Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/10/2017

Lập Viện đạo đức học để làm gì ?

Song Chi

Lập Viện Đạo đức học để dạy đạo đức cho cán bộ, quan chức, đảng viên đảng cộng sản ?

Báo Tiền Phong ngày 18/10 có bài "Đề xuất thành lập Viện Đạo đức để huấn luyện cán bộ" đưa ra ý kiến của "Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng".

đaouc1

Lập Viện Đạo Đức Học để làm gì ? - Ảnh minh họa (Dân Trí)

Trích bài báo :

"Phó Giáo sư Phúc cũng nhấn mạnh, Hồ Chủ tịch từng căn dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong xây dựng tổ chức Đảng, Người coi công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định : "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây gỗ quý báu.

Ông cũng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Cán bộ là gốc, nhưng huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng. Trên cơ sở đó, tuyển chọn những người mẫu mực về đạo đức lên giảng. Dạy về đạo đức cũng là công việc của Ban Tuyên giáo trung ương. Theo ông, lo mảng xây dựng Đảng về đạo đức nên giao cho 2 cơ quan Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo trung ương.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao đề xuất của Phó Giáo sư Phúc. Ông cho biết, hiện các lớp bồi dưỡng. Phần lớn đảng viên rất tốt, một số chưa bỏ thói hư tư lợi, kiêu ngạo, xa hoa, bè phái và có nguy cơ lây lan. Việc quan trọng là phải nhận ra, có cơ chế, chế tài để tự gột rửa, như Tổng bí thư nói nếu đã nhúng chàm phải tự gột rửa."

Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thông qua báo chí bên ngoài và mạng xã hội facebook. Nhiều người tỏ thái độ châm biếm, hoài nghi. Người thì so sánh : sao các nước có mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ pháp trị như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Đức, Thụy Điển, Na Uy v.v…họ chẳng cần đảng nào "nuôi dạy, huấn luyện" mà từ tinh thần làm việc cho tới tư cách, đạo đức của công chức và cả quan chức lại khá thế nhỉ. Còn cán bộ, đảng viên của đảng ta thì cứ càng ngày càng tệ, "tự gột rửa" cỡ nào cho sạch, mà làm sao "tự gột rửa" nổi khi chính cơ chế độc tài độc đảng này là môi trường cho mọi cái xấu nảy sinh và phát triển tràn lan như cỏ dại, như tế bào bệnh ung thư ?

Người thì dẫn chứng suốt thời gian qua nhà nước Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu đợt, "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ cấp trung ương đến địa phương, từ thành phố đến làng xã… tốn kém không biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, nhưng kết quả là đạo đức của cán bộ quan chức Việt có khá lên được chút nào đâu.

Mà cái chuyện "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong Đảng và xã hội nào có phải mới mẻ gì, mà đã có quá trình liên tục, lâu dài, qua rất nhiều đại hội đảng, với rất nhiều chỉ thị này chỉ thị kia. Đọc bài "Nội dung cơ bản của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Tuyên giáo) thì rõ.

Trong chương trình bàn tròn điểm tin tuần (15-21/10/2017) của đài BBC, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A có nói rằng cá nhân ông ủng hộ nên lập nhiều Viện Đạo đức để dạy đạo đức cho những người cộng sản. Theo ông, việc mà ông Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đề xuất rằng đảng cộng sản Việt Nam phải có một cái viện để dạy đạo đức, chứng tỏ họ không có đạo đức gì cả. Ai dạy, dạy cái gì hay dạy đạo đức Hồ Chí Minh, điều đó còn cần phải tranh cãi nhưng đây là một vấn đề hệ trọng và rất là cấp thiết, bởi vì cái nền tảng đạo đức rất quan trọng. Đạo đức là cái nền sâu nhất, căn bản nhất, trên cái nền đạo đức ấy cái tầng văn hóa mới được xây nên. Và cấp thiết bởi vì đạo đức hiện nay đã băng hoại đến như thế thì cần có một nhu cầu phải làm lại. Còn làm như thế nào là một chuyện khác và có nhiều cách. Người dân cũng có thể tham gia vào chuyện giáo dục họ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói thêm rằng, theo ông, các chế độ ở các nơi bị tan rã, xét cho cùng cũng là do nền tảng đạo đức không ổn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói đúng rằng đạo đức là cốt lõi của con người và của cả một xã hội. Đạo đức của cán bộ, quan chức Việt dưới chế độ cộng sản đã sa sút, băng hoại một cách khủng khiếp, thực tế đã phơi bày hàng ngày hàng giờ, người dân ai cũng có thể chứng kiến hoặc đọc, nghe, nhìn thấy trên báo chí, truyền thanh truyền hình.

Nhưng cũng giống như việc chống tham nhũng hay tinh giản bộ máy, việc chấn chỉnh đạo đức, phong cách của cán bộ quan chức Việt là những chuyện không thể giải quyết tận gốc rễ được. Bởi chính cái cơ chế độc tài độc đảng này là nguyên nhân, là môi trường sản sinh ra nạn tham nhũng, sự phình to của bộ máy hay những thói hư tật xấu của cán bộ, quan chức Việt : nào dối trá, quan liêu, thực lực không có vì đi lên bằng các mối quan hệ, con ông cháu cha hoặc do "chạy" tiền, "chạy" ghế, vô cảm, coi dân như cỏ rác, chỉ biết có tiền, chỉ biết "còn đảng còn mình", nhắm mắt bưng tai làm ngơ trước nỗi khổ của nhân dân, vận mệnh của đất nước, hèn hạ, quỵ lụy bợ đỡ cấp trên, "thượng đội hạ đạp", tham lam…

Trở lại việc lập Viện đao đức, ai sẽ dạy, ai có đủ tư cách gương mẫu đạo đức liêm chính cần kiệm chí công vô tư… để đứng lớp ? Dạy cái gì ? Dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ? Nhưng Hồ Chí Minh thì làm gì có tư tưởng, và những sự thật được bạch hóa phần nào về nhân vật này cũng cho thấy ông ta hoàn toàn không phải là một ông thánh, một người xứng đáng được gọi là "cha già của dân tộc" như đảng cộng sản cố công tô vẽ bao nhiêu năm qua, nếu không muốn nói ngược lại. Và làm sao mà họ học được, thực hành đạo đức được khi chung quanh, từ trên xuống dưới cả một bộ máy, cả một hệ thống đều vô đạo đức đến tận cùng ?

Vấn đề cốt lõi nằm ở cơ chế, ở mô hình thể chế chính trị. Chỉ khi nào Việt Nam có một thể chế tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng, pháp trị, tam quyền phân lập thì mọi thứ sẽ khác. Cơ chế tam quyền phân lập giúp kiểm soát, hạn chế quyền lực lẫn nhau giữa ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, không một đảng phái chính trị nào có thể ôm trùm cả ba được. Đa đảng tạo nên sự cạnh tranh, và có bầu cử công khai giúp tìm ra những con người có năng lực thực sự ngồi vào những vị trí xứng đáng. Pháp luật nghiêm minh sẽ trừng phạt những ai vi phạm, bất kể họ là ai.

Trong một môi trường, thể chế như vậy, con người buộc phải tự thân vận động, tự lực vươn lên bằng khả năng, nếu làm quan chức, họ sẽ bị các đối thủ chính trị của các đảng đối lập cho tới dân chúng và một nền báo chí tự do, dân chủ soi từng hành vi nhỏ nhặt, họ sẽ phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói hành động và nếu vi phạm pháp luật, họ sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc. Vấn đề tác phong, đạo đức của họ do đó sẽ khá lên. Không cần đảng nào "nuôi dạy" cả.

Song Chi

Nguồn : RFA, 22/10/2017 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 811 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)