Trong không khí rộn rã mừng xuân mới Đinh Dậu trên khắp mọi miền đất nước, cùng với những bài viết mô tả sự tất bật chuẩn bị Tết của cư dân đô thị, truyền thông báo chí Việt Nam cũng góp phần làm vui ngày Tết với những hoạt động chính trị đầy tính khôi hài mà chỉ Việt Nam mới có.
Cửa Đông Hà Nội được trang hoàng đón Tết Nguyên Đán hôm 23/1/2017. AFP photo
Xóa tư cách để tước "lộc"
Câu chuyện đập ruồi diệt muỗi làm trong sạch Đảng của tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài nhiều tháng qua, nhưng vẫn loay hoay với vấn đề kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương hai nhiệm kỳ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật này bị quy trách nhiệm về sự thối nát ở Bộ Công thương với những vụ bổ nhiệm mờ ám, cùng với hàng chục dự án kinh tế làm mất mát hàng chục nghìn tỷ đồng tiền ngân sách.
Từ đầu tháng 11 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng ủy Bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011-2016. Cách chức vụ cũ không còn nữa của một người khi họ đã về hưu, là hành động khó giải thích và từng gây tranh cãi trong công luận. Gần ba tháng sau, ngày 23/1/2017, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức Bộ trưởng. Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định xử lý kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Hầu hết báo chí trong nước đã đưa tin với nội dung giống nhau như vừa nêu. Báo chí do nhà nước quản lý cũng không có bất kỳ giải thích pháp lý nào về hình thức kỷ luật gọi là xóa tư cách nguyên Bộ trưởng.
Trả lời chúng tôi vào tối 29 Tết Đinh Dậu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội cho rằng, trên miệng người cộng sản nói, họ đấu tranh cho sự công bằng xã hội nhưng trong thực hiện họ luôn sử dụng chính sách phân biệt. Từ thời xa xưa trong lúc dân đói khổ cùng cực thì những ông to trong Bộ Chính trị, trong Trung ương Đảng được ưu đãi về điều gọi là sống theo tiêu chuẩn cộng sản chủ nghĩa. Đến bây giờ tương tự như thế, tuy người dân không quan tâm lắm, nhưng đó là chuyện các tiêu chuẩn cho cán bộ lãnh đạo, từ người bảo vệ, bác sĩ riêng, cho đến lúc chết thì chôn ở đâu, có tổ chức quốc tang hay không, lễ tang thế nào… Tất cả những điều đó là sự phân biệt đối xử. Tiến sĩ Nguyễn Quang A tiếp lời :
Kỳ quái thực sự đây là một quái thai, không thể dùng từ khác được… việc tước tư cách nguyên bộ trưởng có thể dính tới những cái lộc ăn theo mang tính cách phân biệt đối xử…những chuyện như thế người dân phải lên tiếng buộc họ dẹp những trò, chính sách phân biệt đối xử hết sức bậy bạ này đi…họa chăng nó là có cái ý như thế, trừng phạt ông Hoàng ở những tiêu chuẩn ông ấy không được hưởng nữa.
Nhưng tôi nghĩ đối một người làm to và bị chính các đồng chí của mình, chính cái đảng của mình nói là tham nhũng, lạm quyền…thì đối với những người như thế chắc họ cũng chẳng cần đến những tiêu chuẩn ấy, rồi đến chuyện mất cái tiếng, mất cái vinh dự hay không…tôi nghĩ bây giờ đã đỡ nhiều rồi, có khi chỉ một thời gian ngắn nữa thì người ta thấy cái gọi là vinh đấy thì lại trở thành nhục và tôi nghĩ rằng tất cả những chuyện ấy chỉ thành trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Trên mạng xã hội, theo trang FB Trương Huy San, cho dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội có xóa chữ "nguyên" thì ông Vũ Huy Hoàng vẫn đã là bộ trưởng hai nhiệm kỳ. Và, tiếng Việt vẫn không có từ nào thay thế để gọi ông ngoài hai từ "nguyên" hay "cựu" bộ trưởng.
FB Trương Huy San nhận định, hình thức xử lý nên áp dụng với ông Vũ Huy Hoàng lẽ ra phải là khởi tố ông nếu có đủ căn cứ pháp lý và " tước hàm bộ trưởng" của ông theo nghĩa tước đi các đặc quyền đặc lợi mà cái "hàm" này mang lại.
Ông Trương Huy San nêu ý kiến, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan điều tra cũng nên tiếp tục làm rõ nguồn tiền mua các bất động sản và cổ phiếu Sabeco và những nơi khác của ông Vũ Huy Hoàng và các thành viên trong gia đình.
Khả năng truy tố ông Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Vũ Huy Hoàng trong một cuộc họp báo chung với Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Frank Jessen tại Hà Nội 04 tháng 8 năm 2015. AFP photo
Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng tiếp theo, khi đến lượt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra biện pháp kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu :
Chỉ thị 15 của chính Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qui định bên công an điều tra không được phép điều tra đảng viên, mà phải báo cáo cho tổ chức Đảng để họ xử lý trước đã, khi nào họ xử lý xong, họ đuổi thằng cha phạm pháp ấy ra khỏi Đảng để Đảng đỡ mang tiếng thì lúc đó cảnh sát điều tra mới vào, mới có thể truy tố tội phạm bắt tù …Đây là thủ tục chính thống của Đảng Cộng sản và chính thủ tục này đã vạch mặt sự thối nát, sự coi thường luật pháp của chính Đảng Cộng sản này.
Tôi nghĩ việc hủy tư cách nguyên bộ trưởng của ông Hoàng, cũng có thể là biện pháp làm như thế. Nhưng tôi nghĩ, với người dân Việt Nam dẫu còn rất kém về mặt nhận thức, thì người ta vẫn nhận ra đây là một trò hết sức vớ vẩn và nó là gậy ông đập lưng ông đối với chính ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta.
Hai ngày 25 và 26 Tết Đinh Dậu, nhiều báo điện tử như Dân Trí, VnExpress, Một Thế giới và Đất Việt đã đưa tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 24/1/2017 đã kỷ luật khiển trách bà Hồ thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương vì có phần trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh vào các chức vụ tại Bộ Công thương trái qui định. Đặc biệt ông này làm thất thoát 3.300 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC, nhưng không bị truy cứu mà được chuyển về Bộ Công thương với vị trí cao nhất là vụ trưởng quy hoạch làm Thứ trưởng, để từ đây được điều động về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đắc cử Quốc hội khóa 14. Khi bị Tổng Bí Thư quyết tâm hạch tội, ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế.
Thế nhưng báo chí có vẻ được bật đèn xanh và đã không chỉ dừng lại ở biện pháp kỷ luật khiển trách của Thủ tướng đối với bà Hồ thị Kim Thoa. Dân Trí có thể là báo điện tử sớm nhất trong các báo đưa tin về khối lượng cổ phiếu trị giá tới 718 tỷ đồng của Công ty Bóng đèn Điện Quang, mà Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà thủ đắc.
Con đường giàu sang của bà Thứ trưởng
Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Courtesy of Doanhnghiep
Người đọc báo cảm nhận là, quan chức Bộ Công thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, không hiểu sao mà người nào cũng giàu nứt đố đổ vách. Tình trạng quan chức giàu lên nhanh chóng trong khi đa số người dân vẫn rất nghèo là thí dụ rõ nét về tình trạng bất bình đẳng về kinh tế. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định :
Khi một xã hội phân hóa giàu nghèo đến cùng cực, người thì quá giàu có, giàu đến mức không hiểu nổi từ đâu mà có tài sản giàu như thế trong khi người thì không có đủ áo mặc, trong mùa đông không có giày để mang, Tết thì cũng không có tiền để có một bữa cơm ngon. Đó chính là dấu hiện của một xã hội không có gì tốt đẹp mà người cầm quyền phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc điều chỉnh lại cuộc sống cho nó ra con người hơn…
Đất Việt Online và nhiều báo khác bật mí về con đường đi tới giàu sang của Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Theo đó 2000, bà Thoa là Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, một công ty quốc doanh thuộc Bộ Công thương. Trong quá trình cổ phần hóa công ty này bà Hồ Thị Kim Thoa từ năm 2005 tới 2010 còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch công ty.
Dù được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công thương từ năm 2010, nhưng tính đến 30/11/2016 bà Thoa vẫn nắm giữ hơn 1.600.000 cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang mã DQC, trị giá khoảng 102 tỷ đồng. Báo chí còn cho biết người thân ruột thịt trong gia đình bà Thoa đều là cổ đông lớn, có chức vụ tại Công ty Bóng đèn Điện Quang và có tổng trị giá cổ phiếu nắm giữ khoảng 718 tỷ đồng kể cả bà Thoa.
Liên quan tình trạng các công ty quốc doanh bị tham nhũng đục khoét trong quá trình cổ phần hóa, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chuyện ăn cướp tài sản công biến thành tài sản tư thông qua cổ phần hóa thì đã từng được cảnh báo từ 20 năm trước. Ông nói :
Đối với giám đốc các doanh nghiệp quốc doanh, các quan chức phụ trách doanh nghiệp quốc doanh trong quá trình cổ phần hóa thì nguy cơ hợp pháp hóa chuyện tham nhũng của họ bằng cách cổ phần hóa là chuyện thực sự đã diễn ra ở rất nhiều nước nguyên là cộng sản từ thời 1989-1990. Những bài học ấy đã được cảnh báo rất nhiều lần và không kém phần gay gắt ở Việt Nam…Tuy nhiên chuyện đó vẫn diễn ra hàng ngày…
Báo Đất Việt điện tử trích lời ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phóng chống tham nhũng cho biết, bà Hồ Thị Kim Thoa đang làm Thứ trưởng nên theo phân công nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vẫn trên Đất Việt Online, ông Nguyễn Bá Sơn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cho rằng, dư luận có quyền nghi ngờ Thứ trưởng Công thương lấy tiền ở đâu mà có tài sản quá lớn như vậy. Đại biểu Sơn nhấn mạnh, khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời công khai, số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào….
Bức tranh xám Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng nay được chấm phá thêm Hồ Thị Kim Thoa. Công cuộc làm trong sạch Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang dậm chân ở Bộ Công thương và giới phản biện cho rằng, những diễn biến cho tới lúc này mang dáng vẻ hài kịch chính trị. Như thế vui xuân đọc báo không thể không cười.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 27/01/2017