Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2018

Nguyễn Phú Trọng chà đạp lên hiến pháp

Người Buôn Gió

Quy định 105 do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam ban hành, không những trái với những quy định trước đó về nhân sự do trung ương nhất trí, mà nó còn trái với cả hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

hp1

Hiến pháp nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều kỳ lạ là từ quốc hội, ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam và cả người dân, các cơ quan truyền thông không một ai bày tỏ sự phản dối việc làm vi hiến này của Nguyễn Phú Trọng (1).

Theo như quyết định mới mà Nguyễn Phú Trọng ban hành, thì mọi quyền hành đều thuộc về đảng. Việc phong hàm đại tướng, thượng tướng, đô đốc sẽ do Bộ chính trị quyết định. Không chỉ về việc phong hàm này mà nhiều chức danh khác cũng do Bộ chính trị quyết định, từ các chức danh của quốc hội, mặt trận, chủ tịch thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội... đều thuộc Bộ chính trị quyết định.

Các cấp trung tướng, thiếu tướng và chủ tịch các thành phố khác do  Ban bí thư quyết định.

Hiến pháp Việt Nam trước năm 2013 quy định :

- hàm thiếu tướng, trung tướng do Thủ tướng phong. Hàm thượng tướng, đại tướng do Chủ tịch nước phong.

Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định trong điều 86 đến 93 rằng :

- Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc (thiếu tướng - PV), phó đô đốc (trung tướng - PV), đô đốc hải quân (thượng tướng- PV). Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Hiến pháp 2013 được cộng sản Việt Nam ca ngợi là tiến bộ khi lấy ý kiến rộng rãi người dân trước đó.

Bây giờ thì không cần hiến pháp, chỉ bằng một quy định do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành đã thay thế luôn những điều quan trọng trong hiến pháp. Quyền lực của quốc hội và nhà nước đã về tay một đảng dễ dàng, mọi quyết định các chức vụ thuộc nhà nước đều do Bộ chính trị quyết định.

Đây là bước lùi xa dân chủ lớn nhất trong lịch sử cộng sản Việt Nam.

Việc tập trung quyền lực về Bộ chính trị,  Ban bí thư thực ra là tập trung quyền lực vào tay tổng bí thư. Ở Bộ chính trị thì tổng bí thư là người đứng đầu, ở  Ban bí thư thì tổng bí thư đứng thứ hai, nhưng  Ban bí thư là ban giúp việc cho Bộ chính trị, nghiễm nhiên như thế tổng bí thư cũng là người đứng đầu  Ban bí thư chỉ khác về hình thức.

Từ giờ đến đại hội đảng khóa 13 còn một thời gian khá dài, hơn một nửa thời gian. Quy định này tạo cho tổng bí thư, ban bí thư một lợi thế lớn là có điều kiện tuyển chọn tay chân trung thành cho mình qua việc bổ nhiệm.

Để buộc các uỷ viên trung ương, đại biểu quốc hội và các quan chức trong bộ máy chế độ phải chấp nhận quy định trái khoáy này, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng đến uỷ ban kiểm tra trung ương, tổng cục tình báo quân đội, tổng cục an ninh đe dọa những ai phản đối sẽ bị trừng trị bằng mọi cách, kể cả chụp mũ, quy tội. Trong tháng 12 có bốn vị tướng công an bị khám xét nhà, nhưng thông tin không tiết lộ cho báo chí và một số uỷ viên trung ương bị cách chức hoặc bắt phải xin về hưu trước tuổi.

Thượng tướng công an về hưu Nguyễn Văn Hưởng có một bài viết được trên báo chí có tiêu đề : "Sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Dân túy".

Nguyễn Văn Hưởng là viên tướng công an quyền lực nghiêng ngả một thời, Hưởng cũng chính là người đã bị Nguyễn Phú Trọng hất khỏi bộ máy quyền lực. Trong bài viết của mình, tướng Hưởng viết về chủ nghĩa dân túy trên thế giới phát triển. Trong bài viết có đoạn :

- Thứ nhất, các nhà lãnh đạo dân túy được bầu nhờ hứa hẹn và theo đuổi những chính sách "được lòng" dân chúng trong ngắn hạn nhưng không hợp lý, không thực tế trong dài hạn, thậm chí không thể làm được hoặc gây nhiều hậu quả nếu áp dụng. Thứ hai, các nhà lãnh đạo dân túy lấy cơ sở ủng hộ là một nhóm chủng tộc, sắc tộc nào đó chiếm ưu thế, trong khi có xu hướng phân biệt chủng tộc với các nhóm bản sắc dân tộc khác. Thứ ba, các nhà lãnh đạo dân túy thường đề cao quyền lực cá nhân, coi thường các thiết chế chính trị truyền thống như Đảng phái, Quốc hội, Tòa án, Báo chí (2). 

Người đọc sẽ nghĩ rằng tướng Hưởng đang viết về thế giới, nhưng nếu nhìn ở góc độ khác so sánh với những diễn biến Việt Nam xảy ra gần đây. Bài viết của tướng Hưởng nếu nói rằng nhằm đến hiện trạng của Việt Nam cũng không sai. Đặc biệt là nhằm vào những hành động của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Phú Trọng có những điểm tương đồng những điểm mà tướng Hưởng nêu ra, như hứa hẹn việc chống tham nhũng để lấy lòng dân ngắn hạn, nhưng không thực tế trong dài hạn vì vẫn theo đuổi mô hình đảng trị, một mô hình đẻ ra tham nhũng. Thứ hai Nguyễn Phú Trọng cũng tận dụng nhóm vùng miền tập trung phần lớn ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc vốn mang nặng bảo thủ chủ nghĩa xã hội, nhóm này đang chiếm ưu thế trong trung ương để đối chọi với nhóm tư bản thân hữu và nhóm miền Nam. Thứ ba Trọng cũng đề cao quyền lực cá nhân, coi thường các thiết chế chính trị truỳen thống, thậm chí không những coi thường mà Trọng còn qúa coi thương khi chà đạp lên mọi thứ bằng những quy định mà Trọng đặt ra như quy định 105 đang nói ở đây, cũng như nhiều quy định và thiết chế khác chẳng hạn như hiến pháp.

Nguyễn Phú Trọng dồn hết sức để tăng cường quyền lực cho mình trong 3 năm tới, thời gian của nhiệm kỳ Trọng làm tổng bí thư. Ở tuổi 74 Trọng sẽ trở thành một ông vua quyền lực tuyệt đối trong đảng và trên đất nước. Nhưng không hẳn vì 3 năm quyền lực âý mà Trọng chà đạp lên cả hiến pháp, có lẽ Nguyễn Phú Trọng còn tính những nước dự phòng sâu xa hơn. Chẳng hạn như tiến đến nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba, một xu hướng mà các nước độc tài có dấu ấn cộng sản còn tồn tại ngày nay đang thực hiện. Như Cuba, Bắc Hàn, Nga, Trung Quốc, Iran và một số nước độc tài khác.

Nếu như không đạt được mục tiêu ấy, Trọng cũng dựng lại một chế độ mà đảng cộng sản toàn trị độc tài, quyền lực tập trung vào người kế cận mà Trọng lựa chọn. Trong những năm cuối đời, nếu không được làm vua thì Trọng sẽ làm Thái Thượng Hoàng thực thụ đầy quyền uy.

Cuộc đua tranh để làm vị vua kế vị Trọng đã bắt đầu trước đây một năm, nhưng sau quy định 105 này, cuộc đua tranh sẽ xảy ra còn quyết liệt hơn giữa những ứng cử viên kế vị. Hai ứng cử viên khả năng nhất hiện giờ là Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng. Mỗi ứng cử viên đều có thế mạnh riêng, như Nguyễn Xuân Phúc có nhiều sân sau giàu có hậu thuẫn, Trần Quốc Vượng không nhiều sân sau bằng Phúc, nhưng lại có những chuyên môn tương đồng với Trọng, cái mà Phúc không có. Còn nhiều những điểm mạnh, yếu giữa hai ứng cử viên này nếu cân đong đo đếm khá tương đồng nhau. Chính vì sự tương quan này của các ứng cử viên, quyền lực của Trọng càng mạnh bởi y sẽ là người quyết định ai là ứng cử viên khi hai ứng cử viên bằng phiếu nhau.

Những âm mưu quyền lực của lãnh đạo cộng sản khóa 12 sẽ còn diễn ra nhiều gay cấn, nhưng điều quan trọng nhất những người dân chớ mải mê dõi theo mà quên mất một điều. Cộng sản Việt Nam đang chà đạp lên hiến pháp, quốc hội bằng những quy định của đảng trưởng đảng cộng sản Việt Nam.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 05/01/2018

(1) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-chinh-tri-quyet-dinh-viec-thang-quan-ham-dai-tuong-421074.html

(2) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/tuong-huong-du-bao-2018-tiem-an-nhieu-bat-on-va-xung-dot-420909.html

Quay lại trang chủ
Read 781 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)