"Cầm nhầm" lịch sử
Đặng Đình Mạnh, 27/09/2024
Trong bài diễn văn đọc trước cử tọa trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ vào sáng ngày 23/9/2024 của ông Tô Lâm, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, tại phân đoạn cuối nói về giáo dục thế hệ trẻ, ông nói : "Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng luôn nhấn mạnh tầm nhìn "vì lợi ích trăm năm trồng người".
Tranh vẽ Quản Trọng - người có công lớn trong việc phò tá Tiểu Bạch (Tề Hoàn Công) thành tựu bá nghiệp.
Trích dẫn ý tưởng "vì lợi ích trăm năm trồng người" gắn liền với danh tính ông Hồ Chí Minh, theo đó, ông Tô Lâm mặc nhiên cho rằng ông Hồ Chí Minh được xem như là tác giả, mà ý tưởng đầy đủ là "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".
Không chỉ ông Tô Lâm, nếu bây giờ chúng ta đặt từ khóa "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" vào ô tìm kiếm của trang Google, thì chưa đầy một giây sau, cái trang web ấy sẽ cho bạn khoảng hơn 15 vạn kết quả mà đa phần trong số đó cũng đều cho rằng ông Hồ Chí Minh là tác giả.
Trong số ấy, có trang <xaydungdang.org.vn> khẳng định nguồn gốc hai câu ấy được ông Hồ Chí Minh dùng mở đầu bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958. Sau đó, được đăng trên báo Nhân Dân số 1645, ngày 14-9-1958.
Tương tự, trang <tapchicongsan.org.vn> đăng lá thư của ông Nguyễn Phú Trọng gởi cho Hội Khuyến Học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập của hội này, thư có đoạn viết "...Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", Đảng và Nhà nước ta luôn hết lòng chăm lo..." (trích).
Thậm chí, hai câu nêu trên đã trở thành đề thi trong các trường học, kể cả các trường trung hay cao cấp về chính trị ...
Đến mức đó, thì có vẻ công chúng dễ cho rằng kết quả do trang Google cung cấp là chân lý, không thể là vấn đề cần phải bàn cãi nữa.
Tuy vậy, nếu bạn thay 2 câu trên bằng 2 câu có ý nghĩa tương đương "Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người" thì bảo đảm rằng sẽ cho ra một cái tên tác giả khác hẳn : Quản Trọng.
Quản Trọng là một bậc kỳ tài. Sách ngày nay viết về ông như một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc và cũng là một triết gia. Ông sinh năm - 725 (trước công nguyên) và mất năm - 645 (trước công nguyên). Ông là tể tướng nước Tề thời Xuân Thu. Với tài năng của mình, ông đã giúp nước Tề trở nên hùng mạnh bậc nhất trong thời điểm ấy.
Tư tưởng của ông về xây dựng nhân lực cho quốc gia thường được nhắc như sau :
Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân,
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã.
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã,
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã.
Dịch nôm :
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.
Xem ra, tư tưởng "trồng người" của ông Hồ Chí Minh và tư tưởng "thụ nhân" của ông Quản Trọng bên Tàu là hết sức gần gũi, nếu không muốn nói là trùng khớp. Rõ ràng, việc sống cách xa nhau về địa lý, về tuổi tác (cách nhau 2.615 năm tuổi), nhưng điều đó không hề ngăn cản sự gặp nhau giữa hai tư tưởng lớn. Hoặc là một sự "cầm nhầm" lịch sử ?
Dĩ nhiên, là sự "cầm nhầm" lịch sử và cũng chẳng có gì sự gần gũi về tư tưởng ấy cả, giữa ông Quản Trọng, tác giả và ông Hồ Chí Minh, kẻ hậu sinh sử dụng câu nói ấy.
Cầm nhầm, đạo văn, thuổng, ăn trộm... là những tính từ thông thường có thể dùng cho trường hợp này.
Rất có thể, ông Hồ Chí Minh đã từng sử dụng câu nói ấy trong quá trình diễn thuyết của mình nhưng không nêu danh tính tác giả Quản Trọng, khiến cho các đồ đệ của mình nhầm tưởng rằng chính ông Hồ Chí Minh là tác giả.
Mặt khác, ông Hồ Chí Minh cũng không hề lên tiếng đính chính, làm kéo dài sự hiểu nhầm đó, ít nhất từ năm 1958 cho đến tận ngày nay, và ông Tô Lâm, một nguyên thủ quốc gia lại tiếp tục "bê" sự "cầm nhầm" đó vào tận thánh đường học thuật Hoa Kỳ, Đại học Columbia để truyền bá.
Chúng ta không thể tự hỏi, người gây hiểu nhầm là ông Hồ Chí Minh đã là người thiên cổ, nhưng 5,2 triệu đồ đệ đảng viên cộng sản của ông ấy, không ai biết tác giả 2 câu nói ấy ? Hoặc biết mà vẫn cố ý im lặng để tiếp tục sự "cầm nhầm" lịch sử ấy chăng ?
DC, ngày 27/09/2024
Đặng Đình Mạnh
*************************
Ông Tô Lâm đã được bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ như thế nào ?
Đặng Đình Mạnh, 26/09/2024
Trước chuyến công du đến Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 21/9/2024, lịch trình làm việc chính thức của ông Tô Lâm được công bố chỉ vỏn vẹn 2 dòng :
- Phát biểu trong cuộc họp thường niên lần thứ 79 của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc ;
- Gặp gỡ một số doanh nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm Google và Meta.
Tô Lâm được mời đến trường Đại học Columbia tại Thành phố New York, để phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường về chính sách của Việt Nam.
Qua truyền thông nước ngoài, công chúng trong nước mới biết về khả năng có thêm lịch trình làm việc của ông Tô Lâm tại trường Đại học Columbia tại Thành phố New York, nơi ông ấy được mời để phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường về chính sách, trước cử tọa là giới học thuật và sinh viên.
Điều này đã dấy lên sự nghi vấn hư thực về buổi làm việc của ông ấy tại trường Đại học Columbia khi truyền thông trong nước lại không đề cập gì.
Và đây mới là nguyên nhân : Một ngày trước ngày ông Tô Lâm rời Việt Nam, ngày 20/9/2024, dân biểu Mỹ Michelle Steel đã phản đối khi bà kêu gọi trường hủy bỏ sự kiện với nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Tô Lâm. Theo đó, bà Steel đã gửi một bức thư tới Chủ tịch tạm quyền của trường, bà Katrina Amstrong, để đề nghị trường rút lại lời mời ông Tô Lâm đến phát biểu.
Bà Steel nhắc lại lần nữa bằng cách đưa ra một thông cáo ngay trước khi buổi nói chuyện diễn ra hôm 23/9 để nhắc lại lời phản đối này.
Nguyên, Dân biểu Mỹ Michelle Steel, người đại diện địa hạt 45, Tiểu bang California tại Quốc hội Hoa Kỳ – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất nước Mỹ, đã cho rằng : "Ông Tô Lâm là một nhà độc tài nguy hiểm, đã kìm hãm quyền tự do ngôn luận và bắt giữ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam". Vẫn theo vị dân biểu này, Đại học Columbia không thể thúc đẩy một môi trường học thuật có tự do ngôn luận và tự do biểu đạt khi tiếp đón một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài. Vẫn theo bà "một tổ chức thường xuyên tự nhận mình là người bảo vệ quyền công dân lại đang bỏ qua tình cảnh của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất".
Tuy vậy, Đại học Columbia đã không chấp thuận lời kêu gọi hủy bỏ sự kiện của Dân biểu Mỹ Michelle Steel.
Trong email gởi đến giới truyền thông Hoa Kỳ, người phát ngôn của trường Đại học Columbia, cho rằng : Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới của trường "Mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường" với mục tiêu "Hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức. "Sứ mệnh đó dựa trên cam kết cơ bản về quyền tự do ngôn luận, tìm hiểu cởi mở và tranh luận sôi nổi".
Vẫn theo lời người phát ngôn của Đại học Columbia cam kết về quyền tự do ngôn luận và không tán thành quan điểm của diễn giả nào khi tổ chức buổi nói chuyện. Rằng : "Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào".
Sự kiện phát biểu về chính sách của ông Tô Lâm bị dân biểu Mỹ phản đối và yêu cầu hủy bỏ, khi ấy sự chậm trễ lên tiếng để xác nhận sự kiện của trường Đại học Columbia đã khiến cho chế độ trong nước phải lựa chọn sự im lặng trước sự kiện, vì không chắc chắn nó sẽ được thực hiện.
Được biết, các diễn giả trước đây đã từng được mời đến nói chuyện tại diễn đàn của Đại học Columbia bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Zhinzo Abe, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và Dalai Lama.
Trong đó, với ông Tô Lâm, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành lãnh đạo cộng sản đầu tiên được mời tới trường đại học này.
Cho thấy, với thế giới văn minh, cho dù ông Tô Lâm có là một nhà độc tài kìm hãm và đàn áp quyền tự do ngôn luận khốc liệt như thế nào đi nữa, kể cả cho bắt giữ, cáo buộc, xét xử và giam cầm hàng trăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Thì quyền tự do ngôn luận của ông ấy vẫn được bảo đảm ở mức độ tối đa tại lãnh thổ công nhận quyền tự do ngôn luận từ Hiến pháp đến thực tế.
Từ trước đến nay, Việt Nam bị các tổ chức quốc tế và cả chính phủ Hoa Kỳ đánh giá thấp về hồ sơ nhân quyền. Nhưng chính quyền của quốc gia do Đảng cộng sản cầm quyền vẫn luôn phản bác những cáo buộc về vi phạm nhân quyền của họ. Ông Tô Lâm, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp quốc ngày 22/9/2024 đã nói trong bài diễn văn "Lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta".
Lời nói không đi đôi với việc làm là một lời dối trá, kể cả là lời nói từ người đứng đầu cả một chế độ cũng vậy. Đó là câu chuyện muôn thuở và không hề có điểm dừng tại Việt Nam.
DC, ngày 26/9/2024
Đặng Đình Mạnh
***********************
Ông Tổng bí thư Đảng cộng sản đã khai tử lịch sử Việt Nam ?
Đặng Đình Mạnh, 24/09/2024
Trong chuyến công du đến Hoa Kỳ để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/9/2024, ông Tô Lâm được mời đến phát biểu tại trường Đại Học Columbia, về chính sách của ông ấy trong tư cách tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm tân Chủ tịch nước.
"Quốc tổ Hùng Vương". Tranh vẽ, trưng bày tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh)
Ngay trong những lời đầu tiên của bài diễn văn, ông Tô Lâm nói : "Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam".
"Sau gần 80 năm lập nước" !
Với lời khẳng định ấy trước quốc tế, tính ngược lại, lịch sử dân tộc với ông Tô Lâm chỉ bắt đầu được tính từ năm 1945, khi Đảng cộng sản thực hiện cuộc "Cướp chính quyền" mà thôi. Cũng theo đó, quá trình lập nước và giữ nước của tổ tiên nước Việt Nam từ nhiều nghìn năm trước đó đã bị ông Tô Lâm và Đảng cộng sản của ông ấy khai tử, loại bỏ hoàn toàn ra khỏi trang lịch sử dân tộc.
Chưa nói đến lịch sử dân tộc dựng nước từ thời kỳ Thượng Cổ, thì những trang sử giữ nước từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, rồi đến thời Lê, thời Lý, thời Trần, thời hậu Lê, thời Tây Sơn với những Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… cùng với những chiến công giữ nước oai hùng của những vị vừa nêu trên… Kể cả 3 lần thắng quân Nguyên Mông hầu như đều không có chỗ trong lịch sử "lập nước" của ông Tô Lâm.
Phải chăng "Thiên triều" Trung Cộng đã yêu cầu cộng sản Việt Nam khai tử lịch sử dân tộc để xóa đi nỗi nhục nhã của họ trong quá khứ khi xâm lược Việt Nam : Tại sông Như Nguyệt, Bạch Đằng Giang, Hàm Tử quan, Ngọc Hồi, Đống Đa…
Từ đâu và khi nào mà ông Tô Lâm và Đảng cộng sản bắt đầu mang những mầm mống thoát ly khỏi lịch sử dân tộc để rồi công bố công khai điều ấy trước cộng đồng quốc tế vào chiều ngày 23 tháng Chín ?
Chúng ta hẳn còn nhớ, vào thượng tuần Tháng Hai 2020, Nhị Lê, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Tổng Biên tập Tạp Chí Cộng Sản, một lý thuyết gia của Đảng cộng sản đã từng phát biểu công khai trên truyền thông đại chúng, cho rằng : "Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc", gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận.
Khi ấy, lý giải về phát biểu của mình, lý thuyết gia cộng sản Nhị Lê cho biết : "Trong Tuyên ngôn, Các-Mác và Ăng-Ghen lưu ý : Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản mang tính quốc tế nhưng giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn thành nghĩa vụ trước hết với dân tộc mình. Yêu cầu đặt ra là "giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc" và : "Tôi gói các ý tưởng khoa học rất toàn diện và sâu sắc của Các-Mác và Ăng-Ghen, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điều lệ Đảng, một cách hệ thống và căn cơ, để rút tít gồm 11 từ cho bài báo đã đăng".
Cho thấy, chủ trương nâng Đảng cộng sản lên rồi đồng hóa trở thành dân tộc, "Dân tộc cộng sản", đã có từ trong lý thuyết cộng sản và thảo luận trong Đảng từ nhiều năm qua. Bất chấp khái niệm dân tộc chỉ về chủng tộc hơn là một đảng phái chính trị.
Theo thống kê, hiện nay, số lượng đảng viên Đảng cộng sản có khoảng hơn 5,2 triệu người. Tương đương 5% dân số Việt Nam. Là con số đáng kể nếu số đảng viên được nâng lên và đồng hóa thành một dân tộc riêng biệt, hiện diện bên cạnh hơn 50 dân tộc khác như Kinh, Hoa, Khơ Me, Chăm, Tày, Ê Đê… đang sinh sống trên cùng lãnh thổ. Theo đó, dân số của "Dân tộc cộng sản" hiện nay chỉ đứng sau dân tộc Kinh mà thôi ? !
Trong trường hợp đã là dân tộc, thì cần phải xác định lịch sử của dân tộc ấy. Qua phát biểu của ông Tô Lâm tại trường Đại học Columbia, thì Đảng cộng sản đã lấy sự kiện "Cướp chính quyền" vào năm 1945 làm mốc thời điểm lịch sử "lập nước" của "Dân tộc cộng sản".
Sự tự tôn một cách kiêu ngạo của Đảng cộng sản hiện nay, đến mức độ phủ nhận cả lịch sử dân tộc, thì ngay chính người du nhập Chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, đồng thời cũng là lãnh tụ sáng lập Đảng cộng sản là ông Hồ Chí Minh cũng chưa từng dám nghĩ đến.
Thật vậy, trong dịp đến thăm đền Hùng tại Phú Thọ vào trung tuần Tháng Chín 1954, ông Hồ Chí Minh được cho là đã phát biểu : "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Cho thấy, trang lịch sử dựng nước từ thời kỳ Thượng Cổ của các vua Hùng vẫn tồn tại trong tư duy của ông Hồ Chí Minh.
Điều khá khôi hài khi một mặt phủ nhận sạch trơn lịch sử dân tộc, thì mặt khác, trong bài phát biểu của mình, ông Tô Lâm lại nhắc đến ý tưởng "Lấy chí nhân thay cường bạo" của Nguyễn Trãi, một nhân vật lịch sử thời hậu Lê trong bài Bình Ngô Đại Cáo.
Tự tạo trang lịch sử riêng bằng cách nâng mình lên và đồng hóa thành một dân tộc ưu quyền là "Dân tộc cộng sản" và thoát ly hoàn toàn khỏi lịch sử chính thống của dân tộc từ hàng nghìn năm. Đảng cộng sản ngày càng tự tôn và kiêu ngạo một cách lố bịch so với những hậu quả nặng nề mà họ đã gây ra cho đất nước.
Điểm về tính chất đảng viên cộng sản và vài con số trích từ những báo cáo của chính cơ quan Đảng cho thấy họ có xứng đáng gì với sự tự tôn, kiêu ngạo đến mức trở thành "Dân tộc cộng sản" ?
Một bài trên trang Tuyên giáo từ Tháng Hai 2019 thừa nhận số lượng đảng viên đông không nhất thiết phản ánh chất lượng :
"Cũng cần nhìn nhận rõ hơn động cơ vào Đảng của một bộ phận đảng viên có phải vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân, vì nước hay để có chức quyền, để mưu lợi riêng".
Bên cạnh đó, chỉ riêng số ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII có tới 26 người bị kỷ luật hoặc khởi tố hình sự vì tham nhũng, 5 ủy viên Bộ Chính trị và 3 thành viên trong nhóm tứ trụ cũng bị vạch mặt tương tự.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng.
Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản, rờ đến đâu phát hiện ra tham nhũng đến đó, đất nước tan hoang, đạo đức xã hội xuống cấp, hàng loạt thiết chế cơ bản để điều hành, quản lý của đất nước bị vô hiệu hóa… Không lẽ tất cả những điều đó trở thành thành tích vẻ vang, đến mức làm cho Đảng cộng sản hãnh diện, phủ nhận lịch sử cả hàng nghìn năm của dân tộc chăng ?
Phương Tây có câu ngạn ngữ "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". Lúc này, sau khi khai tử lịch sử dân tộc, Đảng cộng sản chẳng phải đang là bia nhắm cho những quả đạn đại bác được bắn từ tương lai sao ?
DC, ngày 24/09/2024
Đặng Đình Mạnh
Ngày 26/08/2019, hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan đứng đầu lập pháp Trung Quốc, thông qua một dự luật về dẫn độ với Việt Nam. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.
Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul yêu cầu Bắc Kinh không trả về Bắc Triều Tiên 7 người tị nạn, Seoul, le 27/03/2012. Reuters/Kim Hong-Ji
Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc gây nhiều lo ngại trong công luận. RFI đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), ít ngày sau khi có tin phía Trung Quốc thông qua Hiệp định này.
Theo Luật sư Mạnh, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người "tị nạn chính trị", chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam "khước từ một phần chủ quyền quốc gia", khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một điều căn bản khiến "luật dẫn độ" ở Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ luật Hình sự "hết sức khe khắt" của Việt Nam (và Trung Quốc) khiến cho hiệp ước dẫn độ càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ luật Hình sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.
****************
RFI : Xin Luật sư cho biết sơ bộ về thông tin này.
Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là một luật sư, tôi quan tâm đến các vấn đề luật pháp, chính trị xã hội ở nước nhà, khi đọc tin này, tôi hết sức là bất ngờ. Tại vì hầu như là trong nước, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến Việt Nam và Trung Quốc từng ký một hiệp ước về vấn đề dẫn độ. Vậy thì cái văn bản đó như thế nào ? Nội dung thế nào ? Ký vào thời điểm nào ? Đến bây giờ mới biết hóa ra có một văn bản như vậy và Quốc hội bên phía Trung Quốc họ đã thông qua.
Tình hình một điều ước mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý (đối với Việt Nam) mà chúng tôi là người làm công tác pháp luật trong nước, mà không hề biết, không hề được thông tin, thì đây là một điều hết sức đáng nói.
RFI : Luật sư nhận định ra sao về sự im lặng của phía chính quyền Việt Nam ?
Đặng Đình Mạnh : Tôi cho rằng luật về dẫn độ đối với các quốc gia là điều bình thường, thế nhưng một luật dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chính trị hiện nay nói chung là khá tế nhị, trong đó có các tác động của câu chuyện Hồng Kông, nhất là khi người Hồng Kông vừa có các cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài, chưa từng có tại vùng lãnh thổ Hồng Kông. Cũng liên quan đến luật về dẫn độ.
Tôi nghĩ là do tác động về chính trị nên phía Việt Nam đã có một sự dè dặt nhất định trong việc công bố thông tin về hiệp ước ký với Trung Quốc. Tôi tin là như vậy.
RFI : Luật dẫn độ giữa các quốc gia, nếu thực thi theo đúng luật pháp quốc tế, là một bước tiến. Như vậy trong trường hợp của Việt Nam, điều gì khiến trong dư luận có nhiều lo ngại ?
Đặng Đình Mạnh : Theo tôi, vấn đề lo ngại là chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, chuyện này không đáng lo. Lý do là thế này : Để thực hiện quyền tài phán của mình, quốc gia mà không có điều kiện thực hiện, họ phải đặt ra vấn đề dẫn độ. Và thường là, đối với những người mà có yêu cầu dẫn độ, thì thường là đã có hành vi vi phạm pháp luật tại Trung Quốc. Thế thì vấn đề này không phải là điều đáng lo đối với người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước.
Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý khác, mà đáng lo, thường là liên quan đến vấn đề chính trị. Ví dụ như đàn áp về dân tộc, về tôn giáo… Mà theo tiêu chuẩn chung của thế giới, người ta không cho đó là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Vì Trung Quốc là nước quá khắt khe đối với các vấn đề đó, nên những người (Trung Quốc) khi bị áp bức như vậy họ có thể chạy sang nước khác, để lẩn tránh. Mà chúng ta gọi là "tị nạn chính trị". Thế thì trong vấn đề tị nạn chính trị, chính quyền Trung Quốc có thể áp dụng luật dẫn độ này, mà Việt Nam đáp ứng, thì rõ ràng sẽ vi phạm quy định về nhân quyền của quốc tế. Lẽ ra là Việt Nam phải che chở những người này, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền, cụ thể nhất là vấn đề tị nạn chính trị. Nếu lo thì chỉ nằm trong phạm vi đó mà thôi.
RFI : Thế còn một lo ngại khác, liên quan đến việc người Trung Quốc phạm luật hình sự Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng, với luật dẫn độ này, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng không xét xử những người Trung Quốc phạm tội trên đất mình. Như vậy luật dẫn độ có thể khiến số vụ phạm tội hình sự của người Trung Quốc trên đất Việt Nam gia tăng.
Đặng Đình Mạnh : Điều đó có thể cũng đáng lo ngại. Nhưng sự lo ngại là không cần thiết. Bởi vì thật ra, dù có lo ngại hay không, thì điều đó đã từng xảy ra rồi, ngay cả trước khi chúng ta có thông tin về việc Quốc hội Trung Quốc thông qua điều ước dẫn độ (với Việt Nam). Tức là, trong khi chưa có luật này, Việt Nam đã rất "hào phóng" thả những công dân Trung Quốc, khi họ vi phạm pháp luật Việt Nam, lại thả về Trung Quốc.
Chúng ta không thể biết được những người này khi trở về Trung Quốc có bị xét xử hay không. Ví dụ như trường hợp khoảng 300 người Trung Quốc bị bắt, vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở một tỉnh phía bắc. Diễn biến sau đó, chúng ta hoàn toàn không biết. Cái việc đó gọi là "dẫn độ", theo tôi, là không chính xác.
Hành vi của họ là vi phạm pháp luật, theo luật pháp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Và nếu như vậy, quyền tài phán thuộc về Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền xét xử những người này, để tuyên xử, chế tài họ. Chúng tôi đã từng có ý kiến : Chúng tôi rất bức xúc là không biết tại sao chúng ta lại đi khước từ cái quyền tài phán của mình, trong khi cái quyền tài phán đó là một trong các phần quyền thể hiện chủ quyền quốc gia.
Việc chúng ta thả tội phạm về chính quốc của họ rõ ràng là như vậy chúng ta đang khước từ một phần của chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
RFI : Trở lại với vấn đề trung tâm của luật dẫn độ này, thưa luật sư, như thế nào thì một luật về dẫn độ đi đúng theo các công ước quốc tế, bảo vệ nhân quyền, và như thế nào thì luật dẫn độ đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý này ?
Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là những người làm công tác pháp luật, chúng tôi rất tán thành nên có những hiệp định về dẫn độ. Điều này hết sức tốt, phù hợp với các hoạt động về tư pháp, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng tôi e rằng có những hiệp định dẫn độ đi ngược lại với sự tiến bộ chung.
Thực ra vấn đề không phải nằm ở việc dẫn độ, đến hiệp định dẫn độ, mà liên quan đến luật hình sự của một quốc gia. Do Bộ Luật Hình Sự, của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, có những điểm tương đồng. Đó là hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền tham gia vào các hoạt động củng cố chính quyền (của mỗi công dân). Do chính quyền có cái nhìn hết sức khe khắt, ảnh hưởng đến việc thực thi điều ước dẫn độ, khiến điều ước về dẫn độ bị lạm dụng để đi đến chỗ bảo vệ chính quyền hơn là bảo vệ người dân. Như vậy đó là thêm một biện pháp của chính quyền làm tăng ảnh hưởng, tính hà khắc của đạo luật hình sự.
Với tư cách là luật sư, chúng tôi rất mong muốn được thấy hình hài thực sự của điều ước về dẫn độ Việt Nam và Trung Quốc, bằng giấy trắng mực đen, để xem nội dung cụ thể là về vấn đề gì.
RFI : RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh
Trọng Thành thực hiên
Nguồn : RFI, 03/09/2019
Vào ngày 16/1/2019, nhóm luật sư 17 người bao gồm nhiều luật sư có tiếng như Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc v.v… đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng ra thông cáo báo chí số 1 khẳng định rằng " trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan", đồng thời người dân tại khu vực này cũng gửi đơn kêu cứu về việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất và đập phá nhà trái pháp luật. Nhóm luật sư cũng cho biết họ đang trợ giúp người dân Vườn rau Lộc Hưng trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ở đây.
Đại diện các hộ dân tại vườn rau Lộc Hưng tại buổi trao đổi với nhóm Luật sư thành phố. Courtesy FB Vu Hai Tran/ Trinh Vinh Phuc
Chúng tôi đã liên lạc và có một cuộc phỏng vấn ngắn với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh về cuộc chiến pháp lý đòi đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng.
PV : Xin chào luật sư Đặng Đình mạnh, luật sư có thể cho biết cơ sở pháp lý nào để người dân vườn rau Lộc Hưng khởi kiện vụ cưỡng chế vừa qua ?
Đặng Đình Mạnh : Sau khi chúng tôi tiếp cận với hồ sơ do những người dân tại khu vực giải tỏa họ cho coi về quá trình họ sử dụng đất rồi giấy tờ, chứng cứ, tài liệu rồi cả trong quá trình họ khiếu nại sau ngày 30/4/1975 cho tới nay và khi họ khiếu nại có những văn bản trả lời của các cơ quan các cấp, qua đó các luật sư mới nhận định việc chính quyền cho giải tỏa thu hồi đất là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Bởi vì qua quá trình chứng cứ cho thấy đất này không phải đất công mà thật ra đất này là đất có chủ mà chủ cũng không liên quan gì đến công đến chính quyền cả. Kể từ trước năm 1975 là đất của tổ chức công giáo, họ cho giáo dân của họ, họ có ký hợp đồng cho thuê để giáo dân canh tác và họ cho đài phát tín của chế độ Sài Gòn cũ mượn một phần để cơ quan này lập nên một trạm phát tín và khi trạm mở rộng thì họ cắm những trục anten, giữa những trục anten đó có khoảng trống thì dân tiếp tục sử dụng để trồng rau. Rõ ràng trước 1975 đất này không phải là của chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng sau 1975 thì cơ quan tương ứng là trung tâm viễn thông 3 nhìn thấy như vậy và họ cho là đất công, và họ sử dụng trạm phát tín của chế độ cũ. Rồi chính quyền họ cứ nghĩ là trạm phát tín của chính quyền Sài Gòn cũ là đất công nên bây giờ họ tiếp tục sử dụng và giao về cho các cơ quan bưu chính viễn thông họ sử dụng. Cái sai của chính quyền trong trường hợp này là như vậy, đánh giá sai đất đó là đất công nhưng thật ra nó không phải là đất công.
PV : Dạ vâng, thưa luật sư nếu vụ án này khởi kiện thì sẽ kiện những ai ?
Đặng Đình Mạnh : Chúng tôi đang cân nhắc và thậm chí không chỉ là kiện mà sẽ là tố cáo một vụ án hình sự luôn. Chúng tôi đang cân nhắc rất là nhiều nhưng trước mắt người dân vẫn đi kiện vụ án hành chính trước đã. Hiện nay họ đang khiếu nại và chúng tôi sẽ cân nhắc thêm, tức là có nhiều đường hướng để chúng ta làm là khiếu nại cơ quan hành chính giải tỏa nhà không đúng pháp luật hoặc khởi kiện vụ án hành chính và cũng có thể tố cáo một cơ quan nào đó, cá nhân đã tổ chức giải tỏa nhà dân không đúng pháp luật về tội hủy hoại tài sản. Có nhiều phương án chúng tôi đang cân nhắc.
PV : Thưa Luật sư, chính quyền cho biết là vụ cưỡng chế vừa qua là áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, vậy điều này có đúng hay không và bằng chứng nào xác thực điều này ?
Đặng Đình Mạnh : Nó đúng và nó sai. Đúng là một phần các nhà xây dựng trên đất này là không có giấy phép, lý do bởi vì nhà nước cho rằng đây là đất công mà người dân tới đó là chiếm ngụ bất hợp pháp nên họ xây nhà xin giấy phép thì chính quyền không cấp xây dựng cho họ. Nhưng vì nhu cầu nên họ vẫn xây nên những ngôi nhà đó là không phép cả. Cách nói của chính quyền là phần nào đúng nhưng cái sai chỗ này là một số nhà thì đúng là xây dựng sau 1975 nhưng thật ra một số người dân đã sử dụng đất này từ rất lâu rồi, thậm chí có một người Việt gốc Hoa đã ở đó đến nay là 70 năm rồi coi như là cư dân đầu tiên. Những ngôi nhà này xây trước khi chính quyền sau 1975. Khi chính quyền nói tổng hết 112 căn nhà đó đều là sử dụng không phép thì có đúng và sai như vừa rồi tôi giải thích.
PV : Việc chính quyền thực hiện cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1 vừa qua có đúng về quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật không, thưa luật sư ?
Chính quyền quận Tân Bình tiến hành cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, ngày 8/1/2019. Screen Capture
Đặng Đình Mạnh : Không bảo đảm, tôi giả thiết những ngôi nhà này thuộc đối tượng là trái phép và cần phải giải tỏa. Theo pháp luật hiện nay có một quy trình của nó. Thứ nhất khi sử dụng trái phép thì chính quyền phải xuống lập biên bản, sau khi lập biên bản sẽ ra quyết định xử phạt, trong quyết định xử phạt chắc chắn sẽ bao gồm là một là phạt tiền và buộc phải tháo gỡ đối với nhà xây dựng trái phép. Và đến khi người dân nhận được quyết định này mà người dân vẫn không thực hiện thì nhà nước mới ra một quyết định là cưỡng chế và thông báo cho người dân biết ngày giờ này sẽ cưỡng chế và khi đến ngày giờ đó vẫn không tự nguyện tháo gỡ thì nhà nước mới bắt đầu tổ chức cưỡng chế. Những quy trình này mà hầu như tất cả trường hợp mà người dân chúng tôi tiếp xúc đều không bảo đảm quy trình này. Trường hợp có thể thấy ngay là trường hợp của anh Tú và chị Nghiên là nhà họ vừa mới xây dựng và khánh thành xong trước ngày chính quyền giải tỏa vài ngày, thì chắc chắn ngôi nhà này sẽ không bảo đảm đủ những quy trình như tôi vừa trình bày và nó cũng là một trong những căn nhà bị giải tỏa chung hết. Đó là trường hợp tôi có thể nói ngay là không đảm bảo quy trình của chính quyền.
PV : Chính quyền quận Tân Bình nói rằng việc cưỡng chế là chỉ áp dụng với những ngôi nhà xây trái phép chứ không lấy đất, vậy người dân hiện tại có thể quay trở lại đất của mình và tiếp tục canh tác hoặc xây dựng nhà sống trên đất đó không thưa luật sư ?
Đặng Đình Mạnh : Chính quyền nói một đằng nhưng thật ra làm một nẻo. Cách đây hai ngày người dân vào đất đã bị lực lượng giữ gìn trật tự ngăn cản không cho họ vào đất và đến hôm nay người dân vẫn tiếp tục bị ngăn cản vì vậy việc chính quyền khi công báo với báo giới và việc sắp tới họ làm là hoàn toàn không đúng với nhau.
PV : Theo truyền thông trong nước loan tin, chính quyền quận Tân Bình có đề nghị hỗ trợ tiền hơn 7 triệu/m2 đất và tiền hỗ trợ hoa màu 4 triệu trong 3 tháng cho các gia đình bị ảnh hưởng. Vậy theo luật sư thì đề nghị hỗ trợ này cũng đúng theo quy định pháp luật hay không ?
Đặng Đình Mạnh : Tôi giải thiết đây là vùng đất được giải tỏa và thu hồi đất là hợp pháp, thì tất cả việc thương lượng đền bù phải được thực hiện trước khi việc giải tỏa, chỉ khi nào người dân chống lại việc đền bù và họ nhận được những thông báo cưỡng chế v.v..mà người dân không thực hiện thì nhà nước mới thực hiện cưỡng chế. Nhưng chúng ta thấy quy trình này nó ngược hoàn toàn tức là tiền trảm hậu tấu sau khi họ giải tỏa sạch bách rồi thì họ mới đưa ra là tiền hỗ trợ và quy trình không đảm bảo đúng quy định nhà nước ban hành.
PV : Xin cảm ơn luật sư đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.
Theo thông cáo báo chí của nhóm Luật sư Lộc Hưng, họ cũng mời các cơ quan truyền thông báo chí chứng kiến và tường thuật các bản tin về quá trình đấu tranh pháp lý trong thời gian sắp tới.
Nguồn : RFA, 16/01/2019
01/07/2016, lẽ ra đã là ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính có hiệu lực, nhưng đột ngột bị trì hoãn đến ngày 01/01/2018 tới đây. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp chế hình sự Việt Nam thì "Quyền Im Lặng" chính thức được công nhận và thi hành.
Quyền im lặng không được quy định thành một điều khoản riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều điều khoản trong bộ luật. Rõ nhất là ở các điều 58, 59, 60 và 61 đối với người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo thì tất cả họ đều "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Tuy bộ luật không minh thị quy định quyền im lặng đối với "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", nhưng lại quy định họ có QUYỀN "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến", thì mặc nhiên thừa nhận họ có thể không trình bày lời khai, hoặc không trình bày ý kiến, vì đó là quyền, cho nên họ có thể tùy ý thực hiện quyền hay không. Nếu họ không thực hiện quyền đó thì tự thân điều đó có giá trị như quyền im lặng !
Ngoài ra, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính cũng quy định các đối tượng như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ, bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo sẽ đều có quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ, đương nhiên bao gồm quyền im lặng. Điều này có ý nghĩa tương tự như quyền Miranda của Hoa Kỳ, theo đó, cảnh sát Hoa Kỳ buộc phải thông báo cho người bị bắt về quyền của họ với văn thức sau : "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".
Đồng thời, cùng với quyền im lặng, thì Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính đã nới rộng hơn quyền của luật sư. Theo đó, thì tất cả các đối tượng kể trên đều có quyền nhờ luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình, thậm chí ngay từ khi chỉ mới là "người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố" bị cơ quan công an "mời" điều tra, xác minh … Tức là thời điểm chưa có vụ án hình sự được khởi tố.
Quy định quyền im lặng và nới rộng quyền nhờ luật sư bảo vệ trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là bước tiến vượt bậc của chính quyền, giúp xứ sở hòa nhập sâu rộng hơn vào thế giới tài phán văn minh. Qua đó, quyền con người được củng cố, bảo đảm thêm bằng các biện pháp tư pháp cụ thể. Song song, chắc chắn sự thay đổi này cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan điều tra trước nay vẫn quen "múa gậy vườn hoang".
Tuy chưa từng nghe chính quyền xác nhận, nhưng nhiều người đã tin rằng việc điển chế thành công hai quyền nói trên vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính là kết quả ngọt ngào của quá trình đàm phán thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Duong (TPP), tuy rằng Hiệp Định TPP nay đã không còn.
Từ nay đến ngày 01/01/2018, ngày Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự tu chính bắt đầu có hiệu lực không còn xa, sau thời điểm ấy, công chúng sẽ được dịp thấy tận mắt rằng hai quyền ấy sẽ được chính quyền bảo đảm thực thi như thế nào ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017