công nhận là giống quốc gia theo Quyết định số 58/QĐ-TT-CLT ngày 5/3/2015.
Chính vì được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia nên Thiên Ưu 8 đã được một loạt tỉnh từ Nam Trung Bộ trở ra, trong đó có Hà Tĩnh, đưa vào cơ cấu giống lúa chủ lực. Năm 2016, do bị lũ lụt, Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn lúa giống, trong đó có 350 tấn Thiên Ưu 8 từ nguồn dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, không chỉ riêng giống do trung ương hỗ trợ mà cả giống do người dân mua trên thị trường cũng bị nhiễm bệnh.
Như vậy, phải chăng VINASEED quảng cáo Thiên Ưu 8 là giống lúa thuần do họ nghiên cứu và chọn tạo là hành vi lừa gạt khách hàng ? Và nếu vậy, hành vi này lại được tiếp tay, hay chính xác hơn là được hợp pháp hóa, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Mặc dù đã hai tháng trôi qua kể từ khi hiện tượng hàng chục ngàn ha lúa Thiên Ưu 8 ở Hà Tĩnh bị mất trắng được hàng loạt cơ quan truyền thông đưa tin nhưng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa đưa ra được kết luận về nguyên nhân của vụ mất mùa lịch sử đó.
Ai phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho gần nửa triệu nông dân đang rơi vào tình cảnh bị "treo niêu" ở Hà Tĩnh ?
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 07/07/2017
Phần 3
Ngư dân vùng biển bị nhiễm độc bởi hóa chất mà nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải ra, do mất sinh kế buộc phải ra khơi sau cả nửa năm thất nghiệp. Tuy nhiên hải sản họ đánh bắt được về không được kiểm nghiệm mà lại chuyển đi các nơi khác để bán.
Ông Ngô Văn Linh nói về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Liên tử vong do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất.
Dân bị ngộ độc
Đã có những trường hợp bị ngộ độc do ăn phải hải sản nhiễm hóa chất.
"Khi bị ăn tép biển mà nấu với cà chua của mình làm chứ không phải mua ngoài chợ, mà tép biển là tép khô".
Đó là lời ông Ngô Văn Linh - Xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nói về nguyên nhân cái chết của người vợ Nguyễn Thị Liên - sinh năm 1959 của ông.
Sau khi bị ngộ độc thức ăn, bà Liên đã được đưa tới Phòng khám đa khoa của Tòa Giám mục Xã Đoài gần nhà. Tuy nhiên, dù được chữa chạy tích cực, nhưng bà Liên đã không qua khỏi và mất sau đó vài ngày, vào hồi 12h ngày 30/5/2016.
Con tép biển mà bà Liên ăn phải không rõ nguồn gốc được đánh bắt ở khu vực nào, do ai đánh bắt, phơi khô, cũng không xác định được con đường vận chuyển, mua bán con tép đó.
Các hoạt động đánh bắt hải sản đã trở lại, tuy dù còn ít so với trước, nhưng được bán đi đâu, làm gì không ai quản lý, không ai biết được - trừ người mua để mang đi bán. Hơn nữa, chưa có bất cứ một sự kiểm nghiệm nào xem hải sản đã an toàn để tiêu thụ hay không.
Ngay tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi đánh bắt hải sản trở lại, từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường đến nay, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản.
Do đó, người dân địa phương đã không dám ăn mà cho chó ăn hải sản đánh bắt về, kết cục, chúng đều nhiễm độc và lăn ra chết, như ông Hoàng Nguyên mô tả.
"Đặc biệt nhất là con chó. Ăn xong vài ngày là lết hai chân sau. Hai chân trước bò bò được vài bữa thì chết".
Theo ông Hoàng Đình Nho - sinh năm 1964, một người bị ngộ độc do ăn hải sản cho biết.
"Mấy người ăn ở trong nhà đều bị hết, nhưng họ đề kháng cao nên bị nhẹ. Riêng tôi thì bị nặng, sốt, tức ngực, đi ngoài. Lên truyền (nước biển) được ba bữa rồi. Người bữa nay đỡ, vẫn lưng lưng".
Soeur Thuyệt - người trực tiếp chăm sóc những người dân bị ngộ độc tại thôn Đông Yên cho biết những triệu chứng thường gặp ở họ là tức ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, chân tay co giật, đau bụng, nôn mửa.
Cách chữa trị cho người dân địa phương với điều kiện hạn chế theo Soeur Thuyệt là.
"Bệnh nhân ăn cá bị nhiễm chủ yếu là truyền nước nhiều để thải độc. Rồi các loại vitamin C chua để giải độc".
Chính quyền lấp liếm
Trong khi đó, người dân bị ngộ độc nặng hơn đi khám ở bệnh viện đa khoa của huyện trên, như bệnh viện cấp huyện thì không được cung cấp các kết quả xét nghiệm, nhiều người chỉ được cho biết là "suy nhược cơ thể".
Anh Mai Anh - một ngư dân hơn 30 tuổi tại Kỳ Lợi cho biết về sự quan tâm của chính quyền các cấp khi người dân bị ngộ độc thực phẩm.
"Chính quyền không có trách nhiệm với người dân chúng tôi. Họ chỉ ậm ờ qua mạng, miệng họ nói vậy thôi. Như ông Đặng Ngọc Sơn nói miệng để áp Đảo dân, để dân tiếp tục ăn cá, để ô dù cho Formosa giết hại dân Việt Nam. Ông Đặng Ngọc Sơn cố tình che lấp hết mọi chuyện"
Cho đến nay, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định biển miền Trung đã sạch, mặc dù chính phủ Việt Nam và Formosa Hà Tĩnh chưa có một động thái nào làm sạch môi trường biển, ngoại trừ những cuộc họp và ra nghị quyết.
Không biết được sẽ còn bao nhiêu người dân bị ngộ độc tiếp theo vì hải sản chưa qua kiểm nghiệm, được tự do lưu thông mà không bị cơ quan chức năng nào chặn lại theo đúng qui định mà chính Nhà nước từng ban hành về vệ sinh- an toàn thực phẩm.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
RFA tiếng Việt, 13/02/2017
*******************
Phần 2
Tàu đánh cá khu vực biển miền Trung. AFP photo
Kể từ khi những chiếc ghe đầu tiên quay trở lại hoạt động ngoài khơi vào tháng 10/2016, việc mua bán hải sản tại khu vực Kỳ Anh cũng được nối lại.
Thu nhập bằng 1 phần 10 trước đây
Bà Mai Thị Hương - sinh năm 1964, buôn bán hải sản đã 15 năm cho biết lượng mua bán hải sản của bà từ khi mua bán trở lại :
"Mấy ngày mới có hàng nhiều, cá nhiều chứ trước đây ghẹ ít, mấy ngày trước đây thì nhiều có ngày 2 tạ, bình thường 1 tạ hoặc 1 tạ rưỡi. Trước mua ghẹ cân 180 đến 200 mà bán 250, một tạ ghẹ lời được 5 triệu mà hiện tại 1 tạ ghẹ chỉ được 500 ngàn".
Theo bà Mai Thị Hương, số hải sản được bà thu mua sẽ bán đi các tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Bình. Xe máy được dùng để chuyển hải sản đến những nơi có xe đông lạnh. Sau đó, những chiếc xe đông lạnh đưa hàng đi đâu thì không biết được.
Một điều đáng nói là các loại hải sản trong vùng biển Kỳ Anh được đánh bắt trong phạm vi từ 12 hải lý trở vào bờ - vùng biển đã từng được khuyến cáo không nên đánh bắt do nghi vấn nước còn bị nhiễm độc.
Hầu hết những người đánh bắt và thu mua hải sản mà chúng tôi hỏi chuyện đều cho biết, hải sản không được cơ quan nào kiểm nghiệm.
Bà Mai Thị Hương : "Về thì mua thôi, cũng Không biết họ kiểm nghiệm hay không".
Ông Hoàng Văn Tĩnh : "không ai kiểm nghiệm gì cả".
Ông Hoàng Nguyên : "Không có ai kiểm nghiệm gì cả".
Chính vì hải sản đánh bắt tại khu vực này không được kiểm nghiệm, trong khi có nhiều trường hợp ăn xong bị ngộ độc, nên người dân địa phương ở Kỳ Anh không mua sử dụng.
Một người buôn bán hải sản tại chợ Kỳ Lợi cho chúng tôi biết : "không ăn cá biển vì ăn vào là bị đau, tức ngực, buồn nôn".
Bà Mai Thị Uy : "Cá là họ không mua".
Ông Hoàng Nguyên : "Dân địa phương đây họ không ăn, họ đã thử cho chó và gà vịt cho lợn ăn đều chết cả, đặc biệt nhất là chó, ăn xong là 2 chân một vài ngày lết lết, hai chân trước bò một vài bữa là chết".
Hải sản không được kiểm nghiệm
Trong khi đó, theo người dân địa phương, chính quyền các cấp không đưa ra bất cứ khuyến cáo hay giải pháp nào về việc tránh đánh bắt, mua bán và sử dụng hải sản tại khu vực Kỳ Anh.
Một số thành viên nhóm Green Trees đã vào Kỳ Anh để thu thập mẫu cá mú, cá nâu, cá ghẹ với sự hỗ trợ của ngư dân địa phương để mang đến Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia ở Hà Nội để kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, khi dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Green Trees mang mẫu tới, một người phụ nữ tên Giang - phụ trách bộ phận tiếp nhận của cơ quan kiểm nghiệm này cho biết "máy đang bảo dưỡng" và năng lực của phòng xét nghiệm có hạn nên phải trả kết quả chậm trong vòng 1 tháng. Một người đàn ông tên Hải, được cho biết là phó giám đốc Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đứng ra nhận trách nhiệm về việc này.
Ở Hà Nội, năng lực cơ quan chuyên môn còn vậy, thì huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thế nào ? Trong khi hải sản vẫn được đánh bắt, mua bán tự do, vận chuyển đi đâu không rõ, thì người dân còn phải đối diện với nguy cơ tổn hại về sức khoẻ.
Trong phóng sự tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về sinh mệnh của người dân khi ăn hải sản đánh bắt tại Hà Tĩnh.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
RFA tiếng Việt, 06/02/2017
*******************
Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi Nhà máy Gang thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tình từng xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường dọc theo các tỉnh miền Trung kể từ tháng tư vừa qua.
Ngư dân vẫn chưa thể đánh bắt hải sản gần bờ - Photo courtesy of phununews.vn
Ngay sau khi xảy ra thảm họa, phái viên RFA đã đến tận nơi ghi nhận tình hình hải sản chết hằng loạt và đời sống người dân bị tác động. Thực tiễn hiện nay cũng được tìm hiểu qua chuyến trở lại mới đây.
Vào trung tuần tháng 11/2016, chúng tôi quay trở lại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - địa phương nằm ngay cạnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Trái với quang cảnh của 3 tháng trước lúc thuyền phủ bạt xếp hàng dài trên bãi, thì nay người dân đã sửa sang, đóng mới những chiếc ghe để chuẩn bị ra khơi. Ngoài biển đã có những chiếc hoạt động trở lại ; dù là ít, không nhộn nhịp bằng thời gian trước khi xảy ra thảm hoạ môi trường.
Ngư dân địa phương cho chúng tôi hay, họ mới đi biển trở lại được khoảng hơn 1 tháng, tức là từ đầu tháng 10, sau hơn 6 tháng không có việc làm. Ông Hoàng Văn Tỉnh - 51 tuổi, với 24 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết về tình trạng các loài cá trong khu vực biển anh đánh bắt như sau : "Cá còn chết nhiều lắm"
Anh Điểu - một người thợ lặn cho biết ghi nhận của anh : "Rạn san hô nhiều bây giờ chết hết chẳng còn gì cả. kể cả ông bộ trưởng có nói rằng biển sạch, san hô được ổn định lại, để ông về đây mà xem" .
Những người ngư dân đi biển về cho biết, thu hoạch được số lượng hải sản rất ít so với trước đây, cùng với giá giảm mạnh.
Hôm 16/11/2016 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh. Courtesy Thanh Niên
Ông Hoàng Nguyên - sinh năm 1960, đi biển từ năm 12 tuổi chia sẻ : "Lượng thu hoạch của tôi đi về cũng được gần 1 chục ký ghẹ và khoảng gần 20 ký cá, lượng tôm cá đánh bắt cũng rất nhiều, tuy nhiên lượng thu hoạch và phần bán thì rất ít".
Ông Tỉnh cho biết thêm về việc thu hoạch sau mỗi chuyến đi biển : "Cá thì nhiều tiền thì không được ăn thua. Cá nhỏ thì đi 1 tạ 2 tạ thôi, đi 1 chuyến được 15 cân. Mọi hồi chuyến được vài 3 triệu bây giờ may được khoảng 1 triệu bạc là nhiều".
Dù thu hoạch ít, bán không được giá, có khi không ai mua cho, nhưng ngư dân vẫn quay trở lại với nghề truyền thống. Lý do là vì họ không có nghề nào khác.
Dù chính phủ có Quyết định số 1880 của Thủ tướng bồi thường cho những đối tượng chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên ; thế nhưng đến nay chưa thấy khoản bồi thường đâu cả, mà chỉ mới dừng ở kê khai danh sách các đối tượng được nhận.
Với phần lớn người dân ở đây, dù đền bù, hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ, bởi cái họ cần là môi trường sạch trở lại. "Điều mong đợi nhất là làm thế nào cho biển sạch để chúng tôi có quyền tự do đi lại làm như trước để con em buổi chiều ra tắm biển rồi chúng tôi đi biển về cũng khỏi khi ăn con cá con ghẹ con tôm nó khỏi nghi ngờ trong vấn đề độc hại cả".
Hải sản đánh bắt lên được tiêu thụ ra sao và lý do gì khiến thị trường "lạnh nhạt" với hải sản đánh bắt từ Kỳ Anh sẽ là nội dung phần kế tiếp của loạt phóng sự "Biển và sinh mệnh người dân".
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
RFA tiếng Việt, 20/01/2017
Nhân dân Hà Tĩnh không còn sợ khi xuống đuờng biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh xả thải
Cuộc biểu tình của nhân dân Hà Tĩnh ngày chủ nhật 02/10 vừa qua đánh đấu một thay đổi quan trọng trong tình hình chính trị Việt Nam. Người dân đã vượt qua nỗi sợ và công an đã không đàn áp. Người dân không sợ nữa vì họ không còn gì để mất. Công an không đàn áp bởi vì họ cũng thấy là những người biểu tình đáng được bênh vực chứ không đáng bị đàn áp.
Vấn đề rất giản dị. Việt Nam đất hẹp người đông không thể có kỹ nghệ thép ở qui mô lớn, ngay cả trung bình. Hơn nữa các công ty nước ngoài chỉ thiết lập các nhà máy thép tại Việt Nam nếu có thể giảm việc xử lý chất thải để hạ giá thành. Chấp nhận kỹ nghệ thép như vậy cũng là chấp nhận để môi trường bị hủy hoại. Đã thế chính quyền cộng sản còn cho các công ty ô nhiễm Trung Quốc hưởng những đặc ân quá đáng. Tai họa chắc chắn phải đến. Formosa chỉ mở đầu cho nhiều thảm kịch môi trường lớn khác.
Hồ sơ môi trường đã mở ra trong đó Đảng Cộng Sản Việt Nam có tội rất lớn và không có lập luận nào để chống đỡ.
Bị dồn tới chân tường Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phản ứng đúng với bản chất của một đảng khủng bố cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực với mọi thủ đoạn, bất chấp cả sự trơ trẽn. Họ vu cáo các cuộc biểu tình phản đối Formosa, nhất là tại Hà Tĩnh, là do đảng Việt Tân xúi dục dù Việt Tân cũng chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình chính đáng và cần thiết này như tất cả mọi tổ chức chính trị cũng như xã hội dân sự khác.
Sự vu cáo bịa đặt này đã không thuyết phục được ai nhưng nó đã không ngăn cản chính quyền cộng sản tiến thêm một bước mới. Ngày 4/10 vừa qua bộ công an đã ra thông báo chính thức coi đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố và hăm dọa trừng phạt mọi cá nhân và tổ chức có liên hệ với đảng này. Việc chính quyền cộng sản nói Việt Tân là một tổ chức khủng bố chẳng có gì mới, điều thực sự mới là lần này chính quyền cộng sản hăm dọa trừng phạt những ai có quan hệ với Việt Tân. Mọi người đều đã biết quá rõ là chính quyền cộng sản có thể cáo buộc bất cứ ai mà họ muốn hãm hại về bất cứ tội danh bịa đặt nào. Họ không bao giờ ngần ngại nói dối, kể cả nói dối trắng trợn hoàn toàn vô căn cứ, như họ vừa chứng tỏ trong vụ bắt giữ gần ba mươi trí thức hoàn toàn không liên quan gì tới Việt Tân đang hội thảo tại Vũng Tầu.
Đảng Cộng Sản đang hoảng hốt vì bảo vệ mội trường đã trở thành quan tâm hàng đầu của mọi người Việt Nam và các tai họa về môi trường sẽ còn dồn dập diễn ra, như thảm họa Hồ Tây đang chứng tỏ, ngay sau Khu Kinh Tế Nghi Sơn, Đạm Ninh Bình. Họ hoảng hốt vì qui mô của những thiệt hại, vì sự phẫn nộ của nhân dân đang lên cao và vì họ vừa có tội lớn vừa không có bất cứ lý do nào để tự bào chữa.
Đảng Cộng Sản đang chuẩn bị đàn áp, đối tượng đàn áp trước mắt của họ là nhân dân Hà Tĩnh, sau đó là mọi người Việt Nam phẫn nộ trước hiện tình đất nước.
Nhưng họ lầm to, lần này bạo lực và sự gian trá sẽ thất bại.
Việt Nam không còn là Việt Nam của thời kỳ Cách Mạng Tháng 8, của Cải Cách Ruộng Đất hay của ngày 30/4/1975. Người Việt Nam ngày nay cũng đã thay đổi. Họ biết những gì đang xảy ra trên thế giới và trên đất nước. Họ cũng đã biết rõ Đảng Cộng Sản và họ không còn gì để mất.
Và ngay trong Đảng Cộng Sản cũng đã có rất nhiều người không còn đặt Đảng lên trên tổ quốc và dân tộc nữa.
Ban biên tập Tổ Quốc