Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2017

Tiền chính phủ Trung Quốc tới Việt Nam bao nhiêu ?

BBC tiếng Việt

Tiền chính phủ Trung Quốc tới Việt Nam bao nhiêu ?

BBC, 12/10/2017

Việt Nam nhận hơn 4,3 tỉ đôla viện trợ và tài trợ từ nguồn chính phủ Trung Quốc từ 2000 đến 2013, theo nghiên cứu mới về tổng dòng số tiền Trung Quốc 354 tỷ đôla Mỹ trợ giúp 140 nước trong giai đoạn này.

tien1

Trung Quốc viện trợ cho những nước nào ? Số liệu tính bằng đôla Mỹ

Con số này, có thể không đầy đủ, cho thấy các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia nhận tiền từ Trung Quốc hơn nhiều so với Việt Nam.

Đặc biệt, Lào là nước có dân số nhỏ nhất trong năm quốc gia trên, nhưng nhận tới 12 tỉ USD từ Trung Quốc trong cùng thời gian.

Văn phòng Nghiên cứu AidData tại College of William & Mary, bang Virginia, Hoa Kỳ, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Harvard của Mỹ và Đại học Heidelberg của Đức.

Nhóm AidData giám sát và thu thập tin tức về các dòng tiền từ Trung Quốc sang các nước, qua sử dụng tin chính thống, tài liệu sứ quán, cũng như thông tin về nợ nần, viện trợ của các nước.

Trong bảng số liệu gửi cho BBC, AidData cho biết nghiên cứu của họ bao gồm ba dạng tài chính mà Trung Quốc dành cho các nước :

Viện trợ và tiền ngân hàng cho Việt Nam

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) : có mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, lãi suất ưu đãi, chủ yếu do Bộ Thương mại Trung Quốc cấp. Trong hạng mục ODA, ví dụ, Trung Quốc từng viện trợ không hoàn lại 60 triệu nhân dân tệ cho Việt Nam bổ sung vào phần kinh phí xây dựng ký túc xá học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

tien2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015

Dòng tiền chính thức khác (AidData dùng chữ tiếng Anh là Other Official Flows, gọi tắt OOF) : cũng do chính phủ Trung Quốc cấp, thường thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank). Nhưng các dự án này không thuộc mục đích giúp phát triển, hoặc không đủ ưu đãi để gọi là ODA. Một ví dụ OOF là Trung Quốc năm 2003 cung cấp hai khoản vay cho dự án xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung tại Hà Nội.

Dòng tiền không rõ (AidData gọi là Vague Official Finance, gọi tắt OF) : các dự án cũng dùng tiền chính phủ Trung Quốc nhưng AidData không đủ thông tin để xác minh đây là ODA hay OOF.

Một ví dụ về dòng tiền không rõ (OF) là AidData dẫn lại khoản vay 530 triệu Nhân dân tệ (64 triệu đôla) năm 2003 của Trung Quốc, cho Việt Nam hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội.

tien3

AidData thống kê khoản tín dụng ODA 85,5 triệu USD để xây Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, Thái Nguyên, của tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Theo bảng số liệu mà AidData cung cấp cho bbcvietnamese.com, từ 2000 đến 2013, tổng cộng Việt Nam nhận từ Trung Quốc hơn 4,3 tỉ đôla, trong đó :

Số liệu của AidData về Việt Nam dựa theo 19 dự án ODA, 7 OOF và 9 OF trong giai đoạn 2000-2013.

Việt Nam
ODA OOF OF
gần 350 triệu đôla Mỹ gần 986 triệu đôla gần 3 tỉ đôla
     
Tổng cộng : 4,3 tỉ đôla  
   

Để so sánh, sau đây là các con số liên quan một số nước Đông Nam Á nhận tiền từ nguồn chính phủ Trung Quốc :

Campuchia
ODA OOF OF
3 tỉ đôla 4,9 tỉ đôla 741 triệu đôla
Tổng cộng : 8,7 tỉ đôla  
   

Indonesia
ODA OOF OF
869 triệu đôla 5,5 tỉ đôla 2,9 tỉ đôla
Tổng cộng : 9,3 tỉ đôla  
   

Lào
ODA OOF OF
663 triệu đôla 10,9 tỉ đôla 383 triệu đôla
     
Tổng cộng : 12 tỉ đôla  
   

Myanmar
ODA OOF OF
764 triệu đôla 527 triệu đôla 726 triệu đôla
     
Tổng cộng : 2 tỉ đôla  
   

Thái Lan
ODA OOF OF
gần 14 tỉ đôla 1,2 tỉ đôla  
     
Tổng cộng : hơn 15 tỉ đôla  
   

Lãi suất cao

Trong một bài trên BBC News, có mô tả dòng tiền từ Trung Quốc viện trợ hoặc tài trợ cho nước ngoài.

Từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỉ đôla, so với tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỉ đôla trong cùng thời gian.

Số liệu AidData cho thấy Mỹ và Trung Quốc phân phát số tiền gần bằng nhau trong giai đoạn 2000-2014 nhưng theo cách khác nhau.

Chừng 93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Số tiền có mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay.

Còn với Trung Quốc, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống.

Đa số còn lại là các khoản vay thương mại mà sau này phải trả lại cho Bắc Kinh cùng lãi suất.

Đây là sự thay đổi trong cách cấp viện của Trung Quốc, cả về số lượng và tỷ lệ viện trợ không hoàn lại và tiền cho vai có lãi suất.

Trong một bài hồi 2015 trên Huffington Post, Daniel Wagner, CEO của công ty Country Risk Solutions ở Mỹ nêu con số rằng Trung Quốc viện trợ ra nước ngoài 39 tỷ USD trong sáu thập niên, từ 1950 đến 2009.

Trong khoản này, có 40% là viện trợ, và 60% còn lại là tiền cho vay không lãi suất và cho vay có lãi suất.

Nguồn : BBC, 12/10/2017

Xem bài tiếng Anh 'China's secret aid empire uncovered' và bản tiếng Việt trích thuật một số nét chính trong bài tường thuật của của Celia Hatton.

********************

Vén màn bí mật 'tiền viện trợ' Trung Quốc

BBC, 11/10/2017

Các nhà nghiên cứu nước ngoài vừa công bố một bí mật nhà nước của Trung Quốc : số tiền Bắc Kinh viện trợ cho các nước khác.

tien4

Công nhân Trung Quốc ở Sri Lanka : Nhiều dự án viện trợ kèm theo công việc cho người Trung Quốc

Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu nước ngoài công bố bảng dữ liệu ghi lại hầu hết số tiền viện trợ của Trung Quốc.

Dẫn lại hơn 5.000 dự án ở 140 nước, trong đó có Việt Nam, họ cho thấy Trung Quốc đang cạnh tranh gắt gao với Mỹ về chuyện giúp đỡ nước ngoài.

Phòng nghiên cứu AidData tại College of William & Mary, bang Virginia, Hoa Kỳ, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Harvard của Mỹ và Đại học Heidelberg của Đức.

Nhóm AidData tìm kiếm các dòng tiền từ Trung Quốc đến các nước, sử dụng các tin tức chính thống, tài liệu sứ quán, cũng như thông tin nợ nần, viện trợ của các nước.

tien5

2015 : Công nhân Trung Quốc xây đường sắt tại Ethiopia

Sau thời gian công phu thâu gom dữ liệu, họ đưa ra bức tranh tương đối đầy đủ về dòng viện trợ quốc tế của Bắc Kinh.

Số liệu chính thức cho biết từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỉ đôla.

Trong cùng thời gian, tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỉ đôla.

Nó cho thấy Mỹ và Trung Quốc phân phát số tiền gần bằng nhau trong giai đoạn 2000-2014. Nhưng hai nước phân phối tiền theo cách khác nhau.

93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Số tiền có mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay.

Còn với Trung Quốc, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống. Đa số là các khoản vay thương mại mà sau này phải trả lại, có lãi suất, cho Bắc Kinh.

tien6

Tiền Mỹ và Trung Quốc cho nước ngoài

Tiền dùng làm gì ?

Nhóm nghiên cứu cũng nhận ra rằng khi Trung Quốc viện trợ truyền thống, các nước có lợi về kinh tế. Nghiên cứu của họ chứng minh rằng Trung Quốc cũng có thể điều hành các dự án viện trợ tốt như phương Tây.

Theo nhóm nghiên cứu, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Trung Quốc giúp tăng trưởng kinh tế, còn dòng tiền chính thức khác (AidData dùng chữ tiếng Anh là Other Official Flows, gọi tắt OOF) thì không.

Họ thấy rằng mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 5 tỉ đôla cho ODA, nhưng đa số tiền của Trung Quốc thực ra là ở dạng OOF, không đáp ứng tiêu chuẩn ODA và có thể bao gồm các dự án thương mại.

Brad Parks, từ AidData, nói : "Chúng tôi chứng tỏ các sự phân biệt này rất quan trọng".

"Chỉ có ODA của Trung Quốc là đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế cho nước nhận".

Cũng có bằng chứng rằng các khoản cho vay dễ dãi vô điều kiện của Trung Quốc lại tác động tới cả hệ thống cho vay toàn cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, khi một nước Châu Phi nhận hỗ trợ của Trung Quốc, World Bank cũng phải hạ thấp các điều kiện cho vay. Cụ thể, khi viện trợ Trung Quốc tăng 1%, thì World Bank cũng giảm đi 15% đòi hỏi liên quan giải phóng thị trường hay minh bạch kinh tế.

tien7

Tiền Trung Quốc chi để làm cảng Gwadar của Pakistan

Cả Bắc Kinh và Washington thường dành tiền cho những nước ủng hộ họ tại Liên Hiệp Quốc.

Nhưng kinh tế cũng đóng vai trò chủ chốt cho Bắc Kinh. Nghiên cứu cho thấy Bắc Kinh thường chú trọng thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, hay dành khoản vay với giá thị trường ở những nước mà Trung Quốc muốn họ phải trả lại tiền với lãi suất.

tien8

Trung Quốc đem tiền đi đâu ?

tien9

Nơi đến của tiền Mỹ

Dữ liệu cho thấy những nước nhận khoản vay giá thị trường của Trung Quốc thì không sa sút về kinh tế nhưng cũng không tăng trưởng kinh tế. Nhóm nghiên cứu lo ngại ngay cả điều này cũng có thể thay đổi sau 10, 15 năm nữa - khi mà những nước này mang nợ vì không đủ tiền trả lại cho Bắc Kinh.

Brad Parks, thuộc nhóm nghiên cứu, nói : "10, 15 năm nữa, họ có thể gặp cùng vấn đề giống như khi nhà tài trợ phương Tây gặp phải khi các khoản vay không được trả".

"Nếu việc đó xảy ra, có thể Bắc Kinh sẽ phải xem lại cách cấu trúc các khoản vay".

Nguồn : BBC, 11/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 801 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)