Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2018

Bộ trưởng Bộ Giáo dục cố tình vi phạm Luật Giáo dục ?

Trần Thành

Góc nhìn luật pháp, tôi tin rằng ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đang cố tình cho mình cái quyền đứng trên Luật Giáo dục. Và không chỉ mỗi ông Phùng Xuân Nhạ, hiện nay có ít nhất 4 giám đốc sở Giáo dục ở các tỉnh sau đây cùng ‘đồng phạm’ : Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Tiền Giang.

botruong1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại và sách giáo khoa thuộc Công nghệ giáo dục

Vi phạm ở đây của các vị nói trên là đã không dùng sách giáo khoa để dạy học trò lớp một.

Sách giáo khoa là dùng để dạy học trò

Luật Giáo dục, phiên bản sửa đổi năm 2009, tại Khoản 3 Điều 29 có nội dung như sau :

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông ; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa".

Như vậy, sách giáo khoa được chọn đưa vào giảng dạy cho học trò, về mặt pháp lý phải tuân thủ hai điều kiện theo thứ tự : Trước tiên, được sự phê chuẩn của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; tiếp theo, quyết định của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc sử dụng chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại được Bộ Giáo dục đồng ý ‘thực nghiệm’ từ năm 1978 cho đến hiện nay. Tuy nhiên các tài liệu được ông Hồ Ngọc Đại biên soạn cho chương trình này, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một quyết định mang tính pháp lý nào để có thể xác định đó là sách giáo khoa.

Theo nguyên tắc, khi không được công nhận là sách giáo khoa, thì nói như lời phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi cho cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-9, thì đây chỉ là "tài liệu học tập dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học".

Cần dừng ngay việc thí điểm kéo dài 40 năm

Nếu tôn trọng pháp luật, thì cần dừng ngay việc thí điểm chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại kéo dài từ năm 1978 đến nay vẫn chưa được nghiệm thu.

Luật Giáo dục, Khoản 1 của Điều 100, quy định "Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học ; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục".

Ngày 12/9, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, vấn đề thí điểm, đổi mới, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", thì việc Bộ Giáo dục và đào tạo cho triển khai đại trà Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, trong đó có nhiều địa phương "100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục", cho thấy đã cố tình vi phạm Luật Giáo dục, vi phạm Nghị quyết 88/2014/QH13 "về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" của Quốc hội.

Tuy nhiên tường thuật trên báo chí thì phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không thấy đưa ra yêu cầu cụ thể nào đối với Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại ở niên học 2018-2019.

Hiện tại, có ít nhất 4 địa phương đã "100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục" thay cho sách giáo khoa : Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Tiền Giang.

Người viết cho rằng ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, bằng quyền hạn Hiến định và luật định tại Điều 2, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân ; Điều 1, Điều 27 của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, cần có quyết định về xem xét hành vi tuân thủ pháp luật của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc tiếp tục cho phép triển khai rộng rãi Chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 13/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 2026 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)