Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/11/2017

Hỏi ông Lê Minh Hưng - Thống đốc ngân hàng Việt Nam ?

Viết từ Sài Gòn

Một chế độ chính trị mạnh hay yếu được biểu hiện qua 3 khả năng cơ bản : Khả năng cung cấp dịch vụ an sinh thiết yếu ; Khả năng bảo tín an ninh tiền tệ và bí mật an ninh tiền tệ cho nhân dân ; Khả năng ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong quốc gia.

tamgiac1

Chỉ cần một trong ba cạnh co giãn thì quốc gia sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng xấu đi

Ba khả năng này là một tam giác đều không thể xê dịch, chỉ cần một trong ba cạnh co giãn thì dẫn đến tam giác này không còn là tam giác đều và quốc gia sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng xấu đi. Nếu mất một trong ba cạnh, quốc gia tự tan rã. Mà chỗ tan rã đầu tiên chính là chế độ chính trị đang ngự trị trên quốc gia đó.

Bài học của Libya, Venezuela… Khi nhà cầm quyền không còn đủ khả năng tồn tại và các thế lực khác trong xã hội nổi lên lật đổ, hệ thống ngân hàng đình trệ rồi tan rã, vỡ nợ, nội loạn và tội phạm, thậm chí những nhóm khủng bố, cướp bóc tha hồ tác oai tác quái… Có lẽ cũng đủ để nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhìn thấy và rút kinh nghiệm, tìm kiếm một chiến lược hợp lý hơn trong quá trình nắm quyền.

Hiện tại, dẫu biết rằng ngân sách đã trống rỗng vì nạn tham nhũng, rút ruột và kê khống… Nhưng nếu lựa chọn huy động vốn theo kiểu huy động vốn trong nhân dân với hàng chục lý lẽ mị dân mà Lê Minh Hưng, Thống đốc ngân hàng vừa nêu trong cuộc họp quốc hội là một sai lầm quá lớn. Nó vừa sỉ nhục đảng cầm quyền vừa không tưởng, và nếu cố chấp, lại càng nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ chế độ. Vì sao?

Vì một chế độ chính trị có đủ uy tín, hoạt động tốt, sẽ rất hiếm khi chế độ đó phải huy động vốn trong nhân dân. Huy động vốn trong nhân dân là một kiểu chơi tự tử. Trước 30 tháng 4 năm 1975, cụ thể là những năm từ 1973 đến 1975, khi Mỹ chính thức chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, chế độ chính trị này cũng đã huy động vốn trong nhân dân với cái tên Quĩ Dạo/Dự Phòng (còn gọi là Quĩ Quốc Phòng), Lâm Tín Cục (có người đọc là Lâm Tín Cuộc). Và với cách kêu gọi đầy vẻ hấp dẫn, rất nhiều người, trong đó có cả gia đình tôi đã gửi gần như 70% gia tài để vừa đầu tư sinh lãi, vừa góp công xây dựng đất nước.

Và cái giá mà gia đình tôi phải trả vì tin vào nhà nước không nhỏ chút nào. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ 70% gia tài của gia đình tôi trôi theo mây khói, chẳng biết tìm ai để hỏi. Rồi sau 1975, từ chuyện chính quyền mới loan tin “vàng sau này sẽ dùng làm đai cuốc” cho đến trưng thu tài sản, đánh tư bản, gia đình tôi (dù không phải là một gia đình tư bản nổi bật) nhưng cũng tan nát, rơi vào lầm than nghèo khổ. Rồi đến lượt những gia đình khác chung quanh gia đình tôi, họ cũng kha khá, để được yên thân và tìm cơ hội sống trong chính thể mới, họ đã mua công trái, mua trái phiếu (mà vụ trái phiếu, công trái này lại xảy ra rất mạnh trong giới thân Cộng sản chứ không riêng gì “cựu tư bản”).

Đến nay, trái phiếu, công trái của nhà nước hiện hành có được giá trị gì? Nó hoàn toàn vô nghĩa bởi người ta bán một lượng vàng để mua một tờ tín chấp nhà nước để rồi mấy chục năm sau, không biết mang nó đến chỗ nào, cơ quan nào để đòi tiền và nếu đòi được, cũng chỉ mua chừng hai ổ bánh mì thịt hoặc một bát phở. Thử nghĩ, các ông, các bà chính phủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã xây dựng uy tín mình cao cỡ nào? Xin thưa là uy tín của chế độ không cao khỏi miệng bát phở! Và sâu xa hơn, chính phủ và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã làm gì với tiền của nhân dân? Câu trả lời là các ông, các bà đã xé nát tiền, tài sản của nhân dân bằng cách tạo ra những dàn thiên tài tham nhũng, móc ngoặc, thụt két ngân hàng và làm chuyện mờ ám!

Nhưng chưa dừng ở đó, sau quá trình dài gần 20 năm, kinh tế Việt Nam tương đối phát triển, ngành ngân hàng cũng phình nở, nhiều gia đình ký thác tiền ngân hàng thay vì sắm vàng, sắm đô la dự trữ. Và đến khi ngân hàng quỵt tiền của khách hàng hoặc vỡ nợ, những quan chức quản lý nhà nước chỉ phát biểu xem như đó là chuyện đương nhiên, thậm chí có nhiều trí thức còn cho rằng “gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là đầu tư, đã đầu tư thì phải rủi ro”, có ông lại nói “phải rủi ro như vậy để người dân bỏ thói quen ham lãi từ tiền gửi ngân hàng…”. Nhìn chung, chưa tính đến chuyện lạm phát, chỉ riêng chuyện uy tín của hệ thống các ngân hàng Việt Nam, có thể nói rằng, sau gần nửa thế kỉ, các vị đã thực hiện được gần một nửa di nguyện của Hồ Chủ Tịch.

Đó là di nguyện “Không có gì quí hơn độc lập”, và các vị đã thực hiện được cái nửa “không có gì”, từ khả năng làm kinh tế đến uy tín và khả năng đảm bảo các dịch vụ an sinh tối thiểu cũng như khả năng bảo tín tích trữ trong nhân dân, các vì hoàn toàn “không có gì”! Và hiện tại, chọn huy động vàng và đô la trong nhân dân là một lựa chọn điên rồ nhất, chẳng khác nào con nghiện xì ke về đục tiền của cha mẹ mẹ để tiêm chích. Vì sao tôi nói vậy?

Vì chính các vị đã lập luận rằng tiền do nhân dân tự tích lũy không an toàn (mặc dù các vị không có bất kì cơ sở dẫn chứng nào cho thấy khi các vị giữ nó sẽ an toàn nhưng...!), do vậy phải huy động để nhà nước làm cho nó sinh lãi. Thử hỏi, vàng của người ta làm lụng vất vả, tích cóp từng đồng, ăn nhín uống nhịn và sống thật lành mạnh, hợp lý mới dư ra được mà bản thân người ta giữ không an toàn… Thì liệu gom nó về một hệ thống đầy sâu bọ tham nhũng, luôn để đồng tiền lạm phát và quản lý bất minh như hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện tại thì an toàn chắc?!

Và trong tình trạng ngân sách thâm thủng vì tham nhũng, chi tiêu không kiểm soát, nợ công chất ngất như vậy, tại sao quí vị lại dám đi gom cái “không an toàn” trong nhân dân về thành một “khối không an toàn”? Và hơn nữa, lịch sử đã chứng minh, bất kì chế độ nào có ý định gom vàng tích trữ của nhân dân đều cho thấy dấu hiệu suy tàn của nó. Nó suy tàn bởi khả năng tự điều tiết, tự phát triển thông qua giao thương đối ngoại và thuế của nó đã mất, điều này cũng giống một thằng thanh niên khỏe mạnh, là chủ chốt, là lao động chính trong gia đình lại quay về hục hặc, làm khó với cha mẹ để lấy cho được tiền dự trữ trong nhà đi nhậu nhẹt, chích choác.

Bởi vàng dự trữ trong nhân dân là một loại bí mật quốc gia vô cùng quan trọng mà một nhà nước tỉnh táo và khôn khéo sẽ không bao giờ đụng đến, nhân dân tích lũy càng nhiều thì quốc gia đó càng mạnh. Bởi đó là nguồn điều tiết kinh tế trên thị trường tự do khi khả năng điều tiết kinh tế của nhà nước bị mất phương hướng hoặc đứt thắng. Và đó cũng là nguồn dự trữ quốc gia dành cho những tình huống thiên tai, chiến tranh.

Khi có thiên tai, không đợi nhà nước phải cứu trợ, nhân dân tự điều tiết hậu quả bằng cách bán vàng dự trữ để tái xây dựng. Đây là chuyện phổ biến ở Việt Nam. Khi có chiến tranh, chính nguồn vàng trong nhân dân sẽ cứu quân đội, cứu nguy quốc gia. Chính vì lẽ này, những quốc gia ổn định và phát triển không bao giờ nhắm đến nguồn vàng trong nhân dân.

Và đáng sợ hơn là nếu qui ra tiền, 500 tấn vàng (mà nhà nước định huy động từ dân) hiện tại, giá trị của nó tương đương 22 tỉ USD, cộng với 10 tỉ USD là 32 tỉ USD. Dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020. Lúc đó, nợ công Việt Nam đã vượt quá 100 tỉ USD, con số hiện tại của nợ công là 94,6 tỉ USD. Liệu huy động vàng và đô la của cả một quốc gia mà vẫn chưa đủ trả 30% nợ công thì ích gì?

Với cả trăm tỉ USD vay nước ngoài, rồi hàng chục, hàng trăm tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài, rồi hàng trăm tỉ USD tiền thuế của nhân dân mà hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng lụn bại, ngân khố quốc gia ngày càng trống rỗng, thì 32 tỉ USD huy động từ nhân dân chỉ đủ cho hệ thống nhà nước, chính phủ giải vã (chích một mũi xì ke trong lúc nghiện) trong phút chốc. Chẳng thể nào cứu được bất cứ thứ gì.

Thiết nghĩ, đảng Cộng sản, nhà nước, chính phủ Cộng sản phải bằng mọi giá giải ảo ngay tức khắc, phải phá tan đi sự hoài nghi và bất mãn trong nhân dân khi các vị bàn tới bàn lui chuyện móc vàng, móc tiền trong tủ của dân. Bởi hiện tại, đảng Cộng sản đã mất quá nhiều uy tín.

Mà tiếp tục chọn mất uy tín để lấy được một khoản tiền chẳng cứu được bất kỳ chuyện gì cho chế độ thì nên dừng ngay. Việc đảng Cộng sản Việt Nam dừng kế hoạch “huy động” vàng và USD trong nhân dân có ý nghĩa giống như một thanh niên bị lún nghiện ngập, chích choác, chợt tỉnh ngộ và chống chọi với cơn nghiện (cụ thể, cơn nghiện của chế độ Cộng sản hiện nay là nghiện tham nhũng), đứng dậy để làm ăn, để cứu bản thân và gia đình vì chỉ có duy nhất con đường này mới cứu anh ta và giúp anh ta tồn tại có ý nghĩa trong gia đình, xã hội. Hỏi ông Lê Minh Hưng, liệu ông dám khẳng định là ông giữ chức được tới năm 2020 hay không? Ngay cả cái chức của ông cũng bất ổn, thì ông đừng lên những kế hoạch bất ổn nữa! Bởi nó vô nghĩa!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 18/11/2017 (VietTuSaiGon's blog

Quay lại trang chủ
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)