Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2018

Thấy gì đầu tiên từ Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ?

Thường Sơn

Hầu hết phóng viên báo chí sau khi tham dự hội thảo giữa kỳ về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam do Bộ Giao thông và vận tải và các cơ quan tư vấn tổ chức vào tháng 9 năm 2018 đã tường thuật với dấu hỏi lớn đầu tiên : ‘Tiền đâu’ ?

bacnam1

Số phận đen bạc của Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng là hồng phúc còn rơi rớt lại cho dân tộc Việt vì hầu như chắc chắn không phải gánh thêm 50 tỷ USD nợ công.

Cơ cấu dự kiến ít nhất 80% của dự toán gần 60 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là từ ‘tiền trên trời rơi xuống’ - tức nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA.

Hội thảo trên mang mục đích PR cho dự án với dự toán lên đến gần 60 tỷ USD - tương đương với số tiền được xem là đang ‘ngủ’ trong dân mà mới đây một chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WTO) đã gỡi ý Việt Nam nên ‘đánh thức’ số tiền đó.

Nhưng điều trớ trêu là bất chấp Bộ Giao thông và vận tải và các nhóm lợi ích chuyên nghề ‘đục khoét ngân sách’ từ năm 2015 đến nay đã nhắm đến mục tiêu quảng bá Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để kêu gọi nước ngoài đầu tư hoặc viện trợ theo chương trình cho vay tín dụng lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn, vẫn không có bất kỳ một tín hiệu xả van nào từ kênh tín dụng quốc tế.

Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, trong đó có đề cập đến hai dự án song sinh là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (dự toán hơn 11 tỷ USD) nhưng kết quả vẫn cực kỳ nhỏ giọt. Trừ phía Nhật, đến nay hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc.

Con số Việt Nam vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 80 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.

Không những bị cạn nguồn ODA từ bên ngoài, ngân sách chính phủ còn ngày càng thê thảm về kinh phí cho đầu tư phát triển. Không ít quan chức trong Ủy ban Thường vụ quốc hội và chính phủ đã phải than vãn rằng ngân sách cho ngành giao thông đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.

Hết tiền chính là nguồn cơn vì sao vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016, một dự án "khủng" khác là điện hạt nhân Ninh Thuận - có số dự toán lên đến 10 - 20 tỷ USD, bất ngờ bị chính phủ tuyên bố "ngừng". Ngay lập tức, một số chuyên gia "phản biện trung thành" và báo đảng cất lời tụng ca "chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm ngừng dự án này".

Trước năm 2015 còn là thời "ăn nên làm ra" của nhóm lợi ích ODA khi vẫn còn vay mượn quốc tế thoải mái, của hầu hết dự án BOT được Bộ Giao thông và vận tải chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu rộng rãi mà do đó đã dậy lên nghi vấn về cái bao tử không bờ bến.

Nhưng thời kỳ hoàng kim của chế độ ‘lại quả ngầm’ lên đến 40 -70% giá trị công trình đã chính thức đặt một chân xuống mồ vào cuối năm 2015.

Còn giờ đây là số phận đen bạc của Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng là hồng phúc còn rơi rớt lại cho dân tộc Việt vì hầu như chắc chắn không phải gánh thêm 50 tỷ USD nợ công.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 13/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)