Làm thế nào để tin, dù cái niềm tin chỉ tựa như một lớp cặn dưới đáy ly đã sạch nước, vào những lời hứa hẹn bất tận của giới quan chức mang danh cộng sản về ‘sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm’ ?
Những ngôi nhà dân bị đập phá giải tỏa ở Thủ Thiêm để xây đô thị mới (Hình minh họa) - AFP
Lời hứa của một chính quyền ‘cuội’
Đầu tháng 3 năm 2019, Võ Văn Hoan - quan chức chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và được xem là người phát ngôn của chính quyền thành phố này - thêm một lần nữa thông tin "Trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng kết quả thanh tra toàn diện Thủ Thiêm", nhưng không quên thòng "vấn đề Thủ Thiêm không thể trong thời gian ngắn mà giải quyết hết được nhưng thành phố cố gắng trong năm 2019 sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề liên quan đến khiếu nại của người dân".
Như thường lệ, phát ngôn của Võ Văn Hoan về vụ việc Thủ Thiêm cần được hiểu là đã được sự chuẩn thuận của không chỉ cấp thường vụ đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà còn được phép từ cơ quan Thanh tra chính phủ. Từ năm 2018 đến nay, lời hứa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã biến thành ‘cuội’ ít nhất ba lần nhưng hầu như chẳng làm gì để thực hiện những hứa hẹn đó.
Hứa hẹn trên hiện ra trong bối cảnh sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rất nhiều người dân đã tiếp tục phản ứng và khiếu kiện vì thông báo này chỉ cho rằng 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng theo những tài liệu mà người dân có được thì 5 khu phố thuộc hai phường Bình Khánh, An Khánh cũng nằm ngoài ranh giới này. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hàng trăm người dân Thủ Thiêm tiếp tục ra Hà Nội và tới các cơ quan Trung ương liên tục trong nhiều ngày để phản ánh việc này, yêu cầu Chính phủ cần thanh tra toàn diện khu đô thị và đưa ra kết luận cuối cùng, xử lý sai phạm của các cá nhân liên quan, đồng thời bồi thường thỏa đáng cho người dân…
Vậy làm sao có thể tin rằng bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ sắp được công bố sẽ giúp tái cân bằng phần nào cán cân công lý đã đạp xuống bùn đen ở Thủ Thiêm ?
Cần so lại quá khứ để nhìn ra hiện tại và tương lai đen đúa đến thế nào.
Biện chứng lịch sử từ Nhân đến Phúc
Phép biện chứng lịch sử của thủy tổ chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx hoàn toàn có thể ứng dụng đối với các học trò của ông trong vụ khiếu kiện khổng lồ, đổ máu lẫn chết chóc ở Thủ Thiêm - Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, phép này đã ứng biến ít nhất một lần đối với Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng chính phủ, là những quan chức phải chịu trách nhiệm chính về giải quyết hậu quả Thủ Thiêm.
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn).
Còn nhớ vào trước kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND Thành phố đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng chính phủ’.
Thế còn ‘Thủ tướng chính phủ’ làm gì ?
Như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, cùng thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát ra báo cáo trên, vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cũng như bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Khi đó, đã xảy ra một nhịp đồng pha kỳ lạ về quan điểm xử lý khủng hoảng Thủ Thiêm của Nguyễn Xuân Phúc với Nguyễn Thiện Nhân, của các cơ quan trung ương như Thanh tra chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều toa rập một cách rất… đồng bộ.
Thủ phạm vẫn đạp trên pháp luật
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2019 đã vọt đến vài trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 150 ha đất giải tỏa lố - mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 280 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ USD !
Trong vài trăm ‘điểm nóng khiếu kiện đất đai’ ở Việt Nam mà Thanh tra chính phủ thường thống kê, làn sóng khiếu kiện và tố cáo của dân Thủ Thiêm thuộc loại bi phẫn nhất, dày đặc nhất và kéo dài lâu nhất cho tới ngày hôm nay kể từ khi một quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ ban hành vào năm 1996.
Trong thực tế, không phải Thanh tra chính phủ và còn lâu mới là cơ quan này, mà chính người dân Thủ Thiêm đã phát hiện ra là chính quyền đã giải tỏa lố hàng trăm ha đất của dân.
Theo tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, trong khi bản đồ người dân trưng ra thực tế diện tích đất chỉ hơn 500 ha thì bản đồ 650 ha của chính quyền tính luôn diện tích nhà đất của người dân.
Có nghĩa là diện tích ‘giải tỏa thêm’ có thể đến 150 ha và do đó đã đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Một trong những quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất là Lê Thanh Hải - chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng năm 2000 đến tận cuối năm 2015.
Lê Thanh Hải có những biệt danh chính trị như ‘Anh Hai Sài Gòn’, ‘Lãnh chúa Gia Định’ và cả một biệt danh dân dã mà dân oan Thủ Thiêm đặt cho là ‘Hải Heo’.
Từ nhiều năm qua, Lê Thanh Hải cũng được cho là một trong những quan chức tham nhũng nhất và giàu nhất Việt Nam. Một trong những vụ tai tiếng nhất của Lê Thanh Hải là ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
‘Đất vàng’ cùng số lợi nhuận khổng lồ trên đã biến thành nguồn cơn khiến chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 2 tiến hành chiến dịch cưỡng chế di dời đối với dân nơi đây trở nên tàn bạo và đẫm máu nhất trong các vụ cưỡng chế di dời dân ở Việt Nam.
Chiến dịch trên, kéo dài trong nhiều năm trời, đã dẫn đến nhiều cái chết của dân oan Thủ Thiêm nhưng lại tuyệt đối không được bất cứ cơ quan chức năng nào tiết lộ và cũng không được báo chí nhà nước công bố.
Một nạn nhân điển hình của nạn cưỡng chế trên là gia đình bà Nguyễn Thị The. Chồng và con trai của bà The đã treo cổ tự vẫn vì bị cưỡng chế, ruồng bố.
Không chỉ đẩy đuổi dân, chính quyền và công an còn kéo quân phá sập và ủi sạch chùa Liên Trì ở Quận 2 - một cơ sở thờ tự lâu đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nhưng cho tới nay, toàn bộ thủ phạm gây ra vụ cưỡng chế khổng lồ và đẫm máu ở Thủ Thiêm vẫn không hề bị ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ đụng tới.
Nếu dân không phản ứng mạnh ?
"Những hộ ngoài ranh quy hoạch sẽ không phải di dời nữa" - Nguyễn Thiện Nhân nói trong một cuộc gặp với dân oan Thủ Thiêm vào ngày 20/6/2018 .
Nhưng làm thế nào để xác định ‘ngoài ranh quy hoạch’, trong khi cho đến nay toàn bộ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã cố tình lấp liếm vụ ‘tấm bản đồ gốc biến mất’, và cho đến ngày hôm nay Thanh tra chính phủ vẫn bỏ ngoài báo cáo nhiều trường hợp nhà dân bị cố tình giải tỏa lố ?
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, sát tết nguyên đán 2019 Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Giờ đây, nhiệm vụ có vẻ như duy nhất của Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà từ lâu đã bị thiên hạ gắn mác ‘hèn sĩ’ - là "thăm" dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm - chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có "ma" nào thèm mua.
Để một khi dân oan đã "ổn định" trong khu tái định cư, giới quan chức ăn bẫm hy vọng làn sóng khiếu tố sẽ giảm bớt. Hy vọng đó là rất "đúng quy trình". Làm thế nào để chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh - "tội phạm" trong vụ Thủ Thiêm - lại muốn xử lý những tội phạm "ăn đất" của người dân ?
Để cuối cùng, thói "xử lý nội bộ" sẽ dẫn đến "đánh bùn sang ao", khiến vụ Thủ Thiêm uất nghẹn chỉ còn cách bị nhấn chìm xuồng. Chìm xuồng hẳn.
Như một quy luật về thủ đoạn chính trị không có gì mới và cực kỳ trơ trẽn, cứ sau 3-4 tháng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại lấp ló thông tin ‘sẽ giải quyết dứt điểm khiếu kiện Thủ Thiêm’. Quy luật - thủ đoạn này đã kéo dài suốt từ giữa năm 2018 đến nay, sau hai chục năm không có luật pháp mà chỉ có luật rừng ở Thủ Thiêm. Vào lần này cũng vậy, khi Chánh văn phòng Võ Văn Hoan lại ‘cười tươi’ và đưa ra lời hứa mà không biết còn được mấy phần trăm liêm sỉ.
Giờ đây, hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm không còn gì để mất lại thêm một lần nữa nhận ra rằng họ vẫn chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ lợi ích và chính trị của các nhóm quyền lực - những kẻ coi cái chết tự treo cổ vì phẫn uất do bị cưỡng chế của dân oan chẳng đáng một bữa nhậu của chúng.
Quy luật và thủ đoạn chính trị của chính quyền Nguyễn Xuân Phúc - Nguyễn Thiện Nhân đang tất yếu dẫn đến một quy luật nghịch đảo : nếu dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ "đánh bùn sang ao" mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/03/2019
Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Trong Luật Thanh tra không có nội dung nào liên quan đến cụm từ "kiểm tra". Như vậy, giả dụ như trong trường hợp "kiểm tra" của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy có các sai phạm, thì người dân có thể căn cứ vào đó để khởi kiện một vụ án hành chính ?
Câu hỏi tiếp theo đặt ra là sắp tới đây, liệu Tổng Thanh tra Chính phủ có ký một quyết định về thanh tra toàn diện vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?
Thủ Thiêm và kết luận thanh tra - Ảnh minh họa
Cần "thanh tra" chứ không phải chỉ "kiểm tra"
Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều.
Thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa. Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như : xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định...
Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, để tác động lên đối tượng bị quản lý. Nôm na về thẩm quyền xử lý, nếu qua hoạt động kiểm tra thấy đối tượng của kiểm tra có sai phạm, hoặc chưa thực hiện đúng các quy định của ngành, thì người kiểm tra có thể hướng dẫn "uốn nắn" nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Nhưng hoạt động thanh tra thì không có chức năng này, mà trên cơ sở hành lang pháp lý quy định về chức trách nhiệm vụ của đối tượng thanh tra để đánh giá, kết luận về kết quả công tác của đối tượng thanh tra.
Nếu đối tượng thanh tra có hành vi vượt giới hạn hành lang pháp lý đó, thì thanh tra không hướng dẫn mà yêu cầu xử lý trách nhiệm người vi phạm. Đây chính là lý do mà trong văn bản mang tên "Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", do ông Đặng Công Huẩn, phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký ngày 04-09-2018 [tải về tại http ://bit.ly/2x2Td03], không đề cập bất kỳ cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản liên quan quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết luận kiểm tra có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện hành chính ?
Thông thường, đứng trước các quyết định hành chính có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành, thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án để giải quyết.
Nếu quyết định hành chính bị ban hành trái với quy định của pháp luật, thì tòa án có thể ban hành bản án bằng việc hủy quyết định nói trên. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, thì các bên phải thi hành. Lúc này đất sẽ lại thuộc về quyền sử dụng của người trước đó bị thu hồi.
Như vậy, về nguyên tắc thì những người dân ở Thủ Thiêm đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây thiệt hại qua việc nhân danh quy hoạch để thu hồi đất trái quy định pháp luật, thì họ có quyền đòi trả lại như nguyên trạng. Thế nhưng đây lại là điều bất khả thi, khi với thời gian kéo dài suốt 20 năm, các phần đất này đã được chính quyền chia năm, xẻ bảy và bán cho các nhà đầu tư. Một phán xét của Tòa có thể sẽ giúp giải quyết gút mắc đó.
"Thông báo Kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh", là một văn bản có thể bổ sung vào hồ sơ kiện tụng của người dân Thủ Thiêm.
Tuy nhiên trong trường hợp các hộ dân đã di dời, hoặc bị cưỡng chế di dời và chấp nhận phương án đền bù, giờ mới biết mình là nạn nhân của việc làm sai pháp luật trong quy hoạch do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minhgây nên, thì họ sẽ được tính toán lại việc đền bù thiệt hại vật chất, và cả đời sống tinh thần ra sao ?
Số tiền đền bù bổ sung nếu có, thì được lấy từ đâu, vì cái sai ở đây được gây ra từ những quan chức cụ thể, chứ không phải sai sót từ hành lang pháp lý để có thể dùng ngân sách để giải quyết.
Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm được quy hoạch giữ lại, tuy nhiên về sau chính quyền tự sửa quy hoạch được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, dẫn đến việc cưỡng chế đập bỏ chùa Liên Trì vào ngày 8-9-2016 là một đơn cử.
Nên chăng khởi tố vụ án hình sự với các bị cáo là những quan chức, cựu quan chức đã sai phạm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số tài sản sở hữu hiện có của những quan chức, cựu quan chức này sẽ được tòa phán xét để dùng làm nguồn tài chính khắc phục hậu quả mà chính các quan chức này đã gây ra.
Lưu ý, việc đền bù như nói trên còn nhận được sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình ; có nghĩa mặc dù những quan chức, cựu quan chức không đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nào, song vợ, con ruột của họ vẫn phải chịu trách nhiệm đền bù thay cho chồng, cha của họ. Dĩ nhiên ở đây cũng cần xem xét tới các nội dung liên quan của Luật phòng, chống tham nhũng, phiên bản sửa đổi 2012.
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 12/09/2018