"Trâu bò húc nhau rồi ! Bọn mình chỉ là ruồi muỗi, thời này mà còn lao theo anh Hai anh Ba làm sân sau cho họ thì không chết lúc này cũng chết lúc khác" - một doanh nhân người Quảng Nam nói như thì thào, dù ngữ cảnh đang là một bàn nhậu ê hề tôm cá, bia bọt cùng không khí cụng ly sôi động.
Ông Thăng là đệ tử ruột của anh Ba Dũng, mà đã thân với anh Ba thì làm sao được cụ Tổng ưa
Ngồi bên cạnh doanh nhân trên là một quan chức ngành dầu khí. Từ đầu bữa nhậu đến giờ, quan chức này lặng tăm, chỉ nghe, gật gù và uống. Thảng hoặc có người đưa ly chào mời, anh ta mới ậm ừ cho qua chuyện. Chỉ đến khi bị mọi người trong bàn hỏi vặn về nguyên do tại sao Đinh La Thăng bất ngờ bị bắt, quan chức này chợt tái mặt, nói thật chậm và thật nhỏ : "Đừng cha nào ghi âm tui nghe. Tui nghe nói ông Thăng là đệ tử ruột của anh Ba Dũng (Nguyễn Tấn Dũng), mà đã thân với anh Ba thì làm sao được cụ Tổng (Nguyễn Phú Trọng) ưa. Lúc trước bọn tui cũng đã tính là ông Thăng khó thoát, một lúc nào đó sẽ bị dựng dậy nửa đêm thôi. Y chang như vậy. Cái buổi tối ngày 8 tháng hai khi nghe tin Đinh La Thăng bị mấy tay bên Bộ Công an túm, nguyên dàn lãnh đạo dầu khí tê tái, co rúm như bị điện giật, còn không dám gọi điện thoại báo tin cho nhau biết. Sáng ra văn phòng mấy công ty dầu khí như đưa đám, chỗ nào chỗ ấy lặng ngắt, nhân viên lãnh đạo lấm lét nhìn nhau, giống như ai cũng sợ người khác là đặc tình công an. Cụ Tổng tuyên chiến thật rồi ! Bây giờ tui đố thằng nào còn dám gọi cụ Tổng là Lú. Khôn róc đời thì có ! Ổng đang đánh lớn, dầu khí bọn tui chỉ là một phần trong đó thôi. Nghe nói còn hàng trăm tay dầu khí nữa trong danh sách công an chưa bắt… Mà đâu chỉ có dầu khí, nhiều ngành khác cũng đang lên tăng xông. Càng cao càng dễ bị hốt. Tay nào mà không nhúng chàm. Cụ Tổng nói thì dễ lắm "trót nhúng chàm thì phải tự gột rửa", nhưng có ông nào dám đưa đầu ra gột rửa ? Có khi lại lạy ông tôi ở bụi này, làm mồi cho bên công an túm gáy. Mấy năm trước chạy được thì không chạy mà cứ lo ăn chơi, còn giờ này mới tính chuyện chạy thì quá muộn rồi. Hôm bữa vô tình tui mở mấy trang mạng lề trái ra đọc, giờ nhớ lại mới thấy cám cảnh : cái đám tù nhân lương tâm và dân chủ nhân quyền coi họ đang sống trong nhà tù lớn. Thì bọn tui cũng đâu có khác, lúc nào cũng hồi hộp không biết công an sờ gáy mình khi nào. Nằm nhà mà nghe tiếng còi xe hơi ngoài cửa là lại giật mình. Đinh La Thăng mà còn phải vào nhà đá thì thứ tôm tép bọn tui ăn thua gì".
Chưa bao giờ giới quan chức tham nhũng và nhóm thân hữu trục lợi chính sách lại bị phủ trùm tâm lý lo sợ bị "xộ khám" như ít tháng gần đây. Mối nguy hiểm "xộ khám" còn có thể tăng gấp đôi bởi bản chất cuộc chiến "chống tham nhũng" không chỉ thuần túy được hiểu theo ý nghĩa đẹp đẽ của từ này, mà còn mang tính xung đột quyền lực phe phái ngày càng nặng nề, ngày càng tiến đến điểm tới hạn "có ta không có mi".
Chỉ nửa năm sau đại hội 12 và sau khi Nguyễn Tấn Dũng "không còn nữa", đã bắt đầu lộ ra cuộc chiến mới của những nhóm quyền lực – lợi ích mới với những nhóm quyền lực – lợi ích cũ nhằm tranh giành và thôn tính "lãnh địa làm ăn". Vào thời gian đó, "sân sau" đã lần đầu tiên được phổ cập trên mặt báo chí nhà nước như một từ ngữ lột tả cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ điển tham nhũng phong phú đến kinh ngạc của Việt Nam. Giới đại gia và quan chức ngân hàng đã trở thành tiêu điểm của chiến dịch bắt bớ. Chưa bao giờ ngân hàng rung chuyển trong hết cơn động đất này đến cơn động đất khác như những năm gần đây.
Từ giữa năm 2016, cùng với chủ trương "chống tham nhũng" cùng chủ thuyết "việc cần làm ngay" của Tổng bí thư Trọng, cuộc tháo chạy tán loạn của giới quan chức kim tiền dần bắt đầu, để sang năm 2017 đã có những dấu hiệu chạy loạn cao độ, mà cao điểm là hình thức "ra đi tìm đường cứu nước" của những quan chức ngành dầu khí như Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhiều quan chức khác thuộc "cánh Nguyễn Tấn Dũng" và cả ông Dũng cũng bị cho rằng sẽ không thể "hạ cánh an toàn".
Một khi Đinh La Thăng cũng không thoát, bất cứ ủy viên bộ chính trị nào cũng có thể bị "xộ khám" trong tương lai. Chính Tổng bí thư Trọng đã tạo ra tiền lệ ấy.
Ba ngày sau vụ bắt Thăng, đến lượt 5 cựu lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam bị khởi tố…
Nếu vào thời gian trước đại hội 12, phần đông giới quan chức còn bàn tán rôm rả xem anh Ba hay Cụ Tổng làm tổng bí thư, anh Phúc hay anh Quang làm chủ tịch nước và không ít kẻ lăm le đón gió điếu đóm cho những lãnh đạo tương lai, thì bầu không khí hiện thời lắng bặt hệt như vào tháng Tám năm 2016 khi nổ ra vụ "cả ba bị bắn" ở đất dữ Yên Bái.
Cuối cùng thì "Cụ Tổng" đã thoát hẳn lốt lú. Ngày 8 tháng Hai năm 2017 rất có thể đã trở thành thời điểm khởi động "chống tham nhũng giai đoạn 2" của Nguyễn Phú Trọng. Quan chức là giới cảm nhận rõ nhất về một cơn cuồng phong đang gầm rú kéo đến. Đang hội tụ khá nhiều luồng khí cho cơn cuồng phong đó. Rất có thể "Cụ Tổng" đang muốn trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam với chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa tự tôn quyền lực. Ở Trung Quốc, Tập đã khiến hơn tám chục quan chức tham nhũng phải nhảy lầu, thắt cổ, uống thuốc độc…
Những ngày tháng tới ở Việt Nam sẽ trĩu nặng và ghê rợn biết chừng nào !
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 18/12/2017