Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/01/2019

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng : Chính quyền tiền trảm hậu tấu

Đặng Đình Mạnh

Vào ngày 16/1/2019, nhóm luật sư 17 người bao gồm nhiều luật sư có tiếng như Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc v.v… đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng ra thông cáo báo chí số 1 khẳng định rằng " trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan", đồng thời người dân tại khu vực này cũng gửi đơn kêu cứu về việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất và đập phá nhà trái pháp luật. Nhóm luật sư cũng cho biết họ đang trợ giúp người dân Vườn rau Lộc Hưng trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ở đây.

luat1

Đại diện các hộ dân tại vườn rau Lộc Hưng tại buổi trao đổi với nhóm Luật sư thành phố. Courtesy FB Vu Hai Tran/ Trinh Vinh Phuc

Chúng tôi đã liên lạc và có một cuộc phỏng vấn ngắn với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh về cuộc chiến pháp lý đòi đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng.

PV : Xin chào luật sư Đặng Đình mạnh, luật sư có thể cho biết cơ sở pháp lý nào để người dân vườn rau Lộc Hưng khởi kiện vụ cưỡng chế vừa qua ?

Đặng Đình Mạnh : Sau khi chúng tôi tiếp cận với hồ sơ do những người dân tại khu vực giải tỏa họ cho coi về quá trình họ sử dụng đất rồi giấy tờ, chứng cứ, tài liệu rồi cả trong quá trình họ khiếu nại sau ngày 30/4/1975 cho tới nay và khi họ khiếu nại có những văn bản trả lời của các cơ quan các cấp, qua đó các luật sư mới nhận định việc chính quyền cho giải tỏa thu hồi đất là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Bởi vì qua quá trình chứng cứ cho thấy đất này không phải đất công mà thật ra đất này là đất có chủ mà chủ cũng không liên quan gì đến công đến chính quyền cả. Kể từ trước năm 1975 là đất của tổ chức công giáo, họ cho giáo dân của họ, họ có ký hợp đồng cho thuê để giáo dân canh tác và họ cho đài phát tín của chế độ Sài Gòn cũ mượn một phần để cơ quan này lập nên một trạm phát tín và khi trạm mở rộng thì họ cắm những trục anten, giữa những trục anten đó có khoảng trống thì dân tiếp tục sử dụng để trồng rau. Rõ ràng trước 1975 đất này không phải là của chính quyền Sài Gòn cũ, nhưng sau 1975 thì cơ quan tương ứng là trung tâm viễn thông 3 nhìn thấy như vậy và họ cho là đất công, và họ sử dụng trạm phát tín của chế độ cũ. Rồi chính quyền họ cứ nghĩ là trạm phát tín của chính quyền Sài Gòn cũ là đất công nên bây giờ họ tiếp tục sử dụng và giao về cho các cơ quan bưu chính viễn thông họ sử dụng. Cái sai của chính quyền trong trường hợp này là như vậy, đánh giá sai đất đó là đất công nhưng thật ra nó không phải là đất công.

PV : Dạ vâng, thưa luật sư nếu vụ án này khởi kiện thì sẽ kiện những ai ?

Đặng Đình Mạnh : Chúng tôi đang cân nhắc và thậm chí không chỉ là kiện mà sẽ là tố cáo một vụ án hình sự luôn. Chúng tôi đang cân nhắc rất là nhiều nhưng trước mắt người dân vẫn đi kiện vụ án hành chính trước đã. Hiện nay họ đang khiếu nại và chúng tôi sẽ cân nhắc thêm, tức là có nhiều đường hướng để chúng ta làm là khiếu nại cơ quan hành chính giải tỏa nhà không đúng pháp luật hoặc khởi kiện vụ án hành chính và cũng có thể tố cáo một cơ quan nào đó, cá nhân đã tổ chức giải tỏa nhà dân không đúng pháp luật về tội hủy hoại tài sản. Có nhiều phương án chúng tôi đang cân nhắc.

PV : Thưa Luật sư, chính quyền cho biết là vụ cưỡng chế vừa qua là áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, vậy điều này có đúng hay không và bằng chứng nào xác thực điều này ?

Đặng Đình Mạnh : Nó đúng và nó sai. Đúng là một phần các nhà xây dựng trên đất này là không có giấy phép, lý do bởi vì nhà nước cho rằng đây là đất công mà người dân tới đó là chiếm ngụ bất hợp pháp nên họ xây nhà xin giấy phép thì chính quyền không cấp xây dựng cho họ. Nhưng vì nhu cầu nên họ vẫn xây nên những ngôi nhà đó là không phép cả. Cách nói của chính quyền là phần nào đúng nhưng cái sai chỗ này là một số nhà thì đúng là xây dựng sau 1975 nhưng thật ra một số người dân đã sử dụng đất này từ rất lâu rồi, thậm chí có một người Việt gốc Hoa đã ở đó đến nay là 70 năm rồi coi như là cư dân đầu tiên. Những ngôi nhà này xây trước khi chính quyền sau 1975. Khi chính quyền nói tổng hết 112 căn nhà đó đều là sử dụng không phép thì có đúng và sai như vừa rồi tôi giải thích.

PV : Việc chính quyền thực hiện cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1 vừa qua có đúng về quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật không, thưa luật sư ?

luat2

Chính quyền quận Tân Bình tiến hành cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, ngày 8/1/2019. Screen Capture

Đặng Đình Mạnh : Không bảo đảm, tôi giả thiết những ngôi nhà này thuộc đối tượng là trái phép và cần phải giải tỏa. Theo pháp luật hiện nay có một quy trình của nó. Thứ nhất khi sử dụng trái phép thì chính quyền phải xuống lập biên bản, sau khi lập biên bản sẽ ra quyết định xử phạt, trong quyết định xử phạt chắc chắn sẽ bao gồm là một là phạt tiền và buộc phải tháo gỡ đối với nhà xây dựng trái phép. Và đến khi người dân nhận được quyết định này mà người dân vẫn không thực hiện thì nhà nước mới ra một quyết định là cưỡng chế và thông báo cho người dân biết ngày giờ này sẽ cưỡng chế và khi đến ngày giờ đó vẫn không tự nguyện tháo gỡ thì nhà nước mới bắt đầu tổ chức cưỡng chế. Những quy trình này mà hầu như tất cả trường hợp mà người dân chúng tôi tiếp xúc đều không bảo đảm quy trình này. Trường hợp có thể thấy ngay là trường hợp của anh Tú và chị Nghiên là nhà họ vừa mới xây dựng và khánh thành xong trước ngày chính quyền giải tỏa vài ngày, thì chắc chắn ngôi nhà này sẽ không bảo đảm đủ những quy trình như tôi vừa trình bày và nó cũng là một trong những căn nhà bị giải tỏa chung hết. Đó là trường hợp tôi có thể nói ngay là không đảm bảo quy trình của chính quyền.

PV : Chính quyền quận Tân Bình nói rằng việc cưỡng chế là chỉ áp dụng với những ngôi nhà xây trái phép chứ không lấy đất, vậy người dân hiện tại có thể quay trở lại đất của mình và tiếp tục canh tác hoặc xây dựng nhà sống trên đất đó không thưa luật sư ?

Đặng Đình Mạnh : Chính quyền nói một đằng nhưng thật ra làm một nẻo. Cách đây hai ngày người dân vào đất đã bị lực lượng giữ gìn trật tự ngăn cản không cho họ vào đất và đến hôm nay người dân vẫn tiếp tục bị ngăn cản vì vậy việc chính quyền khi công báo với báo giới và việc sắp tới họ làm là hoàn toàn không đúng với nhau.

PV : Theo truyền thông trong nước loan tin, chính quyền quận Tân Bình có đề nghị hỗ trợ tiền hơn 7 triệu/m2 đất và tiền hỗ trợ hoa màu 4 triệu trong 3 tháng cho các gia đình bị ảnh hưởng. Vậy theo luật sư thì đề nghị hỗ trợ này cũng đúng theo quy định pháp luật hay không ?

Đặng Đình Mạnh : Tôi giải thiết đây là vùng đất được giải tỏa và thu hồi đất là hợp pháp, thì tất cả việc thương lượng đền bù phải được thực hiện trước khi việc giải tỏa, chỉ khi nào người dân chống lại việc đền bù và họ nhận được những thông báo cưỡng chế v.v..mà người dân không thực hiện thì nhà nước mới thực hiện cưỡng chế. Nhưng chúng ta thấy quy trình này nó ngược hoàn toàn tức là tiền trảm hậu tấu sau khi họ giải tỏa sạch bách rồi thì họ mới đưa ra là tiền hỗ trợ và quy trình không đảm bảo đúng quy định nhà nước ban hành.

PV : Xin cảm ơn luật sư đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

Theo thông cáo báo chí của nhóm Luật sư Lộc Hưng, họ cũng mời các cơ quan truyền thông báo chí chứng kiến và tường thuật các bản tin về quá trình đấu tranh pháp lý trong thời gian sắp tới.

Nguồn : RFA, 16/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)