Tính đến ngày 24/2/2020, chỉ có Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN, được cơ quan an ninh cảnh sát điều tra chấp thuận là luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm bị công an bắt giữ sau cuộc đụng độ giữa công an với người dân xã này hôm 9/1/2020 liên quan đến tranh chấp đất đai.
Gia đình những người dân Đồng Tâm bị bắt giữ lo ngại chính quyền chỉ định luật sư bào chữa trong vụ Đồng Tâm
Trả lời RFA hôm 24/2, Luật sư Ngô Anh Tuấn, nói :
"Tôi gặp ông Quang tại trại tạm giam, ban đầu cơ quan điều tra thông báo với tôi là ông Quang từ chối luật sư, nhưng sau đó họ lại nói ông Quang không từ chối. Mới đây tôi vào gặp ông Quang là vào dự cung, nghe điều tra viên hỏi cung, chứ trao đổi với tôi thì rất ngắn".
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, rất nhiều người Đồng Tâm bị bắt có mời luật sư, và các luật sư có đăng ký thủ tục luật sư, nhưng chưa luật sư nào được cấp quyền bào chữa như ông. Ông nói tiếp :
"Sắp tới chúng tôi phải kiến nghị việc họ không cấp thủ tục luật sư cho các luật sư khác trong vụ Đồng Tâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe thông tin, họ yêu cầu Liên đoàn luật sư hoặc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cử nhiều luật sư chỉ định, trong khi luật sư gia đình mời thì lại không được. Điều này là trái quy định của luật, vì vậy chúng tôi sẽ có những văn bản kiến nghị tiếp với bên cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội".
Vào sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.
Sau vụ tấn công, Bộ Công an cho truyền thông trong nước biết, đã có 22 người bị bắt giữ ở Đồng Tâm với các cáo buộc "giết người", "chống người thi hành công vụ", "sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép"… Tuy nhiên, theo người dân Đông Tâm, chính quyền hiện vẫn giam giữ 27 người từ hôm 9/1 đến nay và gia đình họ không nhận được bất cứ thông tin nào từ người thân của mình.
Chính quyền Hà Nội đưa hình ảnh những người dân Đồng Tâm bị bắt giữ lên Đài truyền hình VTV do nhà nước kiểm soát. Courtesy photo
Vì quá lo lắng cho thân nhân bị bắt giữ không tung tích, người dân Đồng Tâm phải tự tìm đến trại giam để gởi đồ thăm nuôi mặc dù cũng không chắc người thân mình có thể nhận.
Một người dân Đồng Tâm có thân nhân đang bị công an bắt giam, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA hôm 24/2 :
"Chính thức thì bên chính quyền không có bất kỳ một thông báo gì đối với gia đình những ngưới bị bắt, mà đây là các gia đình tự đi tìm địa chỉ các trại giam, tự đến gởi quà thôi, mình hỏi có người nhà mình ở đấy không thì họ nhận là có, và họ cho gởi quà 1 bộ quần áo mùa đông, 1 bộ mùa hè, mỗi một tháng được gởi tối đa là 1,5 triệu, còn người nhà mình có được nhận hay không thì cũng không biết. Khi mình gửi thì mình có ký vào một giấy xác nhận, nhưng trại giam họ giữ chứ họ không cho mình một cái giấy gì cả".
Còn chị Bùi Hồng Minh, con gái cụ Bùi Viết Hiểu, người cũng đang bị công an bắt giam không rõ tung tích từ hôm 9/1, khi nói RFA hôm 24/2, cho biết chị nghi ngờ cách trả lời của trại giam khi đến gởi quà cho bố :
"Có thể là ở C16, trại giam số 2 Thường Tín, chắc là những người ở Đồng Tâm bị bắt hôm 9/1 giam ở đấy, hoặc không phải tất cả ở đấy. Nhưng theo tôi, nếu không có ở đấy thì người ta vẫn nhận quà, nhận tiền và nhận quần áo, vì để yên lòng dân thì họ sẽ nhận thôi. Ví dụ như Bố tôi không ở đó, mà họ nói có, mình không gặp thì biết làm sao. Hôm 25 Tết, gia đình thăm trộm thì biết họ chuyển ông từ viện 103 đi thì nghe nói ông yếu, ngồi xe lăn rồi họ đưa lên cáng chở đi… Đến hôm nay thì không biết có chuyện gì không vì Bố tôi cũng đã 78 tuổi rồi, vừa vết thương chiến tranh… vừa bị đánh, bị bắn thì không biết thế nào. Không biết có ở đấy hay không nhưng tâm lý người con vẫn gởi quà thăm nuôi, người ta nhận thì mình vẫn gửi".
Hôm 23/2/2020, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế một lần nữa đã lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam cho công an tấn công vào làng Đồng Tâm, đồng thời yêu cầu quốc tế điều tra về hành động mà họ gọi là tội ác này.
Tuyên bố nêu rõ, với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, cực lực lên án việc tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, phải bị trừng trị đích đáng.
Bản tuyên bố cũng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản,phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Những cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập ký tên trong tuyên bố cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các nước lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước.
Trả lời RFA hôm 24/2, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đại diện ‘Diễn đàn Xã hội dân sự’ ký tên trong tuyên bố, nói :
"Ngay sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra đã có một tuyên bố rồi, bây giờ là tuyên bố thứ hai. Nó nhắc lại, nhấn mạnh, cập nhật những sự kiện, sự thật… mà chúng ta ngày càng rõ ra, và nó kêu gọi mọi người lên tiếng và phản đối cuộc tàn sát này, nhằm mục đích thức tỉnh người dân biết cái quyền của mình, cũng như bản thân của sự lên tiếng của mình có một sự đóng góp nào đấy cho sự phát triển đất nước, và để cho những tai họa như thế không lập lại nữa".
Trước đó vào ngày 13 tháng 1 năm 2020, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công Đồng Tâm hôm 9/1, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế lên tiếng về việc lực lượng chức năng Nhà nước Việt Nam được trang bị vũ khí tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình, bắt đi nhiều người chỉ vì khu đất tranh chấp.
Ngay lúc Trịnh Xuân Thanh bị nhóm bắc cóc do trung tướng Đường Minh Hưng, ủy viên ủy ban chống khủng bố của Việt Nam, phó tổng cục trưởng an ninh chỉ huy đưa về Việt Nam vài ngày, gia đình Trịnh Xuân Thanh đã liên hệ với văn phòng luật sư Nguyễn Văn Chiến để nhờ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Phía chính phủ Đức sau khi nhận được văn bản do bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh gửi đến, khẳng định rõ ràng Việt Nam không hề bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trình diện tại cơ quan an ninh điều tra là hoàn toàn đúng sự thật. Văn bản này của Phạm Bình Minh là thái độ cuối cùng về mặt chính thức với vụ việc này đối với nước Đức.
Vì văn bản này, nước Đức đã quyết định bỏ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Việt Nam cử thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn sang Đức để tìm kiếm việc vực lại mối quan hệ đối tác chiến lược nhưng không nhận tội bắt cóc. Một việc quá khó và đương nhiên Nguyễn Thanh Sơn không thể nào thực hiện thành công được nhiệm vụ này.
Phía Đức đưa ra yêu cầu được tham gia tất cả quá trình tố tụng trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh từ lúc hỏi cung đến lúc xét xử, một số tờ báo đã nhầm lẫn khi diễn giải rằng nước Đức chỉ đòi tham dự phiên tòa. Quốc hội Đức dự định cử hai nghị sĩ sang Việt Nam dự phiên tòa Trịnh Xuân Thanh.
Dư luận thấy khó hiểu, một đằng nhà nước Đức cứng rắn với lời phát biểu không dung thứ, không chấp nhận việc bắt cóc ngang nhiên trên nước Đức, đằng khác họ lại đòi tham dự phiên tòa. Các dư luận viên, bồi bút của chế độ cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng đây là thắng lợi của phía Việt Nam, Đức đã phải nhượng bộ và từ bỏ đòi hỏi Việt Nam phải đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, thay thế vào đó là chấp nhận phiên phiên tòa với đòi hỏi có quan sát viên.
Thực ra thể chế nước Đức vận hành không giống như thể chế cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam ý chí của đảng cộng sản bao trùm lên ngoại giao, tòa án, viện kiểm sát... và quốc hội, chính phủ. Còn ở Đức chính phủ tuyên bố thế này, nhưng ở nghị viện một số nghị sĩ đòi hỏi phải được tham gia quá trình xét xử vì chuyên đề nhân quyền của họ, điều này chính phủ Đức không thể can thiệp vào việc của các nghị sĩ. Chính vì thế nên mới có câu chuyện đằng này cứ kiên quyết, đằng kia lại muốn tham gia quá trình xét xử.
Lúc này phía Việt Nam cũng muốn nhân nhượng Đức về mặt nào đó để Đức có chút danh dự, nên đã đồng ý với việc luật sư được tham gia vài buổi hỏi cung của cơ quan an ninh với Trịnh Xuân Thanh, về những nội dung không quan trọng lắm. Đây là lần đầu tiên về hình thức luật sư được tham dự hỏi dung, tuy nhiên về thực chất thì chỉ là tham dự về hình thức để phía Việt Nam có lý do nói với người Đức rằng Trịnh Xuân Thanh được đối xử đúng pháp luật.
Luật sư Trần Hồng Phúc và Nguyễn Văn Chiến thuộc văn phòng luật sư Nguyễn Chiến được gia đình Trịnh Xuân Thanh mời bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15 tháng 12 năm 2017 báo chí bất ngờ đưa tin luật sư Lê Văn Thiệp của văn phòng luật sư Toàn Cầu được cấp giấy chứng nhận thuận lợi để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Ngay khi được cấp giấy ,luật sư Thiệp đã nói mình được cơ quan an ninh tạo điều kiện rất tốt để làm việc và đã gặp Trịnh Xuân Thanh, Thiệp cho báo chí biết Thanh tinh thần rất tốt. Thiệp nói rằng đây là vụ án bình thường, không có gì ghê gớm, mọi việc đúng trình tự pháp luật.
Luật sư Lê Văn Thiệp, con ngựa thành Troy trong vụ án Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan an ninh Việt Nam đã tạo sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, buộc văn phòng này phải giới thiệu Lê Văn Thiệp với gia đình Trịnh Xuân Thanh để gia đình Thanh phải viết đơn nhờ Thiệp bào chữa.
Gia đình Trịnh Xuân Thanh có một sai lầm mà nhiều người mắc phải, kiểu nghĩ rằng con mình trong tay họ, mình nhân nhượng biết điều nghe họ, họ sẽ còn thương. Nếu làm trái ý họ thì họ càng làm căng, con mình càng khổ. Gia đình Trịnh Xuân Thanh quên mất rằng đây là cuộc truy sát đến cùng, đánh đổi cả quan hệ quốc tế với Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về, dựng nhân chứng và cả lời khai trong một phiên tòa, rồi ngay tại phiên tòa khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội tham nhũng 18 tỷ. Trong khi Trịnh Xuân Thanh không hề nhận đồng nào, người khai nói rằng Thanh có ý chỉ đạo bán giá thấp để có chênh lệch cho Thanh. Đấy là lời khai suy diễn một phía nhưng vẫn được tòa công nhận và khởi tố ngay vụ án mới tại tòa.
Như thế là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng quyết tâm giết chết Thanh bằng mọi giá, những cái dụ dỗ của cơ quan an ninh với gia đình Thanh rằng phải nhún tí để con mình được nhẹ chút, đó là một trò lừa đảo để gia đình Thanh mắc bẫy, hợp tác với họ trong việc giết Trịnh Xuân Thanh.
Nguyễn Phú Trọng đang đứng trước nhiều dị nghị vụ Trịnh Xuân Thanh, lúc này Trọng chỉ đạo an ninh phải định hướng sao cho bản thân Thanh, gia đình Thanh, luật sư của Thanh đồng tình khẳng định Thanh có tội, đảng và nhà nước (tức cá nhân Nguyễn Phú Trọng) đã làm đúng, Trọng không có tư thù cá nhân như thiên hạ đồn... Trọng giết Thanh là vì dân vì nước...
Luật sư Lê Văn Thiệp chính là con bài thực hiện âm mưu trên của Nguyễn Phú Trọng, cơ quan an ninh gây sức ép lên văn phòng luật sư Nguyễn Chiến khiến Trần Hồng Phúc phải giới thiệu Thiệp tham gia.
Trong vụ án này, việc tranh tụng về thực chất vụ việc sẽ do Chiến, Phúc đảm nhiệm. Việc đối đáp với truyền thông do Lê Văn Thiệp đảm nhận. Cơ quan an ninh đe dọa Chiến và Phúc không được trả lời báo chí, truyền thông. Phải để cho Thiệp trả lời. Vì thế chúng ta thấy ngay khi được cấp giấy bào chữa, luật sư Lê Văn Thiệp đã trả lời báo chí bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh thế nào.
Luật sư Lê Văn Thiệp được an ninh cài vào bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, để Thiệp trả lời truyền thông, trả lời phía Đức những điều sao cho có lợi cho nhóm chủ mưu xử Trịnh Xuân Thanh. Thậm chí những cáo buộc của Đức về phiên tòa bất công này nọ sẽ bị Thiệp đưa ra những luận điệu bác lại. Thiệp có lợi thế hơn vì chính hắn là luật sư do gia đình Trịnh Xuân Thanh mời, thế nên những lời của hắn có lý hơn.
Trịnh Xuân Thanh chỉ còn mỗi cửa trông chờ vào áp lực của Đức, sự quan tâm của Đức.
Nhưng gia đình Trịnh Xuân Thanh đã tước đi của Thanh hy vọng này khi chấp nhận mời Lê Văn Thiệp bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Người dân thành Troy buổi sáng thấy ngoài thành có con ngựa gỗ khổng lồ, người kêu đốt quách nó đi, người khác lại bảo nên đưa nó vào thành.
Luật sư Thiệp chính là con ngựa gỗ ấy, thưa ông Trịnh Xuân Giới.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 17/12/2017
01/07/2016, lẽ ra đã là ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính có hiệu lực, nhưng đột ngột bị trì hoãn đến ngày 01/01/2018 tới đây. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp chế hình sự Việt Nam thì "Quyền Im Lặng" chính thức được công nhận và thi hành.
Quyền im lặng không được quy định thành một điều khoản riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều điều khoản trong bộ luật. Rõ nhất là ở các điều 58, 59, 60 và 61 đối với người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo thì tất cả họ đều "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Tuy bộ luật không minh thị quy định quyền im lặng đối với "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", nhưng lại quy định họ có QUYỀN "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến", thì mặc nhiên thừa nhận họ có thể không trình bày lời khai, hoặc không trình bày ý kiến, vì đó là quyền, cho nên họ có thể tùy ý thực hiện quyền hay không. Nếu họ không thực hiện quyền đó thì tự thân điều đó có giá trị như quyền im lặng !
Ngoài ra, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính cũng quy định các đối tượng như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo sẽ đều có quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, đương nhiên bao gồm quyền im lặng. Điều này có ý nghĩa tương tự như quyền Miranda của Hoa Kỳ, theo đó, cảnh sát Hoa Kỳ buộc phải thông báo cho người bị bắt về quyền của họ với văn thức sau : "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".
Đồng thời, cùng với quyền im lặng, thì Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính đã nới rộng hơn quyền của luật sư. Theo đó, thì tất cả các đối tượng kể trên đều có quyền nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình, thậm chí ngay từ khi chỉ mới là "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố" bị cơ quan công an "mời" điều tra, xác minh … Tức là thời điểm chưa có vụ án hình sự được khởi tố.
Quy định quyền im lặng và nới rộng quyền nhờ luật sư bảo vệ trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là bước tiến vượt bậc của chính quyền, giúp xứ sở hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới tài phán văn minh. Qua đó, quyền con người được củng cố, bảo đảm thêm bằng các biện pháp tư pháp cụ thể. Song song, chắc chắn sự thay đổi này cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang".
Tuy chưa từng nghe chính quyền xác nhận, nhưng nhiều người đã tin rằng việc điển chế thành công hai quyền nói trên vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là kết quả ngọt ngào của quá trình đàm phán thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Duong (TPP), tuy rằng Hiệp Định TPP nay đã không còn.
Từ nay đến ngày 01/01/2018, ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính bắt đầu có hiệu lực không còn xa, sau thời điểm ấy, công chúng sẽ được dịp thấy tận mắt rằng hai quyền ấy sẽ được chính quyền bảo đảm thực thi như thế nào ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017
Ở các vụ án thường phạm, luật sư có thể bào chữa theo hướng vô tội hoặc tội nhẹ đi. Nhưng với các vụ án chính trị (trong bài viết hiểu là các vụ án xử tù nhân lương tâm - những người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động), các luật sư đều bào chữa theo hướng vô tội.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2017
Với án thường phạm, luật sư có thể thay đổi dự định ban đầu của Hội đồng xét xử tùy theo tài năng của luật sư, không loại trừ khả năng dàn xếp thỏa thuận ngầm. Ngược lại, nghe nói có cả vụ luật sư cãi vụng làm cho thân chủ bị tội nặng thêm.
Với án chính trị thì không phải như thế. Đã có hàng trăm vụ án chính trị đã đưa ra xét xử. Khác với án thường phạm, lời tuyên án đã được định sẵn trước khi xử gọi là án bỏ túi, còn tòa chỉ là nơi để diễn cho ra vẻ dân chủ mà thôi. Nếu bản án có thay đổi thì cũng là do chỉ đạo, thậm chí thay đổi chỉ vài giờ trước khi tuyên án. Bản án phúc thẩm của Nguyễn Phương Uyên là một ví dụ rõ nhất.
Bản án phúc thẩm của Nguyễn Phương Uyên là một ví dụ rõ nhất.
Có thể nói trong các vụ án chính trị, Luật sư dù tài giỏi, tâm huyết đến mấy cũng không thể thay đổi được bản án định trước theo chỉ đạo. Những người quan sát đều có chung nhận xét này. Dù không có chứng cứ, không trả lời được chất vấn của luật sư, Hội đồng xét xử vẫn trơ trẽn, chầy cối, tuyên án cho bằng được.
Nói thế không có nghĩa là án chính trị, vai trò của luật sư không có gì và việc thuê luật sư là không cần thiết. Luật sư bào chữa cho các vụ án chính trị được coi là luật sư nhân quyền. Luật sư tư vấn pháp luật cho thân chủ, phát hiện ra những khuất tất trong hồ sơ, là trung gian liên lạc giữa thân chủ với gia đình và cất tiếng nói lên công luận. Có vụ án có tới 4 luật sư hoặc hơn.
Luật sư nhân quyền
Tại tòa, luật sư đưa ra các lý lẽ để chứng minh thân chủ vô tội, tố cáo cơ quan điều tra nếu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, cản trở luật sư tiếp cận hồ sơ, bám vào nguyên tắc suy đoán vô tội trong khi bào chữa.
Có hai nội dung quan trọng trong các lời bào chữa của luật sư là đòi hỏi chứng cứ và đưa ra luận cứ chứng minh thân chủ vô tội :
Về chứng cứ : Để chứng minh thân chủ vô tội, luật sư khai thác các chứng cứ đưa ra để buộc tội thân chủ và đi đến bác bỏ các chứng cứ ấy. Luật sư chứng minh không có cơ sở để khẳng định các hành vi của thân chủ, xoáy vào việc đòi hỏi chứng cứ.
Ví dụ trong vụ án Nguyễn Hữu Vinh - Nguyễn Thị Minh Thúy, luật sư chỉ ra rằng cáo trạng không xác định được hành vi của thân chủ với vai trò điều hành, quản trị blog Diễn đàn xã hội dân sự và Chép sử Việt, không xác định được hành vi soạn thảo, đăng tải, chỉnh sửa, xóa, phê duyệt bình luận của 12 bài viết trên blog "Dân quyền" và 12 bài viết trên blog "Chép sử Việt" ; ở người và tại chỗ ở của thân chủ không có dấu vết của tội phạm…
Blogger Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và chị Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên tòa phúc thẩm ngày 22 tháng Chín năm 2016 (Ảnh AP)
Vụ án Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, luật sư chỉ ra không có chứng cứ để xác định trang thông tin điện tử "Tuổi trẻ yêu nước nước" là có thật ; cơ quan điều tra không xác định định được chứng cứ Phương Uyên đã gửi các file ảnh từ máy tính nào thời gian nào…
Về luận cứ : Ngoài đòi hỏi về chứng cứ thì với các hành vi đã được xác định, các luật sư cũng bác bỏ lời buộc tội của Hội đồng xét xử theo hướng chỉ ra hành vi của thân chủ không vi phạm pháp luật mà đó là quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt chính kiến thể hiện trong Hiến pháp hoặc Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký.
Trong vụ án Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, luật sư chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; đề nghị đa đảng, ủng hộ và tham gia các tổ chức chính trị không trái với Hiến pháp ; bàn đến thực trạng xã hội, bàn đến dân chủ và nhân quyền không thể suy diễn thành "chống"… Luật sư hạ một mệnh đề đầy mai mỉa "trừ phi nhà nước đó chống lại dân chủ và nhân quyền".
Trong vụ án Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, luật sư cũng chỉ ra không có một văn bản pháp luật nào cấm vẽ, dán cờ vàng ba sọc đỏ tại nơi công cộng ; nội dung mảnh vải ghi : "Tàu khựa cút khỏi Biển Đông" là quyền hợp pháp của công dân, phản đối kẻ xâm lược là một hành động yêu nước không thể bị kết tội. Cũng trong phiên tòa này, khi tự bào chữa cho mình, Phương Uyên thẳng thắn xác nhận có xúc phạm đến Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng vạch rõ Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam là hai thực thể khác nhau, "không được cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam". Người ta không khỏi thấy hài hước khi luật sư chỉ ra khẩu hiệu "Tuổi trẻ Việt Nam đứng lên chống lại Trung Quốc" không thể coi là hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Nhà nước Trung Quốc và Nhà nước Việt Nam chẳng lẽ là một).
Việc khẳng định hành vi của bị cáo dù có chứng cứ hay không cũng không vi phạm pháp luật, không chỉ bảo vệ thân chủ mà còn có tác dụng khuyến khích những người đấu tranh yên tâm, tin tưởng và tự hào về những việc làm của mình, đồng thời vạch lối làm việc tùy tiện, áp đặt, ngồi trên pháp luật của các cơ quan tư pháp. Rất mong các luật sư khai thác nhiều hơn theo hướng này.
Còn đòi hỏi chứng cứ để dồn Hội đồng xét xử vào thế không thể trả lời, vạch ra lối làm việc tùy tiện, áp đặt của Hội đồng xét xử là rất cần thiết. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì vô hình trung làm người khác hiểu rằng, nếu chứng minh được bị cáo có hành vi ấy là bị cáo đã phạm tội còn luật sư thì tìm cách chối tội cho thân chủ. Vì vậy, ngoài đòi hỏi chứng cứ, thiển nghĩ các luật sư cần vạch rõ, hành vi của bị cáo nếu có cũng không vi phạm pháp luật.
Lại có khi luật sư cho rằng hành vi của thân chủ dân ít người biết, ảnh hưởng không đáng kể. Nói như thế khác nào thừa nhận hành vi của bị cáo đã vi phạm pháp luật.
Thực tế với các vụ án chính trị thì các cơ quan tư pháp suy đoán theo hướng có tội một cách hết sức tùy tiện, nó vừa mang tính áp đặt, vừa non kém về kiến thức pháp luật.
Trong các vụ án chính trị thì các vụ án tù nhân lương tâm đều là xử ép. Không một tù nhân lương tâm nào có tội căn cứ vào pháp lý và kể cả đạo lý. Ngày 30/11 tới đây sẽ xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Có tin tháng sau (tháng 12/2017) sẽ xử vụ Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển. Nghe nói sinh viên Trần Hoàng Phúc cũng đưa ra xét xử trong vụ án này. Rất mong các luật sư biến phiên tòa thành diễn đàn tôn vinh những người đấu tranh cho tự do, dân chủ. Việc làm của các anh chị là chính nghĩa. Bất kể hành vi nào mà Hội đồng xét xử đưa ra để cáo buộc họ, dù có chứng cứ hay không đều không cấu thành tội, ngược lại, đó là những hành vi cần khuyến khích và nêu gương.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 23/11/2017 (nguyentuongthuy's blog)