Tối 9/01/2017 vừa qua, tại Dinh Độc Lập (nay gọi là Hội trường Thống Nhất), Sài Gòn, đã diễn ra cuộc "Họp mặt cán binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma" nhân kỷ niệm 3 năm hoạt động của tổ chức xã hội dân sự tự do "Nhịp cầu Hoàng Sa".
Các thành viên tham gia buổi gặp mặt cựu binh và thân nhân Hoàng Sa - Gạc Ma, ngày 9/1/2017. (Nguồn : Facebook Truong Huy San)
"Nhịp cầu Hoàng Sa" là một tổ chức tự phát của nhân dân được khởi xướng từ tháng 1 năm 2013, có mục đích biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của các quân nhân 2 miền, của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng như của Quân đội Nhân dân Việt Nam từng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ở Hoàng Sa cũng như ở Trường Sa và vùng biên giới phía Bắc, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, điều mà chính quyền cộng sản cố tình "quên lãng" do theo chỉ thị của bọn trùm bành trướng ở Bắc Kinh. "Nhịp cầu Hoàng Sa" là sáng kiến của một số thanh niên yêu nước, nhà báo, nhà văn, nghê sĩ, trí thức, nhà kinh doanh, nhà giáo, sinh viên của hai miền Nam Bắc cùng đồng lòng chung sức lập nên, ngoài việc biểu dương tinh thần, tổ chức kỷ niệm, còn chủ trương nhiều hành động cụ thể để biểu lộ sâu sắc tinh thần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Đó là tìm hiểu cụ thể và sâu sắc các cuộc chiến đấu chống bành trướng, bảo vệ quê hương, lập danh sách đầy đủ để xây mộ, lập bia kỷ niệm, ghi công các chiến sĩ tham gia các trận hải chiến, danh sách các tử sĩ, thương binh và các gia đình của các chiến sĩ đó. Ngoài việc thăm hỏi thân tình các gia đình này, "Nhịp cầu Hòang Sa" còn chủ trương giúp đỡ các gia đình thiếu thốn, nhà ở chật chội, con cái không được học hành đầy đủ, trợ giúp vợ con các liệt sĩ về mọi mặt. Các sự trợ giúp ấy đã thực hiện suốt 3 năm nay, ngày càng chu đáo và phong phú.
Đến nay "Nhịp cầu Hoàng Sa" đã quyên góp đựợc số tiền khá lớn là 7 tỷ đồng.
Tham dự cuộc gặp mặt tại Sài Gòn có 11 cựu binh và 4 thân nhân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 bên cạnh 16 cựu binh và 6 thân nhân thuộc Quân đội Nhân dân từng tham gia trận Gạc Ma năm 1988. Anh chị em đã đến viếng bà quả phụ của Thiếu tá Hải quân Nguyễn Thành Trí của Việt Nam Cộng Hòa vừa mất do trọng bệnh.
Được biết nhà sử học Dương Trung Quốc, các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Quang Lập, các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, nhà khảo cổ Nguyễn Khắc Hậu, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, nhà kinh doanh Đặng Cao Thăng… đã tích cực tham gia và ủng hộ "Nhịp cầu Hoàng Sa" ; nhiều người, trong số đó có đến 50 họa sĩ, đã bán tác phẩm mới của mình để yễm trợ tài chính cho "Nhịp cầu Hoàng Sa".
Một số nhà báo gốc Việt sống ở nước ngoài cũng tích cực tham gia góp sức đáng kể cho "Nhịp cầu Hoàng Sa" như các cây bút Đỗ Quý Toàn, Đinh Quang Anh Thái và nghệ sĩ Kiều Chinh.
Tướng Lê Kế Lâm của Hải quân nhân dân đang nằm bệnh viện cũng gửi thư chúc mừng cuộc họp mặt này, nhấn mạnh đây là hành động thiết thực, một nét đẹp của tinh thần Hòa hợp và Hòa giải dân tộc mà đất nước lẽ ra đã phải thực hiện trọn vẹn từ 40 năm nay (theo Huy Đức trên Đàn chim Việt 15/1).
Mọi người còn nhớ trong văn kiện Hiệp Định Paris năm 1973 nêu rất rõ việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân mỗi miền, tuyệt đối không coi nhau là thù địch, không trả thù, lập Hội đồng Hòa giải dân tộc, ngừng bắn tại chỗ có kiểm soát quốc tế. Nhưng phía cộng sản đã cố tình "quên" hết, dùng vũ lực cưỡng chiếm miền Nam, còn trừng phạt trả thù hơn nửa triệu quân nhân và viên chức Việt Nam Cộng Hòa trong gần một trăm trại giam tàn ác, đi ngược với lòng dân, trái ngược với đạo lý truyền thống của dân tộc, vi phạm cam kết quốc tế. Chính quyền còn ngăn cản việc chăm sóc mộ và bia ghi công các tử sĩ, chống phá các việc làm của nhân dân để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ và chiến sĩ.
Món nợ Hòa giải Hòa hợp dân tộc bị đảng quịt suốt 40 năm ròng, nay nhân dân ta sẽ đồng lòng, tự nguyện thực hiện, nhằm xây dựng thực lực dân tộc vô tận, vì tương lai hạnh phúc lâu dài và mãi mãi của nhân dân ta.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 31/01/2017
*******************
Cuộc họp mặt đầu tiên của cựu binh và thân nhân Hoàng Sa và Gạc Ma (Nhịp cầu Hoàng Sa, 25/01/2017)
Tối ngày 9/01/2017, 11 cựu binh, 4 thân nhân của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 với 16 cựu binh, 6 thân nhân của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia trận Gạc Ma ngày 14/03/1988 lần đầu tiên cùng có mặt tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn trong một cuộc gặp do Nhịp Cầu Hoàng Sa tổ chức nhân kỷ niệm 3 năm ngày khởi xướng Chương trình (7/01/2014 – 7/01/2017).
Cuộc gặp còn có sự tham dự của gia đình một người lính đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc, cô giáo Vân Chi và cháu Bảo Nam, vợ và con của đại úy liệt sĩ Trần Văn Duẩn, đồn Biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai – người hy sinh rạng sáng 17/02/2011, trong một nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập Biên giới trái phép từ Trung Quốc vào năm 2011.
Thân nhân và những người lính Việt Nam Cộng Hòa và Quân đội nhân dân Việt Nam đã có gần 3 ngày chia sẻ với nhau li rượu, li cà phê, cùng đi tham quan Thành phố và cùng đi viếng bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, tham dự và phát biểu, cho rằng sự kiện này, cũng như những nỗ lực của Nhịp cầu Hoàng Sa trong ba năm qua đã chuyển dịch được "một xăng-ti-mét" hàng rào ngăn cách tiến trình hòa giải. Chuẩn đô đốc Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Lê Kế Lâm, từ bệnh viện gửi tới Chương trình lời chúng mừng và đánh giá cuộc gặp có một giá trị biểu tượng vô cùng quan trọng ; ông nhấn mạnh : "Đây là một nét đẹp của sự hòa hợp của dân tộc. Tôi mong rằng sự hòa hợp này là bước đầu nói rằng, chúng ta đoàn kết nhất trí để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo".
Nhịp Cầu Hoàng Sa là một chương trình do nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cùng các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức khởi xướng từ tháng 1/2014 với sự tham gia tích cực của các nhà báo : Đinh Quang Anh Thái, Đỗ Thanh Triều ; của kỹ sư Nguyễn Đức Huy ; cựu binh Hoàng Sa Lữ Công Bảy ; của các nhà thơ, nhà văn : Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, doanh nhân Đặng Cao Thắng, Tạ Hinh, Lê Hải, Xô Viết Nguyễn… nhằm tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988.
Cuộc gặp mặt đầu tiên của các thành viên với các gia đình Hoàng Sa diễn ra vào ngày 5/01/2014 tại nhà hàng Hoa Lư và cuộc vận động đầu tiên bắt đầu được công bố từ ngày 7/01/2014.
Ngay trong hai tuần đầu tiên số tiền gửi về ủng hộ đã lên đến 900 triệu VND. Đến nay, Nhịp cầu Hoàng Sa đã nhận được hơn 1.200 lượt đóng góp của người Việt Nam ở mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới với số tiền lên đến gần 7 tỷ VND.
Chương trình đã được hưởng ứng bằng các hoạt động gây quỹ đa dạng :
Từ California, tối 27/09/2014, các bạn của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Hòa Bình, Quỳnh Trang, Janine Trang đã tổ chức một đêm nhạc gây quỹ với sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Uyên, Hoàng Công Luận, Mộng Thúy, Phạm Hà, Thương Linh và sự ủng hộ của nhà báo Đỗ Quý Toàn, nhà văn Nhã Ca, nghệ sĩ Kiều Chinh…
Ở trong nước, từ bức tranh đầu tiên của nhà thơ Đỗ Trung Quân tặng Nhịp cầu Hoàng Sa đấu giá, được một người Việt tại Boston, Mỹ, mua với giá 2.000 USD đã mở đầu một cách thức gây quỹ rất thành công. Gần 50 họa sĩ trên cả nước đã góp tranh cho Nhịp cầu Hoàng Sa (gia đình họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Lê Thiết Cương, Phương Bình, Võ Xuân Huy…). Đặc biệt, 30 họa sĩ đã gửi tranh tham gia cuộc vận động vẽ Tranh Cá Ba Miền theo sáng kiến của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương.
Các nhà văn, nhà thơ cũng hưởng ứng tích cực : Nhà văn Trần Quốc Quân mở đầu bằng khoản đóng góp từ nhuận bút cuốn tiểu thuyết Tuyết Hoang ; Nhà thơ Nguyễn Duy in riêng tập Nhìn Từ Xa Tổ Quốc chỉ để tặng Nhịp cầu Hoàng Sa (thu được hơn 600 triệu) ; Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tặng thơ Biển Mặn, nghệ sĩ Ái Vân tặng hồi ký Để Gió Cuốn Đi…
Nhịp cầu Hoàng Sa đã chi 5.890 tỷ (bao gồm cả khoản tiền 440 triệu trường Marie Curie chi trực tiếp xây nhà cô giáo Lại Thị Huế, vợ liệt sĩ Trường Sa Phạm Quang Trung).
Ngay trong dịp Tết Giáp Ngọ, 2015, Nhịp cầu Hoàng Sa đã gửi tặng 10 phần quà, mỗi phần 5 triệu đồng, tới 5 gia đình Hoàng Sa và 5 gia đình Gạc Ma. Ngay trong tháng 2/2014, đã đi thăm các gia đình có thân nhân hy sinh trong trận Gạc Ma, 14/03/1988.
Trong suốt 3 năm qua, Nhịp cầu Hoàng Sa đã mua, xây và tài trợ "dựng lại" 10 căn nhà với khoản đầu tư trên 400 triệu [5 căn nhà cho gia đình Hoàng Sa từ 400 tới 1 tỷ 114 triệu/căn ; 5 căn nhà cho các cựu binh Gạc Ma và gia đình liệt sĩ chống Trung Quốc từ 400 tới 440 triệu/căn] ; đóng góp xây 4 căn nhà chống lũ, góp xây một nhà thờ cho liệt sĩ Trần Văn Quyết (Quảng Bình) và gúp sửa hai căn nhà khác.
Chương trình đã tặng cụ Phan Thị Thê – mẹ tử sĩ Hoàng Sa duy nhất còn sống mà Nhịp cầu Hoàng Sa được biết – một sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng ; chi 112 triệu hỗ trợ gia đình trang trải các chi phí thuốc men và bệnh viện khi cụ Thê phải can thiệp nong động mạch vành.
Cấp học bổng đại học cho con gái cựu binh Dương Văn Lê – một người lính công binh thuộc Lữ 83, xuất ngũ về quê ở xã Tây Trạch, Bố Trạch, làm nghề thợ xây - bị ung thư gan mất năm 2014 ; cấp học bổng cao đẳng cho con gái cựu binh Dương Văn Hường – bị thương khá nặng trong trận Gạc Ma, mất năm 1998. Cùng nhiều hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, các cựu binh Gạc Ma vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống.
Những hoạt động này của Chương trình không chỉ là để tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược mà có ý nghĩa như một nỗ lực hòa giải.
Sự có mặt hôm nay, cuộc gặp mặt đầu tiên giữa các cựu binh Việt Nam Cộng Hòa – những người đã tham gia trận hải chiến bảo vệ bất thành Hoàng Sa ngày 19/01/1974 và thân nhân các tử sĩ Hoàng Sa -, với các cựu binh Quân đội nhân dân Việt Nam, những người tham gia bảo vệ bất thành Gạc Ma ngày 14/03/1988 và thân nhân các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, là một sự kiện minh chứng cho điều đó.
Xin cám ơn bạn bè ở trong và ngoài nước đã liên tục đồng hành với chúng tôi.