Thành phố Sài Gòn, nơi mệnh danh hòn ngọc viễn đông một thuở, có thể nói rằng hiện tại, điều dễ nhận thấy nhất nơi đây là nạn kẹt xe và ngập lụt, buổi sáng đi ra đường, cảm giác như mình đang đi trong một tổ mối và mỗi người là một con mối thợ, trôi lăn theo nhịp chảy của Sài Gòn. Nạn kẹt xe, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình và kinh tế của thành phố. Giải quyết nạn kẹt xe, dường như chính quyền Sài Gòn bất lực. Nhưng thiết nghĩ, với biện pháp dưới đây, có thể hi vọng Sài Gòn hết kẹt xe ?
Giải quyết nạn kẹt xe, dường như chính quyền Sài Gòn bất lực.
Cũng xin nói thêm, trước đây, thành phố Hà Nội giải quyết kẹt xe bằng cách nâng giờ làm việc từ 7g30 sáng lên 8g30 và giờ nghỉ trễ đi một giờ. Thậm chí áp dụng trên cả nước. Điều này gây phản ứng mạnh trong nhân dân và nhanh chóng thất bại. Bởi kiểu tư duy bao cấp vẫn còn quá nặng trong đầu của người nghĩ ra ý tưởng này, thậm chí đó là một kiểu chuyên chế, áp đặt phi khoa học.
Ở đây, tôi muốn nói đến kế hoạch "dân Sài Gòn cùng chung tay giải quyết nạn kẹt xe". Kế hoạch này đơn giản nhưng phải đạt được sự đồng thuận từ phía nhân dân. Điều này không dễ mà cũng không khó, đơn giản là ngay từ đầu nó phải đảm bảo công bằng, không có tính áp đặt và nó dân chủ. Muốn dân Sài Gòn chung tay giải quyết kẹt xe, phải thực hiện kế hoạch "cùng chia giờ làm".
Hiện tại, với dân số trên 15 triệu dân nếu tính luôn cả các lao động từ các tỉnh khác đến tá túc làm việc, Sài Gòn thực sự bức bách, ngột ngạt và bế tắc về nạn kẹt xe. Nhưng nếu chia giờ làm việc có tính luân phiên thì nạn kẹt xe sẽ giảm, thậm chí sẽ biến mất nếu như ngành giao thông Sài Gòn làm việc có khoa học hơn.
Ở khía cạnh chia giờ làm việc. Tất cả các cơ quan, công xưởng tại Sài Gòn phải tuân thủ một qui định chung, đó là chia mỗi tháng thành ba múi giờ làm việc khác nhau, gồm 10 ngày cho múi giờ 7g30 đi làm, 10 ngày cho múi giờ 8g30 đi làm và 10 ngày cho múi 9g30 đi làm. Giờ kết thúc ngày làm việc cũng nâng tỉ lệ với giờ đi làm. Và chia thành từng nhóm, nghĩa là người quản lý đô thị phải nghiên cứu, chia thành từng nhóm công việc, nhóm cơ quan, phân bổ múi giờ và bắt buộc nhóm công việc, cơ quan, công xưởng, bệnh viện, trường học… tuân thủ.
Một khi tất cả các cơ quan trong hệ thống kinh tế Sài Gòn tuân thủ luật chơi này, thì chí ít, trong một giờ đồng hồ, sẽ có gần 70% người lao động không cần tất tả chạy ngoài đường cho kịp giờ mà chỉ có những người của ca làm việc đó đi ra đường hoặc các bà đi chợ, xe bus, khách du lịch, người bỏ mối hàng… Mà tất cả những bà đi chợ, người bỏ mối hàng, ông xe ôm hay bà đi chợ không bao giờ là đối tượng làm kẹt xe ở Sài Gòn.
Sài Gòn chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm, giờ công nhân, công chức, học sinh, sinh viên tan tầm. Trường hợp này, nếu chia lại múi giờ đến nơi và giờ trở về cho các nhóm công việc, cơ quan thì lượng người lưu thông sẽ giảm đi 70%, nạn kẹt xe sẽ giảm đáng kể. Còn cách làm như thế nào, chia làm sao cho hợp lý và không xảy ra chuyện bất công hay bất cập, cái này thuộc về trách nhiệm của người quản lý, họ bắt buộc phải làm được điều này, nếu không làm được thì nên từ chức, nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, vấn đề chia thời lượng đèn giao thông tại Sài Gòn cũng là chuyện đáng bàn. Giả sử có hai ngã tư liền kề, cách nhau chưa đầy 500 mét, mà ở ngã tư này thì để đèn đỏ 45s, ngã tư kia thì đèn đỏ 25s, chắc chắn đoạn đường đó phải bị kẹt xe. Bởi bên chờ 45s thì ùn ứ xe, đến khi đi qua cho hết 45s xanh thì bên ngã tư kế tiếp đã hết giờ xanh, chuyển sang đỏ ở 20s sau rồi mới xanh trở lại. Ùn tức, tắt nghẽn sẽ xảy ra.
Nhưng thành phố Sài Gòn hiện tại có những cụm ngã tư chia thời lượng đèn xanh đèn đỏ rất khôi hài, ngành giao thông nên xem lại, chia cho có khoa học hơn. Quan sát thành phố Sài Gòn, có không dưới 10 cụm ngã tư đèn xanh đèn đỏ bị chia thời gian kiểu này. Và tất cả những cụm ngã tư chia thời gian như vậy đều là đầu mối của kẹt xe.
Nạn ngập lụt, cũng không phải khó xử lý, nhưng tôi sẽ nêu ở một bài viết khác. Vấn đề hiện tại, nhà quản lý Sài Gòn phải có một biện khoa học, nghiêm túc và triệt để nhằm giải quyết kẹt xe. Phải chia như thế nào để lúc 6h30 đến 7g30, chỉ có 33,3% người lao động, công chức ra đường đến cơ quan, sau đó một giờ đồng hồ, sẽ có tiếp 33,3% công chức, người lao động đến cơ quan làm việc, và sau đó một giờ đồng hồ nữa, lại có 33,3% công chức, người lao động ra đường làm việc.
Giờ kết thúc công việc cũng theo tỉ lệ này. Và điều này hoàn toàn không khó để làm, có thể làm một cách nhịp nhàng, hợp lý và được lòng dân nếu như nhà quản lý đủ năng lực và tâm huyết để làm. Tôi khẳng định một lần nữa là việc giải quyết nạn kẹt xe tại thành phố Sài Gòn không khó một chút nào, chỉ thiếu những nhà quản lý thực sự có tâm huyết và năng lực để giải quyết chuyện này.
Và điều này cũng không làm ảnh hưởng đến nhịp sống của người dân, khi đi vào qui cũ, người dân lại cảm thấy thoải mái bởi không bị mắc kẹt giữa đám đông khói bụi và tiếng ồn. Tiếng ồn trong thành phố cũng giảm đáng kể. Các học sinh, sinh viên và trẻ em đến trường cũng sẽ thấy thuận lợi, rất thuận lợi nữa là khác. Vấn đề cốt lõi vẫn là một kế hoạch thực sự nghiêm túc và khoa học. Tôi khẳng định lại là kế hoạch này không phức tạp, không tốn kém.
Thậm chí khi đi vào nhịp ổn định, kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của Sài Gòn cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Bởi tình trạng đi làm lúc 6h mà đến cơ quan lúc 10h do kẹt xe không còn xảy ra, hoặc người đi cấp cứu cũng không còn quá nguy hiểm tính mạng khi bị kẹt xe. Nhìn chung, chỉ cần chia múi giờ, chia khối cơ quan một cách khoa học, tâm huyết và đừng bao giờ nghỉ đến chuyện chấm mút, tham ô hay móc ngoặt trong kế hoạch này, Sài Gòn sẽ thành công trong việc giải quyết nạn kẹt xe.
Tôi đi dạo một vòng thành phố Sài Gòn, điều tôi nhìn thấy là thành phố này vẫn rất năng động, thân thiện, gần gũi và đầy sinh khí. Nhưng rõ ràng nó thiếu hẳn những nhà quản lý tâm huyết, biết suy nghĩ cho nhân dân và cho một thành phố tốt đẹp trong tương lai. Từ xây dựng đến giải quyết ngập lụt đều có vấn đề, thành phố này cần có một chiến lược tổng thể để giải quyết các bất cập và phát triển. Nếu giữ nguyên tình trạng hiện tại, sẽ chẳng bao lâu nữa Sài Gòn sẽ thành một thành phố chết vì nạn bội thực dân số, bội thực vấn nạn và chậm phát triển.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 07/01/2018 (VietTuSaiGon's blog)