Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2017

Xót xa cho thân phận "trí thức Việt Nam xã hội chủ nghĩa"

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Đọc tờ đơn của bác sĩ Hoàng Công Truyện, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gửi để xin lỗi Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã bị phạt 5 triệu đồng vì "dám" phê phán Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người ta thấy nhiều điều.

Trên hết, người ta thấy xót xa cho số phận trí thức dưới chế độ cộng sản.

Bộ trưởng Bộ Y tế có đáng bị phê phán không ?

xot0

Các gương mặt trí thức tiêu biểu Việt Nam 2012 - Ảnh minh họa (hns.edu.vn)

Hẳn nhiên là điều này không cần bàn cãi, chỉ cần "lượn" một vòng trên mạng Facebook thì đủ rõ. Không có lời lẽ nào biện hộ cho một Bộ trưởng Y tế mà dưới sự quản lý của bà ta, không biết bao nhiêu sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng liên quan đến tính mạng con người, coi mạng sống người dân như cỏ rác và như một sự đùa bỡn.

Những cái chết "đúng quy trình" của người dân, những cảnh bệnh nhân chui dưới gầm giường ra chào khi Bộ trưởng đến thăm, bệnh nhân nằm ghép, sự thiếu y đức của bác sĩ, Bộ trưởng dung túng cho người nhà buôn thuốc giả bán cho bệnh nhân ung thư... Và tất cả, trên hết là sự vô cảm, trơ lỳ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Có lẽ thành tích lớn nhất của ngành Y tế dưới thời Nguyễn Thị Kim Tiến có được, đó là tăng viện phí và đội giá thuốc chữa bệnh. Bởi theo bà ta, thì tăng viện phí thì người dân có lợi (!).

Cũng có lẽ, với quan niệm đó, bà ta cũng cho rằng đưa thuốc giả vào bán cho người bệnh ung thư cũng là có lợi cho người dân ? Bởi đã ung thư thì trước sau gì chẳng chết, thuốc giả đưa họ đến với cái chết sớm hơn dự định. Do vậy bà ta đã bố trí em chồng vào làm Phó giám đốc tại Công ty buôn thuốc giả này ?

Đã vậy, với tư cách một Bộ trưởng, bà ta lại chối bay chối biến "không có người thân" làm ở công ty buôn thuốc giả. Nhưng khi bị móc ra em chồng làm Phó Giám đốc ở đó, bà ta không dám hé răng. Rồi một thứ trưởng đứng ra lý luận cùn rằng : "Bộ trưởng không nói, chứ không phải nói không có". Đến lạ cho chữ nghĩa của đám cán bộ công quyền ở cấp cao.

Trước những hiện tượng nát bét của ngành y tế như vậy, bao cuộc kêu gọi, lấy ý kiến và kiến nghị trên mạng xã hội kêu gọi bà ta từ chức như để giữ lấy một sự liêm sỉ cuối cùng.

Nhưng không, bà ta vẫn cứ lỳ lợm ôm cái chân ghế Bộ trưởng, chỉ để "sửa chữa những vấn đề của ngành Y tế" bằng những vụ việc lớn hơn, động trời hơn.

Phê phán

Cần hiểu một điều rằng : Nói xấu khác với nói thật.

Về chuyện này, tôi nhớ lại câu chuyện với một viên Thượng tá An ninh thuộc Cảnh sát điều tra Thành phố Hà Nội. Trong một lần "làm việc" về bài viết của tôi, anh ta nói :

- Những bài viết này của anh, là nói xấu đảng và nhà nước, anh đánh giá xấu về chế độ xã hội chủ nghĩa...

Tôi tranh luận lại :

Khi nói thật có bằng chứng, dẫn chứng hẳn hoi, không sai sự thật thì điều đó phải được hiểu là nói thật. Nói xấu chỉ là việc bịa đặt cho xấu hơn sự thật. Chẳng hạn, anh có hai cái tai và hai con mắt, nhưng tôi nói rằng anh có đến 2 lỗ tai và chỉ có 1 con mắt. Thì đó là nói xấu và có lỗi.

Ở đây, tất cả những bài viết của tôi với các chi tiết, đều là sự thật, có bằng chứng rõ ràng thì không thể là nói xấu. Chỉ có điều là sự thật của đảng và nhà nước là xấu xa, nên nói thật thì người ta hiểu ra rằng đảng và nhà nước rất xấu mà thôi. Cái đó không phải lỗi ở tôi.

Còn đánh giá thì khác, đó là quyền mỗi cá nhân. Tôi nghĩ rằng anh không đẹp trai bằng tôi, tôi có quyền nói rằng anh xấu trai. Tôi làm việc với anh, tôi nóng tính hơn thì tôi cho là anh hiền lành, còn tôi hiền lành hơn anh, nên tôi cho rằng anh nóng tính. Đó là chuyện bình thường chẳng có cái gì định lượng được và chẳng có lỗi gì, chẳng có luật pháp nào quy định không được đánh giá vấn đề theo cách của mình.

Từ đó, anh ta ít dùng cái cụm từ "nói xấu đảng và nhà nước" với tôi trong các buổi "làm việc".

Về những quy định và chủ trương của người cộng sản trên sách vở, trước đây, việc "phê bình và tự phê bình" là điều họ luôn nhắc đến như một biện pháp nhằm giữ dây cương xã hội thay thế cho luật pháp. Hỡi ôi, điều đó không đủ để ghìm các con ngựa bất kham trong các cán bộ cộng sản được nuôi dưỡng và kích thích bằng lý thuyết "Vật chất quyết định ý thức" và sự khao khát thỏa mãn các nhu cầu bản năng của cái dạ dày và quả cật.

Có lẽ hành động của ngành Y tế Thừa thiên - Huế vừa qua kỷ luật ông Hoàng Công Truyện cũng là hành động phỉ nhổ công khai vào cái gọi là "Phong trào Học tập và làm Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh" mà không biết bao tiền của, công sức đổ vào đó để đánh bóng cho đảng và Hồ Chí Minh thời gian qua.

Người ta còn nhớ, chính Hồ Chí Minh đã nói rằng : "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 283).

Bởi điều này khẳng định rằng : Hoặc cái gọi là "Học tập, làm theo" chỉ là một trò nhố nhăng nhằm tiêu tiền của dân. Hoặc là chứng minh một điều "Cộng sản chỉ có nói, còn làm thì ngược lại". Ở đây, hoặc là đám "học trò xuất sắc" của ông đã đi ngược lại lời ông dặn, chẳng coi ông ra cái gì, hoặc chính ông đã đặt nền móng cho sự dối trá của xã hội Việt Nam thời nay, ngay từ những ngày đầu ông cướp được chính quyền và đám học trò này đang phát huy.

Trí thức xã hội chủ nghĩa !

Theo định nghĩa của wikipedia thì : "Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ" và "Nhà trí thức nghiên cứu, phân tích, và chỉ trích trong các cuộc tranh luận cũng như các hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Điều này có thể đưa tới những xung đột với các chính trị gia, cũng như những người cầm quyền".

Sau 1945 quyền lực nằm trong tay chính quyền cộng sản, trí thức được coi là một trong những giai cấp nguy hiểm cho chế độ, cần được loại bỏ. Nhiều tài liệu và nhân chứng đã kể lại rằng, đã có thời kỳ các trí thức người Việt ở nước ngoài được kêu gọi về Việt Nam để "xây dựng đất nước". Khá nhiều người đã nghe những lời lẽ thống thiết đó và đã trở về đất nước, để rồi ngậm ngùi cay đắng về thân phận mình trong chế độ Cộng sản lấy "giai cấp công nhân" làm giai cấp tiên phong nhất, tuyệt vời nhất, tốt đẹp nhất. Chỉ đơn giản là vì chỉ có giai cấp vô sản, giai cấp công nhân mới đi theo con đường bạo lực và bảo vệ đảng đến cùng trong một cuộc "cách mạng" mà ở đó họ được hứa hẹn : "Không có gì để mất mà được thì được tất cả, nếu có chỉ có mất xiềng gông và nô lệ".

Vì thế nên đã có thời kỳ, ở Việt Nam truyền tụng một phương châm hành động của người Cộng sản là : "Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" nhằm tiến hành triệt để cuộc cách mạng vô sản theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.

Theo định nghĩa của Mao Trạch Đông - "người bạn thân thiết và là người anh cả của cách mạng Việt Nam" - thì "Trí thức chỉ là cục cứt". Do vậy, hệ thống trí thức Việt Nam là một thành phần không được hoan nghênh hay nói rõ hơn là tầng lớp bị trị.

Thế nhưng, trong xã hội không thể thiếu các thành phần cho đủ mâm, đủ món để trang trí cho cái bánh dân chủ, vì vậy sinh ra cái gọi là "Trí thức xã hội chủ nghĩa". Điều này được đảng tung hô và đa số người dân ngộ nhận vì bị lợi dụng việc trọng người học hành là truyền thống dân tộc xưa nay.

Và như một sự quy định mặc nhiên, trong xã hội thời đó, những người được học hành qua bậc đại học với số thời gian học chủ nghĩa vô thần Mác - Lenin còn nhiều hơn chuyên môn, nghiễm nhiên được hoặc tự xếp mình vào hàng ngũ "trí thức xã hội chủ nghĩa".

Nhưng cái gọi là Trí thức xã hội chủ nghĩa chỉ là sự tô vẽ, nhào nặn ra một đám nhằm để trang trí, phụ họa cho chế độ. Chính vì vậy, người ta đã chứng kiến những sản phẩm của đám trí thức đó nhiều khi cười ra nước mắt. Bởi qua hàng chục năm, với hàng vạn tiến sĩ, giáo sư sản sinh trong những lò ấp nhanh hơn cả trứng vịt mùa gặt vẫn chưa đủ nhu cầu trang trí cho bản thân và chế độ. Nhưng sản phẩm của họ qua cuộc Cách mạng về Khoa học Kỹ thuật với thành quả là đến nay, Việt Nam chưa thể làm nổi cái đinh vít đủ tiêu chuẩn, bao nhiêu sáng tạo, máy móc dân dụng đều dành cho nông dân chế tạo.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ trong số đó tất cả mọi con người có nhận thức và học hành đều là đám hèn hạ. Bởi trong ngoài đám cừu dưới sự lãnh đạo của đảng, vẫn có những con người hiên ngang, khí phách dám sống với lẽ sống của riêng mình, của sự thôi thúc lương tâm và lẽ phải. Chính vì vậy, không thiếu những vụ án mà nạn nhân của nó là các trí thức còn sống với bản lĩnh và lương tâm mình. Họ được gán cho đủ thứ tội lỗi mà nhiều khi chẳng ai tin được. Những người này, chúng ta chưa bàn đến ở đây mà để dịp khác.

Trở lại cái gọi là "Trí thức xã hội chủ nghĩa" được đảng lãnh đạo tuyệt đối kia, với chủ nghĩa lý lịch và bằng cấp... dần dần bằng mọi cách từ bằng giả, học giả cho đến gian lận để nhằm chiếm những chiếc ghế béo bở bằng mọi thủ đoạn, dần dần lộ rõ những sự bi hài của nó.

Thấy gì qua một lá đơn

xot2

Lá đơn của bác sĩ Hoàng Công Truyện, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã được viết bằng những lời lẽ hết sức hèn hạ, nại ra đủ mọi lý do mà người bình thường cũng thấy đỏ mặt xấu hổ chứ chưa nói đến nhân cách một bác sĩ.

Ở đó, ông ta nại ra rằng mình lần đầu tiên mắc khuyết điểm, rằng mình không thông thạo về công nghệ thông tin, mạng xã hội nên không lường trước được hậu quả, rằng mình say rượu viết linh tinh và còn phải nuôi mẹ già và là con liệt sĩ, rằng đã thành khẩn...

Nhất là xin được "giơ cao, đánh khẽ" - nghĩa là anh ta chấp nhận làm con cho cho mụ Bộ trưởng đánh phạt.

Đọc lá đơn của sĩ Hoàng Công Truyện, sau khi bị phạt 5 triệu đồng vì dám lên mạng xã hội phê phán và nêu ý kiến là Bộ Trưởng nên từ chức vì quản lý kém, ta thấy nhiều điều.

Ta thấy rằng, ở cái cơ chế quái gở này việc phê phán là điều cấm kỵ, nhất là phê phán đám đầy tớ của dân. Vì thế, cái mà Hồ Chí Minh nói rằng : "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ" chỉ là sự lừa đảo khi người cộng sản chưa nắm vững chính quyền với súng đạn và nhà tù trong tay.

Ta thấy rằng, cái gọi là dân chủ, tự do... chỉ là món bánh vẽ ngày càng bị chà đạp trắng trợn và bất chấp mọi sự phản ứng của dư luận.

Ta thấy rằng không chỉ đó là sự hèn hạ của một cá nhân, mà đó là sự hèn hạ của cả một hệ thống từ trên xuống dưới, bắt đầu từ Tỉnh Thừa thiên - Huế, đến các sở Y tế, Sở Thông tin truyền thông và các cơ quan liên quan - một nhà nước thu nhỏ. Họ đã bất chấp lẽ phải, sự thật và luật pháp, chỉ vì để xu nịnh và làm vừa lòng một mụ đàn bà tai tiếng đang ngồi ghế Bộ trưởng.

Ta thấy rằng ở đó, cả một bộ máy đều toàn là những "trí thức xã hội chủ nghĩa" mà hèn hạ đến mức độ khiếp nhược, đến cùng quẫn trong sợ hãi mà kỷ luật, phạt một người dám mở miệng nhưng không hề vi phạm bất cứ điều gì với luật pháp.

Ta thấy rằng, điều đau đớn nhất là một bầy bác sĩ quay lại cắn đồng nghiệp mình chỉ để xu nịnh mà không biết mình đang vi phạm luật pháp. Với đồng nghiệp còn vậy thì với con bệnh và người dân, họ sẽ để y đức vào đâu ? Ở đây, họ không chỉ "hèn với giặc, ác với dân" như câu ngạn ngữ mới mà người dân Việt Nam đang dành cho Đảng Cộng sản, mà họ còn hèn với chính đồng nghiệp, cấp trên và người dân của mình.

Cũng qua sự việc này, ta thấy xót xa cho thận phận "trí thức xã hội chủ nghĩa" biết bao, khi họ không hề có một chút nào tính khảng khái, bất khuất và can trường của những kẻ sĩ xưa nay.

Vậy thì đất nước, dân tộc chờ trông được điều gì ở họ ?

24/10/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 24/10/2017

(nguyenhuuvinh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 821 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)