Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam là người ít nhiều chú trọng vấn đề mà Đồng bằng sông cửu long đang gặp phải. Năm 2017, ông đã thị sát khu vực này bằng trực thăng nhằm đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Hai năm sau, vào tháng 6/2019, ông chủ trì Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đánh giá hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

mekong1

5 nước thuộc hạ lưu sông Mê Kông bao gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. CIA World Factbook

Nghị quyết 120 và biến đổi tiếp tục diễn ra trầm trọng

Nghị quyết 120/NQ-CP đặt ra tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2100, trong đó quy hoạch phát triển ngành theo hướng "sống chung với lũ" sang "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn" trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt, khai thác hợp lý tài nguyên nước lợ, nước mặn trong phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ ngoại giao và Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ tổ chức điều phối các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia thượng nguồn, các lưu vực sông, đồng bằng lớn trên thế giới.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, Đồng bằng sông cửu long vẫn đối diện với nguy cơ bị xóa sổ vì "biến đổi khí hậu", góp phần bởi các quốc gia thượng nguồn và nạn khai thác cát.

Tờ Thời báo Tài chính (FT) trong một nội dung đăng tải tháng 1/2020 đã đề cập đến vụ sạt lở lớn ở Quốc lộ 91, đoạn tại xã Bình Mỹ (huyện Châu phú, tỉnh An Giang) với chiều dài hàng chục mét vào tháng 8/2019. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, bởi tối ngày 2/1/2020, hai mảng nứt lớn tại xã Bình Mỹ tiếp tục xác lở lớn với 85m chiều dài trên quốc lộ 91, đe dọa trực tiếp 26 hộ dân.

Nguyên nhân xuất phát từ hiện tượng sụp lún xuống biển của bề mặt khu vực Đồng bằng sông cửu long, một hệ quả từ nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Nhưng đó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân, một lý do khác được người dân bản địa chỉ ra là nạn khai thác cát diễn ra trầm trọng và tinh vi mà không bị chấm dứt.

Bên cạnh đó, hiện tượng khác là đến từ các đập mới xây ở thượng nguồn sông, tại Lào và trung Quốc làm thay đổi hàm lượng trầm tích và dòng chảy của sông. Chưa dừng tại hai quốc gia này, Bangkok Post xuất bản ngày 30/12/2019 thông tin Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc sẽ giảm lưu lượng xả của đập Cảnh Hồng từ 1.200-1.400 mét/giây xuống còn 504-800 mét/giây làm gia tăng tình trạng hạn hán và nhiễm mặn tại đồng bằng sông cửu long.

Giải pháp nào ?

Trong hội thảo khoa học "Lũ lụt, ngập úng và sạt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long – Thực trạng và giải pháp" do Hội Thủy lợi Việt Nam và Hội Khoa học thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/6/2019 đều thống nhất ngưng khai thác cát để cứu đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, trong Hội nghị phòng chống hạn mặn xâm nhập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre, ngày 3/1/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đề cập đến chống hạn mặn, không đề cập đến giải pháp chống khai thác cát tại khu vực này.

Hơn 3.000 tỷ đồng chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ "đồng ý" vào tháng 9/2019 sẽ không thể giải quyết được vấn đề sạt lở nếu như các địa phương vẫn còn buông lỏng nạn khai thác cát, trong khi trung ương vẫn chưa ưu tiên cấm khai thác cát tại khu vực này, khiến tình trạng sạt lở tiếp tục gia tăng trên 600 điểm và dài hơn 800km.

Đối với vấn đề "chống hạn mặn", thực tế Nghị quyết 120/NQ-CP cũng đã nêu ra giải pháp song phương, đa phương đối với các quốc gia thượng nguồn. Tuy nhiên, các giải pháp này hiện nay vẫn chưa được kiểm nghiệm thực tế. Trung Quốc, bằng cách "kiểm soát sông Mekong", đã uy hiếp trực tiếp vấn đề trọng yếu của Việt Nam. Khả năng khi Việt Nam làm căng vấn đề Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ gián tiếp thông qua "thao túng dòng chảy" sông Mekong để gây sức ép, gián tiếp làm suy yếu Ủy ban sông Mekong.

Giải pháp đề ra hiện nay vẫn là siết chặt hoạt động khai thác cát tại các tỉnh đồng bằng sông cửu long, kiểm soát các phương tiện đi lại trên đường sông tại những điểm nóng sạt lở, và tích cực tham gia vào Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong [1] do Mỹ bảo trợ như một "sức ép" về mặt đa phương vơi Trung Quốc. Nếu không nghiêm túc thực hiện, thì khả năng lớn Đồng bằng sông cửu long sẽ biến mất trong tương lai, đe dọa an ninh lương thực quốc gia, thay vì "đảm bảo 20 năm" như ông Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên bố vào tháng 11/2019. Ngoài ra, cần nhanh chóng hình thành nguồn ngân sách riêng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực này, thay vì chỉ dừng ở mức khuyến khích "các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước".

Sông Mekong, là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển xuyên biên giới giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Và là nguồn nước cung cấp chủ yếu cho nền nông nghiệp của Việt Nam tại Đồng bằng sông cửu long.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 08/01/2020

Chú thích :

https://www.usaid.gov/vi/vietnam/lower-mekong-initiative-lmi

Published in Diễn đàn
dimanche, 04 novembre 2018 00:25

Há miệng mắc quai ?

"Đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh".

hamieng1

Sáng ngày 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có câu nhấn như gửi gắm một thông điệp trong phần trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan hôm 2/11. (Hoặc có thể đây chỉ là sự tình cờ ‘cố ý’ của bộ phận biên soạn văn kiện cho việc trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP).

Chấm dứt ‘cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp’

Sau phần nghi thức mang tính thủ tục đó, ông Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ thuyết minh thêm về việc tham gia CPTPP. Rất khôn khéo, Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dạo đầu bằng ngôn ngữ thuần tuyên giáo đảng (trích) : "Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau (…).

Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế".

Hàng loạt các nội dung tiếp theo mang tính chuyên môn hẹp của các vấn đề liên quan công pháp quốc tế, về chính sách thuế khóa, chính sách lao động, cán cân mậu dịch… Các đại biểu quay về thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Dưới góc độ pháp lý, việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình CPTPP trước ‘bá quan văn võ’ ở Quốc hội là bất ngờ vì điều đó ít nhiều mâu thuẫn với định hướng lâu nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp" (1).

Nếu kỳ họp này Quốc hội phê chuẩn CPTPP thì xem ra Quốc hội sẽ rất bận rộn cho hàng loạt việc xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với những cam kết CPTPP. Trong đó, Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất cho mọi điều chỉnh.

Tác động của địa chính trị ?

Các giao ước ở CPTPP được thực hiện giữa các chính phủ mà không có sự can thiệp của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Đây cũng chính là điều mà Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rất khôn ngoan khi sử dụng cách nói : "Các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau" (2).

Thể chế chính trị mà ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại nghị trường nằm ở Điều 2, Hiến pháp 2013 : Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Lâu nay, đảng cộng sản Việt Nam căn cứ vào Điều 4.1 của Hiến pháp để mặc định cho quyền lực "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Trong lúc đó, Điều 4.3, Hiến pháp lại giới hạn "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Thế nhưng đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có luật về các đảng phái chính trị. Bởi như lời nhận xét của giáo sư Chu Hảo trong bản thông báo rời bỏ đảng cộng sản ở tuần cuối tháng 10 vừa rồi, "đảng không có chính danh để lãnh đạo".

Như vậy sắp tới đây nếu Quốc hội phê chuẩn CPTPP, thì tư cách là Chủ tịch nước – đồng thời cũng là Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương (đây là cơ quan giữ vai trò tham mưu cho Bộ Chính trị), ông Nguyễn Phú Trọng phải trả lời được ít nhất một câu hỏi, là tại sao một ngân sách công vốn cần được dùng cho các chính sách cộng đồng, lại phải gánh chịu chi phí hoạt động và lương bổng cho cả một hệ thống chính trị từ Đảng, Hội, Đoàn được xem là cánh tay nối dài của đảng, chứ không phải là những tổ chức xã hội – dân sự thuần túy như cách hiểu chung của CPTPP ?

11 quốc gia thành viên CPTPP gồm có Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tính đến thời điểm này, có nhiều kỳ vọng tiếp tục đặt ra từ tác động về địa chính trị trong CPTPP, vì chỉ có duy nhất Việt Nam là quốc gia theo thể chế độc đảng toàn trị và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam không có tính độc lập, mà buộc phải chịu sự phụ thuộc vào các tổ chức của đảng, mặt trận tổ quốc.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 04/11/2018

(1) http://bit.ly/2yKMx7y

(2) nguồn đã dẫn

Published in Diễn đàn

"Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi" đang được thu thập chữ ký của cộng đồng mạng (1).

anm1

Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi - Ảnh minh họa

Ít nhất bốn lý do

Theo kiến nghị, có các lý do như sau : Thứ nhất, Luật An ninh mạng gồm nhiều điều khoản vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, cụ thể : Khoản 1 Điều 8 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm một cách rất mơ hồ, như "phá hoại thuần phong, mỹ tục" và "xuyên tạc lịch sử".

Tương tự, nội dung quy định tại Điều 16 cũng yêu cầu phòng ngừa và xử lý những hành vi mơ hồ như "xúc phạm vĩ nhân" hay "tuyên truyền xuyên tạc". Điều này có thể trao cho cơ quan chấp pháp khả năng lạm dụng quyền lực để xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, vốn được bảo vệ theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Không chỉ vậy, Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng còn buộc doanh nghiệp mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan chấp pháp, đồng thời ngăn chặn và xoá bỏ thông tin đăng tải trên mạng theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp mà không thông qua tòa án.

Như vậy, không có bất cứ thủ tục cụ thể nào được quy định để các công dân có thể bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của mình theo một quy trình tư pháp công bằng và minh bạch.

Thứ hai, các điều khoản nêu trên của Luật An ninh mạng đã đi ngược lại các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định "mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm" tại Điều 19.

Điều 19 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị ICCPR, mà Việt Nam tham gia từ năm 1982, cũng ghi rõ rằng "mọi người đều có quyền tự do ngôn luận". Chính vì lý do này, 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi lãnh đạo các công ty Facebook và Google "chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh mạng của Việt Nam".

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/9/2018, khi được hỏi về Luật An ninh mạng Việt Nam, đại diện Facebook đã tuyên bố "sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, trừ những ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi", và "chỉ hoạt động tại những quốc gia nào mà Facebook có thể gìn giữ được những giá trị của mình".

Thứ ba, việc thực thi Luật An ninh mạng sẽ tạo ra rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, khi buộc các doanh nghiệp này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 26.

Điều khoản này đòi hỏi phải địa phương hóa dữ liệu, làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam. Chính vì vậy, Luật An ninh mạng sẽ trở thành một lực cản rất lớn đối việc phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa.

Thứ tư, Luật An ninh mạng còn đe dọa đến khả năng ký kết hiệp định EVFTA. Vào ngày 17/09/2018, 32 Nghị sĩ đến từ các đảng lớn của Liên minh Châu Âu đã gửi thư đến Cao ủy Mogherini và Ủy viên Malmstrom nhằm đặt ra các điều kiện trước khi phê chuẩn hiệp định EVFTA, trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Hủy bỏ hay bãi bỏ ?

Người viết cho rằng cần bãi bỏ văn bản có tên Luật An ninh mạng. Lý thuyết pháp lý cho biết "hủy bỏ" là biện pháp xử lý văn bản pháp luật có khiếm khuyết.

Còn "bãi bỏ" là nội dung văn bản không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng ; nội dung văn bản không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành ; phần lớn nội dung không đảm bảo quyền lợi chính đáng của đối tượng chịu sự tác động của văn bản, hoặc không phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội là đối tượng mà văn bản điều chỉnh ; hay phần lớn nội dung văn bản không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập…

Từ cách hiểu thuần lý thuyết nói trên, cho thấy với đường lối, chính sách của Đảng như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm làm việc chính thức Vương quốc Bỉ từ ngày 16 đến ngày 18/10/2018 : "Hai thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn về Quyền con người và cam kết quốc tế mà hai bên đã tham gia" (2).

Và trước đó trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tại Hà Nội ngày 16/07/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo" (3).

anm2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : VNG

Thực hiện theo huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cá nhân người viết tin rằng nếu Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã có căn cứ pháp lý vững chắc về sự tuân thủ Hiến pháp 2013, về Luật Điều ước quốc tế 2016… của Luật An ninh mạng, thì một mặt cần có phúc trình giải thích cặn kẽ các thắc mắc của nội dung "Kiến nghị Quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng để sửa đổi" đang được thu thập chữ ký của cộng đồng mạng (4).

Mặt khác, thay vì trấn áp, bắt bớ, hình sự hóa các người dân phản đối Luật An ninh mạng, thì Đảng, Quốc hội và Nhà nước cần tìm mọi phương thức hữu hiệu để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về Luật An ninh mạng ; kể cả việc tổ chức trưng cầu dân ý về luật này.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản, tác giả ký tên Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, có đề xuất rằng : "Cần phải coi trọng thích đáng việc thể chế hóa và thực hiện các quyền dân sự, chính trị, vì chúng là tiền đề trực tiếp của các quyền sống, phát triển,… Việc xử lý vấn đề này thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, không chỉ trong việc giải quyết mối quan hệ của quyền con người với các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, tiếp cận thông tin…" (5).

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có cả hai lợi ích chính trị và kinh tế, nếu…

Hy vọng rằng nếu sắp tới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được sự tín nhiệm của Quốc hội để tuyên thệ nhận trọng trách Chủ tịch nước, thì với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ mạnh dạn đề xuất Quốc hội ra nghị quyết bãi bỏ Luật An ninh mạng, lý do "không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng".

Một lưu ý, biện pháp ‘bãi bỏ’ không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của chủ thể ban hành văn bản bị bãi bỏ đó. Đây chính là điều mà tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể an tâm cho đề xuất bãi bỏ Luật An ninh mạng. Và nó còn mang lại cho cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lợi ích chính trị của việc được lòng dân ; và lợi ích kinh tế từ việc phù hợp với các thỏa thuận thương mại quốc tế, cũng như với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà kỳ họp tháng 10/2018, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 21/10/2018

(1) http://bit.ly/2yn47OI

(2) http://bit.ly/2PbVeBg

(3) http://bit.ly/2P9t0ah

(4) http://bit.ly/2yn47OI

(5) http://bit.ly/2QZBb6g

Published in Diễn đàn

Nhân chuyện cơ cấu nhân sự mà các vị đầu não của Bộ Chính trị bàn luận trong phiên họp nguyên tuần lễ đầu tháng 10, tôi cho rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn rũ bỏ tâm lý tự ti, và ông cần toàn tâm, toàn ý để xây dựng một đảng thực sự vững mạnh, thay cho việc ‘đi hàng hai’ khi cứ mãi xen vô chuyện của Quốc hội và chính phủ.

Với cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang, thì các tiêu chuẩn để chọn chủ tịch nước, là một trong những tự ti dễ thấy nhất lúc này của Đảng cộng sản Việt Nam.

tuti1

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa. Ảnh : CSM

Căn cứ Hiến pháp 2013, Điều 28.1 "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước", bài viết này không ám chỉ, hay yêu cầu cần thay đổi thể chế chính trị, mà chỉ yêu cầu cả Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam tôn trọng những gì mà Hiến pháp và luật pháp quy định.

Vì không có Tòa Bảo hiến nên Đảng cộng sản đã lộng quyền ?

Hiến pháp 2013, Điều 86 ghi : "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại". Điều 87 quy định : "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số Đại biểu quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước".

Vị trí, chức năng của Quốc hội được quy định như sau : "1. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (trích Điều 1, Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

Cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật hợp pháp và hợp hiến nào quy định các ứng viên Đại biểu quốc hội phải là đảng viên. Do vậy việc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký một văn bản yêu cầu ứng viên chủ tịch nước phải "Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành trung ương quyết định)" là một yêu cầu vi phạm Hiến pháp đầy thô bạo.

Trong văn bản có tên Quy định 90-QĐ/TW về "tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý", do ông Nguyễn Phú Trọng ký phát hành ngày 4-8-2017, tại mục I.2.4 quy định về tiêu chuẩn chủ tịch nước : "Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư [*], đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng ; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành trung ương quyết định).

Trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc phải là tối thượng và duy nhất

Nội dung Quy định 90-QĐ/TW cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tất cả các chức danh từ chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước đến thủ tướng cùng nội các ‘phải tuyệt đối trung thành’ theo thứ tự ưu tiên như sau : lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tất cả những chức danh đó phải ‘dốc sức bảo vệ’ theo thứ tự ưu tiên như sau : Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Cần nhớ rằng trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, cho đến nay chưa có bất ký văn bản hợp pháp, hợp hiến nào quy định về việc trao cho Đảng cộng sản quyền quyết định nhân sự về Quốc hội và chính phủ - ngoại trừ đúng một câu trong Điều 4.1, Hiến pháp 2013 : Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

tuti2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : Asia Time

Rõ ràng ở đây là sự tư ti của Đảng cộng sản. Nghiễm nhiên ở thế "lãnh đạo độc tôn", nhưng đảng lại không đủ tự tin để ban hành một Luật về các hoạt động của Đảng. Trong khi đó, Đảng cộng sản lại lập ra hàng loạt các tổ chức : Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ trực thuộc Bộ Chính trị, ban cán sự đảng bộ, ngành trực thuộc Ban Bí thư...

Không chỉ vậy. Cứ mỗi lần chuẩn bị bầu cử Quốc hội là người đứng đầu Đảng cộng sản lại ra chỉ thị yêu cầu mọi việc bầu bán phải nhớ là răm rắp tuân theo sự đặt để trước đó của đảng, chứ không phải lệ thuộc vào lá phiếu chọn lựa của cử tri. Văn bản đánh số 51-CT/TW có tên "Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021" mà ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 4-1-2016 là một dẫn chứng.

Đâu là giới hạn của Đảng cộng sản Việt Nam ?

Giáo sư Phan Xuân Sơn, người từng giữ chức vụ quản lý ở Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong một bài viết trên Tạp chí Cộng sản đã chia sẻ về những giới hạn của chính Đảng mà ông tham gia.

Trả lời câu hỏi : "Đâu là giới hạn của Đảng cộng sản Việt Nam ? Bởi đảng hoạt động toàn bằng nghị quyết, chỉ thị chứ chưa có một hệ thống chế định luật chung nằm trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam", giáo sư Phan Xuân Sơn nói rằng "Giới hạn quyền lực của Đảng là "lực lượng lãnh đạo", có nghĩa Đảng không phải là Nhà nước, không làm thay Nhà nước, không ra các văn bản quy phạm pháp luật như Nhà nước".

Giáo sư Phan Xuân Sơn nhìn nhận cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, dù trong thực tế có tác động lớn đến đâu, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, tức không có bộ máy cưỡng chế hợp pháp đi kèm đằng sau những văn bản đó. Chúng tác động đến xã hội thông qua thể chế hóa, hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ chức của Đảng, thông qua tính đúng đắn và sức hấp dẫn của cương lĩnh, đường lối, chủ trương đó.

Thứ hai, vẫn theo lời của giáo sư Phan Xuân Sơn, Điều 4 của Hiến pháp quy định "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nội dung này đặt Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đảng được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng không thể vượt qua được khung khổ pháp luật quốc gia. Nội dung Điều 4 Hiến pháp năm 2013 còn quy định thêm, "Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".

"Chế tài quan trọng nhất đối với kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng là lòng tin của nhân dân, của những người đi theo Đảng. Mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ dẫn đến nguy cơ mất vai trò lãnh đạo và sẽ mất quyền lãnh đạo của Đảng, dù quyền đó có thể được chế định bằng những hình thức pháp lý". Giáo sư Phan Xuân Sơn kết luận. Và phải chăng chính lo ngại về thực tế niềm tin của dân chúng mỗi lúc lại sút giảm nghiêm trọng, nên nhóm những người đứng đầu Đảng cộng sản vẫn chưa đủ tự tin để soạn thảo và trình Quốc hội một luật về hoạt động của đảng cầm quyền ?

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 04/10/2018

Chú thích :

[*] Tiêu chuẩn chung :

1.1. Về chính trị tư tưởng : Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc ; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân ; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.

1.2. Về đạo đức, lối sống : Mẫu mực về phẩm chất đạo đức ; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung ; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc ; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm ; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

1.3. Về trình độ : Tốt nghiệp đại học trở lên ; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp ; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp ; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.

1.4. Về năng lực và uy tín : Có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ; phương pháp làm việc khoa học ; nhạy bén chính trị ; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận ; có khả năng phân tích và dự báo tốt. Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công. Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn ; chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ; có quyết tâm chính trị cao, dám đương đầu với khó khăn, thách thức ; nói đi đôi với làm ; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.

1.5. Sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm ; Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp ; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

(Trích phần I- Tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, ban bí thư quản lý, Quy định 90-QĐ/TW)

Published in Diễn đàn

Cựu bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải có mặt tại lễ Quốc tang ở Hà Nội và cả Ninh Bình trong buổi chiều hạ huyệt vần vũ mưa. Nếu sắp tới đây ông Nguyễn Thiện Nhân lại ra Bắc, liệu ‘bố già’ Hai Nhựt (tên thường gọi của ông Lê Thanh Hải) có phải cam chịu làm củi đốt lò đang dần nguội lạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

bogia1

Chân dung cựu Phó Chủ tịch TPHCM Nguyễn Hữu Tín vừa bị khởi tố. Ảnh : cafeF

Giới luật sư có thân chủ là những dân oan bị ‘bố già’ Hai Nhựt cướp đất ở bán đảo Thủ Thiêm, đang lo lắng rằng liệu với xáo trộn nhân sự đàng sau hậu trường chính trị vào tháng 10 cận kề, liệu vụ Thủ Thiêm lại bị xếp xó như suốt hơn hai mươi năm qua ?

Sếp của ông 'anh Năm Tín' là ai ?

Cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đang đối mặt pháp lý trong vụ án Vũ ‘nhôm’. Nói luôn, ông sếp ở thời quyền uy hét ra lửa đó của ông Nguyễn Hữu Tín chính là ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 5 năm 2004 đến tháng 12 năm 2008, ông Nguyễn Hữu Tín là Thành ủy viên, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, từ tháng 10 năm 2001 đến tháng 4 năm 2004, ông Tín là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5-2004, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã ‘rút’ ông Tín lên làm phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giới làm ăn, người ta hay gọi ông Nguyễn Hữu Tín là ‘anh Năm’

Trung tuần tháng 11/2013, ‘anh Năm’ đã đặt bút ký quyết định giao 375.757m2 ‘đất sạch’ [đất đã giải tỏa xong] không thu tiền sử dụng đất, thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh để đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị này theo hình thức hợp đồng BT (Build - Transfert) : Đại lộ vòng cung (tuyến R1) có diện tích đất là 175.721,6m2 ; đường ven hồ trung tâm (tuyến R2) có diện tích 79.218m2 ; đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3) có diện tích 81.956,5m2 ; đường vùng Châu thổ, đường Châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (R4) có diện tích 38.860,9m2.

Chiều dài 4 tuyến đường là 11,9km, tổng đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 1 km làm đường tiêu tốn 1.000 tỷ đồng, mức đầu tư 'kỷ lục' chưa từng có tại Việt Nam.

Bánh ít đi, bánh quy lại. Ông Nguyễn Hữu Tín đồng ý sẽ cấp cho công ty Đại Quang Minh phần đất có diện tích gần 79 ha đóng trên địa bàn phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông. Khi đó, hiện trạng phần đất được cấp này đang sử dụng để xây dựng dự án trọng điểm, là xương sống nằm trong tổng thể dự án Khu đô thị Sala, nơi có giá nhà đất đắt đỏ nhất hiện nay...

Giới làm ăn chắt lưỡi nói rằng, 4 tuyến đường được định giá xây dựng như vậy tưởng chừng là siêu đắt ; tuy nhiên, bản thân hiện trạng các tuyến đường ấy - có thể thấy chủ yếu phục vụ cho khu đô thị Sala. Cũng chính nhờ các tuyến đường đó, mỗi mét vuông đất tại khu đô thị trên được "đội giá" lên theo thời gian.

Trong thương vụ này, xem ra Đại Quang Minh được ông Nguyễn Hữu Tín ưu ái. Dĩ nhiên sự ưu ái ấy trước tiên cần phải nhận được sự gật đầu của ‘bố già’ Hai Nhựt, đương kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (ông Lê Thanh Hải làm Bí thư Thành ủy suốt hai nhiệm kỳ liền kề).

Những con rối trong tay ‘bố già’ Hai Nhựt ?

Công bằng mà nói, với thế lực danh gia bên vợ của ông Lê Thanh Hải, gần như toàn bộ cấp phó (tính luôn cả chủ tịch Lê Hoàng Quân) thời mà ‘bố già’ Hai Nhựt làm vua một cõi ở Sài Gòn, đều dính tới những tố cáo về sai phạm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dĩ nhiên những tình tiết này không hề được Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong "kết luận kiểm tra" công bố hồi đầu tháng 9/2018.

bogia2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải và ông Võ Văn Thưởng

Trong vụ quy hoạch Thủ Thiêm, đầu tháng 6 năm 2007, ông Nguyễn Hữu Tín, phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng bằng Quyết định số 2466/QĐ-UBND ký ngày 5/6/2007. Quyết định này xác định, tổng diện tích đất thu hồi là 772,3 ha với tổng số 10.406 hộ gia đình và 47 cơ quan đơn vị, trụ sở hành chính, 14 trường học, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong khi đó, đối với khu đất nằm ngoài ranh dự án khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 17/1/2008, phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký ban hành Quyết định 222/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để làm Khu đô thị chỉnh trang kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích gần 336 ha, bao gồm 80 ha chỉnh trang đô thị. Đến đây, 80 ha vốn không thuộc ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã "hợp thức hóa" vào Khu đô thị chỉnh trang kế cận.

Nói thêm, 28 dự án phân lô, bán nền nằm trong khu vực 80 ha chỉnh trang, chính là một phần trong số 160 ha đất tái định cư của dân đã bị xẻ thịt, chia phần cho các công ty tư nhân.

Thật ra những diễn biến về chuyện ban hành các văn bản pháp lý nói trên của ông Nguyễn Hữu Tín, hay Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài vẫn là nhằm để thực hiện theo kịch bản của ‘bố già’ Lê Thanh Hải – một người rất khôn ngoan, khi hiếm hoi đặt bút ký những quyết định liên quan trực tiếp tới quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.

Hồ sơ vụ việc cho thấy ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát hành Công văn đánh số 78/TB-VP, đóng dấu ‘hoả tốc’, truyền đạt ý kiến kết luận của ông Lê Thanh Hải như sau : "Xác định diện tích đất dành cho tái định cư phục vụ đền bù giải toả cho khu đô thị mới Thủ Thiêm phải đảm bảo đủ 160 ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết tập trung ở một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2".

Công văn hỏa tốc về ‘lệnh miệng’ này là cái cớ để hợp thức hóa về mặt ‘đánh lận con đen’ trong pháp lý cho việc băm nát, thay đổi hoàn toàn so với quy hoạch chi tiết mà trước đó UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thuê công ty SASAKI thiết kế và được Bộ Xây dựng thẩm định.

Với ‘lệnh miệng’ nói trên, khu tái định cư của người dân đã bị "đánh bật" ra khỏi quy mô 930 ha đã được chính phủ phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Lê Thanh Hải tự quyền điều chỉnh cả về quy mô và phạm vi quy hoạch, trái với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 367/TTg.

Và nói như lời than oán của mấy trăm gia đình là nạn nhân trong chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, chính ông Lê Thanh Hải và phe nhóm chống lưng ông ta ở cấp Trung ương, đã phá vỡ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ngay từ trong trứng nước.

Dư luận đồn đoán ông Trần Đại Quang có liên can trong vụ Vũ ‘nhôm’ mà ‘anh Năm’ Nguyễn Hữu Tín đang đối mặt tố tụng hình sự. Trong những gương mặt đến dự lễ Quốc tang vừa rồi, trên khuôn hình trực tiếp VTV, liệu có sự hiện diện của ai đó đã giúp ‘bố già’ Lê Thanh Hải một tay che trời : ông Ba Dũng, bà Bảy Thư… ?

Trần Thành

Nguồn  : VNTB, 29/09/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 26 septembre 2018 16:19

Tiền lương và tiền xăng

Người viết bài này có thời gian 6 tháng sinh sống ở Singapore trong vai trò đại diện của một công ty xăng dầu. Xin chia sẻ đôi điều về chuyện giá xăng ở Việt Nam so giá xăng ở Singapore, mà Bộ Tài chính của Việt Nam hay mang ra so sánh mỗi khi muốn tăng giá xăng.

tang1

Tăng để kiếm tiền trả nợ ?

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung. Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều lý do, trong đó Bộ này "trấn an" rằng tăng thuế thì giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn gần 120 nước.

Hủ tíu gõ lề đường rẻ hơn hủ tiếu Nam Vang trong nhà hàng !

Viện dẫn bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices ngày 10/09/2018, Bộ Tài chính tự tin giá bán lẻ xăng của Việt Nam thấp hơn tới những 116 nước, đứng thứ vị trí 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia. Bộ Tài chính còn nói rằng giá bán lẻ xăng Việt Nam thấp hơn Singapore là 18.219 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông đến những 30.383 đồng/lít.

Hồng Kông thì tôi không rõ, chứ mang so sánh giá với Singapore kiểu căn theo số liệu trên Global Petrol Prices, là chưa trúng, mà cần phải so sánh tiếp từ một tổ chức điều tra độc lập nào đó – như Global Finance Magazine chẳng hạn - về thu nhập bằng tiền lương của người sử dụng nhiên liệu xăng cho việc đi lại ở Việt Nam và Singapore.

Những người am hiểu về kinh doanh xăng dầu đều biết rằng, không thể đơn thuần so sánh con số giá bán lẻ để công bố xăng dầu Việt Nam đắt hay rẻ. Cần tính giá xăng so với thu nhập bình quân (affordability) thì mới biết được chính xác giá xăng đắt hay rẻ.

tang2

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cung cấp thông tin về giá bán xăng RON 95 của các nước trong khu vực

Tháng 3/2017, Global Finance Magazine đã dựa trên dữ liệu được cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để tính toán xếp hạng dựa trên chỉ số GDP bình quân đầu người theo phương pháp sức mua tương đương PPP (*).

Kết quả, trong vị trí top 30 quốc gia giàu có nhất thế giới, thì Nhật đội sổ đứng thứ 30 với mức thu nhập bình quân của người dân chỉ có 38.893 USD/năm. Hồng Kông đứng thứ 12 với 58.094 USD. Singapore xếp thứ tư với 87.082 USD. Như vậy chuyện so giá xăng bán lẻ ở một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Việt Nam với đảo quốc không có tài nguyên khoáng sản nào để xuất khẩu như Singapore, như Hồng Kông là chuyện giống như khen tô hủ tíu gõ lề đường giá rẻ hơn tô hủ tíu Nam Vang bán trong nhà hàng sang trọng !?

Đắt thứ ba thế giới !

Rất có thể Bộ Tài chính Việt Nam không quan tâm đến những dẫn chứng kiểu của Global Finance Magazine. Vậy thì thử tìm xem con số về tiền lương bình quân của người lao động Việt Nam, với người lao động Singapore ra sao ? Thật ra đây cũng là một so sánh khiên cưỡng, vì năng suất lao động của Việt Nam được nhìn nhận là kém xa Singapore ; chưa kể Singapore còn có bộ máy nhà nước được đánh giá là trong sạch hàng đầu trên thế giới.

Số liệu ghi nhận của The Global Competitiveness Report 2014 – 2015, với mức lương trung bình là 3.500 USD/tháng, tại Singapore, các kỹ sư phần mềm có thể kiếm được 72.000 USD/năm ; trong khi các bác sĩ đa khoa thường nhận được khoảng 80.000 USD/năm, giáo viên tiểu học kiếm được khoảng 34.000 USD/năm, và nhân viên phục vụ bán thời gian sẽ nhận được khoảng 1.100 USD/tháng. Thuế thu nhập cá nhân từ 0% nếu kiếm được ít hơn 22.000 SGD mỗi năm, và đến 20% đối với thu nhập trên 320.000 SGD (1). Người không cư trú sẽ phải trả một mức cố định là 15% so với tất cả thu nhập có được ở Singapore.

tang3

Còn ở Việt Nam thì mức lương được tính theo vùng miền địa phương. Mức lương tối thiểu năm 2019 với vùng 1 sẽ là 4,18 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng so hiện nay ; vùng 2 là 3,71 triệu đồng/tháng, tăng 180.000 đồng ; vùng 3 là 3,25 triệu đồng/tháng, tăng 160.000 đồng và vùng 4 tăng thêm 160.000 đồng lên mức 2,92 triệu đồng/tháng (2).

Như vậy nếu so mức lương với nhân viên phục vụ bán thời gian tại Singapore, quy đổi sang tiền Việt Nam, sẽ tương đương gần 24 triệu đồng/tháng, tức cao hơn Việt Nam từ 6 đến 8 lần.

Đầu năm ngoái, Bloomberg đã làm một so sánh với mức thu nhập bình quân hàng ngày của người dân (tính theo GDP/người/ngày), kết quả giá xăng Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tạm tính, GDP của Việt Nam là 1.879 nghìn tỷ đồng, còn dân số là 92,7 triệu người. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 111.000 đồng, và giá một lít xăng vào quý 1/2017 tương ứng 14,9% mức thu nhập này.

Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, với mức 14,9% đó, giá xăng Việt Nam đắt thứ 3 thế giới, chỉ thua Ấn Độ (21,19%) và Pakistan (14,98%). Các nước láng giềng của Việt Nam đều có chỉ số này ở mức thấp hơn nhiều, như Indonesia (5,91%), Thái Lan (5,77%), Trung Quốc (4,45%) và Singapore (0,91%).

Bloomberg khuyến cáo việc người dân Việt Nam đang phải chịu giá xăng dầu quá cao so với thu nhập bình quân. Điều này khiến cho chỉ số cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng khu vực.

Tăng để kiếm tiền trả nợ ?

Theo kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại "Báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025", nhiều khả năng mức nợ công năm nay sẽ đạt 3,5 triệu tỉ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỉ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỉ đồng và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP.

Có lẽ vì phải lo xoay trả nợ mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng không mấy quan tâm tới những con số cụ thể của những nơi chuyên trách về nhận định tài chính nổi tiếng thế giới như Global Finance Magazine, The Global Competitiveness Report, hay Bloomberg.

Dường chừng ông cũng không bận tâm để ý tới đồng liêu Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng phát biểu trên báo chí hồi đầu năm nay, là "2017, GDP/người của Việt Nam rất thấp, tương đương 2.385 USD. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar".

Vì nếu có liếc mắt tham khảo qua, tin rằng ông Đinh Tiến Dũng không dám mạnh miệng cho so sánh "giá bán lẻ xăng tại một số nước có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại như Brazil là 25.339 đồng/lít, Canada là 26.583 đồng/lít, Trung Quốc là 25.656 đồng/lít, Ấn Độ là 26.949 đồng/lít - cao hơn giá bán lẻ xăng của Việt Nam", mà ông đã trình bày để cố gắng thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 26/09/2018

(*) Sức mua tương đương (hay được viết tắt là PPP xuất phát từ purchasing power parity) là một kiểu tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Các nhà kinh tế học tính xem cùng một lượng hàng của cùng một thứ hàng hóa khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh lượng hai đơn vị tiền tệ.

(1) 1 đô la Mỹ (USD) = 1,3641 đô la Singapore (SGD) vào ngày 21/09/2018

(2) 1 đô la Mỹ (USD) = 23.290 đồng Việt Nam (VND), ngày 23/09, Vietcombank

Published in Diễn đàn

Góc nhìn luật pháp, tôi tin rằng ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đang cố tình cho mình cái quyền đứng trên Luật Giáo dục. Và không chỉ mỗi ông Phùng Xuân Nhạ, hiện nay có ít nhất 4 giám đốc sở Giáo dục ở các tỉnh sau đây cùng ‘đồng phạm’ : Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Tiền Giang.

botruong1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại và sách giáo khoa thuộc Công nghệ giáo dục

Vi phạm ở đây của các vị nói trên là đã không dùng sách giáo khoa để dạy học trò lớp một.

Sách giáo khoa là dùng để dạy học trò

Luật Giáo dục, phiên bản sửa đổi năm 2009, tại Khoản 3 Điều 29 có nội dung như sau :

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông ; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa".

Như vậy, sách giáo khoa được chọn đưa vào giảng dạy cho học trò, về mặt pháp lý phải tuân thủ hai điều kiện theo thứ tự : Trước tiên, được sự phê chuẩn của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; tiếp theo, quyết định của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc sử dụng chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại được Bộ Giáo dục đồng ý ‘thực nghiệm’ từ năm 1978 cho đến hiện nay. Tuy nhiên các tài liệu được ông Hồ Ngọc Đại biên soạn cho chương trình này, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một quyết định mang tính pháp lý nào để có thể xác định đó là sách giáo khoa.

Theo nguyên tắc, khi không được công nhận là sách giáo khoa, thì nói như lời phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi cho cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-9, thì đây chỉ là "tài liệu học tập dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học".

Cần dừng ngay việc thí điểm kéo dài 40 năm

Nếu tôn trọng pháp luật, thì cần dừng ngay việc thí điểm chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại kéo dài từ năm 1978 đến nay vẫn chưa được nghiệm thu.

Luật Giáo dục, Khoản 1 của Điều 100, quy định "Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học ; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục".

Ngày 12/9, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, vấn đề thí điểm, đổi mới, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", thì việc Bộ Giáo dục và đào tạo cho triển khai đại trà Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, trong đó có nhiều địa phương "100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục", cho thấy đã cố tình vi phạm Luật Giáo dục, vi phạm Nghị quyết 88/2014/QH13 "về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" của Quốc hội.

Tuy nhiên tường thuật trên báo chí thì phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không thấy đưa ra yêu cầu cụ thể nào đối với Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại ở niên học 2018-2019.

Hiện tại, có ít nhất 4 địa phương đã "100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục" thay cho sách giáo khoa : Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Tiền Giang.

Người viết cho rằng ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, bằng quyền hạn Hiến định và luật định tại Điều 2, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân ; Điều 1, Điều 27 của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, cần có quyết định về xem xét hành vi tuân thủ pháp luật của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc tiếp tục cho phép triển khai rộng rãi Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 13/09/2018

Published in Diễn đàn

Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?

Trong Luật Thanh tra không có nội dung nào liên quan đến cụm từ "kiểm tra". Như vậy, giả dụ như trong trường hợp "kiểm tra" của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy có các sai phạm, thì người dân có thể căn cứ vào đó để khởi kiện một vụ án hành chính ?

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là sắp tới đây, liệu Tổng Thanh tra Chính phủ có ký một quyết định về thanh tra toàn diện vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?

ketluan1

Thủ Thiêm và kết luận thanh tra - Ảnh minh họa

Cần "thanh tra" chứ không phải chỉ "kiểm tra"

Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều.

Thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa. Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như : xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định...

Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, để tác động lên đối tượng bị quản lý. Nôm na về thẩm quyền xử lý, nếu qua hoạt động kiểm tra thấy đối tượng của kiểm tra có sai phạm, hoặc chưa thực hiện đúng các quy định của ngành, thì người kiểm tra có thể hướng dẫn "uốn nắn" nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.

Nhưng hoạt động thanh tra thì không có chức năng này, mà trên cơ sở hành lang pháp lý quy định về chức trách nhiệm vụ của đối tượng thanh tra để đánh giá, kết luận về kết quả công tác của đối tượng thanh tra.

Nếu đối tượng thanh tra có hành vi vượt giới hạn hành lang pháp lý đó, thì thanh tra không hướng dẫn mà yêu cầu xử lý trách nhiệm người vi phạm. Đây chính là lý do mà trong văn bản mang tên "Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", do ông Đặng Công Huẩn, phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 04-09-2018 [tải về tại http ://bit.ly/2x2Td03], không đề cập bất kỳ cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản liên quan quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?

Thông thường, đứng trước các quyết định hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành, thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án để giải quyết.

Nếu quyết định hành chính bị ban hành trái với quy định của pháp luật, thì tòa án có thể ban hành bản án bằng việc hủy quyết định nói trên. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải thi hành. Lúc này đất sẽ lại thuộc về quyền sử dụng của người trước đó bị thu hồi.

Như vậy, về nguyên tắc thì những người dân ở Thủ Thiêm đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây thiệt hại qua việc nhân danh quy hoạch để thu hồi đất trái quy định pháp luật, thì họ có quyền đòi trả lại như nguyên trạng. Thế nhưng đây lại là điều bất khả thi, khi với thời gian kéo dài suốt 20 năm, các phần đất này đã được chính quyền chia năm, xẻ bảy và bán cho các nhà đầu tư. Một phán xét của Tòa có thể sẽ giúp giải quyết gút mắc đó.

"Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", là một văn bản có thể bổ sung vào hồ sơ kiện tụng của người dân Thủ Thiêm.

Tuy nhiên trong trường hợp các hộ dân đã di dời, hoặc bị cưỡng chế di dời và chấp nhận phương án đền bù, giờ mới biết mình là nạn nhân của việc làm sai pháp luật trong quy hoạch do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây nên, thì họ sẽ được tính toán lại việc đền bù thiệt hại vật chất, và cả đời sống tinh thần ra sao ?

Số tiền đền bù bổ sung nếu có, thì được lấy từ đâu, vì cái sai ở đây được gây ra từ những quan chức cụ thể, chứ không phải sai sót từ hành lang pháp lý để có thể dùng ngân sách để giải quyết.

Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm được quy hoạch giữ lại, tuy nhiên về sau chính quyền tự sửa quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, dẫn đến việc cưỡng chế đập bỏ chùa Liên Trì vào ngày 8-9-2016 là một đơn cử.

Nên chăng khởi tố vụ án hình sự với các bị cáo là những quan chức, cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số tài sản sở hữu hiện có của những quan chức, cựu quan chức này sẽ được tòa phán xét để dùng làm nguồn tài chính khắc phục hậu quả mà chính các quan chức này đã gây ra.

Lưu ý, việc đền bù như nói trên còn nhận được sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình ; có nghĩa mặc dù những quan chức, cựu quan chức không đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nào, song vợ, con ruột của họ vẫn phải chịu trách nhiệm đền bù thay cho chồng, cha của họ. Dĩ nhiên ở đây cũng cần xem xét tới các nội dung liên quan của Luật phòng, chống tham nhũng, phiên bản sửa đổi 2012.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 12/09/2018

Published in Diễn đàn

Mô hình giáo dục tại nhà (homeschooling) phổ biến trên thế giới. Homeschooling được thừa nhận như một bộ phận giáo dục, vì cha mẹ và trẻ được lựa chọn học cái mình thích, theo cách mình muốn. Dĩ nhiên hệ thống pháp luật có những điều chỉnh thích hợp cho mô hình giáo dục đó.

hoinhap1

Homeschooling được thừa nhận như một bộ phận giáo dục, vì cha mẹ và trẻ được lựa chọn học cái mình thích, theo cách mình muốn. Ảnh minh họa

Trên mạng xã hội đang lan truyền nhanh hình ảnh kèm lời được cho là của giáo sư Hồ Ngọc Đại : "Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháp mới của tôi, cũng như việc bỏ chấm điểm, thì ngoài cô giáo không ai làm được hết. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ. Ra khỏi cổng trường là được chơi với bố mẹ. Việc này chúng tôi đã làm mấy chục năm rồi".

Không rõ thực hư, nhưng quả tình nhiều bè bạn của tôi có con cái từng theo học chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, nói rằng khi đọc sách giáo khoa của ông biên soạn, họ cũng không biết phải dạy con thế nào cho đúng như sách. Đây là điều quả thật rất đáng lo, vì thế hệ 6X ở người viết, tôi được dạy dỗ rằng, "cha mẹ chính là người dạy cho ta biết thế nào là thiện – ác qua những câu chuyện cổ tích, họ dạy phải yêu thương những người người có hoàn cảnh khó khăn, không xa lánh những người có bệnh hiểm nghèo, đùm bọc những người thiệt thòi trong cuộc sống, biết tự phân biệt đâu là đúng, là sai, biết đứng ra bảo vệ lẽ phải, luôn sống hết mình vì mơ ước và đam mê và tránh xa những cám dỗ của cuộc đời".

Tìm kiếm cụm từ "homeschool" trên google, chắc chắn người ta sẽ thêm lo ngại trước tuyên bố chắc nịch được cho là của ông Hồ Ngọc Đại như đã nêu ở trên. Theo đó, hiện có hơn 2 triệu trẻ em Mỹ được giáo dục ở nhà, chiếm 4% số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Nghiên cứu cho thấy trẻ học tại nhà có thể thành công khi được hỗ trợ bởi bố mẹ. Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến giáo dục và tạo động lực rất tốt cho con. Họ đủ điều kiện tài chính, tìm kiếm gia sư hoặc các lớp ngắn hạn cho các môn không thể tự dạy. Họ đóng vai trò hỗ trợ hoặc điều phối hơn là giáo viên.

Tuy nhiên, không ai đảm bảo trẻ sẽ được giáo dục đúng cách, thậm chí sẽ không hề được giáo dục nếu bố mẹ không để tâm vào quá trình trẻ tiếp nhận kiến thức ở nhà, theo website của tổ chức phi lợi nhuận Coalition for Responsible Home Education.

Trẻ em học tại nhà thường tham gia nhiều hoạt động xã hội, được tổ chức bởi cộng đồng giáo dục tại nhà do các gia đình trong khu vực thành lập, học nhảy và khiêu vũ, tập trung thành nhóm đi thực địa… Với khả năng kết nối qua Internet và sự ủng hộ của xã hội, cơ hội dành cho những gia đình theo đuổi phương pháp này tăng cao trong những năm qua. Dù không đến trường, trẻ vẫn có thể hòa nhập tốt với cộng đồng xung quanh.

Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh giáo dục công lập còn có giáo dục dân lập, tư thục. Giáo dục tại nhà nên được coi là một lựa chọn bình thường. Bởi nếu đúng như tuyên bố ở trên của ông Hồ Ngọc Đại, chắc hẳn những phụ huynh như chúng tôi sẽ từ chối cho con em mình theo học "phương pháp mới", vì khi đó, ngay cả bậc phụ huynh có kiến thức, thậm chí học hàm, học vị vẫn không thể dạy được con em mình ở bậc tiểu học, thì quả là điều tệ hại cho nền giáo dục nước nhà.

Xin tạm kết bài viết này bằng câu chuyện của một người bạn đang là cô giáo tiểu học : Bài "Quả bứa", trang 87, sách "Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1, tập 2", kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.

Cậu Cả bổ quả bứa và phán : "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".

"Lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng ‘mày – tao’, ý nghĩa thì chỉ dạy các em tiểu học cách sống tiểu xảo. Nếu tôi là phụ huynh, đúng là tôi không thể dạy con mình được như điều mà ông giáo sư Hồ Ngọc Đại đã viết". Cô giáo bạn của tôi, kết luận.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 03/09/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 02 septembre 2018 08:57

Xin hỏi hai ông Tư Sang và Ba Dũng

Cách đây 4 năm, trước việc các lực lượng vũ trang (gồm quân đội và công an) bị huy động tùy tiện và trái pháp luật vào các cuộc cưỡng chế, giải tỏa đất đai bất hợp pháp, và nhất là vào việc ngăn chặn, cản trở các cuộc biểu tình yêu nước của toàn dân phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngày 2/9/2014, hai mươi (20) cựu sĩ quan Quân đội và Công an chúng tôi đã cùng nhau ký kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (sau đây gọi tắt là "Kiến nghị 20").

batu1

Ông Tư Sang (ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Ba Dũng (ông Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kiến nghị nêu 4 yêu cầu rất cụ thể. Tôi xin đề cập 2 trong 4 đòi hỏi của "Kiến nghị 20" này như sau :

Kiến nghị 1 nêu rõ : "Không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho nhân dân. Quân đội có nhiệm vụ Hiến định là "Bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm", do vậy tuyệt đối không được huy động Quân đội vào những việc mang tính đối kháng với nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa... Công an có nhiệm vụ Hiến định là "Bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm", do vậy tuyệt đối không lạm dụng Lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội đấu tranh đòi giải quyết những quyền lợi hợp pháp của mình !" (hết trích 1).

Kiến nghị 4 nêu cụ thể : "Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung, và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo... Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn : "Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng và Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận yêu cầu nói trên, và cho Việt Nam thời hạn 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Hoa". Chúng tôi không rõ thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Thành Đô năm 1990" (hết trích 2).

Kiến nghị trên được gửi ông Tư Sang và Ba Dũng đã tròn 4 năm. Đến nay cả hai ông đều đã nghỉ hưu để "ráng làm người tử tế" ! Song rất buồn và đáng trách, giống hệt như các Lãnh đạo cao cấp khác, hai ông Tư và Ba này đã không trả lời "Kiến nghị 20" một câu ! Phải chăng trong đầu và trái tim họ đã mất hết suy nghĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm của người lãnh đạo đối với công dân, mà trong trường hợp này lại là đồng đội, đồng chí của mình ? Đây quả là cách ứng xử lạ lùng và kỳ cục nếu không nói là thiếu chuẩn mực đạo đức và luật pháp, mà chỉ duy nhất thấy ở lãnh đạo các quốc gia theo thể chế độc tài, toàn trị ! 

Trong số 20 cựu sĩ quan lực lượng vũ trang ký tên, người trẻ nhất nay cũng đã 77 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã bước sang tuổi đại thượng thọ : 103 tuổi ! Đó là lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc. Tướng Vĩnh vào Đảng năm 1939, được phong hàm Thiếu tướng năm 1959 ! Trong tất cả sĩ quan cấp tướng do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tấn phong, cụ là người duy nhất còn sống cho đến nay ! Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại cho tôi chuyện sau : Lúc đương chức, cả hai ông Tư Sang và Ba Dũng đều cử phái viên đến thăm cụ. Một lần ông Ba Dũng cử một vị tướng đến thăm với mục đích thẳng băng là yêu cầu cụ bớt phê phán và lên án ông ta ! Ông tướng này (chỉ bằng tuổi con cụ) nói : "Bác nguyên là Trung ương Ủy viên, tôi cũng là nguyên Ủy viên Trung ương. Bác là sĩ quan cấp tướng, tôi cũng cấp tướng !" Nghe đến đây, cụ bèn ngắt lời khách : "Không dám ! Tôi vào Đảng khi anh còn chưa sinh. Còn khi tôi được phong hàm tướng và tham gia Ban chấp hành trung ương, có lẽ lúc đó anh mới chỉ học cấp 1. Anh so sánh như vậy là khập khiễng ! Vả lại khi tôi được phong tướng và được bầu vào Trung ương, thời kỳ ấy Đảng ta còn rất trong sạch, chứ đâu như bây giờ ! Nay tất cả là do đồng tiền chi phối và quyết định, khác hẳn trước đây" ! Biết là thất thố và không thể đối đáp tiếp, ông tướng nọ vội vàng cáo lui, lẳng lặng ra về ! 

Đến nay có 1/5 số ký "Kiến nghị 20" đã rời cõi tạm về nơi vĩnh hằng ! Đó là Thiếu tướng Lê Duy Mật và 4 đại tá : Bùi Văn Bồng, Phạm Hiện, Nguyễn Thế Trường và Lê Hồng Hà ! Xin mạn phép hỏi ông Tư Sang và Ba Dũng : Vì lý do gì mà các ông không phúc đáp và trả lời 4 vấn đề nêu trong "Kiến nghị 20" gửi các ông 4 năm trước ? Thực sự là do đâu ? Chắc ở dưới suối vàng, 5 sĩ quan quá cố và khả kính kia sẽ không tha thứ cho hai ông về tội đã phớt lờ bổn phận và đạo lý của mình !

Bốn yêu cầu trong "Kiến nghị 20" đâu phải là những đòi hỏi vô lý, ngược lại đấy là những vấn đề rất thiết thực, nằm trong khuôn khổ và phù hợp với Hiến pháp ! Trong số ký "Kiến nghị 20" có nhiều người đáng tuổi cha chú hai ông, họ góp phần xương máu trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để các ông được cơ cấu "làm đày tớ của dân" (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh) ! Đảng bố trí các ông ngồi vào 2 trong 4 ghế tứ trụ triều đình để phục vụ ai ? Các ông đã coi khinh, không lên tiếng trả lời, vậy lương tâm các ông còn không ? Các ông hành xử bất tín, bất nghĩa, vô chính trị như vậy là ý muốn cá nhân hay theo chỉ đạo của ai đó, thưa hai ông ? 

Mong rằng cách ứng xử thiếu văn hóa, khiếm nhã và vô đạo lý nói trên sẽ không bao giờ lặp lại trong sinh hoạt chính trị, nhất là trong tư duy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta !

Hà Nội, ngày 2/9/2018

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 02/09/2018

----------------

KIẾN NGHỊ

của 20 cựu sĩ quan lực lượng vũ trang gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Ngày 2 tháng 9 năm 2014

Kính gửi :

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thống lĩnh các Lực lượng Vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chúng tôi là những người lính trọn đời "Trung với Nước, Hiếu với Dân", luôn trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh, chủ quyền và sự phát triển của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần phải kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước một số điểm như sau.

1. Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi dựa vào Nhân dân, nên không được đánh mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định "quốc phòng", tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hiến định "bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm", tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Các chiến sĩ Lực lượng vũ trang chỉ có thể yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm. Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.

3. Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống chế của Công an phải là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người dân vô tội. Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của của chúng ta, tuy nay đã tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết tâm bá chiếm Biển Đông. Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước cựu thù đã hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như mối quan hệ giữa Cộng hòa liên bang Đức và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Việt Nam và hai nước Pháp, Nhật Bản. Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

4. Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn : "Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc". Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc về ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại những câu sáo ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Chưa biết bên trong còn có những thỏa thuận cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trong Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên.

Trên đây là mấy đòi hỏi cấp bách, nhằm khôi phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng thời tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những thách thức to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Danh sách ký tên :

1. Lê Hữu Đức, Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.

2. Trần Minh Đức, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh hậu cần Mặt trận Trị Thiên - Huế.

3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.

4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2, cựu Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) 1979-1984.

5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh chủng Tăng-Thiết giáp.

6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Chính ủy Quân khu 4.

7. Bùi Văn Bồng, Đại tá, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

8. Phạm Quế Dương, Đại tá, nguyên Tổng bí thư tạp chí Lịch sử Quân sự.

9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ ưu tú Điện ảnh quân đội.

10. Lê Hồng Hà, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an.

11. Phạm Hiện, Đại tá, nguyên Chánh Văn phòng B.68 Đoàn chuyên gia giúp Campuchia.

12. Phạm Xuân Phương, Đại tá, nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị.

13. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an.

14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến binh Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

15. Tạ Cao Sơn, Đại tá, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.

16. Đoàn Sự, Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị.

17. Lê Văn Trọng, Đại tá, nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu.

18. Nguyễn Thế Trường, Đại tá, nguyên Tổng bí thư báo Quân giải phóng Trung Trung bộ.

19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự.

20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), Đại tá, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Trưởng phòng Sở chỉ huy Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu.

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2