Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2017

Tấm bằng Mỹ đem lại gì ngoài khâu 'cho oai' ?

Trần Thanh

Nhân chuyện mảnh bằng tiến sĩ Mỹ làm xôn xao dư luận Việt Nam, tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc những suy nghĩ cá nhân về bằng đại học ở Mỹ, bằng tiến sĩ và chuyện giáo dục cùng thị trường lao động nước này.

bang1

Lối vào College of Business, Đại Học Central Oklahoma

Hy vọng bài giúp cho những ai có nhu cầu du học tại Hoa Kỳ và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp một cơ hội tham khảo để rút ra bài học cho bản thân.

Bằng cấp và giáo dục

Không phải chỉ ở Việt Nam (quốc gia có truyền thống khoa cử), ở Mỹ, việc tốt nghiệp một chương trình giáo dục/đào tạo là niềm tự hào của mọi người. Nó đánh dấu sự trưởng thành và là một cột mốc trong sự nghiệp của chúng ta.

Không chỉ là niềm tự hào cho cá nhân và gia đình, nó thực sự đem lại nhiều vận hội mới về công ăn việc làm và quan hệ xã hội cho chủ nhân.

Điều cốt lõi không nằm ở cái bằng mà ở kiến thức và kỹ năng mỗi cá nhân học hỏi được qua quá trình đào tạo.

Tấm bằng (diploma) thật sự chỉ là giấy chứng nhận cấp cho đương sự ; nó chỉ mang tính trang trí, thường được đóng khung và treo trong phòng làm việc hay ở nhà.

Khi tuyển dụng lao động, người ta sẽ xem bảng điểm, phân tích lý lịch (resume hay CV ) và quan trọng nhất là phỏng vấn để đánh giá ứng viên.

Không ai cần bạn nộp bằng và bạn chỉ có một dòng trong lý lịch để đề cập đến nó.

Điều đó không có nghĩa là bằng cấp hoàn toàn vô giá trị. Khi xử lý hồ sơ ở vòng đầu, người tuyển dụng lao động có để ý đến "nguồn gốc" của ứng viên.

Việc tốt nghiệp từ một trường có thứ hạng cao hay có chứng chỉ chất lượng (accreditation) sẽ làm hồ sơ của bạn "sáng" hơn và giúp bạn có khả năng được mời phỏng vấn.

bang2

Khuôn viên đại học Mỹ : Các tổ chức sinh viên cạnh tranh nhau quảng cáo hoạt động ngoại khóa của họ trong trường

Vai trò của tấm bằng chấm dứt ở đây.

Liệu bạn có được tuyển dụng và thành công trong công việc phụ thuộc vào khả năng làm việc của bạn.

Nói tóm lại, tấm bằng có vai trò rất hạn chế.

Điều quan trọng là kiến thức và kỹ năng mà bạn tích cóp được cho mình trong quá trình học và khả năng ứng dụng chúng vào công việc của bạn.

Học đại học để làm gì ?

Nhiều bạn sinh viên (và cả phụ huynh) thường hỏi tôi câu này, đặc biệt khi đối diện với số tiền học khổng lồ mà các em sẽ phải trả cho bốn năm đại học.

Đa số sinh viên, người Việt lẫn người bản xứ, đều cho rằng việc học đại học khá đơn giản, chỉ cần đăng ký lớp, lên giảng đường, đọc sách, làm bài tập (assignments và projects) và đi thi.

Khi lấy đủ tín chỉ, nghiễm nhiên bạn sẽ tốt nghiệp và con đường hoạn lộ bắt đầu từ đây.

Thực tế không đơn giản và nhiều bạn cuối cùng nhận ra rằng sau bốn năm đèn sách, mảnh bằng đại học không có phép màu đem lại việc làm cho chủ nhân của nó.

Có lần, một bạn sinh viên đến gặp tôi nhờ viết cho thư giới thiệu (reference letter) để xin việc.

Bạn cho biết đã nộp hơn 50 đơn nhưng chưa nhận được một hồi âm nào dù điểm trung bình (GPA) khá cao.

Bạn cũng ngạc nhiên khi tôi nói bên tuyển dụng đặc biệt chú ý đến những thứ mà bạn không có, như kinh nghiệm làm việc hay hoạt động xã hội ngoại khóa.

Sinh viên này không biết rằng bốn năm học đại học không chỉ đơn thuần là lên lớp và tiêu tiền của bố mẹ mà quan trọng hơn là quá trình xây dựng lý lịch cho mình qua nhiều hoạt động khác nhau.

bang3

Khu vực học tập của sinh viên trước giờ vào lớp

Các trường đại học ở Mỹ có nhiều loại hình sinh hoạt học thuật và cộng đồng đa dạng nhằm mục đích nâng cao khả năng tuyển dụng (placement) của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhiều trường dành một nguồn ngân quỹ (dưới dạng grants) cấp trực tiếp cho sinh viên để các em tham gia các đề tài nghiên cứu khác nhau (undergraduate research).

Đừng chỉ biết có học

Ví dụ trường tôi có chương trình tên là Research, Creative, and Scholarly Activities (RCSA) chuyên cấp grants cho sinh viên để thực hiện các đề tài nghiên cứu của mình.

Theo chương trình này, các sinh viên được trả lương cho thời gian nghiên cứu (5 giờ mỗi tuần), được trả một phần học phí (tuition waivers), và được cấp kinh phí để tham gia các hội thảo khoa học ở các nơi.

Nếu tích cực hơn, các em có thể đăng ký làm trợ lý nghiên cứu (research assistants, thường gọi là RA) cho các giáo sư trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu của họ, hay làm trợ giảng (teaching assistants, thường gọi là TA).

Các vị giáo sư thường có ít nhiều kinh phí lấy từ các nguồn trong và ngoài trường và họ thường trích một phần kinh phí để thuê các bạn sinh viên trợ giúp công việc nghiên cứu.

Điều quan trọng ở đây là ngoài cơ hội kiếm thêm ít thu nhập, các em sẽ được học trực tiếp từ kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn của các giáo sư.

bang4

Quảng cáo hoạt động ngoại khóa

Theo cá nhân tôi, kiến thức và kinh nghiệm từ những hoạt động này được các công ty đánh giá cao hơn những kiến thức học trong lớp.

Hồ sơ xin việc của các em sẽ được chú ý đặc biệt nếu trong lý lịch (resume) của mình, dưới mục Khen thưởng (Honors and Awards) là danh sách những khoản grants được cấp và dưới phần Kinh nghiệm (Professional Experience) là những đề tài nghiên cứu mà các em tham gia hay những vị trí trợ giảng mà các em đảm trách.

Điều này đặc biệt hữu ích cho các em du học sinh vì luật di trú Mỹ cấm sinh viên với visa F1 đi làm bên ngoài nhưng lại cho phép các em làm việc bán thời gian trong trường.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu và học thuật, các hoạt động ngoại khóa trong trường và ngoài cộng đồng được đánh giá rất cao. Các bạn có thể tham gia nhiều tổ chức/câu lạc bộ liên quan đến ngành nghề của mình ; hầu như mỗi chuyên ngành (major) đều có một vài tổ chức như thế.

Ví dụ, bạn có thể tham gia American Marketing Association (AMA) nếu bạn theo học Marketing hay tham gia American Society of Mechanical Engineers (ASME) nếu theo học ngành cơ khí.

Các câu lạc bộ này thường được trường hỗ trợ với kinh phí trích từ học phí các em đóng. Hoạt động của chúng rất đa dạng nhưng đa phần đều xoanh quanh câu chuyện việc làm cho các thành viên của mình.

Họ thường mời giám đốc các công ty trực tiếp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.

Nhiều bạn thậm chí được mời thực tập sau những buổi nói chuyện như vậy. Những hoạt động này giúp các em xây dựng quan hệ (networking) và rèn luyện các kỹ năng tổ chức và lãnh đạo, những điều mà các công ty Mỹ rất quan tâm.

Tuy vậy, nhiều sinh viên (đặc biệt là du học sinh) thường không quan tâm đến các hoạt động này, có lẽ vì không ý thức được tầm quan trọng của chúng.

Ngoài ra, các hoạt động từ thiện giúp cộng đồng địa phương cũng góp phần làm tăng giá trị cho hồ sơ của bạn.

Các tổ chức y tế, tôn giáo và xã hội thường tổ chức nhiều hoạt động giúp người nghèo, đặc biệt vào các mùa lễ tết. Họ luôn cần tình nguyện viên.

Những năm gần đây, một số trường nhận ra tầm quan trọng của các hoạt động cộng đồng và trực tiếp khuyến khích các bạn sinh viên tham gia bằng cách tạo ra các ePortfolios ghi nhận những hoạt động này của sinh viên.

Đến đây, câu trả lời cho câu hỏi ban đầu có lẽ đã rõ. Bạn nên xem bốn năm học đại học là quá trình đầu tư tiền của và công sức cho bản thân và sự nghiệp tương lai, chứ không phải chỉ để lấy mảnh bằng trang trí.

Có nên sang Mỹ du học ?

Vậy liệu có nên đầu tư học đại học ở Mỹ hay không ?

bang5

Thị trường lao động Mỹ

Câu trả lời phụ thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh. Mỗi người sẽ có một chỉ số và phương thức "hoàn vốn" khác nhau.

Xin được kể câu chuyện của hai trong số các em du học sinh từng làm việc với tôi để bạn đọc cùng so sánh.

Theo tôi, cả hai đều đạt được nguyện vọng của mình. Một em theo học kỹ sư điện và vừa được Samsung Austin Semiconductor ở Texas nhận.

Em có lẽ là điển hình cho nhiều bạn noi theo. Em không chỉ làm RA cho tôi mà còn cho nhiều giáo sư khác trong trường. Nên biết rằng các vị giáo sư rất cần RA và rất thích những sinh viên chủ động tiếp xúc xin việc. Em là thành viên năng nổ của Hội Sinh Viên Việt Nam (VSA) của trường tôi.

Lần nào cũng vậy, tôi đều gặp em tại các hoạt động từ thiện do VSA hay cộng đồng và nhà thờ tổ chức. Tôi tin rằng với năng lực của em, rất nhiều công ty sẽ sẵn sàng hỗ trợ thủ tục và chi phí pháp lý để em có được visa làm việc H1B và sau đó là thẻ cư trú.

Bạn sinh viên thứ hai cũng là du học sinh (tuy không phải người Việt).

Bạn không đi làm mà học tiếp chương trình MBA sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi khuyến khích bạn tập trung luyện thi GMAT và chuẩn bị hồ sơ để xin học tiến sĩ.

Hồ sơ của bạn này có một số điểm nổi bật như có những hai đề tài nghiên cứu của riêng mình trong thời gian học đại học ; cả hai đều được cấp grants của trường.

Một đề tài được báo cáo ở hội nghị khoa học của Federation of Business Disciplines tổ chức ở Dallas (Texas) vào năm 2014, còn đề tài kia được viết thành một bài báo và được một tạp chí nhận đăng.

Bạn còn là trợ giảng trong thời gian học MBA. Có lẽ vì đã xác định rõ mục đích của mình là học lên nữa, nên bạn đã tập trung thời gian và sức lực của mình cho hoạt động học thuật nhiều hơn hoạt động xã hội.

Với những gì bạn tích lũy được, mong rằng bạn sẽ "dài hơi và đủ sức"để đi đến cái đích mình muốn.

Làm tiến sĩ

Quay sang đề tài làm tiến sĩ ở Mỹ, điều này không hấp dẫn như nhiều người nghĩ.

Đây là con đường không dễ dàng và chỉ một số rất ít quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đầy chông gai này.

Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Mỹ mất trung bình 5 năm. Rất nhiều bạn đã bỏ cuộc giữa đường vì nhiều lý do khác nhau ; lý do phổ biến nhất là không lường trước được thách thức và thiếu quyết tâm.

bang6

Bảng điện tử cập nhật chỉ số chứng khoán phục vụ sinh viên ngành tài chính

Nhiều người đùa vui (nhưng rất thật) rằng đây là 5 năm làm nô lệ với mức lương dưới ngưỡng nghèo và luôn bị đe doạ mất đi "quyền làm nô lệ" nếu "cày" không khoẻ.

Họ chọn con đường này vì sự đam mê theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy.

Cũng như mảnh bằng đại học, tấm bằng tiến sĩ không phải là con gà đẻ trứng vàng ; có nó rồi thì cứ ngồi mát ăn bát vàng.

Nó chỉ là tấm vé vào cửa hay nói vui là giấy chứng nhận "biết cách cày". Sau khi có nó rồi, người chủ cần tiếp tục cày, cày nữa và cày mãi…

Có lẽ dễ hiểu tại sao công việc phổ biến của các tiến sĩ là làm giáo sư ở các trường đại học hay chuyên gia tại các trung tâm nghiên cứu.

Ở đây, họ được hưởng quyền tự do học thuật (nghiên cứu bất kỳ đề tài nào họ quan tâm), được hỗ trợ tài chính cho công tác nghiên cứu (từ máy móc, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu đến chi phí đi lại, tham gia hội thảo khoa học,…) và được trả một mức lương tương đối khá. Bạn không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày, nhưng đừng mơ trở thành triệu phú với đồng lương giáo sư ở Mỹ.

Một số rất nhỏ quay lại môi trường bên ngoài (back to the industry) để theo đuổi sự nghiệp quản lý hay chính trị.

Bản chất tư bản và kinh tế thị trường của nước Mỹ thể hiện ở mọi nơi, kể cả trong môi trường hàn lâm (academia). Các trường đại học ở Mỹ luôn cần giáo sư và họ luôn cạnh tranh với nhau để tuyển dụng tiến sĩ.

Điều đó không có nghĩa là họ bỏ qua tiêu chí chất lượng để có đủ con số. Ngược lại, họ đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu và sẵn sàng trả lương cao hơn mặt bằng thị trường khi tuyển các vị tiến sĩ mới ra trường.

Lý do rất đơn giản : Những đề tài các vị ấy đang nghiên cứu hay những công trình sẽ được đăng trong tương lai sẽ làm tăng danh tiếng của trường, thu hút sinh viên và các nhà tài trợ cho trường.

Nên biết rằng, cả trường công lẫn tư ở Mỹ đều rất chú trọng đến việc thu hút các nhà tài trợ. Điều này đặt áp lực nặng lên chất lượng của các chương trình đào tạo tiến sĩ và đó là lý do tại sao các chương trình này kéo dài và đòi hỏi rất nhiều ở người học.

Sau khi được nhận, các vị tân tiến sĩ sẽ trải qua một quá trình "chua" không kém để được thâm niên (tenure) rồi được phong học hàm phó giáo sư (associate professor) và sau cùng là giáo sư (full professor).

Quá trình này kéo dài từ 5 đến 10 năm nếu suôn sẻ.

Nói tóm lại, con đường làm tiến sĩ dài và khó, cộng với tương lai đầy thách thức, chẳng phải là điều hấp dẫn, đặc biệt đối với sinh viên bản xứ bởi họ có nhiều lựa chọn khác tốt hơn cho sự nghiệp của mình.

Tiến sĩ 'không chính quy'

Thế nhưng không phải chương trình tiến sĩ Mỹ nào cũng như nhau.

Nếu chịu khó tìm, ta cũng có thể kiếm được vài trường "dễ" với chương trình đào tạo mang tính "có vào ắt có ra".

Thường thì họ không có chứng chỉ chất lượng và mục tiêu của họ không phải là đào tạo tiến sĩ có sức cạnh tranh trên thị trường giáo sư.

Chương trình đào tạo của họ có thể "ngắn ngày", từ xa hay online. Đối tượng phục vụ của họ thường là những người chỉ cần cái tờ giấy gọi là tấm bằng (diploma) và sẵn sàng trả học phí toàn phần vì một lý do nào đó.

Cần lưu ý rằng đây không phải là trường ma và bằng do họ cấp không phải là bằng giả.

Có điều chắc chắn rằng đây không phải là sự lựa chọn cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy.

Suy cho cùng, giáo dục Mỹ dù có những đặc điểm riêng cũng vẫn tuân theo những nguyên tắc rất cơ bản của mọi thị trường : có cung, có cầu và mọi thứ đều có cái giá của nó.

Trần Thanh

Nguồn : BBC, 12/10/2017

Tiến sĩ Trần Thanh, hiện là Phó Giáo sư, đang làm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại Học Central Oklahoma, Hoa Kỳ.

Xem thêm bài về Tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh :

*******************

Về tấm bằng Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh (BBC, 20/09/2017)

Một giảng viên đại học ở Hà Nội bình luận với BBC rằng chuyện báo chí Việt Nam phanh phui về bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như "dậu đổ bìm leo".

bang7

Sự thật bằng tiến sĩ của Bí thư Nguyễn Xuân Anh

Một trong số các "sai phạm" mà ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề cập là : "Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm".

Ông Xuân Anh được truyền thông Việt Nam ghi nhận lấy bằng tiến sĩ của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) tháng 12/2006.

Báo Tuổi Trẻ hôm 20/9 cho hay : "So với thời gian đào tạo tiến sĩ ở Mỹ phải mất từ bốn đến bảy năm nghiên cứu, viết luận án, thời gian chưa đầy hai năm để lấy bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh quả là "siêu tốc" !"

"Bằng tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh của ông Xuân Anh là một trong ba chuyên ngành trường này đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ở thời điểm đó, trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978".

Báo này cũng viết thêm rằng tấm bằng tiến sĩ từ SCUPS của ông Xuân Anh tuy "không phải là bằng bất hợp pháp", nhưng "có giá trị chất lượng rất thấp, nếu đối chiếu theo các tiêu chí xếp hạng [đại học] của Mỹ".

'Không phải là cá biệt'

Hôm 20/9, trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói : "Tôi có cảm giác chuyện báo chí Việt Nam đổ xô vào moi móc bằng tiến sĩ ở trường Mỹ của ông Nguyễn Xuân Anh giống như "dậu đổ bìm leo".

"Theo tôi, mọi chuyện nên rạch ròi, nếu ông ấy có sai phạm trong quản lý thì nên tách rời chuyện học tập".

"Bằng cấp không được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận thì ông ấy không có quyền xưng là tiến sĩ nhưng không phải là tội nếu đó không phải là gian lận để được bổ nhiệm"

"Ở Việt Nam, viên chức muốn được bổ nhiệm thì người có bằng cấp có nhiều lợi thế hơn, tuy rằng yêu cầu này không bắt buộc".

"Mặt khác, cũng do tâm lý sính bằng cấp nên quan chức và doanh nhân hay thích lấy bằng thạc sĩ/tiến sĩ nhưng lại không có thời gian/năng lực.

"Do vậy mà Việt Nam được nhìn nhận là thị trường béo bở với những trường được mệnh danh là degree mill (máy in bằng - chỉ những trường kém chất lượng nhưng người học chỉ cần trả tiền là có bằng) từ nước ngoài.

Tôi thấy vụ bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là cá biệt vì mấy năm nước, một vài quan chức/doanh nhân cũng bị đặt vấn đề về bằng cấp nước ngoài nhưng sau đó các vụ này lắng xuống".

bang8

Ông Xuân Anh được báo Việt Nam hôm 8/9 ghi nhận "lặng lẽ thị sát biển Mỹ Khê"

Cùng ngày, nhà sản xuất truyền hình Trần Quốc Khánh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay : "Rất nhiều lãnh đạo tại Việt Nam trong quá trình thăng quan tiến chức cần bổ sung một cái bằng thuộc dạng cho có, cho đủ hồ sơ".

"Nói đi cũng phải nói lại, rất nhiều người là tài năng thật sự, nhưng vì cái hệ thống trọng bằng cấp, thủ tục cứng nhắc nên mới nảy sinh cái trò sử dụng bằng cho có này".

"Tôi chẳng biết ông Xuân Anh là người thế nào, nhưng tôi nghĩ vụ kiếm chuyện muốn dập một ai đó thì lại lôi vụ bằng cấp là chuyện có thật. Cho nên, bằng cấp thật sự mà nói, chả có nghĩa lý gì hết".

"Ở Việt Nam chỉ cần một cái bằng duy nhất là bằng lòng. Không bằng lòng thì Harvard cũng vứt !"

Cùng ngày, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC : "Bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là bằng giả, và trường đại học đã cấp bằng cho ông cũng không phải là trường ma. Trường này từ trước đến nay vẫn hoạt động hợp pháp tại Mỹ".

"Điều duy nhất có thể làm người ta nghi ngại về "chất lượng" của trường này là, vào thời điểm lúc ông Xuân Anh học và được cấp bằng thì trường này chưa được kiểm định (hiện nay trường đã được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định khu vực, tức là hoàn toàn "đảm bảo chất lượng".

"Theo tôi, bằng cấp của ông Xuân Anh không thể và không nên là một trong những lý do để kỷ luật ông ta vì pháp luật Việt Nam tại thời điểm ông theo học và lấy bằng không hề có quy định gì về việc phải lấy bằng của một trường đã được kiểm định. Ngoài ra, công việc của ông cũng không có quy định phải có bằng tiến sĩ, nên ông ta không có lý do gì để phải khai "không trung thực". Vì vậy, đưa yếu tố bằng cấp của ông Xuân Anh như một vi phạm cần phải kỷ luật thì tôi cho là không hợp lý".

Quay lại trang chủ
Read 817 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)