Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2017

Lịch sử Việt Nam, sách vở và phim ảnh

Nguyễn Đức Cung

Một sử gia nổi tiếng thế giới người Đức Leopold von Ranke (1795-1886), người để lại cho thời đại của ông một số lượng khổng lồ tác phẩm sử học (51 cuốn), đã cho một lời khuyên rất giá trị đối với giới nghiên cứu sử học, đó là : "Sử gia phải viết lại sự việc như chính nó đã xảy ra" (Historians should tell thing as it was). Câu nói này đặt ra cho lương tâm người viết sử trách nhiệm phải tôn trọng sự thật, nhưng thử hỏi từ xưa tới nay hỏi có mấy ai tuân thủ lời khuyến cáo nghiêm túc này ?

vietsu1

Quyền viết sử là quyền của phe thắng trận trong một cuộc chiến vì kẻ đã chết bao giờ cũng là người thiệt thòi

Đã có rất nhiều chủ trương cho rằng quyền viết sử là quyền của phe thắng trận trong một cuộc chiến vì kẻ đã chết bao giờ cũng là người thiệt thòi, bởi thế mà trong lịch sử thế giới có biết bao câu chuyện đầy gian dối, lừa bịp sai chân lý lịch sử được dựng nên từ đời này sang đời khác. Vấn đề chính tà cũng xuất hiện dưới ngòi bút của sử quan hay chuyên viên chép sử theo lệnh của nhà cầm quyền, trong các cơ quan chuyên viết lịch sử cho nhà nước, chẳng hạn thời nhà Nguyễn, sau khi Gia Long đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, triều đại Tây Sơn được ngòi bút sử quan triều Nguyễn gọi là "ngụy Tây" hay "Tây tặc" v.v.

Những ngày tháng gần đây, dư luận đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã dấy lên nhiều ý kiến khi Viện Sử học Hà Nội cho tái bản bộ sách có tên Lịch sử Việt Nam trong đó không dùng hai chữ đầy miệt thị "ngụy quyền" "ngụy quân để chỉ các cơ chế của Việt Nam Cộng Hòa nữa mà gọi là chính quyền Sài Gòn hay quân đội Sài Gòn. Cùng vào thời điểm này bộ phim The Vietnam War của hai nhà làm phim người Mỹ Ken Burns và Lynn Novick đưa ra chiếu công khai ngày 17/9/2017 cũng đã làm khuấy động không ít dư luận hải ngoại và trong nước.

Có sự ngẫu nhiên chăng khi giữa bộ sử của chế độ cộng sản Việt Nam với bộ phim của nhóm người Mỹ xuất hiện cùng một thời điểm và đều nói về chủ đề lịch sử của Việt Nam ?

Bộ sách Lịch sử Việt Nam (2017)

vietsu2

Lịch sử Việt Nam gồm 15 cuốn do Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà nội phát hành tháng 8 năm 2017

1. Nhận định của Giáo sư Trần Anh Tuấn

Trước hết, xét từng sự kiện thì đó là một bộ sách có tên Lịch sử Việt Nam gồm 15 cuốn do Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà nội phát hành tháng 8 năm 2017. Bộ sách do 30 người viết đều là cán bộ của Viện Sử học mà nhiệm vụ của họ là viết sử theo sự chỉ đạo của Đảng, và như thế họ không viết theo tư cách sử gia. Đó là nhận định tiên vàn của Giáo sư Trần Anh Tuấn mà cũng là nhận định của nhiều người trong nước cũng như hải ngoại.

Ghi nhận thứ hai cũng của vị giáo sư họ Trần là : "Hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - tên tuổi của giới nghiên cứu sử cũng đồng thời là giới giáo sư đại học ngành Sử trong nước, những người từ nhiều năm nay đã chuyển hướng nghiên cứu từ thông tin tuyên truyền sang trình bày sự kiện quá khứ, đều vắng bóng… Quan niệm viết sử của Viện Sử học Hà Nội là nhằm phục vụ chính trị, khác với quan niệm viết sử của Thế giới tự do dân chủ là trình bày lại quá khứ y như nó đã xảy ra".

Đây là điều mà những ai học sử theo tinh thần tôn trọng sự thật đề tìm hiểu ở bên trong những lời dạy dỗ hữu ích, bởi vì như Cicero (106-43 B.C.) từng nói : "Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời" (Historia magistra vitae), thì trái lại các người viết sử của cộng sản dùng sử học đề phục vụ các mưu đồ chính trị cho nên bộ sách mà Trần Đức Cường, Tổng Chủ biên, cũng phải được đánh giá theo tiêu chuẩn của một bộ sách thuộc loại tuyên truyền không hơn không kém. Bộ sách này được in lần đầu năm 2013, theo sự đánh giá của nhiều độc giả trong nước là quá kém, không ai mua nên Viện Sử học đã cho in lại hoành tráng hơn trong thời điểm 2017 để cố đẩy mạnh sản phẩm vào lãnh vực tuyên truyền.

Trong lãnh vực chuyên môn về Sử, Giáo sư Trần Anh Tuấn cho biết :

"Phương pháp viết sử của Viện Sử học Hà Nội là biên soạn sao cho đúng với lý thuyết cộng sản quốc tế. Điển hình của phương pháp này là tác giả Vũ Duy Mền khi trình bầy về thời đại Hùng Vương.

Nguyên văn thế này, nơi trang 117 trong Tập 1 : Họ (tầng lớp quý tộc gồm Hùng Vương, Lạc hầu, Lạc tướng…TAT chú) lợi dụng chức vụ và chức năng của mình để chiếm đoạt sản phẩm thặng dư của công làm tài sản riêng. Dần dần họ tập trung trong tay nhiều của cải và quyền lực… Trên thực tế, họ đã bóc lột nô tỳ và được quyền "ăn ruộng" của dân Lạc, nghĩa là tự thu cho mình một phần sản phẩm thặng dư của công xã dưới hình thức lao dịch hay cống nạp sản phẩm".

Và Giáo sư Trần Anh Tuấn thẳng thắn ghi nhận :

"Đây là sự tưởng tượng của người cộng sản thế kỷ XXI khi viết về quá khứ của ngàn năm trước, đã lập lại ý niệm "thặng dư giá trị" mà không hề dẫn một sự kiện nào làm chứng cứ".

Đã không có gì chứng minh cho việc vua Hùng đã "chiếm đoạt sản phẩm thặng dư" nơi trong trang 117, mà trang 116 ngay trước đó, tác giả này đã có những chi tiết khác hẳn. Nguyên văn thế này : Vua cùng làm cùng ăn với dân. Vua Hùng dạy dân cấy lúa, cùng làm cho đến khi mặt trời đứng bóng mới nghỉ tay… Có câu chuyện kể về việc : vua Hùng dạy dân đi săn, khi săn được chim thú cùng chia cho mọi người, vua chỉ dành cho mình bộ lòng".

Tại sao một tác giả lại có lập luận mâu thuẫn đến vậy ? Phải chăng đó là hiện thân của một người trình bầy sự kiện quá khứ căn cứ vào tài liệu xưa nơi trang 116 và ngòi bút của một người nhân viên hay đảng viên trung thành khi được Đảng giao công tác viết sử cho Đảng nơi trang 117 ?" (1).

2. Nhận định của Linh mục Sử gia Nguyễn Phương

Một bậc thầy trong ngành sử học Việt Nam, Linh mục sử gia Nguyễn Phương (1921-1993) đã giải rõ vấn nạn mà Giáo sư Trần Anh Tuấn thắc mắc trong một cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh, nhan đề "The Ancient History of Việt-Nam, A New Study" cách đây 41 năm.

Từ năm 1976, trong cuốn sách viết bằng Anh ngữ này, Linh mục sử gia Nguyễn Phương đã phê bình phương pháp viết sử của chế độ Hà Nội bằng nhận xét như sau : "A recent text, History of Vietnam, written in 1971 by a group of social scientists of North Vietnam, proclaimed the period from Hồng-bàng to Hồ-chí-minh as being a period full of sacrifices, distress, hopelessness and shame, but also of fame and glory. The thinking of the Committee who wrote the book is clear. They put Hồng-bàng, a dynasty based mainly on legend, on the same ground with Hồ-chí-minh, one of the most important and recent political figures of Southeast Asia. It seems that there is no vacillation in the mind of these authors when they spoke about the life of the Vietnamese people during that period of 4.000 years. They suggested that in the time of Hồng-bàng, that is, in 2879 B.C., there was already a nation of Vietnam and a Vietnamese people, with its organization, political and otherwise, almost exactly as it is found today. They gave, no doubt, a good example of a non-historical approach to history, because it seems that in their understanding there is little room for evolutionary change ".

(Dịch nghĩa : "Gần đây, một cuốn sử có tên Lịch sử Việt Nam, viết năm 1971, do một nhóm chuyên ngành xã hội của miền Bắc cho biết thời kỳ từ Hồng-bàng đến Hồ-chí-minh là một thời kỳ đầy dẫy những biến cố hy sinh, đau buồn, thất vọng và tủi nhục, nhưng cũng đầy danh dự và vinh quang. Quan điểm của Ủy Ban đó rất rõ ràng. Họ đặt thời kỳ Hồng-bàng, một triều đại phần lớn dựa trên truyền thuyết vào trên cùng một mảnh đất với Hồ-chí-minh, một trong những khuôn mặt chính trị quan trọng và nổi bật nhất của Đông Nam Á. Dường như không có sự đổi thay gì trong đầu óc các tác giả đó khi họ nói về đời sống dân Việt trong thời kỳ hơn 4000 năm. Họ đã gợi ý rằng từ thời đại Hồng-bàng, nghĩa là vào năm 2879 trước Công Nguyên, đã có một nước Việt Nam và một dân tộc Việt Nam, với tất cả guồng máy tổ chức, chính trị và hơn nữa, hầu như toàn bộ cơ chế đó được tìm thấy giống hệt như ngày nay. Không nghi ngờ gì nữa, họ đã cho một thí dụ rất hay đó là đi tới lịch sử bằng hình thức tiếp cận không mang tính lịch sử gì hết, bởi vì dường như, trong sự hiểu biết của họ, chỉ có chút xíu thôi về sự đổi thay mang tính chất tiến hóa").

Một điều làm cho chúng ta có quyền đánh giá rất thấp tác phẩm sử học đồ sộ này của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội khi họ bịp bợm bỏ các chữ ngụy quân, ngụy quyền để thay vào là "quân đội Sài Gòn", "chính quyền Ngô Đình Diệm hay chính quyền Sài Gòn", nhưng đó chỉ là thay đổi chữ, còn nghĩa thì vẫn y nguyên, hoặc những nơi khác họ vẫn sử dụng các chữ "ngụy quân, ngụy quyền". Thí dụ Tập I, trang 166, ghi "thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ" ; trang 167 "ngụy quân, ngụy quyền… đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam".

Dư luận bên ngoài xin hãy bình tĩnh và cảnh giác về thái độ bịp bợm của chế độ cộng sản Hà Nội hiện nay. Chính Trần Đức Cường cũng tiết lộ quan điểm của mình khi được báo chí "hót đảng" phỏng vấn đã nói rằng trong bản chất chế độ Sài Gòn vẫn là tay sai của Mỹ hoặc chính quyền tay sai đại biều quyền lợi cho giai cấp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản khoác áo dân tộc dân chủ. Một điều rất trơ trẽn là trong cuộc chiến 1961, 1962, 1963, 1964, 1965, 1966, 1967, và riêng chỉ trong 6 tháng mùa khô 1966-1967 bọn cộng sản đã loại khỏi vòng chiến 175.000 tên địch, trong đó có hàng trăm lính Mỹ và lính đánh thuê, phá hủy hơn 1.800 máy bay, phá hỏng 1.783 xe quân sự và 340 khẩu đại bác, bắn chìm và bắn cháy 100 xuồng, và đánh sập, đánh hỏng 270 cầu mà không hề ghi thiệt hại của bên "bộ đội" (Trần Anh Tuấn).

Nói chung, từ khi phe cộng sản khai chiến năm 1959 đến 1975, quân cộng sản không thiệt hại một tên lính nào cả.

Ghi nhận này đã được nhà văn Nguyễn Văn Lục trong bài báo viết về nền giáo dục Việt Nam, ở một tiểu mục có tên "Về những con số ảo, con số bịp bợm", sau khi nhận định về việc các tác giả sách sử lớp 12 của Việt Cộng bỏ qua các thiếu sót thí dụ không viết về khu tự vệ Phát Diệm, không nói đến các lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, các chính quyền của Quốc trưởng Bảo Đại, qua các đời Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu…

Nguyễn Văn Lục viết : "Thật là hiếp đáp lịch sử quá đáng". Tính từ 1965 đến 1972, theo Nguyễn Văn Lục, "nếu làm một tổng kết cả bốn đợt thì có khoảng 500.000 địch bị loại khỏi vòng chiến. Gần một nửa quân số miền Nam ? Đặc biệt không thấy nói đến số quân nhân bị tử thương trong dịp 30/4/1975. Nhưng một điều quá đặc biệt không kém là không có ghi số tổn thất của binh đội cộng sản dù chỉ một người cũng không có" (2).

Thật là một cuộc chiến thần thánh ! Thật là một bộ sách sử vĩ đại do cộng sản Hà Nội viết !

Phim The Vietnam War

vietsu3

The Vietnam War của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick trải qua 10 năm thực hiện, gồm 18 tập chiếu trong vòng 10 tiếng đồng hồ, trình chiếu hạ tuần tháng 9/2017

Thứ đến, đó là bộ phim The Vietnam War của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick trải qua 10 năm thực hiện, gồm 18 tập chiếu trong vòng 10 tiếng đồng hồ, trình chiếu hạ tuần tháng 9/2017. Cuốn phim này là một nối tiếp của những cuốn phim về trước do một số người Mỹ thực hiện, dĩ nhiên, cũng là một sự nối tiếp về gian dối, lừa đảo trong mục đích chạy tội cho chính quyền Mỹ, bằng cách bôi nhọ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Thoạt đầu chúng ta thấy cần điểm lại các bộ phim trước đây từng xuất hiện nói về cuộc chiến tranh Việt Nam.

1. Bộ thứ nhất "Vietnam : The Ten Thousand Day War" (Việt Nam, cuộc chiến 10.000 ngày) của Michael Maclear trình chiếu năm 1980, gồm 13 tập.

Dưới bút hiệu Trúc Long, Linh mục sử gia Nguyễn Phương trong bài báo viết cho tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, trong mục "Tiếng vọng miền Tây" (khoảng năm 1981) đã cho biết như sau :

"…Không lâu trước đây, đài truyền hình số 5 cho chiếu cuốn phim về cuộc "Chiến tranh mười ngàn ngày" của Mỹ. Thật là một cuốn phim thiên lệch. Theo cuốn phim đó, người Mỹ muốn đổ tất cả tội lỗi cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa về sự thất bại ở Việt Nam. Nhiều người đã lên tiếng phản đối, trong đó đáng kể nhất là Phó Đô đốc hải quân Đặng Cao Thăng… Riêng ông Trần Huỳnh Châu, một người mới vượt biên sau khi đã ở trại cải tạo cho biết là ở trại ông đã được xem những phim tuyên truyền loại đó. Chi tiết này cho thấy rằng cuốn phim của Mỹ cũng thuộc về loại tuyên truyền, nhưng tiếc một điều là không biết muốn tuyên truyền cho ai. Còn việc đổ tội cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì thật là một công việc giấu đầu hỡ đuôi. Đổ tội cho Việt Nam, nghĩa là muốn nói rằng người Mỹ vô tội trong trận thất bại ê chề ở Việt Nam chứ gì ? Nhưng giả sử người Mỹ vô tội thật, cớ sao chính quyền Mỹ từ rảy các chiến sĩ Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam, kẻ chết cũng như người sống. Mãi cho đến tháng 11 này ? Người Mỹ vô tội ư ? Cớ sao họ lại hỗ thẹn trước sự hy sinh tính mạng của hơn 57 ngàn con cái của họ ? và mấy chục ngàn thương phế binh ? Họ từ rảy chính con cái của họ, rõ ràng vì một lẽ là bấy nhiêu người đó là hiện thân của sự thất bại của chính họ".

2. Bộ phim thứ hai là "Vietnam : A Television History", (Việt Nam, chuyện sử qua truyền hình) gồm 13 tập do hãng WGBH-TV (thuộc PBS) ở Boston phổ biến năm 1983.

Cũng nhờ ngòi bút Trúc Long, một lần nữa chúng ta có được một số ghi nhận khi xem cuốn phim của Stanley Karnow có tên "Vietnam : A Television History".

Sử gia Trúc Long Nguyễn Phương viết : "Raph Ellison, giám đốc đài truyền hình WGBH, đã bỏ ra 5 triệu rưỡi Mỹ kim để cùng với ký giả Stanley Karnow thực hiện bộ phim đó. Karnow này cũng là tác giả tập sách : Vietnam : A History, The First Complete Account of Vietnam At War (Việt Nam : Một chuyện sử, Chuyện đầy đủ đầu tiên về Việt Nam trong thời chiến). Tập sách cũng như bộ phim ra đời trong năm 1983. Vào cuối năm, khi bộ phim được chiếu lần đầu tiên, dư luận rất là sôi nổi, giữa người tị nạn cũng như giữa người Mỹ, vì những sai lạc trắng trợn của nó. Nhưng đang khi đại chúng Mỹ đối chiếu về vấn đề chiến tranh Việt Nam, các chủ nhân của bộ phim PBS dường như đã đâm lao phải theo lao. Mùa hè này, họ đem phim đó chiếu lại, và chiếu ngay ở Quận Cam quy tụ đông người tỵ nạn nhất. Các đài truyền hình địa phương 28 và 50 nhằm hạng khách nào khi họ dở dói lại cái vấn đề cũ rich đó ? Nhằm khán giả Mỹ ư ? Thiết tưởng người Mỹ đã chán ngấy vấn đề này. Mới đây trong báo Mercury News, Michael Novak, một tên trùm phản chiến, đã "nhận thực rằng phong trào phản chiến hồi đó hoàn toàn sai lầm – hay ít ra chính tôi đã sai lầm - về vấn đề Việt Nam". Cuốn phim này đã dùng thông dịch viên cộng sản, tên Ngô Vĩnh Long đã công khai hoạt động cho cộng sản cùng với bè lũ phản chiến tại Hoa Kỳ. Nhà làm phim đã chỉ dùng những tài liệu phim ảnh của cộng sản Việt Nam và cộng sản quốc tế. Những thành tích tiêu diệt cộng sản của chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không hề được nhắc tới, coi như con số không trong sử trình giữ nước và dựng nước Việt Nam. Những tội ác của cộng sản như tàn sát dân lành, tàn sát tập thể, pháo kích vào các khu dân cư v.v… đều không được nêu lên".

Tháng 5/1985, cuốn phim này được đưa vào trại cải tạo Nam Hà chiếu cho các tù nhân chính trị xem, mọi người vừa xem vừa lắc đầu khinh bỉ vì rất nhiều chỗ sai sự thật.

3. Bộ thứ ba "Last days in Vietnam" (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam) do đạo diễn Rory Kennedy thực hiện và phổ biến năm 2014.

4. Lần này, bộ thứ tư với mang tên "The Vietnam War" gồm 18 tập, chiếu trong 10 tiếng đồng hồ, các đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick đã bỏ ra 30 triệu dollars và tốn hơn 10 năm để đọc tài liệu, phỏng vấn nhiều người với hy vọng mà, theo đài RFI của Pháp ngày 22/9/2017, là " hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam". Có rất nhiều người xem cuốn phim này và có ý kiến trên mạng.

Ở đây chúng tôi trích dẫn bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng xung đột mầu da và sắc tộc đã có từ trước ở Mỹ do nạn kỳ thị da đen, da mầu. Nước Mỹ bị xé nát, chia rẽ không phải vì cuộc chiến Việt Nam mà vì các vấn đề nội bộ nói trên. Phim không nói đến sự thật "là vì sợ phải đi lính nên đa số thanh niên đi biểu tình để chống quân dịch. Cuốn phim tập trung vào biểu tình, thương vong, và hoàn cảnh bi đát của những người quân nhân Mỹ trên chiến trường. Họ đã không được hậu phương ủng hộ, cho nên lẫn lộn về sứ mệnh của mình : "Tôi đang chiến đấu cho cái gì đây" (What do I fight for ?). Cuốn phim cho rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu độc tài : "Ken Burns và Lynn Novick không biết rằng Sài Gòn có tới cả chục đảng phái, mấy chục tờ báo, luôn luôn chỉ trích, công kích chính phủ ? Rồi ca nhạc phản chiến tràn lan, sinh viên xuống đường biểu tình thoải mái. Quân đội không hữu hiệu, trốn quân dịch ? Sau trên 40 năm với bao nhiêu nghiên cứu đặt lại vấn đề thành công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà phim vẫn lập lại luận điệu xưa cũ. Trước khi phê bình như vậy, thiết tưởng Ken Burns và Lynn Novick phải cho nghiên cứu (vì ngân sách 30 triệu USD rất lớn) xem có dân tộc nào trên thế giới này đã chịu chấp nhận cho gần một phần ba số thanh niên nam ở tuổi lao động (1,2 triệu trên 3,9 triệu) đi quân dịch hay không ? Quả thật đã có nạn lính ma, lính kiểng nhưng chỉ là số rất nhỏ, đại đa số đã vui lòng nhập ngũ. "Hành động nói to hơn lời nói". Chính Đại sứ Graham Martin là người có mặt tại Sài Gòn đến giờ phút cuối cùng đã phải cải chính trước Quốc hội rằng (sau khi Mỹ rút hết quân từ mùa Xuân 1973) : "miền Nam chỉ mất một tỉnh đầu tiên là Phước Long vào tháng 1/1975 khi các ngài đã cắt hết viện trợ". Lúc ấy quân đội chỉ còn đủ đạn dược để chiến đấu 30-45 ngày. Cho nên nếu ngày 30/4 không xảy ra thì muộn lắm cũng sẽ xảy ra hai tháng sau, vào ngày 30/6/1975".

Chính phủ miền Nam là bù nhìn của Mỹ ? Cáo buộc này đã được nhiều người phản biện. Nơi đây, chúng tôi chỉ nhắc lại như thế này : tuy dù vì hoàn cảnh thật nghèo sau mười năm chiến tranh của Pháp (1945-1955), Việt Nam Cộng Hòa đã phải lệ thuộc vào viện trợ của Mỹ nhưng không phải vì thế mà lãnh đạo của họ trở thành bù nhìn.

Như đã đề cập trong cuốn "Khi Đồng minh nhảy vào", thời Đệ nhất Cộng hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Tổng thống Kennedy rút cố vấn đi, và cũng không muốn cho Mỹ đưa quân đội tác chiến vào miền Nam. Khi thấy Mỹ bỏ Lào, ông nhìn thấy chân trời tím và biết rằng trước sau thì Mỹ cũng bỏ rơi miền Nam nên muốn điều đình với miền Bắc để tìm một giải pháp hòa bình... Ông đã chống lại Mỹ và sau cùng đã hy sinh tính mạng để giữ được chính nghĩa quốc gia.

Thời Đệ nhị Cộng hòa, Tổng thống Thiệu đã nhất quyết chống lại Tổng thống Nixon, không chấp nhận bản dự thảo Hiệp định Paris cho dù bị đe dọa sẽ có đảo chính giống như 1963, rồi Tổng thống Nixon còn tàn nhẫn đến mức nói "cắt cổ ông Thiệu nếu cần thiết". Nhưng Tổng thống Thiệu vẫn cưỡng lại. Sau cùng Tổng thống Nixon phải bí mật cam kết để bảo đảm hòa bình và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam để đổi lấy sự đồng ý của Tổng thống Thiệu. Nhưng cam kết thì cũng chỉ là mánh khóe để bỏ rơi miền Nam".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, bộ phim này "không giải thích rõ tại sao thương vong lên cao". Con số 58.200 tử thương vì thứ nhất Mỹ muốn trực chiến, tức Mỹ giành lấy nhiệm vụ chiến đấu và quân đội miền Nam bị buộc giữ an ninh hậu phương. Cho đến năm 1969, quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới được trang bị súng M-16 ; thứ hai Mỹ áp dụng chiến tranh quy ước (conventional warfare) để đánh chiến tranh du kích. Cuốn phim "không nói hết sự thực về lý do "biểu tình phản chiến", vì ở Mỹ lúc bấy giờ lẫn lộn rất nhiều cuộc biểu tình với nhiều mục tiêu khác nhau như tranh đấu tăng công ăn việc làm, yêu cầu cung cấp nhà cửa cho loại người có lợi tức thấp, chống bất bình đẳng nam nữ, tranh đấu cho người đồng tính luyến ái và biểu tình ủng hộ quân giải phóng Symbionese, Đảng, Black Panthers, Malcolm X…

Cuốn phim "không đề cập đến kịch bản tháo chạy" và cũng không nói về vai trò của Kissinger làm việc một mình bốn năm trong bóng tối, thao túng nền ngoại giao Hoa Kỳ. Hắn là tay đao phủ đối với Việt Nam Cộng Hòa. Hắn từng nguyền rũa khi Đà Nẵng vừa mất "Sao đám dân này không chết phứt đi cho rồi".

Ngoài ra có rất nhiều bậc thức giả như Luật sư Hoàng Duy Hùng cho rằng "cuốn phim dành quá nhiều thời gian cho Mỹ, cho Bắc Việt, còn thời gian cho quan điểm Việt Nam Cộng Hòa quá ít…".

Luật sư Hoàng Duy Hùng đã nêu ra 11 điểm dựa trên sử liệu để chứng minh cuốn phim của Ken Burns và Lynn Novick được xây dựng trên một chuỗi những sự kiện dối trá, bịp bợm, dù đối tượng họ nhắm là người Mỹ.

Theo Luật sư Hoàng Duy Hùng, khi chính Lê Duẩn sau này tuyên bố : "Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô" nên ai nghĩ chuyện đấu tranh chống thực dân Pháp của Hồ và của Đảng cộng sản Việt Nam là sự tranh đấu độc lập cho nước nhà là một sai lầm to lớn".

Tranh biện

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng đã được đại diện đài truyền hình PBS và Thư viện địa phương mời vào ban Điều hành thảo luận (discussing panel) về phim The Vietnam War, đã có ý định để nói lên quan điểm của Người lính Việt Nam Cộng Hòa về Chiến tranh Việt Nam. Một nhà văn phe Cộng, Bảo Ninh, một cựu chiến binh Bắc Việt, tác giả cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" (có dịch ra Anh ngữ) khi được phỏng vấn, cho rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, KHÔNG có người thắng. Người điều khiển chương trình hỏi về vấn đề này, ông Sẵng trả lời muốn biết ai thắng ai thua phải dựa trên ba điều căn bản : mục tiêu tham chiến của các bên, sự tổn thất mà họ phải trả giá, và đánh giá trên tổng thể do cuộc chiến gây ra. Theo Tiến sĩ Sẵng, Hoa Kỳ thắng vì kiềm chế được Trung Cộng, Bắc Việt thua vì trả giá quá đắt trong cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng vô điều kiện là người thua.

Theo bài phỏng vấn của tướng Frederick C. Weyand ngày 12 tháng 6 năm 2006 "thì cuộc chiến bị thua không phải do quân đội kém cỏi mà do những người lãnh đạo chính trị ở Washington. Họ thắng trên chiến trường, nhưng thua vì sự bội ước của đồng minh".

Theo ông Sẵng, "cả hai phía người Việt đều là kẻ thua, nhất là dân tộc Việt Nam là người thua trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm của người cộng sản do Hồ Chí Minh, người cộng sản quốc tế, thực hiện sứ mạng trên sự đau xót vô vàn của dân tộc, làm kiệt quệ đất nước và tạo vết thương lịch sử dù 42 năm rồi vẫn chưa lành…".

Thật sự mà nói, như Tom Polgar, một nhân vật cao cấp thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở miền Nam đã phát biểu ý kiến : "Đây là một cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua". Lịch sử có những dữ kiện thực tế cần phải được lưu ý.

Với phương cách phân tích khá rành rọt tỉ mỉ, hai tác giả Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái và Thiếu tá Liên Thành đã cho biết : "Các đạo diễn bộ phim The Vietnam War, Ken Burns và Lynn Novick, đã nêu ra hai tiền đề là sự phi lý và tính vô luân của cuộc chiến tranh Việt Nam làm nền tảng cho bốn mục đích (công nhận và thông cảm sự tủi nhục và niềm đau của những cựu chiến binh Hoa Kỳ và gia đình của họ ; đưa ra quan điểm là người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc ; kết án chính quyền Mỹ đã thực hiện một chính sách hoàn toàn sai lầm về cuộc chiến Việt Nam đưa đến những hệ quả đau thương cho nhân dân cả hai nước, Mỹ và Việt Nam ; biện luận cho một chính sách hòa hợp hòa giải vì sau những đau thương đó, người từ hai chiến tuyến đã nhận chân ra được ai ai cũng đầy ắp tình người".

Phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái

Nhưng quan trọng nhất là phần phản biện đối với bộ phim của hai tác giả, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái, nguyên Giáo sư thỉnh giảng University of Pennsylvania, St. Joseph’s University, Chestnut Hill College và ông Liên Thành, cựu Thiếu tá Cảnh sát quốc gia.

Chiến tranh Việt Nam, theo Ken Burns và Lynn Novick, là cuộc chiến tranh phi lý : Việt Nam ở xa Mỹ 10.000 dặm và dân Việt Nam muốn sống yên lành, không động chạm gì tới Mỹ, thì sao Mỹ lại mang quân đến đánh Việt Nam ; người lính Mỹ chiến đấu tại Việt Nam không biết rõ tại sao họ phải đánh giặc, và đánh giặc để làm gì ; người Mỹ đổ máu cho miền Nam trong khi chính quyền miền Nam tham nhũng, binh lính hèn nhát. Chiến cuộc Việt Nam đã giết hơn 58.000 lính Mỹ và 3 triệu dân Việt.

Chiến tranh Việt Nam, theo Ken Burns và Lynn Novick, là vô luân vì : Chính quyền Mỹ lừa dối nhân dân về sự thật của cuộc chiến. Cấp tướng và tá lừa đối chính quyền Mỹ. Lính Mỹ ăn căp đồ tiếp viện tung ra bán trên thị trường miền Nam, tạo cảnh phồn vinh giả tạo. Hình ảnh lính Mỹ chết bọc trong bao, các vùng tự do hỏa lực được tính vào sổ những thành công về quân sự, cảnh thảm sát Mỹ Lai, hằng hà vô số các chiến binh thương tật chịu tác hại về thể xác và tâm thần.

Mục đích của cuốn phim The Vietnam War nêu ra hai tiền đề phi lý và vô luân là để :

- Công nhận và thông cảm niềm đau của quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh một cách vô ích trong cuộc chiến. Cuốn phim cho biết đa số lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam là dân nghèo và da đen. Những người mang thương tật trở về với những hội chứng hậu chiến tranh cùng gia đình, không thấy lý do chính đáng của cuộc chiến.

- Cốt đưa vào tiềm thức của khán giả việc bỏ rơi miền Nam là một việc làm đúng đắn, hợp lý và có đạo đức, không có gì phải mang mặc cảm tội lỗi như một số người từng suy nghĩ. Biện luận cho quan điểm thầm kín này là nước Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc. Quan điểm nầy có nghĩa là lẽ ra nước Mỹ phải chọn miền Bắc làm đồng minh của mình và cũng hiểu ngầm là chính quyền và nhân dân miền Nam phải là kẻ thù của người Mỹ mới đúng. Những đoạn phim đều tản mạn ý tưởng miền Bắc thực sự đã đấu tranh cho một lý tưởng, lính miền Bắc kiên trì, can đảm, có kỷ luật. Còn lính miền Nam thì hèn nhát, bất lực, không có khả năng chiến đấu và chính quyền thì tham nhũng, thối nát.

- Chứng minh nhân dân Hoa Kỳ, lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam là những nạn nhân vô tội bị chính quyền Hoa Kỳ lừa dối, gạt gẫm để thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế và chính trị của tập đoàn lãnh đạo. Giới tài phiệt trở nên giàu có thêm vì các dịch vụ cung cấp quân nhu, vũ khí, chiến cụ, xăng dầu. Các chính khách lợi dụng chiến tranh để đắc cử các chức vụ cần thiết, mị dân qua chiến cuộc Việt Nam.

- Nêu cao giá trị tình người sau cuộc chiến : Các cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau cùng hội ý là cuộc chiến thật phi lý, biết cùng khóc thương cho những người bạn đã nằm xuống. Đỉnh điểm của toàn bộ 10 đoạn phim là một lời kêu gọi "Tha thứ và Hòa giải" (Forgiveness and Reconciliation".

Phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái và Thiếu tá Liên Thành

Việc cuốn phim chỉ tập trung vào người Mỹ (dĩ Mỹ vi trung) và nhân dân, quân đội và chính quyền miền Nam được dùng làm bối cảnh với thì giờ rất giới hạn và khi cuốn phim nói đến nhân dân, quân đội và chính quyền miền Nam thì người ta chỉ nghe thấy phần lớn là những điều tiêu cực đáng ghét. Thái độ này không những vừa chối bỏ sự thật vừa nhục mạ nhân dân, quân đội và chính quyền miền Nam đã cùng chung vai thích cánh chiến đấu bên cạnh quân nhân Hoa Kỳ, vừa nhục mạ hơn 1 triệu rưỡi người miền Nam đã liều mạng sống vượt biên, vượt biển để tránh sự hà khắc gian ác của chế độ độc tài cộng sản.

Hai tiền đề phi lý

1. Lý do người Mỹ tham chiến ở Việt Nam

Có phải người Mỹ tham chiến ở Việt Nam là phi lý vì không có lý do chính đáng cho cuộc chiến hay không ? Thưa không phải.

Mỹ tham chiến tại Việt Nam vì lý do sau Thế chiến 2, sợ rằng Nga Tàu một khi chiếm được Việt Nam sẽ xua quân xuống chiếm vùng Đông Nam Á trong đó có Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai Á, Singapore, Indonesia… theo thuyết domino.

Mỹ tham chiến vì quyền lợi Mỹ, dĩ nhiên trong đó có sự cấu kết giữa quân sự và kỹ nghệ. Quân nhân Mỹ nói chung không được biết lý do tham chiến vì trong học trình của họ không có vấn đề huấn luyện chính trị. Dĩ nhiên người lính Hoa Kỳ biết rõ lý tưởng cao quý của họ là bảo vệ tự do cho miền Nam nhưng kỹ thuật dàn dựng bộ phim đã biến họ thành những tác nhân vô ý thức. Chắc chắn họ phải biết lý tưởng đó cao đẹp bằng chứng là ngày nay họ vẫn trân quý nhãn hiệu lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.

2. Cuộc chiến Việt Nam có vô luân hay không ?

Trên thực tế không có cuộc chiến tranh nào là hợp đạo đức cả nếu chỉ nhìn bề mặt đau thương của sự chết chóc. Tranh ảnh về chiến tranh thường gây xúc động.

Bức ảnh của Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp gây chấn động thế giới nhưng theo điều 4 Thỏa ước Genève thì hành động hành quyết của tướng Loan hợp pháp vì Bảy Lốp không mang quân phục, đã tàn sát sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và thường dân vô tội. Lý do của cuộc chiến đối với nhân dân miền Nam đó là lý do thật chính đáng vì lẽ phải tự vệ. Nhân dân miền Nam chỉ chống lại sự xâm lăng của phe cộng sản miền Bắc. Họ chiến đấu để bảo vệ quyền sống, quyền con người.

Phản biện mục đích thiên lệch của bộ phim

Vì hai tiền đề phi lý và vô luân nói trên, Ken Burns và Lynn Novick đề ra bốn mục đích đã nêu ở trên và được phản biện như sau :

- Không cần ai phải lặp lại sự tủi nhục của cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam cũng như không cần ai phải nêu lên sự thông cảm đối với họ. Sách vở các học giả và của chính các cựu quân nhân Hoa Kỳ đã rửa sạch mối nhục đó và hàn gắn vết thương tinh thần của họ.

- Mục đích điều hướng tư duy của người Mỹ vào việc chấp nhận lập trường cho rằng người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc là một sự kiện chứng tỏ nhóm làm phim thiếu sức mạnh trí tuệ (bản tiếng Anh dùng chữ incongruously, không đáp ứng được).

Ken Burns và Lynn Novick không hiểu được chính sách tuyên truyền với mục đích ngu dân (obscurantism) của chế độ miền Bắc. Họ bị nhồi sọ là Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp nơi, người Mỹ là quái vật ăn thịt người và hãm hiếp phụ nữ. Nhóm làm phim cố tình không biết các vụ thảm sát dân lành của cộng sản tại Huế, lính trẻ vị thành niên bị xích chân vào ổ súng phòng không của Việt Cộng.

Nhóm làm phim cho rằng lính miền Nam hèn nhát, không có khả năng chiến đấu. Đây luận điệu quá sai lạc. Từ năm 1969 đến 1975, khi lính Hoa Kỳ rút hết, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại sao có thể đẩy lui địch quân trong nhiều đợt tấn công ? Tại Ấp Bắc, Bình Giả, Ia Drang, Đắk Tô… Oanh tạc của Mỹ dữ dội sao Mỹ lại thua trong lúc quân đội Việt Nam Cộng Hòa lại đẩy lui các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ và tái chiếm tiền đồn Quảng Trị ?

Nhóm làm phim cho rằng Hồ Chí Minh trước tiên là người quốc gia yêu nước, thứ đến mới là người cộng sản trong khi tiên vàn họ Hồ là đệ tử trung thành của Đệ Tam Quốc Tế.

Nhóm làm phim cho rằng chính quyền miền Nam tham nhũng, thối nát, thực tế không có chính quyền nào trên thế giới mà không có tham nhũng. Cứ nhìn vào hiện trạng ngày nay của chế độ cộng sản tại Việt Nam thì rõ hiểu tham nhũng như thế nào.

Sau đó nhóm làm phim cho rằng chính quyền Mỹ thực hiện chính sách sai lầm khi tham chiến ở Việt Nam và đã dối gạt nhân dân Mỹ để hơn 58 ngàn người lính Mỹ phải chết. Việc chính quyền Mỹ đưa quân đội vào chiến đấu ở miền Nam có phải là đề ngăn chặn sự gian ác, độc tài của cộng sản quốc tế hay không, có phải để bảo vệ tự do dân chủ cho nhân dân miền Nam hay không thì chỉ chính phủ Mỹ mới có được những câu trả lời.

Mục đích cuối cùng của nhóm làm phim là cần phát huy tình người bằng hành động tha thứ và hòa giải hòa hợp thì, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái và Liên Thành, đó là một lập trường hời hợt, thiếu suy nghĩ. Các tác giả này muốn nhắc lại là bộ phim có thể được dùng làm tài liệu giáo khoa trong các khu học chánh Hoa Kỳ, các đại học Mỹ là những tài liệu sai lạc sẽ có ảnh hưởng rất tai hại cho giới trẻ Hoa Kỳ vì thiếu trung thực, sai sự thật.

Sự thiên lệch của Ken Burns và Lynn Novick trong bộ phim thật là trắng trợn, lố bịch chứng tỏ tính cách vô liêm sỉ của nhóm làm phim khi họ viết về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm rằng "Ông là đấng cứu thế không có thông điệp". Hai kẻ này đúng là đồng hội đồng thuyền với nhóm viết sử của Hà Nội hiện nay. Họ chính là những kẻ làm phim có mục đích, viết sử có hậu ý.

Năm 1988, trong một lần phát biểu tại Đại học Paris VII, ông Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học Hà Nội (hiện còn sống) đã nói : "Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới". Chính vì quan điểm này mà giới sử học cộng sản không cần sự thật khi cầm bút viết sử.

Ngày 28/9/2017, nhà báo Lữ Giang trong bài viết "Phim Vietnam War và mặt trái đàng sau" cho biết "chúng tôi không nghĩ rằng Ken Burns và Lynn Novick thực hiện bộ phim này để "hàn gắn vết thương chiến tranh" mà chỉ nhắm yểm trợ chủ trương mới của Hoa Kỳ biến cộng sản Việt Nam thành "đồng minh" thay thế Việt Nam Cộng Hòa trước đây".

Những sai lầm đầy dẫy trong bộ phim cùng những sự thật lịch sử đã bị hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick cưỡng hiếp một cách trắng trợn qua những sự cáo buộc đầy thuyết phục của các tác giả gần đây như Trần Anh Tuấn, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Ngọc Sẵng Nguyễn Văn Thái, Liên Thành cùng rất nhiều cây bút trên mạng, cho thấy rõ sự kiện "một đồng một cốt" giữa các cây bút cộng sản với những bộ phim nói về chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là những kẻ đồng hội đồng thuyền với nhau, cùng ở trong một trường phái vì làm việc theo đơn đặt hàng và nhận định của nhà báo lão thành Lữ Giang không phải là không có cơ sở.

Từ năm 1963, sau khi cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ dùng một nhóm côn đồ đề lật đổ và sát hại, giới nghiên cứu sử học chính thống Hoa Kỳ đã cố dìm tất cả mọi sự thật của giai đoạn Đệ I Cộng Hòa (1955-1963), bôi nhọ lịch sử một cách trắng trợn. Ngoại trừ một vài cuốn sách của Suzanne Labin, của tướng Lansdale, Ellen J. Hammer… còn đại đa số theo phái chính thống đều viết rất sai lạc, nghiệt ngã về cố Tổng thống Diệm. Gần đây cuốn sách Triumph Forsaken của Mark Moyar, rồi cuốn Misalliance : Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam của Edward Miller, và nhiều sách vở khác thuộc phái phi chính thống đã viết lại giai đoạn của thời Đệ I Cộng Hòa với tinh thần trung thực, đứng đắn và công bằng hơn. Sách của họ đã có tiếng vang trên thế giới vì họ đã biết chọn con đường đúng của sử học để đi theo trong khi đó giới làm phim ảnh của Hoa Kỳ xuyên qua phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick đi ngược lại đà tiến của lịch sử nghĩa là mặc dù họ là người của một đất nước Tự do, Dân chủ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương của giới sử học cộng sản đó là chỉ "làm công trình sử học để xây dựng chế độ mới". Cuốn phim The Vietnam War cũng chỉ là một sản phẩm trong nỗ lực chuẩn bị cho vai trò mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam thời gian sắp tới mà thôi.

Nhà đại văn hào Nga Solzhenitsyn trong lời kết thúc khi nhận giải thưởng Nobel năm 1970 đã nói : "Một lời của sự thật cân nặng hơn vũ trụ" (A word of truth outweighs the world).

Bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học xã hội do Tiến sĩ Trần Đức Cường chủ biên vừa được tái bản tháng 8 năm 2017 tại Hà Nội chứa đựng không biết bao nhiêu điều dối trá không đúng với sự thật, cũng như bộ phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick dựa trên biết bao gian trá, lừa lọc cốt để phục vụ cho những ý đồ chính trị giai đoạn của nhóm làm phim, trong một ý nghĩa nào đó so với vũ trụ chỉ là một vài cơn gió thoảng, không hơn không kém. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo khi đụng đến vấn đề lịch sử, nhưng có điều ta cũng còn chấp nhận được là những người như Trần Đức Cường và nhóm 30 người cầm bút viết sử của chế độ Hà Nội vì đồng tiền bát gạo cần sống hàng tháng. Tuy nhiên việc đáng quan tâm chú ý là những người làm phim trẻ Hoa Kỳ như Ken Burns, Lynn Novick, sinh ra từ một quốc gia trưởng thành trong tự do, dân chủ đựng vào vị thế lãnh đạo thế giới, tương lai cá nhân họ còn dài lại đánh mất lương tâm chức nghiệp của mình trước lợi nhuận một cách dễ dàng đến thế hay sao ?

Philadelphia, ngày 24 tháng 10 năm 2017

Nguyễn Đức Cung

Chú thích :

(1) Trần Anh Tuấn, Về bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học Hà Nội, bài lấy trên mạng, tháng 9/2017.

(2) Tham khảo : Từ Phong Nguyễn Đức Cung, Bản cương lĩnh tập huấn 2016, bản lưu hành nội bộ, trang 87.

Quay lại trang chủ
Read 1011 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)