Mô hình giáo dục tại nhà (homeschooling) phổ biến trên thế giới. Homeschooling được thừa nhận như một bộ phận giáo dục, vì cha mẹ và trẻ được lựa chọn học cái mình thích, theo cách mình muốn. Dĩ nhiên hệ thống pháp luật có những điều chỉnh thích hợp cho mô hình giáo dục đó.
Homeschooling được thừa nhận như một bộ phận giáo dục, vì cha mẹ và trẻ được lựa chọn học cái mình thích, theo cách mình muốn. Ảnh minh họa
Trên mạng xã hội đang lan truyền nhanh hình ảnh kèm lời được cho là của giáo sư Hồ Ngọc Đại : "Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháp mới của tôi, cũng như việc bỏ chấm điểm, thì ngoài cô giáo không ai làm được hết. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ. Ra khỏi cổng trường là được chơi với bố mẹ. Việc này chúng tôi đã làm mấy chục năm rồi".
Không rõ thực hư, nhưng quả tình nhiều bè bạn của tôi có con cái từng theo học chương trình công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại, nói rằng khi đọc sách giáo khoa của ông biên soạn, họ cũng không biết phải dạy con thế nào cho đúng như sách. Đây là điều quả thật rất đáng lo, vì thế hệ 6X ở người viết, tôi được dạy dỗ rằng, "cha mẹ chính là người dạy cho ta biết thế nào là thiện – ác qua những câu chuyện cổ tích, họ dạy phải yêu thương những người người có hoàn cảnh khó khăn, không xa lánh những người có bệnh hiểm nghèo, đùm bọc những người thiệt thòi trong cuộc sống, biết tự phân biệt đâu là đúng, là sai, biết đứng ra bảo vệ lẽ phải, luôn sống hết mình vì mơ ước và đam mê và tránh xa những cám dỗ của cuộc đời".
Tìm kiếm cụm từ "homeschool" trên google, chắc chắn người ta sẽ thêm lo ngại trước tuyên bố chắc nịch được cho là của ông Hồ Ngọc Đại như đã nêu ở trên. Theo đó, hiện có hơn 2 triệu trẻ em Mỹ được giáo dục ở nhà, chiếm 4% số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Nghiên cứu cho thấy trẻ học tại nhà có thể thành công khi được hỗ trợ bởi bố mẹ. Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến giáo dục và tạo động lực rất tốt cho con. Họ đủ điều kiện tài chính, tìm kiếm gia sư hoặc các lớp ngắn hạn cho các môn không thể tự dạy. Họ đóng vai trò hỗ trợ hoặc điều phối hơn là giáo viên.
Tuy nhiên, không ai đảm bảo trẻ sẽ được giáo dục đúng cách, thậm chí sẽ không hề được giáo dục nếu bố mẹ không để tâm vào quá trình trẻ tiếp nhận kiến thức ở nhà, theo website của tổ chức phi lợi nhuận Coalition for Responsible Home Education.
Trẻ em học tại nhà thường tham gia nhiều hoạt động xã hội, được tổ chức bởi cộng đồng giáo dục tại nhà do các gia đình trong khu vực thành lập, học nhảy và khiêu vũ, tập trung thành nhóm đi thực địa… Với khả năng kết nối qua Internet và sự ủng hộ của xã hội, cơ hội dành cho những gia đình theo đuổi phương pháp này tăng cao trong những năm qua. Dù không đến trường, trẻ vẫn có thể hòa nhập tốt với cộng đồng xung quanh.
Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh giáo dục công lập còn có giáo dục dân lập, tư thục. Giáo dục tại nhà nên được coi là một lựa chọn bình thường. Bởi nếu đúng như tuyên bố ở trên của ông Hồ Ngọc Đại, chắc hẳn những phụ huynh như chúng tôi sẽ từ chối cho con em mình theo học "phương pháp mới", vì khi đó, ngay cả bậc phụ huynh có kiến thức, thậm chí học hàm, học vị vẫn không thể dạy được con em mình ở bậc tiểu học, thì quả là điều tệ hại cho nền giáo dục nước nhà.
Xin tạm kết bài viết này bằng câu chuyện của một người bạn đang là cô giáo tiểu học : Bài "Quả bứa", trang 87, sách "Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1, tập 2", kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.
Cậu Cả bổ quả bứa và phán : "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".
"Lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng ‘mày – tao’, ý nghĩa thì chỉ dạy các em tiểu học cách sống tiểu xảo. Nếu tôi là phụ huynh, đúng là tôi không thể dạy con mình được như điều mà ông giáo sư Hồ Ngọc Đại đã viết". Cô giáo bạn của tôi, kết luận.
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 03/09/2018