Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2017

"Quyền im lặng" hiệu lực từ ngày 01/01/2018

Đặng Đình Mạnh

01/07/2016, lẽ ra đã là ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính có hiệu lực, nhưng đột ngột bị trì hoãn đến ngày 01/01/2018 tới đây. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp chế hình sự Việt Nam thì "Quyền Im Lặng" chính thức được công nhận và thi hành.

imlang1

Quyền im lặng không được quy định thành một điều khoản riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều điều khoản trong bộ luật. Rõ nhất là ở các điều 58, 59, 60 và 61 đối với người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo thì tất cả họ đều "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".

Tuy bộ luật không minh thị quy định quyền im lặng đối với "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", nhưng lại quy định họ có QUYỀN "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến", thì mặc nhiên thừa nhận họ có thể không trình bày lời khai, hoặc không trình bày ý kiến, vì đó là quyền, cho nên họ có thể tùy ý thực hiện quyền hay không. Nếu họ không thực hiện quyền đó thì tự thân điều đó có giá trị như quyền im lặng !

Ngoài ra, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính cũng quy định các đối tượng như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo sẽ đều có quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, đương nhiên bao gồm quyền im lặng. Điều này có ý nghĩa tương tự như quyền Miranda của Hoa Kỳ, theo đó, cảnh sát Hoa Kỳ buộc phải thông báo cho người bị bắt về quyền của họ với văn thức sau : "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".

Đồng thời, cùng với quyền im lặng, thì Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính đã nới rộng hơn quyền của luật sư. Theo đó, thì tất cả các đối tượng kể trên đều có quyền nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình, thậm chí ngay từ khi chỉ mới là "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố" bị cơ quan công an "mời" điều tra, xác minh … Tức là thời điểm chưa có vụ án hình sự được khởi tố.

Quy định quyền im lặng và nới rộng quyền nhờ luật sư bảo vệ trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là bước tiến vượt bậc của chính quyền, giúp xứ sở hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới tài phán văn minh. Qua đó, quyền con người được củng cố, bảo đảm thêm bằng các biện pháp tư pháp cụ thể. Song song, chắc chắn sự thay đổi này cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang".

Tuy chưa từng nghe chính quyền xác nhận, nhưng nhiều người đã tin rằng việc điển chế thành công hai quyền nói trên vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là kết quả ngọt ngào của quá trình đàm phán thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Duong (TPP), tuy rằng Hiệp Định TPP nay đã không còn.

Từ nay đến ngày 01/01/2018, ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính bắt đầu có hiệu lực không còn xa, sau thời điểm ấy, công chúng sẽ được dịp thấy tận mắt rằng hai quyền ấy sẽ được chính quyền bảo đảm thực thi như thế nào ?

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 961 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)