Với sự chỉ đạo của Trung Quốc, năm 1953 Việt Nam tiến hành cải cách ruộng đất. Chiến dịch này có cố vấn Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam tư vấn chỉ đạo làm theo mô hình "thổ địa cải cách" mà Trung Quốc đã làm.
Tỷ lệ được đặt ra trong dân chúng phải có 5% là diện địa chủ, cường hào, bóc lột nhân dân.
Di ảnh bà Nguyễn Thị Năm
Địa chủ Nguyễn Thị Năm là người đầu tiên bị xét xử tử hình, một bài báo của tác giả cộng sản với tiêu đề Địa Chủ Ác Ghê nội dung lên án bà Cát Hanh Long Nguyễn Thi Năm bằng những con số tội ác như làm chết 32 gia đình gồm 200 người vì đưa họ đi khai phá đồn điền, bệnh tật, ốm đói. Đồng thời trực tiếp giết chết 14 nông dân, 15 trẻ con... tổng cộng gia đình địa chủ Nguyễn Thị Năm đã giết 240 người dân.
Một bài báo với tiêu đề Địa Chủ Ác Ghê nội dung lên án bà Cát Hanh Long Nguyễn Thi Năm
Kể lại về vụ xử địa chủ Nguyễn Thị Năm, ông Trần Đĩnh viết trong hồi ký của mình như sau :
Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội.
Lời kể trên của Trần Đĩnh khái quát được thủ đoạn sử dụng truyền thông, gây sự căm phẫn của đám đông vốn mù thông tin trong cải cách ruộng đất của chế độ cộng sản Việt Nam hồi đó.
Hơn nửa thế kỷ sau, Trung Quốc lại đẻ ra mô hình Đả Hổ Diệt Ruồi, đối tượng của chiến dịch lần này ngược lại với Thổ Địa Cải Cách là nằm trong đám quan chức của đảng cộng sản. Mục tiêu của nó phải có ủy viên bộ chính trị đảng CS là đối tượng bị xử lý. Sau một thời gian triển khai ở Trung Quốc , mô hình này được áp dụng tại Việt Nam. Những cố vấn Trung Quốc chỉ đạo Việt Nam thực hiện chương trình này qua họp hành, hợp tác của ủy ban kiểm tra trung đảng hai bên.
Cũng như hồi cải cách ruộng đất, cuộc chiến đả hổ diệt ruồi được áp dụng vào Việt Nam cũng có những thủ đoạn truyền thông như Trần Đĩnh đã từng kể. Nếu trong cải cách ruộng đất một số văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn góp miệng ca ngợi chiến dịch này và lên án địa chủ cường hào, thì ngày nay chả có gì thay đổi, cũng một đống nhà báo, nghệ sĩ, văn sĩ hùa theo ca lên án những đối tượng mà đảng cộng sản Việt Nam chọn ra làm mục tiêu. Y những luận điệu cách đây hơn nửa thế kỳ về tội ác của địa chủ Nguyễn Thị Năm.
Đối tượng của chiến dịch này là Đinh La Thăng. Tại sao là ông ta ?
Nói về sai phạm và tham nhũng, tiêu cực tất cả dư luận đều đồng tình cán bộ cộng sản cấp cao không ai là không có tham nhũng và tiêu cực, bản thân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dính đến sai phạm áp giá đất rẻ cho doanh nghiệp ở dự án Ciputra làm thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng hồi ông ta làm bí thư Hà Nội , hồ sơ vụ việc này đang nằm trong tay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng chiến dịch do đảng phát động, ông Trọng đứng đầu đảng cho nên ông Phúc không thể đưa ra.
Vấn đề ở đây là những chuyên gia, cố vấn Trung Quốc chỉ đạo vụ việc này qua ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trần Quốc Vượng trưởng ban này đã được ông Trọng giới thiệu và cho tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc xin chỉ thị chỉ đạo chương trình đả hổ diệt ruồi ở Việt Nam. Các đối tượng đưa ra xử lý đều phải được Trung Quốc chấp nhận, có khi còn phải là những đối tượng mà Trung Quốc chỉ đích danh.
Đinh La Thăng là người dính đến những thất thoát ở PVN, từng lớn tiếng chửi nhà thầu Trung Quốc và mong muốn thân với Hoa Kỳ.
Thăng đã đủ hai tiêu chuẩn đầu tiên để làm nhân vật bị xử lý đó là dính đến thất thoát và bị Trung Quốc ghét. Tuy nhiên muốn đưa Thăng ra xử lý còn phải cần đến một vấn đề thứ ba nữa, đó là phải được sự đồng ý những phe cánh lớn trong đảng cộng sản Việt Nam. Phe tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đưa Thăng ra xử là điều tất nhiên, nhưng nếu không có sự đồng tình của một phe lớn khác là cánh Trương Hòa Bình, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải thì Trọng khó đưa được Thăng ra. Những hành động của Thăng khi về làm bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã động chạm đến những doanh nghiệp sân sau của nhóm Bình, Sang, Hải một cách vỗ mặt công khai, chẳng hạn như không tổ chức sự kiện, họp hành của thành phố tại những cơ sở của nhóm Bình, Hải, Sang... mà phần lớn những cơ sở này là do nhóm Hoa kiều nắm giữ.
Nhóm quyền lực chính trị Trương Hòa Bình, Lê Thanh Hải, Trương Tấn Sang trước đây đã từng không ưa Đinh La Thăng, nay thấy Thăng không những không biết thân phận mà còn dám động đến lợi ích của họ, khiến họ quyết định đưa Đinh La Thăng làm mục tiêu cho Nguyễn Phú Trọng thịt. Chưa kể đến nhóm Nguyễn Xuân Phúc đang muốn đục nước béo cò.
Chú ý theo dõi sẽ thấy, bên trong nội bộ phó thủ tướng Trương Hòa Bình dành hết cả một năm trời chỉ để tìm hồ sơ buộc tội Đinh La Thăng, chính Trương Hòa Bình liên tiếp đưa hồ sơ cáo buộc Thăng ra các buổi họp Trung ương và Bộ Chính Trị. Bên ngoài dư luận những đám nghệ sĩ, báo chí được nhóm lợi ích này nuôi dưỡng bấy lâu cũng liên tục tung ra những luận điệu nhằm vào Thăng để tạo dư luận ủng hộ.
Cuối cùng thì Đinh La Thăng hội tụ cả ba yếu tố hàng đầu, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất khiến Thăng bị nạn, là có thái độ chống Tàu thân Mỹ và yếu tố đụng đến nhóm lợi ích ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu chỉ là yếu tố làm thất thoát tiền bạc hàng ngàn tỷ, chắc chắn Đinh La Thăng không hề sứt mẻ, vì trong quan chức chóp bu cộng sản ai mà không dính quản lý thua lỗ. Làm thất thoát thế thường thì bị đồng bọn lôi ra chỉ trích để hạn chế bước thăng tiến, không thể đến mức cách chức, bỏ tù như hôm nay.
Đinh La Thăng hội tụ cả ba yếu tố hàng đầu, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất khiến Thăng bị nạn, là có thái độ chống Tàu thân Mỹ và yếu tố đụng đến nhóm lợi ích ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì thế nên những thất thoát ở PVN xảy ra cách đây đến cả chục năm, trước đây thỉnh thoảng Đinh La Thăng bị chỉ trích liên quan đến nhưng Thăng vẫn không hề sao và còn thăng tiến lên cao hơn mấy nấc. Nhưng từ khi chửi Tàu, tỏ thái độ thân Mỹ và đặc biệt khi về làm bí thư Hồ Chí Minh đụng đến nhóm lợi ích kia, cuộc tấn công bỗng trở thành dồn dập và quyết liệt. Những chuyện cũ được khơi lại thành hồ sơ khởi tố, không phải là những chỉ trích đe dọa như những năm trước nữa, mà là những đòn thực thụ để tiêu diệt Đinh La Thăng.
Cả hai sự kiện cách nhau nửa thế kỷ của cộng sản Trung Quốc và cộng sản Việt Nam lặp lại với mô hình, cách thức y chang nhau. Địa chủ Nguyễn Thị Năm ngày ấy cũng bị dân chúng sôi sục căm thù bởi tác động những bài báo như Trần Đĩnh đã kể.
Bây giờ số phận Đinh La Thăng cũng vậy.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 16/12/2017