Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Trong Luật Thanh tra không có nội dung nào liên quan đến cụm từ "kiểm tra". Như vậy, giả dụ như trong trường hợp "kiểm tra" của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy có các sai phạm, thì người dân có thể căn cứ vào đó để khởi kiện một vụ án hành chính ?
Câu hỏi tiếp theo đặt ra là sắp tới đây, liệu Tổng Thanh tra Chính phủ có ký một quyết định về thanh tra toàn diện vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?
Thủ Thiêm và kết luận thanh tra - Ảnh minh họa
Cần "thanh tra" chứ không phải chỉ "kiểm tra"
Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều.
Thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa. Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như : xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định...
Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, để tác động lên đối tượng bị quản lý. Nôm na về thẩm quyền xử lý, nếu qua hoạt động kiểm tra thấy đối tượng của kiểm tra có sai phạm, hoặc chưa thực hiện đúng các quy định của ngành, thì người kiểm tra có thể hướng dẫn "uốn nắn" nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Nhưng hoạt động thanh tra thì không có chức năng này, mà trên cơ sở hành lang pháp lý quy định về chức trách nhiệm vụ của đối tượng thanh tra để đánh giá, kết luận về kết quả công tác của đối tượng thanh tra.
Nếu đối tượng thanh tra có hành vi vượt giới hạn hành lang pháp lý đó, thì thanh tra không hướng dẫn mà yêu cầu xử lý trách nhiệm người vi phạm. Đây chính là lý do mà trong văn bản mang tên "Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", do ông Đặng Công Huẩn, phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 04-09-2018 [tải về tại http ://bit.ly/2x2Td03], không đề cập bất kỳ cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản liên quan quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Thông thường, đứng trước các quyết định hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành, thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án để giải quyết.
Nếu quyết định hành chính bị ban hành trái với quy định của pháp luật, thì tòa án có thể ban hành bản án bằng việc hủy quyết định nói trên. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải thi hành. Lúc này đất sẽ lại thuộc về quyền sử dụng của người trước đó bị thu hồi.
Như vậy, về nguyên tắc thì những người dân ở Thủ Thiêm đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây thiệt hại qua việc nhân danh quy hoạch để thu hồi đất trái quy định pháp luật, thì họ có quyền đòi trả lại như nguyên trạng. Thế nhưng đây lại là điều bất khả thi, khi với thời gian kéo dài suốt 20 năm, các phần đất này đã được chính quyền chia năm, xẻ bảy và bán cho các nhà đầu tư. Một phán xét của Tòa có thể sẽ giúp giải quyết gút mắc đó.
"Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", là một văn bản có thể bổ sung vào hồ sơ kiện tụng của người dân Thủ Thiêm.
Tuy nhiên trong trường hợp các hộ dân đã di dời, hoặc bị cưỡng chế di dời và chấp nhận phương án đền bù, giờ mới biết mình là nạn nhân của việc làm sai pháp luật trong quy hoạch do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây nên, thì họ sẽ được tính toán lại việc đền bù thiệt hại vật chất, và cả đời sống tinh thần ra sao ?
Số tiền đền bù bổ sung nếu có, thì được lấy từ đâu, vì cái sai ở đây được gây ra từ những quan chức cụ thể, chứ không phải sai sót từ hành lang pháp lý để có thể dùng ngân sách để giải quyết.
Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm được quy hoạch giữ lại, tuy nhiên về sau chính quyền tự sửa quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, dẫn đến việc cưỡng chế đập bỏ chùa Liên Trì vào ngày 8-9-2016 là một đơn cử.
Nên chăng khởi tố vụ án hình sự với các bị cáo là những quan chức, cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số tài sản sở hữu hiện có của những quan chức, cựu quan chức này sẽ được tòa phán xét để dùng làm nguồn tài chính khắc phục hậu quả mà chính các quan chức này đã gây ra.
Lưu ý, việc đền bù như nói trên còn nhận được sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình ; có nghĩa mặc dù những quan chức, cựu quan chức không đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nào, song vợ, con ruột của họ vẫn phải chịu trách nhiệm đền bù thay cho chồng, cha của họ. Dĩ nhiên ở đây cũng cần xem xét tới các nội dung liên quan của Luật phòng, chống tham nhũng, phiên bản sửa đổi 2012.
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 12/09/2018