Từ vụ Đắk Nông : Nghiêm mà không minh chỉ là bạo ngược
Trân Văn, VOA, 06/01/2018
Rất khó tìm những ý kiến tán thành bản án mà Tòa án tỉnh Đắk Nông công bố hôm 3 tháng 1 đối với Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường bị cáo buộc "giết người", Đoàn Văn Diện bị cáo buộc "che giấu tội phạm" và Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện cùng bị cáo buộc "hủy hoại tài sản".
Nông dân thiểu số ở Dak Nong cầm biểu ngữ phản đối trước tòa nhà Quốc Hội tại Hà Nội, 2012.
Vụ xung đột giữa dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với nhân viên Công ty Long Sơn hồi tháng 10 năm 2016 đã làm ba người chết, 13 người bị thương. Tuy tất cả nạn nhân đều là nhân viên Công ty Long Sơn nhưng cả công chúng lẫn hệ thống tư pháp đều không xem doanh nghiệp này là bị hại, thậm chí Phó Giám đốc công ty (Nghiêm Xuân Thiên Sửu) và Trưởng Ban Quản lý nhân sự (Phạm Công Thiện) còn bị truy tố, rồi bị phạt tù (ông Sửu sáu năm, ông Thiện bốn năm)…
Tuy ông Hiến, ông Bình, ông Trường tước đoạt tính mạng của ba người, gây thương tích cho 13 người khác song quyết định tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện 9 tháng tù vẫn bị công chúng chỉ trích là không "thấu tình, đạt lý".
***
Thảm án hôm 23 tháng 10 năm 2016 ở Quảng Đức phát xuất từ việc Công ty Long Sơn được chính quyền tỉnh Đắc Nông giao 1.079 héc ta đất tại Tiểu khu 1536 để thực hiện "dự án nông – lâm nghiệp".
Bởi đất đai vẫn thuộc "sở hữu toàn dân" nên sau khi được giao 1.079 héc ta công thổ, Công ty Long Sơn tổ chức "đẩy, đuổi" tất cả những gia đình đang cư trú và canh tác trên phần đất mà chính quyền đã giao cho họ.
Về nguyên tắc, khai phá – cư trú – canh tác trên công thổ là bất hợp pháp nên Công ty Long Sơn tuyên bố không bồi thường, hỗ trợ cho bất kỳ gia đình nào. Đó cũng là lý do dân chúng ở Quảng Đức đôn đáo ngược xuôi xin cứu xét. Dẫu huyện không màng, tỉnh không xét nhưng theo tường thuật của báo giới thì sau khi đến tận nơi thị sát, ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng, đại diện chính phủ Việt Nam đã yêu cầu hệ thống công quyền ở Đắk Nông ngăn chặn hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của Công ty Long Sơn lại để kiểm tra.
Đáng chú ý là yêu cầu của ông Bình cũng không được huyện và tỉnh… cứu xét. Công ty Long Sơn tiếp tục điều động các loại xe chuyên dụng và "công nhân" dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất được giao. Trong quá trình cưỡng chế - thu hồi đất, "công nhân" của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người chỉ vì họ "dám" bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ. Có người bị rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do "công nhân" của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Do hệ thống công quyền ở tỉnh Đắc Nông, bao gồm cả công an từ xã đến tỉnh giả câm và giả điếc trong tất cả các đợt cưỡng chế - thu hồi đất mà Công ty Long Sơn thực hiện nên dân Quảng Đức quyết định tự cứu bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Trong đợt cưỡng chế - thu hồi đất ngày 23 tháng 10 năm 2016, sau khi bị 30 "công nhân" Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình, Đặng Văn Hiến chạy vào nhà lấy súng tự chế, bắn hai phát chỉ thiên để cảnh cáo nhưng "công nhân" Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… Hiến có thêm sự hỗ trợ của Bình (tiếp đạn) chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Hệ thống công quyền từ Đắk Nông đến Hà Nội chỉ chuyển động sau khi có ba người chết, 13 người bị thương. Lúc đầu, hệ thống công quyền chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Hiến, Bình, Trường,… Phải đến khi dư luận thành bão, hệ thống này mới chĩa mũi dùi vào Công ty Long Sơn. Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để "công nhân" sử dụng mới được xác định là "trái pháp luật". Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng thì là,… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không !
***
Khi tường thuật về thảm án Quảng Đức, rất nhiều tờ báo tại Việt Nam không cho độc giả tham gia bình luận qua Internet. Đối với những tờ báo tiếp nhận – giới thiệu ý kiến độc giả thì số lượng bình luận đột nhiên khiêm tốn một cách khác thường. Chẳng hạn tin Đặng Văn Hiến bị phạt tử hình trên tờ Người Lao Động chỉ có hai bình luận. Cả hai đều không tán thành bản án. Độc giả Hoàng Trung Sỹ cho rằng, chưa thể đóng lại thảm án này vì Hội đồng xét xử chưa khách quan, bỏ qua nguyên nhân sâu sa dẫn tới thảm án.
Phản ứng của công chúng qua mạng xã hội khác hẳn diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thống.
Dẫn lời khai của một nhân chứng trước tòa trong phiên xử thảm án Quảng Đức được tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật hôm 2 tháng 1 (Nếu đất bị thu hồi, vườn tược bị phá, có mặt tại đó và có súng, nhân chứng cũng siết cò), Hoai Nam Nguyen nêu thắc mắc : Ai chống lưng cho Công ty Long Sơn ? Đó cũng là thắc mắc chung của nhiều người suốt từ cuối năm ngoái đến nay nhưng hệ thống công quyền không trả lời. Dường như đó chính là lý do nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam tán thành hành động của ông Hiến, ông Bình, ông Trường. Dường như chỉ ở Việt Nam mới có chuyện đồng cảm, tán thành hành vị "giết người" như vậy !
Ngô Nguyệt Hữu – một trong những nhà báo từng tham gia thu thập thông tin, tường thuật về Công ty Long Sơn hồi năm ngoái – nhận định, bản án chỉ giải quyết phần ngọn, không thấy bóng dáng trách nhiệm của hệ thống công quyền. Những Hiến, Bình, Trường vì nghèo mà trôi giạt đến Đắk Nông, ba người chết và 13 người bị thương – những "công nhân" kiểu Chí Phèo trong tay Bá Kiến – cũng nghèo… Giờ, chỉ còn khói nhang cho người đã khuất, thời gian dài dằng dặc cho những người bị dồn đến cùng đường mà nổ súng, không biết ngày mai sẽ nhìn mặt trời theo hướng nào. Bạo lực giờ như một xu thế, theo Ngô Nguyệt Hữu, bạo lực sinh ra từ những mâm cao, cỗ đầy, rượu tuôn như suối, từ những cái bắt tay dưới gầm bàn… Không có những anh A ở tỉnh, những anh B ở huyện thì làm gì có công ty nào dám hành xử như Công ty Long Sơn.
***
Bàn về thảm án Quảng Đức, nhiều người nguyền rủa Công ty Long Sơn nhưng liệu giới lãnh đạo công ty này có đúng là những kẻ thủ ác ?
Ở Đắk Nông từng có một scandal khác nhưng vì thiếu tiếng súng, thiếu người chết nên ít ai nhớ.
Hồi 2006, các ông : Đặng Văn Thuyết, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Đình Tám chia nhau mua 12 héc ta đất ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông. Họ làm nhà, lập rẫy mà không hề biết đất mình đã mua "thuộc" Lâm trường Thuận Tân.
Cả ba gia đình cư trú, trồng trọt trên 12 héc ta đó suốt chín năm và Lâm trường Thuận Tân không làm gì cả. Đến tháng 4 năm 2015, Ban Giám đốc Lâm trường Thuận Tân quyết định "giao" 12 héc ta đất của ba gia đình vừa kể cho ông Đào Văn Dũng. Ông Dũng ra lệnh cho ba gia đình phải rời khỏi khoảnh đất ông mới được "giao". Tất nhiên là họ không chịu.
Ông Dũng đã bỏ 700 triệu để mướn Đinh Văn Đức – một trùm du đãng thay ông đuổi người, phá nhà. Từ đầu tháng 5 năm 2015, những kẻ lạ mặt bắt đầu hăm dọa ba gia đình của các ông : Đặng Văn Thuyết, Nguyễn Văn Dự, Nguyễn Đình Tám. Rồi xe hai bánh gắn máy của ông Tám, bồn chứa nước của nhà ông bị đập nát... Cả ba gia đình báo cho công an xã nhưng công an xã chỉ ghi nhận rồi để đó.
Bất lực trước du đãng, công an thì làm ngơ, sau một ngày làm rẫy, các ông Thuyết, Dự, Tám chỉ tạt về nhà thăm vợ con rồi tới nhà người khác ngủ nhờ. Họ hi vọng khi nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ con, du đãng sẽ nhẹ tay…
Tối 19 tháng 5 năm 2015, khoảng 40 du đãng đổ đến rẫy của ông Tám, phá sạch các nọc tiêu. Nạn nhân cấp báo với cả công an xã lẫn công an huyện nhưng cả hai cấp cũng chỉ tiếp nhận rồi làm ngơ. Chiều 20 tháng 5, du đãng quay trở lại nhà ông Tám, lôi mẹ và vợ ông ra đánh thị uy và dọa sẽ đốt sạch.
Đến rạng sáng 21 tháng 5 năm 2015, du đãng quay lại nhà ông Tám, đuổi mẹ, vợ và các con ông Tám ra ngoài, bắt hai người phụ nữ đếm xem trên xe vận tải đi theo có bao nhiêu can xăng, sau đó đổ xăng đốt nhà rồi bỏ đi. Mẹ và vợ ông Tám lao vào dập lửa... Khoảng 30 phút sau không thấy đám cháy. Du đãng quay lại đổ xăng đốt nhà thêm một lần nữa và đứng giám sát cho tới khi lửa đã lan rộng mới bỏ đi.
Vợ ông Tám kể với báo giới rằng, bà xin du đãng cho vào nhà để lấy một ít quần áo ấm cho đám trẻ nhưng bị từ chối, cuối cùng, thấy lũ trẻ rúm ró vì lạnh, một trong những du đãng tham gia đốt nhà vứt cho mấy đứa trẻ một tấm chăn mỏng.
Ông Tám không chỉ mất nhà mà còn mất toàn bộ tài sản vì tất cả đã bị đốt thành tro. Hai ngày sau khi đốt nhà ông Tám mà ông Thuyết, ông Dự vẫn chưa dọn nhà, bỏ rẫy. Tối 23 tháng 5 năm 2015, du đãng đổ tới đập bỏ đồ gia dụng, dùng cưa cắt bỏ các cột cho mái sụp xuống rồi đổ xăng đốt nhà ông Thuyết và ông Dự.
Bị công chúng chỉ trích kịch liệt vì để du đãng lộng hành, công an tỉnh Đắk Nông mới chịu tìm bắt 22 du đãng. Năm 2016, 22 du đãng và ông Đào Văn Dũng – người thuê du đãng bị phạt tù vì "hủy hoại tài sản công dân".
Dẫu mọi thứ đã rõ ràng nhưng liệu ông Đào Văn Dũng có thực sự là kẻ thủ ác ?
Không có "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" thì có xảy ra chuyện "giao" đất, "giao" rừng một cách tùy tiện đẩy nhiều cá nhân và nhiều gia đình vào tuyệt lộ hay không ? Nếu tam quyền phân lập, có sự tách biệt rạch ròi giữa lập pháp (làm luật), hành pháp (quản lý, điều hành theo qui định pháp luật), tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử một cách độc lập, không bị chỉ đạo, chi phối bởi tổ chức Đảng cùng cấp) để cả ba giám sát lẫn nhau thì lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo huyện Tuy Đức, lãnh đạo xã Quảng Đức có thể ngồi nhà theo dõi phiên xử thảm án Quảng Đức hay không ?
Trong khi phân quyền được nhân loại xem là nguyên tắc cần tôn trọng và thực thi để bảo đảm công bằng xã hội thì tại sao giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại thù ghét "tam quyền phân lập" đến mức, tháng 11 năm ngoái, ban hành Quy định 102 QĐ/TW, nhấn mạnh, sẽ khai trừ tất cả những đảng viên đòi thực thi định chế này ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/01/2018
****************************
Vụ án Đặng Văn Hiến : Dư luận không đồng tình (VNTB, 07/01/2018)
Trải qua hai ngày xét xử sơ thẩm vào ngày 03/01/2018, Tòa án tỉnh Dak Nong đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi. xã Tuy Đức, huyện Quảng Trực, tỉnh Dak Nong) với cáo buộc giết người, trong một vụ án xả súng làm 03 người chết để chống cướp đất và bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, đông đảo dư luận bày tỏ không đồng tình bản án bởi nó quá nặng đối với bị cáo Hiến…
Ông Đặng Văn Hiến trong phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh : Minh Quý/Zingnews
Ngày 02& 03/01/2018 vừa qua, đông đảo giới truyền thông và dư luận cà nước hướng về tỉnh Dak Nong, nơi đang diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án giết ngườì gây chấn động dư luận vào hồi năm 2016. Nếu đây là một vụ án giết người do ân oán cá nhân thì không có gì phải đáng bàn nhưng sực thực là một vụ xả súng để chống cướp đất, bảo vệ tính mạng gia đình và xóm làng.
Qua tìm hiểu của Việt Nam Thời Báo (VNTB) vụ án bắt đầu từ năm 2008, tỉnh Dak Nong cho Công ty Long Sơn thuê hơn 1000 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong phần đất cho thuê này có phần đất tranh chấp với các hộ gia đình Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường trồng điều và cà phê từ lâu.
Tranh chấp đất đai căng thẳng diễn ra từ nhiều năm qua, Công ty Long Sơn nhiều lần cho xe ủi đến phá vườn tược của các hộ dân, sẵn sàng dùng côn đồ dưới đanh nghĩa là nhân viên của công ty được trang bị đầy đủ khí cụ để đánh đập người dân. Người dân khổ sở đi khiếu nại từ các cấp chính quyền ở Dak Nong cho đến việc lặn lội ra tận Trung ương để cầu cứu nhưng rồi đâu cũng về lại chổ cũ. Người của công ty Long Sơn ngày càng lộng hành, ác bá hơn.
Ngày 23/10/2016, phó giám đốc công ty Long Sơn là ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu đã cùng hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy vườn điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác. Với khí thể hung hãn, bao vây, ném đá và đe đọa gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Để bảo vệ tài sản gia đình và vợ con, ông Hiến đã dùng đến súng hoa cải bắn chỉ thiên để nhóm người của Công ty Long Sơn dừng ném đá. Tuy nhiên, nhóm người của công ty Long Sơn vẫn không dừng hành vi côn đồ, ông Hiến chạy vào nhà vừa cố thủ vừa bắn vào nhóm người này. Thời điểm này, anh Trường cũng có mặt tại hiện trường với vai trò tiếp đạn cho ông Hiến. Đang ở nhà nghe tin người của công ty Long Sơn đang cướp đất và phá tài sản nên ông Bình đã cầm súng chạy sang nhà ông Hiến hỗ trợ. Kết quả là ông Hiến và ông Trường đã bắn chết 03 người làm bị thương 13 người của công ty Long Sơn. Sau khi gây án, ông Hiến và ông Trường trốn chạy xuống Bình Phước.
Tại Bình Phước, ông Hiến nhờ ông Diện dùng điện thoại gọi tổng đài để đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Vì lẽ này nên ông Diện phạm vào tội che giấu tội phạm. Ông Hiến và ông Trường sau vài ngày trốn chạy đã ra đầu thú.
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm, chiều ngày 03/01/2018, Tòa án tỉnh Dak Nong đã tuyên phạt :
- Ông Đặng Văn Hiến tử hình- tội Giệt người
- Ông Ninh Viết Bình 20 năm tù giam- tội Giết người
- Ông Hà Văn Trường 12 năm tù giam- tội Giết người
- Ông Đoàn Văn Diện 9 tháng tù giam- tội Che giấu tội phạm
- Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu 6 năm tù giam-tội Hủy hoại tài sản
- Ông Phạm Công Thiện 4 năm tù giam- tội Hủy hoại tài sản.
Ngay sau bản án sơ thẩm Tòa tuyên,đông đảo người dân tham dự phiên xử cũng như dư luận khắp nơi theo dõi phiên xử qua báo đài –truyền thông mạng bày tỏ quan điểm cho rằng bản án tử hình dành cho ông Hiến là quá nặng, không đồng tình.
Anh Huynh, một người dân ở Tuy Đức đã chia sẻ với VNTB về ý kiến cá nhân của anh đối với bản án đã tuyên cho ông Hiến.
"Theo quan điểm tôi, mặc dù tôi là người dân không có đất đai gì tranh chấp với công ty Long Sơn. Tôi thấy người dân sinh sống ở đấy rất lâu, trước khi có sự xuất hiện của công ty Long Sơn, thậm chí có khi tỉnh Dak Nong này chưa có (tách tỉnh) thì người dân đã vào đó thâm canh rồi…".
"Quan điểm của tôi, anh Hiến gây tội như vậy là do người ta đến nhà áp bức. Theo tôi được biết, diện tích đất của gia đình anh Hiến chính xác tôi được nghe từ một người ngày trước làm ở sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Dak Nong đi đo đạc để giao đất cho công ty Long Sơn thì anh này nói với tôi rằng ; khi ảnh đi đo đất giao cho công ty Long Sơn thì vườn điều ấy đã cao lớn, khu vực ấy nằm ngoài dự án, không nằm trong dự án của công ty Long Sơn. Cho nên tôi thấy hội đồng xét xử tuyên mức án tử hình nó không phủ hợp, anh Hiến ảnh cũng ra đầu thú, tiếp nữa ảnh phạm trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vì gia đình vợ con bị đe dọa, một mình ảnh phải chống lại ba mươi mấy người nếu như tôi đặt trường hợp rơi vào tình cảnh ấy cũng sẽ làm như vậy".
Vì lý do công việc nên anh Huynh không có mặt tại Tòa án vào ngày thứ hai của phiên xử, tức ngày tuyên án 03/01. Anh Huynh có tham dự vào ngày khai mạc, tại đây anh Huynh nhận xét tinh thần của 03 người bị tuyên án tử hình :
"Tinh thần của những bị cáo, đặc biệt với 03 bị cáo chính thì người ta vẫn bình thường, không run sợ, nhìn nét mặt tôi hiểu là người ta muốn gửi gắm một điều rằng ; người ta không muốn phạm tội như vậy nhưng vì người ta bị ép quá, bị dồn vào đường cùng nên người ta mới làm như vậy".
Để xã hội vô pháp vô thiên là sự yếu kém về mặt lãnh đạo, để một nơi mà côn đồ lên ngôi thì bạo lực là lối hành xử trong cuộc sống là lẽ tất nhiên. Ông Hiến, ông Trường, ông Bình và nhiều hộ dân ở Tuy Đức trong sống cảnh "con giun xoắn lắm cũng phải quằn" để rồi kết quả "Ai cho tao làm người lương thiện ?
Minh Hải
*****************
Dân giữ đất can đảm hơn qua án tử hình ở Đắk Nông (RFA, 05/01/2018)
Tòa án tỉnh Đắk Nông, vào chiều ngày 3 tháng Giêng năm 2018 tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, người đã nổ súng chống công ty tư nhân lấy đất của dân hồi tháng 10 năm 2016. Bản án này bị dư luận chỉ trích là một bản án bất nhân và không có công lý.
Ba bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường tại phiên tòa sơ thẩm ở Đắk Nông. Courtesy : zing.vn
Phản đối quyết định của Tòa án
Truyền thông trong nước đưa tin hàng chục người dự phiên tòa sơ thẩm đối với 3 bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường và những người khác cùng vụ việc đã gây náo loạn sau khi Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên án vào chiều thứ Tư, ngày 3 tháng Giêng.
Ba bị cáo vừa nêu lần lượt lãnh các bản án tử hình, 20 năm tù giam và 12 năm tù giam với cáo buộc giết người vì đã nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, trong cuộc tranh chấp đất với Công ty tư nhân Long Sơn tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Những người phản đối các bản án, mà họ cho là quá nặng và không thỏa đáng, là thân nhân của 3 bị cáo cùng với người dân địa phương. Họ mong muốn Tòa án tỉnh Đắk Nông phải xem xét lại mức án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến và cần phải xử lý hành vi xem thường pháp luật của Công ty Long Sơn. Dân chúng sinh sống tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ việc nổ súng xảy ra là do Công ty Long Sơn đã đàn áp và phá hoại tài sản của người dân.
Tranh chấp giữa Công ty Long Sơn và các hộ dân ở tiểu khu 1535 xảy ra do Công ty Long Sơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê đất để làm dự án nông lâm nghiệp, nhưng được yêu cầu chờ chính quyền xử lý phần diện tích tranh chấp với các hộ dân. Tuy nhiên, Công ty Long Sơn vào chiều ngày 23 tháng 10 năm 2016 cho hơn 30 nhân viên được trang bị hung khí cùng xe ủi, xe máy cày đến phá hàng trăm cây điều của hai gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và Hoàng Văn Thắng nên mới xảy ra cớ sự.
Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm 2013, Công ty Long Sơn cũng đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân trong khu vực của dự án với hình thức tương tự và Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức đã ra quyết định đình chỉ việc cưỡng chế. Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từng đích thân đến địa phương để thị sát và đã chỉ đạo ngừng cưỡng chế.
Qua bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, dư luận thắc mắc vì sao Tòa án tỉnh Đắk Nông không suy xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trước hành vi xem thường pháp luật trong thời gian dài của Công ty Long Sơn.
Báo mạng Dân Việt, vào ngày 4 tháng Giêng dẫn lời của Luật sư Nguyễn Thế Truyền, thuộc Công ty Luật Thiên Thanh rằng sự thờ ơ và vô cảm của cán bộ được giao trách nhiệm ở địa phương đã dẫn đến hệ lụy này. Luật sư Nguyễn Thế Truyền còn nhấn mạnh việc tuyên án tử về mặt pháp lý là không sai, nhưng đã không xem xét đến hoàn cảnh xảy ra vụ việc cũng như chưa xem xét yếu tố lỗi của bị hại và chưa thực hiện đúng chính sách khoan hồng của pháp luật khi bị cáo đầu thú và thành khẩn khai báo.
Quyết hy sinh tính mạng để giữ đất
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có những người từng khuyên nhủ các bị cáo ra đầu thú bày tỏ sự thất vọng trước bản án tử hình dành cho bị can Đặng Văn Hiến. Qua trang Facebook của Quốc Ấn Mai, chúng tôi được biết chủ tài khoản Facebook này là một phóng viên trong thời điểm vụ nổ súng ở Đắk Nông xảy ra và anh cũng là người đã khuyên nông dân Đặng Văn Hiến nên đầu thú. Qua phiên tòa sơ thẩm đối với ông Đặng Văn Hiến và 2 bị cáo khác, Facebooker Quốc Ấn Mai bày chia sẻ day dứt trong lòng anh luôn đối diện với câu hỏi của những người dân ở tiểu khu 1535 rằng nếu nhà báo rơi vào tình cảnh chúng tôi thì sao, khi những đơn thư gửi lên các cấp chính quyền đều rơi vào im lặng ? và nhà báo sẽ phản ứng thế nào nếu có vợ mang thai mà bị bảo vệ Công ty Long Sơn đánh tới chết ?
Câu hỏi dành cho chính mình của Facebooker Quốc Ấn Mai là "nếu một thời gian dài bị cướp bóc và chứng kiến người thân bị cướp bóc, tôi sẽ làm gì ?" được cụ Lê Đình Kình, đại diện cho người dân Đồng Tâm trả lời :
"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả".
Và những dân oan ở Thủ Thiêm, Sài Gòn hồi năm ngoái từng tuyên bố sẽ hy sinh cả mạng sống để giữ đất nói với RFA họ theo dõi phiên tòa ở Đắk Nông với tâm thế mà họ đã dự liệu được bản án được tuyên sẽ thế nào. Một dân oan Thủ Thiêm cho biết :
"Khi biết tin họ xử ép những người dân oan thì tinh thần của dân oan càng lên cao hơn. Tại vì không khi nào tòa án bênh vực cho người dân oan hết. Tòa án bây giờ là chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhóm lợi ích, phải bênh cho nhóm lợi ích, chứ không tuân theo luật pháp nữa. Chuyện đó là chúng tôi biết trước rồi, lường hết những gì xấu nhất có thể xảy ra. Phiên tòa này kể như càng kích động và xúi giục dân phải can đảm hơn và đấu tranh quyết liệt đến cùng".
Trong khi không ít cư dân mạng lên tiếng về bản án tử hình tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông cho rằng nó thể hiện sự răn đe của chính quyền đối với những người dân chống trả lại việc cưỡng chế đất sai trái, đang xảy ra tràn lan khắp nước, thì cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định, qua trang Facebook cá nhân nhận định nạn cường hào, ác bá và cướp đất ngày nay nghiêm trọng hơn thời Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và ông cũng cảnh báo hãy đừng quên vai trò cốt lõi của nông dân trong các biến động xã hội trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam cận đại đã ghi lại vụ án xảy ra ở đồng Nọc Nạn, Bạc Liêu gần một thế kỷ trước, gia đình nông dân Biện Toại phải chiến đấu không cân sức với bọn cường hào và lực lượng Phú Lang Sa cầm quyền để bảo vệ đất khẩn hoang của gia đình. Lịch sử Việt Nam thời hiện đại, ghi lại các vụ án tương tự của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Hải Phòng ; gia đình thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, ở Thạnh Hóa, Long An và mới nhất là các gia đình nông dân ở Đắk Nông. Trong khi Tòa án Thực dân Pháp trước kia tuyên trắng án cho nông dân Biện Toại, còn các nông dân như anh em Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường bị Tòa án Nhân dân của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên những bản án dành cho tội phạm giết người.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 05/01/2018