Ngay lúc Trịnh Xuân Thanh bị nhóm bắc cóc do trung tướng Đường Minh Hưng, ủy viên ủy ban chống khủng bố của Việt Nam, phó tổng cục trưởng an ninh chỉ huy đưa về Việt Nam vài ngày, gia đình Trịnh Xuân Thanh đã liên hệ với văn phòng luật sư Nguyễn Văn Chiến để nhờ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Phía chính phủ Đức sau khi nhận được văn bản do bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh gửi đến, khẳng định rõ ràng Việt Nam không hề bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trình diện tại cơ quan an ninh điều tra là hoàn toàn đúng sự thật. Văn bản này của Phạm Bình Minh là thái độ cuối cùng về mặt chính thức với vụ việc này đối với nước Đức.
Vì văn bản này, nước Đức đã quyết định bỏ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Việt Nam cử thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn sang Đức để tìm kiếm việc vực lại mối quan hệ đối tác chiến lược nhưng không nhận tội bắt cóc. Một việc quá khó và đương nhiên Nguyễn Thanh Sơn không thể nào thực hiện thành công được nhiệm vụ này.
Phía Đức đưa ra yêu cầu được tham gia tất cả quá trình tố tụng trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh từ lúc hỏi cung đến lúc xét xử, một số tờ báo đã nhầm lẫn khi diễn giải rằng nước Đức chỉ đòi tham dự phiên tòa. Quốc hội Đức dự định cử hai nghị sĩ sang Việt Nam dự phiên tòa Trịnh Xuân Thanh.
Dư luận thấy khó hiểu, một đằng nhà nước Đức cứng rắn với lời phát biểu không dung thứ, không chấp nhận việc bắt cóc ngang nhiên trên nước Đức, đằng khác họ lại đòi tham dự phiên tòa. Các dư luận viên, bồi bút của chế độ cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng đây là thắng lợi của phía Việt Nam, Đức đã phải nhượng bộ và từ bỏ đòi hỏi Việt Nam phải đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, thay thế vào đó là chấp nhận phiên phiên tòa với đòi hỏi có quan sát viên.
Thực ra thể chế nước Đức vận hành không giống như thể chế cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam ý chí của đảng cộng sản bao trùm lên ngoại giao, tòa án, viện kiểm sát... và quốc hội, chính phủ. Còn ở Đức chính phủ tuyên bố thế này, nhưng ở nghị viện một số nghị sĩ đòi hỏi phải được tham gia quá trình xét xử vì chuyên đề nhân quyền của họ, điều này chính phủ Đức không thể can thiệp vào việc của các nghị sĩ. Chính vì thế nên mới có câu chuyện đằng này cứ kiên quyết, đằng kia lại muốn tham gia quá trình xét xử.
Lúc này phía Việt Nam cũng muốn nhân nhượng Đức về mặt nào đó để Đức có chút danh dự, nên đã đồng ý với việc luật sư được tham gia vài buổi hỏi cung của cơ quan an ninh với Trịnh Xuân Thanh, về những nội dung không quan trọng lắm. Đây là lần đầu tiên về hình thức luật sư được tham dự hỏi dung, tuy nhiên về thực chất thì chỉ là tham dự về hình thức để phía Việt Nam có lý do nói với người Đức rằng Trịnh Xuân Thanh được đối xử đúng pháp luật.
Luật sư Trần Hồng Phúc và Nguyễn Văn Chiến thuộc văn phòng luật sư Nguyễn Chiến được gia đình Trịnh Xuân Thanh mời bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15 tháng 12 năm 2017 báo chí bất ngờ đưa tin luật sư Lê Văn Thiệp của văn phòng luật sư Toàn Cầu được cấp giấy chứng nhận thuận lợi để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Ngay khi được cấp giấy ,luật sư Thiệp đã nói mình được cơ quan an ninh tạo điều kiện rất tốt để làm việc và đã gặp Trịnh Xuân Thanh, Thiệp cho báo chí biết Thanh tinh thần rất tốt. Thiệp nói rằng đây là vụ án bình thường, không có gì ghê gớm, mọi việc đúng trình tự pháp luật.
Luật sư Lê Văn Thiệp, con ngựa thành Troy trong vụ án Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan an ninh Việt Nam đã tạo sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, buộc văn phòng này phải giới thiệu Lê Văn Thiệp với gia đình Trịnh Xuân Thanh để gia đình Thanh phải viết đơn nhờ Thiệp bào chữa.
Gia đình Trịnh Xuân Thanh có một sai lầm mà nhiều người mắc phải, kiểu nghĩ rằng con mình trong tay họ, mình nhân nhượng biết điều nghe họ, họ sẽ còn thương. Nếu làm trái ý họ thì họ càng làm căng, con mình càng khổ. Gia đình Trịnh Xuân Thanh quên mất rằng đây là cuộc truy sát đến cùng, đánh đổi cả quan hệ quốc tế với Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về, dựng nhân chứng và cả lời khai trong một phiên tòa, rồi ngay tại phiên tòa khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội tham nhũng 18 tỷ. Trong khi Trịnh Xuân Thanh không hề nhận đồng nào, người khai nói rằng Thanh có ý chỉ đạo bán giá thấp để có chênh lệch cho Thanh. Đấy là lời khai suy diễn một phía nhưng vẫn được tòa công nhận và khởi tố ngay vụ án mới tại tòa.
Như thế là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng quyết tâm giết chết Thanh bằng mọi giá, những cái dụ dỗ của cơ quan an ninh với gia đình Thanh rằng phải nhún tí để con mình được nhẹ chút, đó là một trò lừa đảo để gia đình Thanh mắc bẫy, hợp tác với họ trong việc giết Trịnh Xuân Thanh.
Nguyễn Phú Trọng đang đứng trước nhiều dị nghị vụ Trịnh Xuân Thanh, lúc này Trọng chỉ đạo an ninh phải định hướng sao cho bản thân Thanh, gia đình Thanh, luật sư của Thanh đồng tình khẳng định Thanh có tội, đảng và nhà nước (tức cá nhân Nguyễn Phú Trọng) đã làm đúng, Trọng không có tư thù cá nhân như thiên hạ đồn... Trọng giết Thanh là vì dân vì nước...
Luật sư Lê Văn Thiệp chính là con bài thực hiện âm mưu trên của Nguyễn Phú Trọng, cơ quan an ninh gây sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến khiến Trần Hồng Phúc phải giới thiệu Thiệp tham gia.
Trong vụ án này, việc tranh tụng về thực chất vụ việc sẽ do Chiến, Phúc đảm nhiệm. Việc đối đáp với truyền thông do Lê Văn Thiệp đảm nhận. Cơ quan an ninh đe dọa Chiến và Phúc không được trả lời báo chí, truyền thông. Phải để cho Thiệp trả lời. Vì thế chúng ta thấy ngay khi được cấp giấy bào chữa, luật sư Lê Văn Thiệp đã trả lời báo chí bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh thế nào.
Luật sư Lê Văn Thiệp được an ninh cài vào bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, để Thiệp trả lời truyền thông, trả lời phía Đức những điều sao cho có lợi cho nhóm chủ mưu xử Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí những cáo buộc của Đức về phiên tòa bất công này nọ sẽ bị Thiệp đưa ra những luận điệu bác lại. Thiệp có lợi thế hơn vì chính hắn là luật sư do gia đình Trịnh Xuân Thanh mời, thế nên những lời của hắn có lý hơn.
Trịnh Xuân Thanh chỉ còn mỗi cửa trông chờ vào áp lực của Đức, sự quan tâm của Đức.
Nhưng gia đình Trịnh Xuân Thanh đã tước đi của Thanh hy vọng này khi chấp nhận mời Lê Văn Thiệp bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Người dân thành Troy buổi sáng thấy ngoài thành có con ngựa gỗ khổng lồ, người kêu đốt quách nó đi, người khác lại bảo nên đưa nó vào thành.
Luật sư Thiệp chính là con ngựa gỗ ấy, thưa ông Trịnh Xuân Giới.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 17/12/2017