Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/10/2017

Bộ trưởng Phạm Bình Minh bị "hạ tầng công tác" ?

Trương Nhân Tuấn

Nhiều người phê bình rằng Hội nghị trung ương 6 vai trò của ông Phạm Bình Minh mờ nhạt. Mà đúng vậy. Với tư cách một nhà ngoại giao được cho là "lỗi lạc" của Việt Nam, đồng thời lại là đương kim phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, ông Phạm Bình Minh (lại bị) ông Nguyễn Phú Trọng phân công cho đọc bài "Đề án về công tác dân số trong tình hình mới".

pbm1

ông Nguyễn Phú Trọng phân công cho đọc bài "Đề án về công tác dân số trong tình hình mới".

Xem ra ông Minh cũng giống trường hợp ông Võ Nguyên Giáp thời kỳ bị Lê Duẩn "hạ tầng công tác". Ông đại tướng được (bị) giao cho chức vụ "chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch". Dân gian vì vậy có câu thơ "ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em".

Ông Minh đi xuống "cầm quần chị em", cũng giống ông Giáp, phải chăng là điều báo hiệu quan lộ của ông Minh "có vấn đề" ?

Chuyện này có vẻ đúng nhịp với nội dung "Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ ngoại giao" trong bài diễn văn của ông Trọng ở hội nghị trung ương 6.

Cái gọi là "tổ chức lại đảng bộ Bộ ngoại giao" có ảnh hưởng tới cái ghế của ông Phạm Bình Minh hay không ?

Nếu có theo dõi tình hình Việt Nam trong những tháng gần đây ta đã thấy rằng bộ ngoại giao Việt Nam đã liên tục thất bại trong nhiều vấn đề, trong đó có kế hoạch "quốc tế hóa Biển Đông", vấn đề bang giao với Mỹ, vụ rút giàn khoan Repsol, cũng như vụ lùm xùm nhân viên ngoại giao thuộc tòa đại sứ Việt Nam ở Đức có can dự vào cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Về chiến lược "quốc tế hóa biển Đông". Nhà nước cộng sản Việt Nam đã sử dụng phương pháp nhượng bộ và chia sẻ chủ quyền, quyền chủ quyền, cũng như lợi ích chính đáng của quốc gia Việt Nam (ở Biển Đông) cho các quốc gia khác với hy vọng các quốc gia này vì quyền lợi của mình sẽ giúp Việt Nam chống lại những uy hiếp của Trung Quốc.

Chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải - FONOP" của Mỹ ở Biển Đông là một hình thức Việt Nam chia sẻ quyền hạn của mình (hay hy sinh một phần chủ quyền của quốc gia) cho Mỹ. Đổi lại sự hiện diện thường xuyên của Mỹ được xem như là "đối trọng" với Trung Quốc.

Song song đó Việt Nam nỗ lực "vận động hành lang", hợp tác với Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ để tổ chức những cuộc hội thảo (mang tầm vóc quốc tế), với mục đích tạo dư luận thuận lợi cho Việt Nam trong công cuộc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biến Đông.

Nhưng các cuộc "vận động" này cho thấy đã thất bại.

Tháng bẩy vừa qua nhà báo Greg Rushford đăng trên trang web của ông một bản tường trình. Nội dung bạch hóa việc nhà nước cộng sản Việt Nam đã sử dụng tiền bạc (hàng chục triệu đô la mỗi năm) để "vận động" tổ chức CSIS (tức Trung tâm ngiên cứu chiến lược và quốc tế) ở Mỹ, cũng như tìm cách "mua chuộc" các học giả quốc tế khác, để tổ chức những cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, sao cho nội dung bài vở đóng góp hội thảo nói những điều "có lợi" cho Việt Nam.

Nhà báo này cho biết các hóa đơn chi phí ăn ở, đi lại cho các diễn giả tham dự đều được "gởi cho Việt Nam" để thanh toán.

Hệ quả việc "bôi trơn" này đã làm cho tiếng nói của các học giả (quốc tế) trong các cuộc hội thảo tại trung tâm CSIS không còn "vô tư". Những bài viết ở đây khi nói những điều thuận lợi cho Việt Nam lại bị hoài nghi, hoặc có phản ứng ngược.

Dư luận thế giới càng mất thiện cảm, khi ban tổ chức Hội thảo của CSIS, theo lời yêu cầu của phía Việt Nam, "trục xuất không lý do" những người "tranh đấu cho nhân quyền" ra khỏi cuộc hội thảo. Những người này tham gia hội thảo với thiện chí hòa bình, không có bất kỳ hành vi nào chống đối nào.

Học giả (tài danh và nhiều uy tín) Carle Thayer viết trên blog của ông cho biết ông đã bị "gạt ra" ngoài các cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức gần đây. Nguyên nhân chỉ vì ông đã đề cập đến vấn đề "nhân quyền ở Việt Nam" trong một bài tham luận.

Những động thái "chống nhân quyền" của Việt Nam, thể hiện qua nhân viên bộ ngoại giao Việt Nam, đã làm cho công cuộc vận động dư luận quốc tế bị thất bại. Hàng chục, hàng trăm triệu đô la chi phí cho công tác này tan biến thành tro. Những hành vi "bất bao dung" của nhân viên ngoại giao Việt Nam trở thành vũ khí đâm ngược lại mình.

(Dĩ nhiên, thái độ của nhân viên ngoại giao Việt Nam không chỉ ngừng ở việc này. Những người này hống hách, cũng tìm cách bắt chẹt người dân qua các việc xin Visa, hay gia hạn sổ thông hành. Họ cũng "ăn của dân không từ một thứ gì". Trong khi gián điệp Việt Nam đội lốt nhân viên ngoại giao thường xuyên có những hoạt động nhằm kiểm soát kiều dân Việt Nam sinh sống ở các nước. Dĩ nhiên điều này vi phạm luật pháp và chủ quyền của các quốc gia khác).

Về vụ Repsol, Việt Nam phải ra lệnh cho giàn khoan này rút về trước sự đe dọa của Trung Quốc, trong khi vị trí giàn khoan (lô 136-03) hoàn toàn nằm trên thềm lục địa pháp lý của Việt Nam.

Nhà báo Bill Hayton viết trên BBC (24-7) :

"giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò".

Học giả Carlyle Thayer thì cho biết :

"có tin được nêu rằng Trung Quốc chuyển lời đe dọa tới Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ngày 14/07 để đồng ý ngưng khoan dầu khí".

Vụ này Việt Nam hoàn toàn "cô đơn", không có một tiếng nói nào cất lên bênh vực.

Tranh chấp khu vực này (Tư Chính - Vũng Mây) đã khởi đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Tưởng rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA) hồi tháng bẩy năm ngoái đã làm sáng tỏ quyền và các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực. Lý lẽ về "Vùng nước lịch sử" của Trung Quốc (thể hiện qua tấm bản đồ 9 đoạn) đã bị Tòa đơn thuần bác bỏ. Vì nó không phù hợp với Luật quốc tế về Biển. Lý lẽ dựa trên vùng Kinh tế độc quyền (ZEE) của các đảo Trường Sa cũng không được Tòa chấp nhận. Theo Tòa thì không có thực thể địa lý nào ở TS hội đủ các điều kiện theo định nghĩa của Luật biển về "Đảo".

Tức là yêu sách của Trung Quốc tại lô 136-03 hoàn toàn không đặt trên căn cứ pháp lý nào.

Dầu vậy Việt Nam buộc phải rút giàn khoan. Không có quốc gia nào lên tiếng bênh vực cho Việt Nam, kể cả Mỹ, mặc dầu bộ ngoại giao Việt Nam đã đổ ra hàng trăm triệu đô la để "vận động hành lang" ở giới chính trị gia Mỹ.

Dĩ nhiên trách nhiệm của việc rút giàn khoan ở lô 136-03, trước hết là của ông Trọng và Ngô Xuân Lịch. Nhưng ông Phạm Bình Minh cũng có trách nhiệm, lớn hơn, vì những vận động ngoại giao của Việt Nam đều không có kết quả.

Lại còn xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Qua báo chí, trước khi bộ công an công bố tin tức "Trịnh Xuân Thanh về đầu thú", ông Tô Lâm cho biết là không hề hay biết gì về việc này.

Ai chủ mưu cho gián điệp sang Đức bắt TX Thanh ? Có người nói đây là "sản phẩm" của Tổng cục 2, tức cơ quan tình báo quân đội. Nếu đúng vậy thì ông Trọng là người có trách nhiệm. Nhưng đến nay thì ta không loại trừ vụ bắt cóc TX Thanh là do bộ ngoại giao chủ mưu. Tức ông Phạm Bình Minh là người chịu trách nhiệm.

Nhưng sẽ quá sớm khi nói rằng ông Minh bị "hạ tầng công tác", rời bộ ngoại giao về "cầm quần chị em" (như ông Giáp trước kia).

Vấn đề lao động xuất khẩu vẫn thuộc quyền Bộ ngoại giao mà nhờ vào chuyện này cộng sản Việt Nam thu ngân sách trên 2 tỉ đô hàng tháng. Để ông Minh nắm luôn "chủ tịch ủy ban điều hòa dân số" thì cũng thích hợp thôi.

Ông Trọng có lo xa Việt Nam "chưa giàu đã già", vì vậy ông Minh phải khuyến khích chị em ta "đẻ" nhiều thêm một chút, duy trì dân số trẻ, để ông Trọng không còn lo lắng nữa.

Nhưng nếu ta nhìn xa hơn một chút, tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông đang nóng dần lên. Chiến tranh có thể xảy ra. Phe "trả tiền" đã được (ông Trump) định danh. Đó là Iran và Qatar, là hai nước "giàu và có tiềm năng trả nợ" ở Trung Đông. Còn Châu Á thì Nam Hàn và Nhật. Nhưng đâu là phe "đóng góp xương máu" ?

Một status ngắn trước đây tôi có nói rằng khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, cho dầu kết cuộc chiến tranh ra sao, Việt Nam là phía thiệt hại nhiều hơn hết.

Chắc chắn là Mỹ không thể "đổ máu" để bảo vệ Nam Hàn hay Nhật. Trong khi Nhật và Nam Hàn thì quân lính phần lớn đều là "con một", không dễ hy sinh. Vì vậy chỉ có Việt Nam. Nhân công lao động Việt Nam ở hai nước này, nếu được "hàng ngũ hóa", thì cũng lên đến vài chục sư đoàn bộ binh.

VN phải đóng góp máu xương thì mới hy vọng bảo vệ quyền lợi của mình.

Lúc đó mới thấy vai trò của ông Phạm Bình Minh là quan trọng.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 13/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 1086 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)