Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2017

Xây dựng văn hóa cúi đầu

Trương Nhân Tuấn

"Cúi đầu xuống mới lượm được đồng tiền" là câu "châm ngôn" của các giống dân Nhật hay các nước Âu Mỹ.

Vụ người Nhật khai trương cây xăng ở Việt Nam lùm xùm hai bữa nay là một thí dụ cụ thể về "giá trị đồng tiền", phải cúi đầu xuống mới lượm được đồng tiền, nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

cuidau0

Lãnh đạo vẫn còn tầm nhìn "bần cố nông", chỉ chăm chút lợi ích trước mắt mà không lo cái họa lớn (nhân mãn) trong tương lai.

Dân Việt Nam, một số người làm tiền quá dễ. Có quyền trong tay thì người ta chạy tới "cúi đầu" dâng tiền lên cho xài. Người có quyền trở thành người giàu, chiếm lĩnh mọi tiên nghi xã hội. Những người này ăn xài phung phí, không coi đồng tiền ra cái gì. Vấn đề là lối sống "bling bling" bề ngoài của họ đã làm chóa mắt. Dân nghèo nhìn lên xem đó như là cuộc sống "lý tưởng" cần phải noi theo.

Còn người nghèo, ngày 12 tiếng cắm đầu xuống đất bán lưng cho trời. Bằng không là cắm cúi làm việc trong các xí nghiệp nước ngoài. Một đồng xu lương của họ là cả một quá trình cúi đầu.

Nhưng chỉ ở những quốc gia mà quá trình xây dựng đất nước là công trình tổng hợp của mồ hôi, nước mắt, trí tuệ... của cả dân tộc, người dân ở đây mới có một triết lý, một "văn hóa" về đồng tiền mà những dân tộc khác, (như người Việt Nam) ít ai hiểu được. Cái cúi đầu của họ là thể hiện sự kính trọng trước hết là khách hàng, sau đó là đồng tiền. Cúi đầu là sự biết ơn, là hành vi yêu nước. Vì một đồng tiền làm ra là một đồng tiền xây dựng đất nước.

Người Việt Nam chưa bao giờ làm một việc chi đó với ý nghĩa để "xây dựng đất nước", ngay cả ở những thời kỳ "chống Mỹ cứu nước" hay suốt thời kỳ "xây dựng xã hội chủ nghĩa", từ 1975 đến nay.

Người nghèo, tay làm hàm nhai, đã đành. Nhưng lớp người giàu, hầu hết là cán bộ đảng viên, họ hô hào "xây dựng xã hội chủ nghĩa" chớ không ai hô hào "xây dựng đất nước" hết cả. Vấn đề là họ không ai biết thế nào là xã hội chủ nghĩa !

Cũng như xây nhà, lãnh đạo cộng sản Việt Nam không có họa đồ. Như ra biển lớn họ không có địa bàn. Họ xây tới đâu biết tới đó, đi tới đâu biết tới đó. Đi lạc thì quay đầu về đi lại. Sụp cái này thì xây cái khác.

Xây dựng xã hội chủ nghĩa không hề có ý nghĩa xây dựng đất nước.

Yêu nước là thứ tình yêu hết sức cụ thể. Xây dựng đất nước vì vậy cũng rất cụ thể. Nếu có yêu nước, có lòng muốn xây dựng đất nước, thì không ai lạm dụng quyền lực để tham nhũng, dĩ công vi tư, rút ruột những công trình xây dựng quốc gia như những người cộng sản Việt.

"Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa" là thứ tình yêu không có thật. Bởi vì xã hội chủ nghĩa không có thật.

Người cộng sản Việt luôn vịn vào lý lẽ "có công" trong công cuộc "đánh Mỹ cứu nước". Vì có "công lao" nên họ phải được "thưởng công". Vì vậy họ giành độc quyền cai trị đất nước, xem đó là một hình thức "trả công".

Câu hỏi đặt ra, "công lao" ở đây là "công lao" gì ? và công lao cho ai ?

Dĩ nhiên câu trả lời đã có sẵn là "công lao" đánh Pháp đuổi Mỹ giải phóng miền Nam. Công lao ở đây là "có công" với thống nhứt đất nước.

Có thực là dân miền Nam có bị Mỹ "cướp nước" hay không ? Có thực là dân miền Nam muốn được "giải phóng" hay không ?

Nếu nhìn qua các quốc gia có lịch sử phân chia tương tự như Việt Nam là Nam, Bắc Hàn hay Đông, Tây Đức, câu trả lời là "không" !

Như vậy cái "công lao" của người cộng sản Việt Nam, cũng như tình "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa" của họ là không có thật.

Không có người dân miền Nam nào mong muốn được "giải phóng", muốn được sống dưới chế độ độc tài cộng sản hết cả.

Mục tiêu "yêu nước", hô hào "đốt cháy Trường Sơn, tát cạn Biển Đông" vì vậy là một sự dối trá. Lòng yêu nước bị đánh tráo bằng lòng hận thù. Chỉ có hận thù mới đập phá, đòi "đốt cháy" đất nước. Yêu nước thì không ai làm vậy hết cả.

Với tập đoàn lãnh đạo không có ý thức yêu nước mà chỉ có lòng hận thù, hệ quả 40 năm lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam là 40 năm nhũng lạm và bóc lột.

Hội nghị trung ương năm nay ông Trọng không còn đề cập tới "xã hội chủ nghĩa" nữa. Đó là một điều mừng. Ý tứ của ông Trọng, qua các bài đọc ở hội nghị, ta thấy rõ ràng là những ý kiến của một người "lãnh đạo quốc gia", chớ không phải ý kiến của một đảng trưởng.

Nhưng tâm lý đòi trả công của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn hiển hiện. Họ tìm mọi cách để kéo dài sự độc quyền lãnh đạo. Tất cả những ý kiến của ông Trọng đều tập trung vào mục tiêu đó.

Nhưng vấn đề "nhân số", như đã nói hôm qua, tôi cho rằng đó là một tai họa của Việt Nam trong tương lai. (Dân số trẻ tăng lên có thể giúp đảng cộng sản Việt Nam giải quyết một số khủng hoảng).

Việt Nam "chưa giàu đã già" là sự thật. Thời kỳ "dân số vàng" bắt đầu từ năm 1995 và chấm dứt năm 2025 (hoặc từ 2000 đến 2030). Nhưng không thể khuyến khích việc tăng thêm dân số để kéo dài thời kỳ "dân số vàng".

Hầu hết các nước tiên tiến như Nhật, các nước Tây Âu v.v… dân số trung bình hàng năm không tăng, người già ngày càng sống lâu trong khi lớp trẻ không chịu cưới hỏi sinh con để nối dõi. Rốt cuộc trong xã hội người già nhiều hơn người trẻ. Số người lãnh hưu trí nhiều hơn số người lao động. Nhưng lãnh đạo ở đây không hề thấy ai lến tiếng lo ngại tiếc nuối thời kỳ "dân số vàng", tức thời kỳ mà lớp dân ở tuổi lao động chiếm đa số trong xã hội. Họ không lo chuyện người già không đủ tiền hưu vì lớp lao động trẻ đóng góp không đủ số. Bởi vì họ chuẩn bị bước vào "cách mạng kỹ nghệ thứ tư"

Thế nào là "cách mạng thế hệ thứ tư" ? Đó là kỹ nghệ mà trong đó con người "ngồi không hưởng thụ". Mọi công việc đều do máy móc phụ trách. Tức là cuộc cách mạng dành cho các quốc gia "già", như Nhật và một số nước Tây Âu, Bắc Âu, Mỹ ...

Nhìn lại Việt Nam, lãnh đạo vẫn còn tầm nhìn "bần cố nông". Chỉ chăm chút lợi ích trước mắt mà không lo cái họa lớn (nhân mãn) trong tương lai. Với tư thế như vậy thì làm sao đi trước đón đầu "cách mạng kỹ nghệ thời kỳ thứ tư" ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 12/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)