Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2017

Cách mạng tháng Mười Nga và những cái đầu đất sét Việt Nam

Phạm Trần

Dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga (7/11/1917-7/11/2017) đã lộ ra những cái đầu đất sét đang nắm quyền cai trị và mị dân ở Việt Nam.

nga0

Việt Nam là quốc gia duy nhất còn tưng bừng tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga - Ảnh minh họa

Trước hết, trong dịp trọng đại này nước Nga không tổ chức diễn binh, không có hàng trăm nghìn người tụ họp ăn mừng và tung hô cuộc cách mạng như trước đây. Theo Thông tín viên Thụy My của RFI tiếng Việt (Radio France International, Đài Phát thanh quốc tế Pháp) thì Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin "vẫn thận trọng tránh né các sự kiện kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười, kể cả cuộc trình diễn ánh sáng 3D vào cuối tuần rồi trên Cung điện Mùa Đông, tại thành phố nguyên quán Saint-Petersburg của ông".

Thụy My nói : "Tổng thống chỉ dự khai trương một giáo đường mới ở Moskva, mà theo ông "mang nặng ý nghĩa biểu tượng", vì phe cộng sản khi lên nắm quyền năm 1917 đã đàn áp Giáo hội. Cuối tháng 10, ông Putin cũng tham dự buổi lễ khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị. Vladimir Putin không muốn kết luận dứt khoát giữa một nước Nga Sa hoàng mà ông ca ngợi sự ổn định và các giá trị truyền thống, và một nước Nga xô-viết, mà ông là sản phẩm của chế độ".

Theo một bản tin của báo Đất Việt ở Việt Nam thì : "Ngày 3/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi bức điện chào mừng tới tất cả những người tham dự loạt hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười (1917-2017), trong đó tôn vinh ảnh hưởng đến toàn thể thế giới của cuộc cách mạng vĩ đại này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ ghi nhận sự kiện đầy kịch tính và sôi động năm 1917 là một phần không thể tách rời của lịch sử thế giới".

Thụy My của RFI cho thính giả nghe tiếp : "Những lễ kỷ niệm hiếm hoi với sự tham dự của công chúng phải nhấn mạnh đến đoàn kết quốc gia, tránh các chủ đề nhạy cảm. Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov hồi tháng 10 từng hỏi ngược lại báo chí "Vì sao lại phải kỷ niệm ?"

Vào ngày 7/11/2017, chỉ có ít ngàn người của đảng cộng sản đối lập trong Quốc hội Nga đã tổ chức biểu tình kỷ niệm, nhưng theo Thụy My thì : "Đại đa số người dân Nga hầu như không hề nhận ra các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười. Theo một cuộc nghiên cứu do đảng cộng sản đặt hàng, 58% dân số Nga còn không biết đến dịp kỷ niệm này. Nhà sử học Ivan Kourilla trên tờ Vedomosti nhận định : "Đất nước mà ngày xưa nổi tiếng với Cách mạng tháng Mười, ngày nay kỷ niệm 100 năm trong lặng lẽ".

Vậy tại sao Việt Nam, chỉ một trong số 5 nước còn lại trên thế giới theo chủ nghĩa Mác-Lênin (các nước kia là Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Lào) đã tổ chức kỷ niệm linh đình Cách mạng Nga ?

Về mặt nổi, lãnh đạo Việt Nam đã lấy hết sức bình sinh để nói hay, nói đẹp cho Cách mạng tháng Mười vì ông Hồ Chí Minh, một thành viên của Quốc tế cộng sản do Liên Xô cầm đầu, cha đẻ Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930, đã được lệnh đem chủ nghĩa cộng sản và chủ trương cách mạng bạo động của Lenin vào Việt Nam.

Vì vậy nhiều biểu ngữ viết "100 năm tinh thần cách mạng tháng 10 Nga bất diệt !", hoặc "Nhiệt liệt chào mừng 100 năm cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại" đã treo đầy đường phố và công sở ở Hà Nội.

Đến sáng 5/11, theo báo chí Việt Nam, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Ban Chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và thành phố Hà Nội, đến dâng hương hoa Tượng đài V.I.Lênin, người lãnh đạo Cách mạng tháng Mười Nga.

nga2

Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017), sáng 5/11, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và thành phố Hà Nội đã dâng hương hoa Tượng đài V.I.Lênin - Lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga - ảnh VOV (ghi chú : không có đại diện người Nga nào đến dự)

Bên cạnh những tốn phí tổ chức ngoài trời, nhà nước Việt Nam còn bày ra nhiều cuộc liên hoan trong hội trường và nhà hát có sự tham dự của ông Trọng và nhiều viên chức đảng, các viên chức Nga và ngoại giao đoàn ở Hà Nội để tiếp tục bợ đỡ, ca tụng Lenin và biết ơn Nga thời cộng sản đã cung cấp súng đạn, lương thực và tài chính cho ông Hồ theo đuổi chiến tranh 30 năm huynh đệ tương tàn.

Ngoài ra đảng cộng sản còn phổ biến một số bài viết, diễn văn và tổ chức tọa đàm nói về Cách mạng Nga. Nội dung các bài viết hay phát biểu của ông Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho đến giới khoa bảng đặc sệt lý thuyết cộng sản trong đầu của Hội đồng lý luận trung ương, Ban Tuyên giáo, Quân đội, Công an và các Trường đảng đều tập trung tung hô Cách mạng tháng Mười Nga "vẫn sáng ngời", dù cho có vật đổi sao dời.

Điển hình như trong diễn văn tại lễ kỷ niệm ngày 5/11 (2017) tại Hà Nội, ông Trọng đã cương lên rằng : "Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga thực sự đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nó đã vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại. Nhân dân Việt Nam cùng loài người tiến bộ mãi mãi ghi nhớ công ơn của lãnh tụ vĩ đại V.I.Lê-nin, của những người Bôn-sê-vích và nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đã phấn đấu, hy sinh làm nên sự kiện lịch sử có một không hai này !".

Nhưng vinh quang như thế mà tại sao 70 năm sau, nhà nước Nga, con đẻ của Lênin, đã tan rã và nhân dân Nga đã phỉ nhổ vào chủ nghĩa cộng sản rồi ném nó vào sọt rác từ năm 1991 ?

Trước đó, từ cuộc cách mạng của công nhân Ba Lan, Công đoàn Đoàn Kết do người thợ điện Lech Wałesa lãnh đạo, nhân dân Ba Lan đã vùng lên lật đổ chế độ cộng sản năm 1989. Sau đó đến lượt tan rã của các chính phủ cộng sản ở Cộng hòa dân chủ Đức với bức tường Bá Linh, chia đôi nước Đức bị dân phá sập, Hungary, Bulgary, Tiệp Khắc và Romania).

Sau khi nhân dân Nga thoát khỏi nhà nước cộng sản hà khắc thì thế giới cộng sản do Nga cầm đầu cũng biến mất trên quả địa cầu.

Thảm họa Lenin và cộng sản

Vậy vì sao mà nhóm lãnh đạo có đầu đất sét của đảng cộng sản Việt Nam vẫn luyến tiếc sự tan rã của Liên Xô và tiếp tục tôn sùng trong hoang tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin để nghĩ rằng : "Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội" ?

Bởi vì, trong dịp sửa đổi Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa Xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Ngoài ra cũng cần nên biết những tội ác của chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân loại từ sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917.

Theo Giáo sư Yuri Maltsev, trong bài viết "Cách mạng Nga đã gây ra những tổn thất kinh hoàng", thì ông nhận định rằng : "Marxism-Leninism là ý thức hệ tàn ác và làm chết nhiều người nhất trong lịch sử".

Giáo sư Malltsev viết : "Lenin đã tiến hành "quét sạch" bằng những chiến dịch khủng bố bừa bãi, như những người xã hội chủ nghĩa Nga trước ông ta đã làm và những người khác sẽ tiếp tục làm sau khi ông ta chết. 

Rudolph Rummel (đã quá cố), nhà nhân khẩu học nghiên cứu về những vụ giết người hàng loạt do chính phủ tiến hành, ước tính tổng thiệt hại về người mà chủ nghĩa xã hội đã gây ra trong thế kỷ XX : khoảng 61 triệu người ở Liên Xô, 78 triệu ở Trung Quốc, và khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới. Những nạn nhân này bị chết trong những nạn đói do nhà nước tổ chức, trong quá trình tập thể hóa, trong các cuộc cách mạng văn hóa, trong những vụ thanh trừng, trong các chiến dịch chống thu nhập "bất hợp pháp" và những cuộc thí nghiệm tàn độc khác trong quá trình sắp xếp lại xã hội. 

Đây là vụ khủng bố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Cuộc đảo chính của Lenin, ngày 7 tháng 11 năm 1917, ngày chính phủ lâm thời của Kerensky rơi vào tay lực lượng Bolshevik, đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử nhân loại : Chế độ nô lệ dành cho tất cả mọi người. Kế hoạch hóa nền kinh tế tập thể đã dẫn tới tình trạng cưỡng bức, bạo lực và giết người hàng loạt".

Theo Phạm Nguyên Trường, người dịch bài viết của giáo sư Yuri Maltsev, thì ông đã bảo vệ bằng B.A và M.A. ở Đại học Quốc gia Moska và và bằng Tiến sĩ về Kinh tế học lao động tại Viện Nghiên cứu Lao động ở Moskva, Nga. Trước khi chạy sang Mỹ, năm 1989, ông là từng là thành viên của một nhóm các nhà kinh tế học Liên Xô tham gia soạn thảo gói chính sách Perestroika của Tổng thống Gorbachev.

Vậy mà trong diễn văn tưởng nhớ Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga ngày 5/11 (2017) tại Hà Nội, ông Trọng vẫn như người thiếu sáng đi sờ voi khi nói rằng : "Suốt trong những năm tháng tồn tại của Nhà nước Xô-viết - con đẻ của Cách mạng tháng Mười, và nhất là từ sau ngày Liên bang Xô-viết bị giải thể, các thế lực thù địch và các thế lực cơ hội thuộc đủ màu sắc luôn dùng trăm phương ngàn kế để phủ định ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười và những thành quả to lớn của chế độ Xô-viết. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Dù cho vật đổi sao dời, tinh thần Cách mạng tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới !".

"Riêng đối với Việt Nam", ông Trọng tiếp tục nói hoang, "chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta chính là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng nước ta".

Tất nhiên là ông Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam đã không dám nói đền con số trên 3 triệu người người Việt Nam đã chết vì chủ nghĩa cộng sản Mác-Lenin qua tay ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam trong 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn từ 1945 đến 1975.

Chỉ nói riêng trong 3 năm của chiến dịch Cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953 đến 1956, theo lời viết trong cuốn sách Le Livre noir du communisme của nhà sử học Martin Malia, thì "tại Việt Nam thời Dân chủ Cộng hòa có khoảng 50.000 người bị giết do bị xử oan trong cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam".

Nhưng hàng ngũ cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn cứ lẻo mép bịa ra rằng "đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta", như đã ghi trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Từ xưa đến nay, chưa có một mống dân Việt Nam nào mở miệng xin ông Hồ và đảng cộng sản Việt Nam du nhập chủ nghĩa sát nhân cộng sản vào Việt Nam. Chỉ có ông Hồ làm như thế rồi truyền lại cho nhúm người kế vị ông với mục đích duy nhất là dùng bạo lực hà khắc để độc tài và độc quyền đè đầu bóp cổ nhân dân.

Vì vậy mà từ thời Đổi mới thời Nguyễn Văn Linh, khóa VI năm 1986 đến thời Nguyễn Phú Trọng, khóa XII năm 2016, đảng cộng sản đã không ngừng kêu gọi đảng viên phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông Trọng không những đã lập lại lời kêu gọi ở Hà Nội sáng 5/11/2017 mà còn lên giọng : "Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta".

Sở dĩ ông phải nói đi nói lại nhiều lần từ khóa đảng XI năm 2011 vì chủ trương "đổi mới nhưng không đổi màu" và "hội nhập mà không hòa tan" của đảng nay đã bị thay bằng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Lý do họ thay đổi vì ai cũng đã thấy hậu qủa của 87 năm ông Hồ du nhập chủ nghĩa sát nhân cộng sản vào Việt Nam từ năm 1930 đã để lại một đất nước tan hoang, dân tình điêu đứng, chậm tiến, lạc hậu và kinh tế hoàn toàn phải lệ thuộc vào làm công cho các công ty nước ngoài.

Bên cạnh là sự an nguy của Tố quốc lúc nào cũng đứng trước hàm răng nhọn hoắt của nước láng giềng âm mưu Trung Quốc, trong khi Việt Nam đã mất tự chủ ở Biển Đông.

Thế mà thảm hại thay, vẫn còn có người như ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng và văn hóa trung ương đã viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 07/11/2017 rằng "từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn".

Ông Đăng lý giải : "Cương lĩnh nêu lên 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là : dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ; do nhân dân làm chủ ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Thử hỏi, con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội xán lạn như vậy tại sao chúng ta phải từ bỏ chỉ vì mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ ?".

Nhưng những gì người này cho là "xán lạn" thì chỉ mới thấy trên tấm giấy mà thôi. Nhân dân chưa hề thấy trong mỗi mâm cơm hay trong đời sống hàng ngày.

Càng bóp càng phình to

Vì vậy nhà báo Xuân Dương đã đặt câu hỏi trong báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 07/11/2017 rằng : "Có nên nêu khẩu hiệu "trong sạch hay là chết" ? Có câu hỏi này vì cơ chế nhà nước và đảng từ trung ương xuống cơ sở có quá nhiều tầng lớp tỉnh, thành, huyện, quận, xã, phường, khóm, cơ sở, văn phòng để hành dân và ăn hại ngân sách.

Từ năm 1986, nhiều lãnh đạo trong đảng đã đồng ý phải "đổi mới hay là chết" để cứu nguy kinh tế và an ninh của tổ quốc sau khi không còn viện trợ của Nga và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Bây giờ 31 năm sau, tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 11/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn than phiền : "Ông nào cũng muốn giữ quyền của ngành mình. Tư duy như vậy làm sao được… Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết" (theo ViệtnamNet).

Lý do cần đổi mới thì mới có thể giảm bớt số nhân viên công chức quá nhiều so với một nước nghèo như Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì Việt Nam có khoảng 21 triệu người ăn lương, nhưng số người có làm việc thật sự lại không nhiều. Một số thống kê cho thấy khoảng 30 phần trăm công chức, nhân viên vô công rỗi nghề lại sinh ra nhũng nhiễu.

Do đó, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới nói : "Không "tinh", không "giản", còn… phình to".

Khi được hỏi ý kiến về quyết định thu gọn cơ chế và tinh giảm biến chế, bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói với báo Tuần Việt Nam ngày 26/10/2017 rằng : "Chủ trương này thực ra không có gì mới, đã nói từ lâu nhưng gần như bất lực vì không hề "tinh" hay "giản" gì được mà ngày càng phình to ra, tỷ lệ nghịch với hiệu quả công tác. Tới nay, yêu cầu tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đã thành vấn đề cấp bách, nóng hổi không thể không làm. Nếu tôi nhớ không lầm thì từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho tới nay, thủ tướng nhiệm kỳ nào cũng đưa ra nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính ?".

Hoài Thu đưa ra một tỷ dụ khác cho thấy nói thì dễ mà làm rất khó vì đã vào được thì rất khó ra. Bà kể : "Hồi tôi còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và làm việc. Tôi nhớ mãi cuộc trao đổi chân tình giữa tôi và Thủ tướng.

Trong nhiều nội dung quan trọng lúc ấy, có phần về bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả. Theo Thủ tướng, "bộ máy nhà nước ta đang như một hội từ thiện khổng lồ, ai ai cũng muốn chen chúc chui vào biên chế nhà nước để chia chác phần ngân sách ít ỏi. Lương không đủ ăn nhưng không vì thế mà người ta "chê". Biên chế nhà nước ngày càng to ra. Đến giờ, tôi là thủ tướng có thâm niên cao nhất thế giới mà chưa kỷ luật hay tinh giản được ai".

Rồi bà Nguyễn Thị Hoài Thu kết luận : "Tôi chắc rằng, nếu còn sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng phải hoảng với bộ máy tiếp tục phình to không thể tưởng tượng nổi".

Không những thế, Việt Nam còn nợ nần ngập đầu từ nợ công cho đến nợ nước ngoài, trong đó có mấy chục ngàn tỷ bạc do nợ của các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục làm ăn thua lỗ mà vẫn chưa giải thể hay bán cổ phần được

Báo Người Lao Động đặt tựa ngày 01/11/2017 : "Chính phủ cho biết nợ công tính đến cuối năm 2017 là hơn 3,1 triệu tỉ đồng, tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 33 triệu đồng nợ công".

Tờ báo này viết tiếp: "Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết nợ công tính đến cuối năm 2016 là hơn 2,8 triệu tỉ đồng, bằng 63,6% GDP.

Tính ra, trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công và sẽ còn tăng tiếp vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, dự kiến nợ công có thể lên mức 3,1 triệu tỉ đồng nhưng so với tỉ trọng GDP lại giảm xuống còn 62,6% GDP. Chính phủ dự báo hết năm 2018, dư nợ công ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép".

Nhưng đó là những con số chưa kết thúc hoặc chỉ là dự đoán nên số tiền mỗi người dân phải gánh nợ chưa biết chính xác là bao nhiêu trong 2 năm tới.

Loạn xã hội - tham nhũng ngập đầu

Guồng máy Nhà nước thì như thế còn xã hội có được an toàn và quốc nạn tham nhũng đã giảm chưa sau 12 năm phòng và chống ?

Trong cuộc thảo luận tại Quốc hội ngày 06/11/17, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói : "Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều 'củi tươi', 'củi khô' vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội" (theo báo Giáo dục Việt Nam-GDVN).

Theo GDVN thì bà đại biểu Hiền còn chỉ ra nhiều điểm hạn chế khác. Cụ thể, theo bà Hiền, các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 28% số bị can.

Bà Phạm Thị Minh Hiền than phiền : "Người dân vi phạm nhẹ hay nặng đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì thuyên chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm - rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ".

Vì vậy, theo một Báo cáo của Chính phủ sau 10 năm chống tham nhũng thì Thanh tra chính phủ cho biết : "Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Việc thu hồi tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền thu được còn quá ít so với tổng số phải thi hành. Một số trường hợp xử lý tài sản để thi hành án còn chậm".

Đại biểu quốc hội Vũ Trọng Kim bình luận : "Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá".

Ông Kim dẫn mấy ví dụ mà báo cáo của Thanh tra chính phủ đề cập khiến không ít người ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình nữa. Ông Kim nhận xét thẳng : Báo cáo về công tác Phòng chống tham nhũng năm 2017 chưa đạt yêu cầu. "Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Tôi đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hiện nay có quá nhiều sự níu kéo, trì trệ. Một vụ án mà giải quyết mấy năm trời không xong, tại sao vậy ?" (Dân Việt, ngày 11/09/2017).

Vẫn theo Dân Việt, "Đại biểu Nguyễn Thái Học - Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên, cũng nhận định về tình hình phòng chống tham nhũng "không sát, nguyên nhân chung chung, giải pháp không mang tính đột phá". Việc nhận định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm, nhưng số liệu cho thấy các vụ khởi tố năm 2017 lại tăng so với năm trước". Báo cáo cũng nêu hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng chưa cao, vậy cụ thể là cơ quan nào, công an hay viện kiểm sát ?".

Ngoài ra báo chính Phủ cũng đưa tin :

Phát biểu trước Quốc hội về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình nhìn nhận : "Thực tiễn cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như sau :

Về thể chế : Một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng chậm được ban hành, việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật vẫn còn chậm.

Vụ việc tham nhũng phát hiện chưa phản ánh đúng thực tế, công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, bất cập, kể cả về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ, về kinh phí. Việc thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng còn ít, kể cả tiền, đất đai và các loại tài sản khác.

Ý thức đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong thực thi công vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, phẩm chất, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, thiếu kiểm tra. Việc công khai, minh bạch chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện công khai, minh bạch. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản còn hạn chế, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản.. có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chưa có chuyển biến rõ rệt".

Bổn cũ sao lại

Cũng cần nhắc lại, ngày 12/7/2016, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, ông Trương Hòa Bình cũng nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.  Ông nói : "Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ... Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…".

Như vậy thì nếu so với báo cáo năm 2017 của Chính phủ thì chống tham nhũng đã suy thoái so với năm 2016. Vậy mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn làm rùm beng công lao chống tham nhũng và kê khai tài sản của cán bộ đảng viên từ khi ông làm đảng trưởng từ khóa XI năm 2011.

Nếu đem những "thành tích" này gắn với những điều được gọi là "con đường đi lên xán lạn" của đất nước, phát ra từ cửa mồm ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng -và văn hóa trung ương, trong bài viết "Từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn" (1) thì e rằng nó có nhiều mùi phát ra từ con thuyền Nghệ An đấy.

Phạm Trần

(08/11/2017)

(1) Quân đội Nhân dân số ra ngày 07/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 982 times

1 comment

  • Comment Link teolv vendredi, 10 novembre 2017 01:38 posted by teolv

    thật chua xót, cái dân cần thì không quan tâm, cái của người ta cứ vơ vào dù người ta đang cố quên đi.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)