Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính phủ kiến nghị Bộ công an xử lý TKV (BBC, 01/01/2017)

Thanh tra chính phủ kiến nghị Bộ công an điều tra thất thoát và thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

ca1

Cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm của ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên

Tổng số các dự án thua lỗ và quyết định kinh doanh sai phạm của TKV được cho là dẫn tới thua lỗ mức tổng cộng là 15.000 tỉ đồng.

Kết luận của Thanh tra chính phủ mô tả phát hiện hàng loạt vi phạm của ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên trong việc quản lý tài chính, đầu tư góp vốn cũng như quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên.

Một số dự án đầu tư không có hiệu quả và có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư bao gồm việc TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd (Campuchia) 77,678 tỷ đồng.

Báo cáo thanh tra nói TKV đầu tư 112 tỷ vào Công ty cổ phần Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) và công ty này phải dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay.

"Một dự án khác là Nhà máy sản xuất FeroCrom Cacbon, TKV cũng góp 314 tỷ nhưng phải dừng hoạt động từ 2014 đến nay, dẫn tới TKV thua lỗ khoảng 113 tỷ đồng trong 3 năm 2012 – 2015’, thời báo kinh tế Việt Nam đưa tin.

TKV được cho là nợ Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV KLM Thái Nguyên hơn 24,6 tỷ đồng và dẫn đến việc công ty này phải xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng EximBank Thái Lan cả gốc và lãi hơn 13,7 triệu USD.

"TKV cũng góp hơn 870 tỷ đồng tại Sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí.

"Một số khoản đầu tư ra nước ngoài dẫn đến lỗ, mất vốn hơn 380 tỷ đồng, tại các dự án Công ty liên doanh Stung Trenng, Công ty liên doanh Alumia (Campuchia), Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinacomin, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)"... truyền thông trong nước dẫn báo cáo Thanh tra Chính phủ.

"Bộ công an cũng cần vào cuộc làm rõ vụ đầu tư ra nước ngoài không có sự điều tra, khảo sát kỹ", báo cáo Thanh tra Chính phủ nêu.

***************

Đột kích quán bar ở Biên Hòa, bắt gần 200 người dùng ma túy (Người Việt, 31/12/2017)

Công an tỉnh Đồng Nai đã bất ngờ ập vào một quán bar ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, phát hiện và bắt giữ gần 200 người sử dụng ma túy, cùng nhiều hung khí.

ca2

Gần 200 thanh niên nghi sử dụng ma túy tại bar H5 được đưa về công an thành phố Biên Hòa. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ loan tin, khoảng 1 giờ khuya ngày 31 tháng Mười Hai, đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an thành phố Biên Hòa phối hợp với cảnh sát bảo vệ và cơ động công an tỉnh Đồng Nai, bất ngờ ập vào bar H5, đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, phát hiện hàng trăm người sử dụng ma túy.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện trên người nhiều thanh niên nam nữ có viên nén ma túy tổng hợp đủ loại. Tại sàn bar, quầy bar, công an còn phát hiện nhiều viên ma túy và các gói nghi là ma túy đá và bột khay, nhiều gói nghi là bồ đà. Kiểm tra trong bar, công an thu giữ thêm một số hung khí nguy hiểm như dao, dùi cui…

ca3

Ma túy và hung khí được công an thu giữ tại quán bar. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Sáng cùng ngày, công an đã đưa gần 200 người cả nam lẫn nữ có biểu hiện sử dụng ma túy về công an thành phố Biên Hòa để điều tra.

Bước đầu, công an xác định quán bar H5 do công ty Hoàng Nam quản lý. Quán bar này trước đây có tên MTM, thu hút khá đông thanh niên đến tụ tập ăn chơi. Sau khi bar MTM xảy ra chém nhau gây chết người bị rút giấy phép nhiều tháng, thì nay biến thành bar H5 để hoạt động. (Tr.N)

*****************

Việt Nam : Luật sư nói gì về 'quyền im lặng' có hiệu lực (BBC, 01/01/2018)

Đề cập về việc Việt Nam lần đầu tiên công nhận quyền im lặng, một luật sư nói với BBC : "Cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang" thì nay sẽ phải làm việc với cách thức tích cực hơn".

ca4

Luật sư Đặng Đình Mạnh và nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh (bìa phải)

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự tu chính chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo đó, "quyền im lặng" của người bị bắt giữ (tương tự như quyền Miranda của Hoa Kỳ) lần đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.

Quyền im lặng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam không được quy định thành một điều khoản riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều điều khoản trong bộ luật, đồng thời, cũng không minh thị mà được điển chế với văn thức như sau : "Có quyền... Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội". Cụ thể định liệu ở các Điều 58, 59, 60 và 61 đối với người bị bắt giữ.

Hôm 1/1, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nhận định : "Theo các điều luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, sự khai trình được luật quy định là một quyền, nên người bị bắt giữ có thể quyết định thực hiện quyền của mình hay không. Nếu họ không khai trình thì tự thân điều đó có giá trị như quyền im lặng".

"Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng Hình sự tu chính cũng quy định người bị bắt giữ có quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, đương nhiên bao gồm quyền im lặng".

"Nhưng rất tiếc, luật lại không quy định hậu quả pháp lý khi có sự vi phạm trách nhiệm thông báo cho người bị bắt giữ về quyền này, kể cả sự chế tài vi phạm".

ca5

Cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga sử dụng "quyền im lặng" tại tòa hồi tháng 6/2017

'Múa gậy vườn hoang'

"Cho nên, về pháp lý thì quyền im lặng này đã không được bảo đảm để thi hành nếu người bị bắt giữ không tự biết mình có quyền".

"Ở Hoa Kỳ, như đã biết, thì đã có các án lệ điển hình khi vi phạm sự thông báo quyền im lặng cho người bị bắt giữ, mà hậu quả sau đó là tất cả những lời khai trình của họ, kể cả sự nhận tội đều bị tuyên vô giá trị, không còn là chứng cứ đủ tín lực để buộc tội họ tại tòa án".

Luật sư Mạnh nói thêm : "Quyền im lặng được quy định là một dịp nâng cao vai trò của luật sư tham gia trong quá trình tố tụng, nhất là ở ngay giai đoạn điều tra ban đầu khi người bị bắt giữ im lặng để nhờ luật sự tham gia, tư vấn, bảo vệ pháp lý cho mình. Nếu thực thi tốt, quyền im lặng sẽ giúp khắc phục tình trạng oan sai do sự ép cung, dùng nhục hình…".

Trả lời câu hỏi của Ben Ngô, BBC Tiếng Việt : "Quyền im lặng sẽ đem lại những sự thay đổi nào trong các vụ nhà hoạt động bị xử theo Điều 258 hoặc Điều, 79, 88 ?", Luật sư Đặng Đình Mạnh nói : "Qua theo dõi, tôi thấy những người hoạt động đấu tranh đều đã nhận thức rất rõ về quyền im lặng và nhiều người trong số họ đã áp dụng quyền im lặng từ trước khi quyền này được chính thức công nhận theo Bộ luật Tố tụng Hình sự tu chính".

"Tuy vậy, những tội danh truy cứu đối với họ như Điều 88 về "Tuyên truyền chống nhà nước" hoặc điều 258 về "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" đều có nội hàm quá rộng, thiếu rõ ràng và nặng về định tính mơ hồ đủ để cho các cơ quan bảo vệ pháp luật vận dụng và truy tố, cho nên, sự im lặng của họ thường ít được cơ quan truy tố công nhận giá trị thiết thực trong việc phủ nhận tội danh, mà trong nhiều trường hợp lại là cơ sở để cơ quan tài phán đánh giá là ngoan cố, thiếu thành khẩn... để tuyên một hình phạt nặng".

"Tuy vậy, với việc lần đầu tiên công nhận quyền im lặng là điều hết sức mới mẻ trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam".

"Cho nên, sự thực thi ban đầu chắc chắn còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang" thì nay sẽ phải làm việc với cách thức khác mang tính tích cực hơn".

"Chúng ta cùng hy vọng rằng với quy định mới sẽ được các bên liên quan tôn trọng, giúp tạo ra một khung cảnh ứng xử pháp lý tích cực giữa cơ quan tiến hành tố tụng với người bị bắt giữ và các luật sự tham gia bảo vệ cho thân chủ".

Published in Việt Nam

01/07/2016, lẽ ra đã là ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính có hiệu lực, nhưng đột ngột bị trì hoãn đến ngày 01/01/2018 tới đây. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp chế hình sự Việt Nam thì "Quyền Im Lặng" chính thức được công nhận và thi hành.

imlang1

Quyền im lặng không được quy định thành một điều khoản riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều điều khoản trong bộ luật. Rõ nhất là ở các điều 58, 59, 60 và 61 đối với người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo thì tất cả họ đều "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".

Tuy bộ luật không minh thị quy định quyền im lặng đối với "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", nhưng lại quy định họ có QUYỀN "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến", thì mặc nhiên thừa nhận họ có thể không trình bày lời khai, hoặc không trình bày ý kiến, vì đó là quyền, cho nên họ có thể tùy ý thực hiện quyền hay không. Nếu họ không thực hiện quyền đó thì tự thân điều đó có giá trị như quyền im lặng !

Ngoài ra, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính cũng quy định các đối tượng như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo sẽ đều có quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, đương nhiên bao gồm quyền im lặng. Điều này có ý nghĩa tương tự như quyền Miranda của Hoa Kỳ, theo đó, cảnh sát Hoa Kỳ buộc phải thông báo cho người bị bắt về quyền của họ với văn thức sau : "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".

Đồng thời, cùng với quyền im lặng, thì Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính đã nới rộng hơn quyền của luật sư. Theo đó, thì tất cả các đối tượng kể trên đều có quyền nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình, thậm chí ngay từ khi chỉ mới là "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố" bị cơ quan công an "mời" điều tra, xác minh … Tức là thời điểm chưa có vụ án hình sự được khởi tố.

Quy định quyền im lặng và nới rộng quyền nhờ luật sư bảo vệ trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là bước tiến vượt bậc của chính quyền, giúp xứ sở hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới tài phán văn minh. Qua đó, quyền con người được củng cố, bảo đảm thêm bằng các biện pháp tư pháp cụ thể. Song song, chắc chắn sự thay đổi này cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang".

Tuy chưa từng nghe chính quyền xác nhận, nhưng nhiều người đã tin rằng việc điển chế thành công hai quyền nói trên vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là kết quả ngọt ngào của quá trình đàm phán thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Duong (TPP), tuy rằng Hiệp Định TPP nay đã không còn.

Từ nay đến ngày 01/01/2018, ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính bắt đầu có hiệu lực không còn xa, sau thời điểm ấy, công chúng sẽ được dịp thấy tận mắt rằng hai quyền ấy sẽ được chính quyền bảo đảm thực thi như thế nào ?

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017

Published in Diễn đàn

Vừa qua, từ một phiên tòa mà bị cáo là một nhân vật có tiếng trong ngành giải trí Việt Nam, dư luận bàn tán khá nhiều về "quyền im lặng của bị can, bị cáo", một điều luật chính thức có hiệu lực trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

quyen1

Một phiên tòa chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đây (ảnh minh họa). AFP

Cũng cùng thời điểm đó có phiên tòa chính trị xử blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra nhanh chóng với bản án 10 năm tù. Từ đó, một vấn đề được đặt ra, "quyền im lặng" được thực hiện như thế nào trong các phiên tòa khác nhau, đặc biệt đối với các phiên tòa chính trị ?

Tồn tại gián tiếp

Theo cách phân tích của luật sư, cũng là cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, quyền im lặng vốn đã từng có trong luật tố tụng cũ, nhưng ở một vị trí ông gọi là ‘tiềm ẩn".

"Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này : đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói. Trong luật mới, họ đưa ra 1 cái cho dễ hiểu và đơn giản hơn, người ta dùng từ là ‘có quyền im lặng’"

Cụ thể, khoản 3 Điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Nhớ lại thời điểm khi "quyền im lặng" theo pháp luật Việt Nam chính thức được thực hiện vào 1 tháng 7 năm 2016, dư luận và cộng đồng mạng xã hội từng đưa ra những ý kiến tích cực, trong đó có cả sự hy vọng về các trường hợp bị giam giữ, hoặc các phiên tòa liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến, có thể áp dụng quyền hạn này.

Thế nhưng, từ đó đến nay, rất nhiều những bản án được tuyên, mà bị cáo trong phiên tòa đó phần lớn bị cáo buộc tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam, hoặc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại điều 88, bộ luật Hình sự… hoàn toàn không thể thực hiện "quyền im lặng" đã qui định trong pháp luật.

Vì không muốn im lặng !

Trả lời câu hỏi này, từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho nhiều vụ án dân oan, và gần đây nhất, thân chủ của ông là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh Mẹ Nấm, cho biết.

quyen2

Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017. AFP

"Các phiên tòa đều có quyền sử dụng quyền im lặng của mình, nghĩa là người ta không trả lời hội đồng xét xử, có quyền từ chối, nhưng các phiên tòa chính trị thì không bao giờ có trường hợp đó, vì người ta có 1 quan điểm trái ngược với chính quyền, người ta muốn trình bày. Bởi vì chính quyền kết án họ, thì họ phải nói ra chứ không ai im lặng".

Theo luật sư Võ An Đôn, chính vì cáo trạng của người bị cáo buộc phạm tội theo điều 258, hoặc điều 88 bị đưa ra từ quan điểm trái ngược của họ đối với nhà nước, cho nên họ phải trình bày nguyên nhân vì sao. Có những lúc, chính họ là luật sư cho chính mình.

"Người bị kết án trình bày hết tâm tư của họ. Họ nói rất hay, rất ý nghĩa, nhưng không ai được nghe, bên ngoài thì không ai được vào.

Khi xử những vụ án chính trị thì không cho ai lạ vào, ngoài luật sư, hội đồng xét xử, với lực lượng an ninh. Không cho đem máy móc gì vào vì sợ ghi âm những nội dung đó mang ra ngoài thì rất nguy hiểm".

Càng im lặng, càng dễ tuyên án

Khi "quyền im lặng" đã được luật định và trở thành quyền của bất kỳ một bị can bị cáo nào, thì việc sử dụng quyền im lặng có được xem là quyền lợi hoặc một vũ khí nhằm bảo vệ họ trước tòa án hay không ? Câu trả lời của luật sư Lê Quốc Quân là "không", vì theo ông, khi không nói, việc tuyên án càng dễ dàng hơn.

"Im lặng thì dễ làm cho tòa và viện kiểm sát coi đó là cái đúng đắn, từ xưa giờ vẫn vậy. Nó chưa bao giờ được coi là một chế định tranh tụng trong tòa án ở Việt Nam".

Tranh tụng, theo luật sư Lê Quốc Quân giải thích, là hai bên đáp đi đáp lại. hoặc trong trường hợp im lặng thì bị can bị cáo phải làm sao đó để tòa án hiểu đúng sự việc. Nhưng, cũng theo ông, ở Việt Nam, cáo buộc của Viện kiểm sát gần như là cáo buộc chính thống và tòa án sẽ dựa vào đó để tuyên án, đặc biệt là với những vụ án chính trị.

"Nếu im lặng như thế thì đối với những vụ án chính trị, họ càng tuyên nặng hơn, và mọi người càng cảm thấy những cáo buộc của Viện kiểm sát là hợp lý, là đúng đắn".

Cũng bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến này, luật sư Võ An Đôn còn nói thêm không phải chỉ riêng đối với những vụ án chính trị, mà ngay cả những vụ án dân sự cũng không ngoại lệ.

"Im lặng không nói gì, người ta càng kết án mạnh hơn vì người ta nói thay đổi chứng cứ".

Tùy phiên tòa, thẩm phán và Viện kiểm sát

 "Quyền im lặng" mặc dù được qui định trong pháp luật, nhưng quyền đó có được bị cáo sử dụng triệt để và hiệu quả hay không, còn tuỳ thuộc vào Viện kiểm sát, thẩm phán và đặc biệt là thể loại của phiên tòa, đó là nhận định của luật sư Lê Quốc Quân.

Nhắc đến hai phiên tòa cùng diễn ra ngày 29 tháng 6, đó là phiên tòa xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và phiên tòa của cô hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, với hai kết quả bản án hoàn toàn khác nhau, luật sư Lê Quốc Quân muốn minh chứng cho điều vừa nói.

"Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.

Thế còn những vụ chính trị 258, 88, 79 như Mẹ Nấm thì bản thân luật sư nêu ra nhưng Viện kiểm sát không tranh luận. Luật sư Luân đưa ra 5 điểm chứng minh rằng Viện kiểm sát đã sai, truy tố không đúng, nhưng Viện kiểm sát chỉ đứng dậy nói chúng tôi không tranh luận với luật sư, chúng tôi giữ nguyên quan điểm của mình. Cũng giống như vụ án của tôi".

Qua phiên tòa của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, qua ý kiến của các luật sư, có thể thấy được quyền im lặng tuy hiện hữu trong luật pháp Việt Nam, thế nhưng tác dụng của quyền ấy dường như vẫn còn rất xa trong qui trình tố tụng của Việt Nam. Thêm vào đó, để nhìn và đánh giá vấn đề theo góc độ chuyên môn, luật sư, cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân cho rằng vẻ đẹp của tranh tụng ở tại tòa án là hai bên đi kiếm tìm công lý, để tranh luận một vấn đề và để đi tìm sự thật của vụ án thì điều đó không có được ở các vụ án chính trị ở Việt Nam.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 03/07/2017

Published in Diễn đàn