Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/11/2017

Mỹ, lá bài Caravelle và cuộc Đảo chánh 1960

Lữ Giang

Về cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 chúng tôi đã viết nhiều bài đăng trên trên báo Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) cũng như phổ biến trên các diễn đàn trong các năm 2004 và 2007, căn cứ vào các tài liệu khác nhau. Nay một số độc giả trên Facebook đã yêu cầu chúng tôi nói rõ thêm về vai trò của Mỹ và nhóm Caravelle trong biến cố này. Điều này cho thấy độc giả bắt đầu nhận ra rằng chính Mỹ đã đứng đàng sau lèo lái toàn bộ cuộc chiến Việt Nam. Nếu không nắm vững chiến lược và chiến thuật của Mỹ, không thể hiểu được những chuyện đã xảy ra.

daochanh1

Cựu Đại sứ Eldridge Durbrow, người lèo lái cuộc đảo chánh 1960 thất bại - Ảnh 1979

Tài liệu căn bản cần tham khảo

Chúng tôi có khá đủ tài liệu của phía Mỹ cũng như Việt Nam liên hệ đến cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960, kể cả phúc trình điều tra của Đại tá Trần Khắc Kính, và đã viết một bài tổng kết 30 trang về biến cố này. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài được đưa ra, chúng tôi sẽ trình bày tóm lược dựa trên ba tài liệu chính sau đây :

(1) Foreign Relations of the United States, 1958-1960, Vietnam, Volume I, của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.

(2) Bản cáo trạng (actes d’accusasion) mang số TTL 38.036 ngày 4/7/1963 của Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Cách Mạng. Đây là bản cáo trạng được Luật sư Hoàng Cơ Thụy, một bị cáo, nhìn nhận rắng "phần trần thuật vụ án có lẽ dúng nhiều nhất với thực tế" (tr. 2818). Và phán quyết của tòa.

(3) Bộ "Việt sử khảo luận" của Luật sư Hoàng Cơ Thụy, người tự nhận là một trong ba lãnh tụ của cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 gồm Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông và Hoàng Cơ Thụy. Bộ sách này xuất bản ở Pháp gồm 5 cuốn, dày đến 3238 trang nên rất ít người "vớ tới", kể cả những người viết sử. Biến cố 1960 được nói đến trong cuốn 5.

Khi Mỹ thay đổi chiến lược

Như chúng tôi đã nói trong bài "Khi Mỹ vẽ lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam", tháng 7 năm 1954, khi ông Diệm mới trở vế chấp chánh, Mỹ đã đưa Trung tá Lansdale, một viên chức OSS, đến giúp ông Diệm hình thành một chính quyền bản xứ mạnh (a strong indigenous government) để ổn định tình hình và loại bỏ chế độ cộng sản (to rid the country of communists). Những tiết lộ của Đại sứ Frederick Reinhardt và Trung tá Lansdale cho thấy Mỹ muốn ông Diệm hình thành một chế độ độc đảng giống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Park Chung-hy (Phác Chánh Hy) ở Nam Hàn, Sukarno ở Nam Dương hay Lý Quang Diệu ở Singapore.

Đến năm 1957, Mỹ thay đổi chiến thuật, muốn đổ quân vào miền Nam để thực hiện mục tiêu của các nhóm tài phiêt quốc phòng là tiêu thụ hết lượng vũ khí tồn kho từ Thế chiến thứ II và thử nghiệm các loại vũ khí mới. Khi ông Diệm không đồng ý, Mỹ liền đưa ông Elbridge Durbrow đến làm Đại sứ thay thế ông Frederick Reinhardt để làm áp lực buộc ông Diệm phải thay đổi. Các tài liệu cho thấy một cuộc tranh luận gay cấn đã xẩy ra giữa Đại tá Lansdale và ông Durbrow, nhưng ông Durbrow cứ làm vì đó là lệnh của Washington.

Hình thành các tổ chức "xã hội dân sự"

Khi Mỹ muốn làm áp lực về vấn đề gì hay muốn thay đổi một chế độ, công tác đầu tiên là hình thành các tổ chức "xã hội dân sự" (civil society). Nghĩa thông thường của tổ chức dân sự là "nơi người dân kết hợp hoạt động nhằm thăng tiến các lợi ích chung". Nấp dưới danh nghĩa đó, Mỹ yểm trợ thành lập và phát triển các tổ chức đối lập chống lại chính quyền sở tại. Ngày nay, các chính phủ có liên kết với Mỹ khi nghe Mỹ kêu gọi thành lập "xã hội dân sự" đều ở trong thế phòng vệ.

Sự xuất hiện của Đại sứ Durbrow làm giới đối lập tại miền Nam lên tinh thần. Ngày 6/5/1957, nhóm Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện và một số chính khách đã mở cuộc họp báo, tuyên bố thành lập Khối Liên minh dân chủ và xác định đây là một tổ chức đối lập hợp pháp với chính quyền. Sau đó tiến tới thành lập thành lập Khối Tự do tiến bộ quy tụ những chính khách nổi tiếng của miền Nam bất đồng ý kiến với chế độ.

1. Hình thành Khối Tự do tiến bộ (nhóm Caravelle)

Ông Trần Văn Văn cho biết vào tháng 3 năm 1960, theo lời mời của Bác sĩ Hồ Văn Nhựt, ông có đến hội kiến với một thương gia trong American Trading là ông Gouder. Đây là một nhân viên tình báo Mỹ hoạt động dưới hình thức một thương gia.

Cuộc hội kiến xoay quanh vấn đề thành lập những cơ cấu đối lập với chính phủ hiện hữu theo sáng kiến của ông Gouder. Tuy mọi người chưa biết nhiều về ông Gouder, nhưng biết ông ta quen biết nhiều ký giả và đại diện các hãng thông tấn ngoại quốc, nên muốn lợi dụng ông ta để phổ biến bản điều trần gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Gouder có giới thiệu một số ký giả ngoại quốc. Ông Trần Văn Văn cũng có đi gặp một Mỹ kiều tên là Edward Chere để nhờ ông này vận động với chính quyền Mỹ tiếp tế cho dân chúng Đô thành và tìm cách kiềm chế bớt nhóm quân nhân.

Luật sư Trần Văn Tuyên cho biết vào khoảng tháng 5 năm 1960, ông Trần Văn Văn có mời một số người đến dự một cuộc họp tại nhà hàng Sinh Ký để thành lập Khối Tự do tiến bộ và bầu Ban thường vụ của khối. Vì nhóm này thường họp tại nhà hàng Caravelle nên được gọi là Nhóm Caravelle. Thành phần của Ban thường vụ được bầu gồm những nhân vật sau đây : Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Hương, Trần Văn Lý, Phan Huy Quát và Trần Văn Tuyên. Ông Phan Khắc Sửu được bầu làm đại diện tinh thần của nhóm, thường được gọi là Trưởng khối. Hàng tuần Ban thường vụ họp một lần tại nhà ông Phan Huy Quát hay ông Nguyễn Lưu Viên.

2. Hoạt dộng của Khối Tự do tiến bộ

Do sự vận động của Khối Tự do tiến bộ, ngày 26/4/1960, 18 nhân vật miền Nam họp tại nhà hàng Caravelle và đưa ra một bản tuyên ngôn yêu cầu "chính quyền thay đổi gấp chính sách để cứu vãn tình thế..." và xây dựng một quốc gia "thanh bình và thịnh vượng trong tự do và tiến bộ". Nhóm này gồm các nhân vật chính sau đây : Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Trần Văn Tuyên, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và Linh mục Hồ Văn Vui.

Trên đây chỉ là mặt nổi. Bên trong, Nguyễn Bảo Toàn và một số đàn em, nhất là Tạ Chí Diệp, Phan Thông và một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đưa ra kế hoạch lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong cuộc họp tại nhà hàng Caravelle nói trên, Tạ Chí Diệp là người thuyết trình và điều khiển chương trình.

Tháng 6 năm 1960, Khối Tự do tiến bộ đã đệ trình Tổng thống Diệm hai bản kiến nghị yêu cầu ban hành tự do báo chí và chấm dứt việc bắt người trái phép. Sau đó, khối đã mở một cuộc họp báo tại nhà ông Trần Văn Đỗ để phổ biến bản kiến nghị này. Cuối tháng 7 năm 1960, Khối Tự do tiến bộ lại trình lên Tổng thống thư điều trần yêu cầu ngưng việc thành lập Khu trù mật.

Vào tháng 8 năm 1960, một số nhân vật trong Khối gồm các ông Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Phan Huy Quát và Trần Văn Tuyên đã góp tiền cho Phan Thông tổ chức một cuộc biểu tình chống chính phủ vào ngày 22/8/1960 tại Sài Gòn.

Âm mưu đảo chánh

Luật sư Hoàng Cơ Thụy tiết lộ rằng một hôm vào cuối tháng 10 năm 1960, ông có ướm hỏi ông George Carver, một nhân viên trung cấp Mỹ của CIA : "Nếu một nhóm người quốc gia chống cộng lật đổ được ông Diệm, thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ có ủng hộ chính phủ Việt Nam mới đó hay không ?". Sau khi về hỏi thượng cấp, ông Carver đã trả lời : "Nếu nhóm ấy cướp hẵn được chính quyền ở Sài Gòn và thiết lập một chế độ thật sự dân chủ, thì Hoa Kỳ sẽ ủng hộ".

Theo Luật sư Thụy, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Trung tá Vương Văn Đông và ông được coi như là nhóm tổ chức và lãnh đạo cuộc đảo chánh. Đại tá Nguyễn Chánh Thi chỉ mới được kéo vào sau khi cuộc đảo chánh đã được tiến hành. Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, đảng viên Đảng Đại Việt, là cháu của Luật sư Thụy. Luật sư Thụy cho biết sự liên lạc giữa ba người kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1960, nhưng cơ quan an ninh của chính phủ không hề hay biết. Nơi liên lạc thường là văn phòng của ông ở 81 đường Nguyễn Du, Quận 1, Sài Gòn, và có khi ngồi bàn trên xe đang chạy.

Các thành phần sẽ tham gia chính phủ mới gồm có Phan Khắc Sửu, Phan Bá Cầm, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Bảo Toàn, Bùi Lượng, v.v.

Tiến hành cuộc đảo chánh

Mặc dầu có những khó khăn, lệnh tấn công và chiếm giữ các mục tiêu trong Đô thành được thực hiện từ 3 giờ đến 3 giờ 30 sáng 11/11/1960. Các lực lượng đã được huy động để tham gia đảo chánh gồm có : 4 tiểu đoàn Nhảy dù, 3 đại đội Nhảy dù biệt lập, tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến, 1 Đại đội Quân cảnh Quân khu Thủ đô và Tiểu đoàn 27 Pháo binh.

Các báo cáo liên tục gởi về Washington trong hai ngày 11 và 12/11/1960. Có nhiều báo cáo không chính xác, nó chỉ là những thứ "fake news" được dùng để đánh lừa Bộ ngoại giao.

Lúc 7 giờ ngày 11/11/1960, Đại sứ Durbrow đã gởi cho Bộ ngoại giao một công điện báo cáo sơ lược về tiến trình của cuộc đảo chánh. Ông cho biết Trung tá Vương Văn Đông, người lãnh đạo cuộc đảo chánh và các tướng lãnh đang thành lập chính phủ như Xuân, Chiểu, Big Minh, Đôn và Kim... Ông nói giả thiết những thông tin nói trên là đúng, ông định đưa ra lời tuyên bố với tư cách cá nhân rằng chính phủ mới đã lên cầm quyền ở Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ sẽ có những sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ này, v.v. Ông đề nghị "Bộ soạn thảo một cách nhanh chóng để biểu lộ một cách công khai Hoa Kỳ ủng hộ tân chính phủ…".

Một công điện của ông Toland, Tùy viên không quân tại Việt Nam gởi cho ông White, Tham mưu trưởng không quân Hoa Kỳ lúc 11 giờ 55 đêm 11/11/1960 báo cáo rằng lúc này cuộc đảo chánh xem ra đang tiến bộ. Cuộc đảo chánh được nhóm phản loạn thực hiện tốt. Công điện viết : "AIRA tin rằng Diệm sẽ đầu hàng loạn quân hay sẽ tự sát trước khi đêm xuống" (It AIRA belief Diem will captulate to rebels or commit sucide before nightfall) !

Trong khi đó, sáng 11/11/1960, Trung tá Vương Văn Đông, người chỉ huy cuộc đảo chánh, cho biết Trung tá Nguyễn Triệu Hồng đã bị bắn chết và ông nhận được báo cáo của Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc cho biết không thể chiếm Dinh Độc Lập được vì bị kháng cự quá mạnh và không có thiết giáp yểm trợ. Thiếu tá Lộc xin tiếp viện. Điều này chứng tỏ những tin nói trên là không đúng.

Lúc 2 giờ 02 phút sáng ngày 12/12/1963, Bộ ngoại giao đã trả lời công điện số 775 của Tòa Đại sứ Sài Gòn, nói rằng nếu tình hình quả đúng như vậy thì có thể công bố tuyên bố cá nhân như đã nói, nhưng sửa đổi một số điểm, xác định "chính phủ mới mạnh mẽ chống cộng" và "chúng tôi tìm cách tiếp tục những sự quan hệ tốt với dân chúng và chính phủ Việt Nam".

Nhưng tình hình không tốt đẹp như Đại sứ Durbrow đã báo cáo.

Cuộc đảo chánh thất bại

Luật sư Thụy cho biết, vào khoảng 11 giờ ngày 12/11/1960, Sư đoàn 21 của tướng Trần Thiện Khiêm từ miền Tây kéo về bao vây và yêu cầu quân đảo chánh đầu hàng. Vương Văn Đông đến nhà tướng Mc Garr, Trưởng phái bộ Viện trợ quân sự (MAAG) yêu cầu tướng này và Đại sứ Durbrow thúc đẩy ông Diệm điều đình với Hội đồng cách mạng, nếu không sẽ đi tới đổ máu rộng lớn giữa quân đội. Để cứu nhóm đảo chánh, Đại sứ Durbrow đã yêu cầu ông Diệm, nhưng ông Diệm đã không làm theo ý ông Đại sứ.

Một sĩ quan Hoa Kỳ được Tòa Đại sứ Mỹ phái đến cạnh Hội đồng cách mạng từ chiều 11/11/1960 để theo dõi, cho biết một đơn vị thiết giáp đang tiến về Bộ Tổng tham mưu, quân đảo chánh đang bị bao vây. Thấy không thể cầm cự được, các sĩ quan tổ chức đảo chánh như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Phạm Văn Liễu… chạy về phía phi trường Tân Sơn Nhứt để tìm máy bay đi ra ngoại quốc.

Luật sư Hoàng Cơ Thụy cho biết ông cùng với vợ và đứa con trai tên Đức 15 tuổi đến trốn tại nhà ông Bùi Văn Lượng. Đến 20 giờ ngày 13/11/1960, lợi dụng trời tối, ông và đứa con trai đi xe taxi đến nhà ông bà Carvet ở đường Phan Đình Phùng. Nghe bấm chuông, bà Ruth, vợ ông Carver cầm súng lục ra xem, nhưng thấy Luật sư Thụy bà liền mở của cho ông vào, còn đứa con trở lại nhà ông Bùi Văn Lượng báo tin cho mẹ biết. Sau đó, người Mỹ đã đưa ông đến ở một ngôi biệt thự bỏ trống ở đường Ngô Đình Khôi và thỉnh thoảng lại thay đổi địa chỉ. Thường ông phải nằm trong một chiếc áo quan. Hôm 2/12/1960, ông có lén về nhà nhưng vợ ông đã đi trốn ở Chợ Lớn.

Hôm 4/12/1960, người Mỹ đã cho ông ngồi bó gối trong một bao bố lớn, cột dây lại thành một kiện hàng ngoại giao (une valise diplomatique), ôm lên xe rồi đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất, đẩy lên một chiếc phi cơ quân sự của Mỹ và đưa ra khỏi Việt Nam.

Trước Tòa án quân sự đặc biệt

Bản cáo trạng của Ủy viên Chính thủ Tòa án quân sự đặc biệt cho biết ngoài một số sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có rất nhiều nhân vật thuộc hai Khối Liên minh dân chủ và tự do tiến bộ (tức nhóm Caravelle) đã tham gia cuộc đảo chánh này.

Ngày 11/7/1963, Tòa án quân sự đặc biệt đã xét xử 35 bị cáo dân sự liên quan đến cuộc đảo chánh : 20 người bị án cấm cố, trong đó có các ông Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Lê Kiên tự Bùi Lượng, Nguyễn Chữ, Trương Bảo Sơn, v.v. Có 14 người được tha bổng, trong đó có Trung tướng Nguyễn Thành Phương, ông bà Đinh Xuân Quảng, bà Trần Thị Kim Dung, v.v. Ông Nguyễn Tường Tam (đã uống thuốc độc tự tử hôm 7/7/1960) được tuyên bố vô tội. Đại úy Ủy viên chính phủ nói ông Nguyễn Tường Tam chỉ bị lợi dụng.

Ngày 12/7/1960, Tòa án quân sự đặc biệt đã xử khiếm diện 9 quân nhân và dân sự liên hệ đến cuộc đảo chánh : Tòa tuyên án tử hình Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, các Thiếu tá Trần Văn Đô, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Huy Lợi, Phạm Văn Liểu, Nguyễn Quốc Tuấn, Luật sư Hoàng Cơ Thụy và ông Nguyễn Bảo Toàn.

Những "độc chiêu" tiếp theo

Vì Đại sứ Durbrow có nhiều tai tiếng trong vụ đảo chánh 1960, ngày 15/3/1961 Tổng thống Kennedy đã quyết định cử ông Federick E. Nolting làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn thay thế ông Durbrow.

daochanh2

Cuộc họp mặt giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm và Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson ngày 9/5/1961

Phó Tổng thống Johnson đến Sài Gòn ngày 9/5/1961 yêu cầu Tổng thống Diệm cho Mỹ đổ quân Mỹ vào Việt Nam.

Sau cuộc đảo chánh 1960, Tổng thống Diệm rất tín nhiệm tướng Trần Thiện Khiêm và cho làm Tham mưu trưởng Liên quân. Mỹ liền tuyển mộ Khiêm làm nhân viên CIA.

Dùng lá bài các tổ chức đấu tranh chính trị năm 1960 thất bại, Mỹ quay qua dùng lá bài tôn giáo. Với một nước có trình độ văn hóa thấp như Việt Nam, Mỹ nghĩ đến việc sử dụng Phật giáo bằng cách kích động lòng hận thù tôn giáo, vì ông Diệm là người Công giáo. Chỉ cần tạo ra vụ nổ trước đài phát thanh Huế và vụ thiêu sống Thích Quảng Đức ở Sài Gòn, Mỹ đã đưa lòng hận thù tôn giáo của Phật giáo lên cao và làm cho tình hình trở nên căng thẳng, Mỹ liền ra lệnh cho tướng Trần Thiện Khiêm làm đảo chánh, chế độ Ngô Đình Diệm đã biến mất.

Có một điều rất quan trọng mà Khối Liên minh dân chủ, Khối Tự do tiến bộ, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang và Đảng Việt Tân đều không biết, đó là sau khi làm công cụ cho Mỹ để phá sập một chế độ rồi, Mỹ cũng như cộng sản, sẽ không bao giờ dùng "trí, phú, địa, hào" để lãnh đạo đất nước, vì đó là những thành phần không thể sai khiến được. Mỹ cũng như cộng sản chỉ dùng đám "bần cố nông" (i-tờ-rít về chính trị) để dễ sai bảo như Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu hay Đặng Văn Quang mà thôi.

Trên đây là những biến cố mà Đảng cộng sản Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã rút được bài học lịch sử để phòng thân, trong khi người Việt đấu tranh vẫn còn cầm cờ đứng nhìn ngơ ngác !

Ngày 9/11/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 1053 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)