Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2018

Bắc Triều Tiên là nước nghèo nhất trong nhóm các nước phát triển

Théo Clément

Trong trò chơi "ai có nút bấm to nhất ?", chính Kim Jong-un là người thắng cuộc. Cũng tương tự trong trò chơi "ai là người táo tợn nhất ?", lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc áp đặt thời khóa biểu cho tổng thống Mỹ hiện là người theo đuôi Kim Jong-un. Sau khi Kim Jong-un đề xuất gửi một phái đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội ở Hàn Quốc, Donald Trump vào cuối tuần trước đã tuyên bố "hoàn toàn" sẵn sàng gọi điện thoại tới Bình Nhưỡng.

btt1

Các phái đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đàm phán về việc đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng đến tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang, Bàn Môn Điếm ngày 15/01/2018. Reuters

Phần 1 : Món quà "bằng vàng" cho Moon Jae-in

Trong quá trình thực hiện chiến lược của mình và bất chấp các sức ép của Hoa Kỳ, Kim Jong-un chưa bao giờ mất đi nụ cười. Thế là "lửa và cuồng nộ", nếu như không đổi bên, thì ít ra cũng bị đẩy sang phía Washington. Làm cho Bắc Triều Tiên lớn mạnh trở lại. Được Donald Trump giúp đỡ, chế độ Bắc Triều Tiên đã trở thành bậc thầy trong lĩnh vực tuyên truyền, quan hệ công chúng.

Mở cửa cho nhà báo rộng rãi hơn khu tự trị Tây Tạng, Bắc Triều Tiên đã liên tục mời truyền thông nước ngoài tới, trong những năm gần đây. Do vậy, 70 nhà báo đã có thể tới theo dõi việc phóng "vệ tinh quan sát" hồi tháng 04/2012, mở đầu cho một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo với kết quả là Bắc Triều Tiên làm chủ được vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 05/2016, Bắc Triều Tiên còn mời 130 nhà báo tới đưa tin về Đại hội Đảng Lao Động.

Tiệc rượu cocktail, đường trượt băng mới và bắn tên, dường như đã mang lại hiệu quả. Bắc Triều Tiên sử dụng đan xen sức mạnh mềm và đe dọa. Dù vậy, người ta vẫn biết rất ít về điều kiện sinh sống của người dân Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, sau nhiều tháng bế tắc ngoại giao, một tia nắng mới dường như đang dọi vào quan hệ Liên Triều.

Nhân chủ đề này, ông Théo Clément, nghiên cứu sinh trường Ecole Normale Supérieure tại Lyon, và từng có một thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Stephane Lagarde, báo mạng Asialyst chuyên về thời sự châu Á cho rằng đã đến lúc thế giới nên thay đổi cách nhìn về Bắc Triều Tiên. RFI Việt ngữ xin giới thiệu toàn văn bài viết này.

Asialyst : Việc một phái đoàn Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc đã được thảo luận vào ngày 10/01/2018, tại trụ sở của Ủy Ban Olympic Quốc Tế ở Lausanne. Ông có ngạc nhiên về thông báo này mà Kim Jong-un đưa ra trong bài diễn văn nhân dịp năm mới hay không ?

Théo Clément : Theo truyền thống, diễn văn đầu năm, ngày 01/01 thường nói đến quan hệ của Bình Nhưỡng với miền Nam. Do vậy, đề xuất thiện chí của Kim Jong-un không phải là một điều bất ngờ. Ngược lại, điều gây ngạc nhiên là đề xuất được đưa ra vào lúc tình hình rất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Kim Jong-un tìm cách dấn thêm một bước gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn. Đó chính là cách khu biệt một vấn đề cụ thể (ở đây là vấn đề Thế Vận Hội) trong một bối cảnh cụ thể : đó là đối thoại Bắc-Nam và gạt hẳn Hoa Kỳ sang một bên.

Asialyst : Cuối cùng thì Kim Jong-un đã đáp lại đề xuất thiện chí của đồng nhiệm Hàn Quốc…

Théo Clément : Đúng là Kim Jong-un đã tặng tổng thống Hàn Quốc một món quà đẹp. Sau khi lên cầm quyền với tuyên bố là sẽ hòa giải hai miền Triều Tiên, Moon Jae-in đôi khi bị xem là một tổng thống yếu thế. Giờ đây, Kim Jong-un dâng tặng ông ý tưởng hai miền xích lại gần nhau. Moon Jae-in đủ thông minh để nắm bắt lấy cơ hội này. Nhờ vậy, chỉ trong có ba ngày, tỷ lệ được lòng dân của ông đã tăng vọt, lên tới 72%.

Asialyst : Dường như phía Seoul gần như thở phào nhẹ nhõm. Điều hiếm thấy là dân Hàn Quốc lo ngại về diễn tiến các sự kiện trong những tháng gần đây, đặc biệt là những động thái múa may của Donald Trump…

Théo Clément : Trong mọi trường hợp, về phía Bình Nhưỡng, không có gì thay đổi cả. Bắc Triều Tiên vẫn nhất quán trong chính sách của họ. Có một sự khác biệt về mức độ, chứ không phải là về bản chất giữa chiến lược mà Kim Jong-un đang tiến hành so với chiến lược của cha ông, Kim Jong Il. Do đó, tình trạng bấp bênh ngờ vực là do Hoa Kỳ gây ra và do một vị tổng thống - nói thẳng là ít đáng tin cậy – gây ra.

Đương nhiên, việc thiếu lòng tin vào một người - theo đúng từ ngữ ông ta dùng - có một "nút bấm ra lệnh tấn công nguyên tử to hơn" thật đáng lo ngại. Còn một vấn đề khác nữa, đó là Hàn Quốc không có tiếng nói trong hồ sơ nguyên tử. Kim Jong-un đã thành công trong việc tách vấn đề quan hệ Bắc-Nam được xử lý trực tiếp với Seoul, ra khỏi vấn đề nguyên tử đang là chủ đề đọ sức với Hoa Kỳ.

Asialyst : Hiện nay, một số người ở Hàn Quốc, nhất là giới nghiên cứu giảng dạy đại học mong muốn thực hiện một chương trình răn đe hạt nhân…

Théo Clément : Hàn Quốc có công nghệ và kỹ năng cần thiết để phát triển một chương trình như vậy. Đối với Seoul, đó không phải là một thách thức công nghệ, mà là quyết định chính trị. Câu hỏi được đặt ra phải chăng dân Hàn Quốc là những người đầu tiên bị bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên đe dọa ?

Cá nhân tôi nghĩ là không. Bình Nhưỡng chưa bao giờ gắn vấn đề thống nhất Triều Tiên với chương trình nguyên tử. Bắc Triều Tiên coi Hàn Quốc là một phần lãnh thổ của họ bị Mỹ chiếm đóng. Thế thì tại sao họ lại tàn phá san bằng nơi mà họ coi là lãnh thổ của mình ?

Tôi hiểu là Bắc Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa, nhưng tôi không thấy rõ là việc ném bom nguyên tử xuống Hàn Quốc thì mang lại lợi ích gì cho Bình Nhưỡng ? Và chúng ta cũng thấy phản ứng nhậy cảm của Trung Quốc khi Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD.

Asialyst : Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ trước đã ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp Kaesong. Vậy phải chăng những tín hiệu giảm căng thẳng này cho thấy Seoul muốn áp dụng trở lại chính sách "Vầng thái dương" ?

Théo Clément : Cho đến lúc này, tình hình chưa tiến triển đến mức ấy. Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố ủng hộ việc nối lại hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên và các nhà ngoại giao đang xem xét chuẩn bị cho khả năng. Tuy vậy, sự hợp tác này trở nên rất khó khăn do việc gia tăng các trừng phạt kinh tế sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Nếu hai miền quyết định mở lại khu công nghiệp Kaesong, chắc chắn điều này đi ngược lại lệnh cấm vận đối với Bắc Triều Tiên. Do vậy, cần phải nghĩ tới các dàn xếp, sửa đổi nhưng có nguy cơ là Hoa Kỳ không đồng ý.

Trong khi chờ đợi, việc gửi một phái đoàn Bắc Triều Tiên tới dự Thế Vận Hội ở Hàn Quốc là một động thái vượt ra bên ngoài khuôn khổ thể thao. Người được chỉ định đàm phán về hồ sơ tham dự Olympic là đại tá Ri Son Won, đó là tổng thư ký ủy ban thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên, thành viên Tiểu ban đối ngoại Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Nếu Bắc Triều Tiên muốn cử một chuyên gia về các vấn đề thể thao, thì họ sẽ chọn lãnh đạo ủy ban Olympic quốc gia. Đối với tôi, việc chỉ định này là dấu hiệu cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên muốn đi xa hơn.

Asialyst : Đó là cơ hội tốt đối với Kim Jong-un ?

Théo Clément : Kim Jong-un là kẻ đã thắng trong những tháng căng thẳng gần đây. Điều này trở nên dễ dàng do Trung Quốc chơi trò nước đôi, sự yếu kém của chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản thì không còn gì để nói với Bắc Triều Tiên. Cuối cùng, Kim Jong-un cũng đã lợi dụng được tình trạng thê thảm của ngoại giao Hoa Kỳ.

*****************

btt2

Quang cảnh cuộc đàm phán liên Triều tại Bàn Môn Điếm về việc Bình Nhưỡng gởi đoàn nghệ thuật tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang, ngày 15/01/2018. Reuters

Phần 2 : Những đánh giá sai lầm của Hoa Kỳ và Phương Tây

Trong phần 2, giáo sư Théo Clément trình bày tiếp những cách nhìn lệch lạc của phương Tây về chuyện nội tình Bắc Triều Tiên, các chính sách không rõ ràng của chính phủ Pháp hiện nay, những đánh giá sai lầm của các nhà ngoại giao Mỹ cũng như là mối quan hệ "bấp bênh" và đầy tính "phức tạp" giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Asialyst : Phải chăng Mỹ đã đánh giá thấp khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên ?

Théo Clément : Rõ ràng là các nhà ngoại giao Mỹ không ngờ rằng Bắc Triều Tiên tiến nhanh như vậy. Giới nghiên cứu còn đang tự hỏi là Bình Nhưỡng đã làm thế nào để tiến nhanh như vậy. Việc sản xuất nhiên liệu cho tên lửa có thể đã được thực hiện ở trong nước trong lúc người ta nghĩ rằng Bắc Triều Tiên phải nhập khẩu. Và nếu Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất nhiên liệu thì họ có thể chế tạo các vật liệu nhậy cảm khác và điều này giúp thúc đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tên lửa. Vấn đề không hề rõ ràng chút nào.

Trong mọi trường hợp, điều này góp phần làm cho các trừng phạt trở nên kém hiệu quả, bởi vì người ta không biết một cách chính xác Bắc Triều Tiên đã có thể tự sản xuất được gì ở trong nước. Trong một thời gian dài, người ta đã chế giễu Bắc Triều Tiên rằng tên lửa của họ nổ tung ngay ở dàn phóng ; giờ đây, điều này không làm ai vui đùa nữa. Bắc Triều Tiên có các kỹ sư và nhà khoa học có trình độ rất cao.

Asialyst : Chế độ Bắc Triều Tiên dường như đã đạt được các mục đích của mình trong lĩnh vực hạt nhân. Họ cũng giỏi về tuyên truyền, thông tin. Hồ sơ hạt nhân ngự trị cuộc thảo luận và đã làm người ta quên nói đến bản chất của chế độ hoặc cuộc sống thường ngày của người dân…

Théo Clément : Đúng vậy và người ta thấy được điều đó ở mọi cấp độ. Ví dụ, tôi nhận thấy điều đó trong nghiên cứu ở trường đại học. Nếu ngày mai, tôi làm một dự án nghiên cứu không nói đến bom nguyên tử thì dự án đó có nguy cơ không được nhiều người quan tâm đến.

Tôi có một đồng nghiệp là nhà nhân chủng học và anh mong muốn nghiên cứu về các ngôi làng chài. Tất cả mọi người đều nói với anh rằng không có các làng chài ở Bắc Triều Tiên. Người ta có xu hướng quên rằng đó cũng là một quốc gia có các trường đại học, các nguyên tắc về dân số và những đặc trưng của nhân chủng học như mọi Nhà nước.

Người ta vẫn thường xuyên không nhìn nhận Bắc Triều Tiên như là một quốc gia thực thụ. Vả lại, nước Pháp rất bị cô lập trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Pháp là một trong những nước hiếm hoi không công nhận Bắc Triều Tiên như một Nhà nước. Trong Liên Hiệp Châu Âu, chỉ có Pháp và Estonia không công nhận. Khi bước vào những năm 2000, các nhà ngoại giao Pháp đã có lập trường ủng hộ sự công nhận này.

Vào lúc đó, đã có chút le lói mở cửa kinh tế tại Bắc Triều Tiên và nhiều nước châu Âu đã muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng. Rất tiếc là Pháp đã không đi theo. Hiện nay, Pháp chỉ có một văn phòng hợp tác với hai nhân viên, phụ trách các vấn đề nhân đạo và văn hóa. Tôi nghĩ là giờ đây người ta ân hận bởi vì khó có thể thiết lập các mối liên hệ trong bối cảnh hiện nay.

Asialyst : Đã xa rồi cái thời kỳ François Mitterrand đến thăm Kim Nhật Thành hồi tháng 02/1981…

Théo Clément : Đúng là rất xa rồi. Nếu như xem xét những tuyên bố gần đây của Emmanuel Macron hay của Jean-Yves Le Drian, người ta cảm thấy không có một khoảng lùi cần thiết để đánh giá về tình hình. Nước Pháp vẫn theo đuôi bám sát các cuộc thảo luận của khối phương Tây, đó là những cuộc thảo luận của Hoa Kỳ về vấn đề này.

Asialyst : Phải chăng người ta cảm thấy bị nhầm lẫn nhiều về Bắc Triều Tiên ?

Théo Clément : Đúng thế, bởi vì trong một thời gian dài, người ta coi đó là một nước thuộc khối phương Đông (các nước xã hội chủ nghĩa theo Liên Xô cũ) như những quốc gia khác. Thế nhưng, trên thực tế, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ nằm trong khối đó. Có nhiều công trình của giới nghiên cứu lục tìm trong khối tài liệu lưu trữ của Nga hoặc của các nước trước đây theo nền dân chủ nhân dân và nhận thấy, đúng là Bắc Triều Tiên theo chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng họ có tư tưởng riêng và có những nét xã hội riêng. Người ta đã nhìn Bắc Triều Tiên dưới lăng kính phóng đại chống cộng, nhưng thực ra đó là một chế độ khác.

Asialyst : Vậy Bắc Triều Tiên là gì ? Một triều đại đỏ ?

Théo Clément : Đó là một chế độ gần gũi với các nền dân chủ nhân dân, đi kèm với sự chuyển giao quyền lực cha truyền con nối và điều này giúp tránh được sự đoạn tuyệt đã từng xẩy ra trong Liên Xô cũ giữa Staline (được coi là người bạn của Bắc Triều Tiên) và Krouchtchev (bị coi là kẻ phản bội). Trong hồi ký, Kim Nhật Thành giải thích rằng thông qua sự chuyển giao năng động này, người dân Triều Tiên đã tìm ra cách thức bảo đảm sự tiếp nối liên tục chính sách của chế độ và tính chính đáng của bộ máy quyền lực, tránh được chủ nghĩa xét lại và cải lương. Đương nhiên, đây cũng là chế độ gia đình trị.

Asialyst : Trong số những định kiến về cuộc sống khó khăn tại Bắc Triều Tiên, người ta hay nói đó là một vương quốc khép kín : Phải chăng người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít, không biết gì xẩy ra ở bên ngoài ?

Théo Clément : Người dân Bắc Triều Tiên biết rất rõ những gì xẩy ra ở bên ngoài. Vì đã có những cuộc thảo luận dài với các sinh viên, tôi nhận ra rằng đương nhiên họ có cách nhìn riêng và tiếp cận hạn chế với văn hóa phương Tây. Đó là một đất nước rất bất cân xứng về thông tin, nhưng điều này không ngăn cản người dân có được thông tin về những gì xẩy ra ở Hoa Kỳ hoặc chẳng hạn họ rất say mê văn hóa Pháp.

Đôi khi họ có những hiểu biết làm tôi hoang mang. Ví dụ, họ biết rất rõ các mạng xã hội tại phương Tây vận hành như thế nào cho dù họ chưa bao giờ sử dụng. Văn hóa phương Tây thâm nhập vào Bắc Triều Tiên, hoặc là bị chính quyền kiểm duyệt hoặc là nhỏ giọt để rồi cuối cùng góp phần tạo ra một dạng nhận thức vụn ghép về những gì đang xẩy ra ở bên ngoài.

Asialyst : Chế độ của Kim Jong-un có ổn định không ?

Théo Clément : Mọi chỉ dấu cho thấy chế độ đó ổn định. Người ta có thể giả định rằng cho dù trong tương lai, Trung Quốc tỏ ra kiên quyết hơn trong vấn đề trừng phạt, cho dù Bắc Kinh đóng cửa biên giới, chế độ Bắc Triều Tiên vẫn sống sót. Tình hình kinh tế hiện nay vững chắc hơn hồi xẩy ra nạn đói trong những năm 1990. Ngay cả khi người dân phải ăn cỏ như Putin nói, thì chế độ dường như vẫn trụ lại được.

Asialyst : Tuy nhiên, gần đây, người ta thấy vụ đào thoát ngoạn mục của một binh sĩ Bắc Triều Tiên chạy qua khu vực phi quân sự dưới làn đạn. Trước đây có các nữ tiếp viên trong các nhà hàng tại Trung Quốc chạy sang Hàn Quốc hoặc nhân vật số hai của sứ quán Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn đào tẩu…

Théo Clément : Đúng là có chuyện người lính trẻ làm nghĩa vụ quân sự và dường như đã tại ngũ được 5 năm. Anh ta đang ở giữa chừng thời kỳ hết nghĩa vụ, một thời điểm quan trọng đối với triển vọng nghề nghiệp của anh ta. Phải chăng người ta đã nói với anh ta là còn phải tiếp tục bê bết như vậy trong quân đội thêm 5 năm nữa trước khi quay về quê làm ruộng ? Dẫu sao thì đây cũng là trường hợp rất hiếm.

Nhìn chung, số người đào thoát giảm kể từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền. Vả lại, đó là cũng là một chỉ số tốt về tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên. Đất nước hoàn toàn không còn ở tình trạng như những năm 1990 nữa.

Mitsuhiro Mimura, người Nhật, giảng viên nghiên cứu đại học, thường xuyên tới Bắc Triều Tiên, biết rất rõ nước này và nói rằng Bắc Triều Tiên là nước nghèo nhất trong nhóm các quốc gia phát triển. Trong những năm gần đây, kinh tế Bắc Triều Tiên đã được cải thiện rất nhiều và chế độ không tìm cách chuyên môn hóa sản xuất mà ngược lại, tìm cách sản xuất rất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp để có thể tự chủ được.

Asialyst : Với những dự án vĩ đại mà chế độ phô trương…

Théo Clément : Đúng thế. Có những dự án được phô trương như đường trượt tuyết trên núi Masik hay "phố tương lai" ở Bình Nhưỡng, nhưng đó là tình trạng cây che khuất rừng đấy. Nếu đi về nông thôn, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều xe máy kéo đang hoạt động, đường xá tuyệt vời và nhiều thành phố đang chuyển đổi… Tất cả gắn liền với chính sách mở cửa, cũng như với cơ cấu thị trường nội địa của Bắc Triều Tiên.

Trong nạn đói ở những năm 1990, người dân Bắc Triều Tiên đã học cách tự xoay xở mà không cần đến Nhà nước. Có những mạng lưới kinh tế ít nhiều không chính thức và trong một chừng mực nào đấy được chính quyền khuyến khích. Đất nước Bắc Triều Tiên giống như bậc thang lên núi. Càng lên phía bắc, thì càng cao. Do vậy, cần phải để cho hàng hóa lưu thông bởi vì không thể sản xuất tất cả các loại hàng hóa ở cùng một chỗ. Ví dụ, nông phẩm từ vùng duyên hải và phía nam tới và cần phải đưa hàng hóa vào miền trung.

Asialyst : Vai trò của Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc ra sao ?

Théo Clément : Với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên có nhiều kênh trao đổi hàng hóa chính thức, hợp lệ, nhưng cũng có những kênh "xám" hoặc bất hợp pháp. Bắc Triều Tiên ít nhiều khuyến khích nền kinh tế không chính thức này. Trung Quốc cũng vậy và tìm cách phát triển "vành đai công nghiệp" Đông Bắc (Dongbei) bao gồm các tỉnh ở phía đông bắc Trung Quốc.

Asialyst : Các đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên đang ở đâu ?

Théo Clément : Năm 2002, đợt cải cách dưới thời Kim Jong Il đã kéo theo làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên. Vào cuối những năm 90, chỉ có một doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay, có khoảng 120 doanh nghiệp Trung Quốc. Ngược lại, từ năm 2015, người ta nhận thấy đầu tư Trung Quốc giảm do căng thẳng gia tăng. Người ta không rõ liệu có phải do Trung Quốc không tính đến những khoản đầu tư này nữa hay không trong các số liệu thống kê và qua đó che dấu các trao đổi kinh tế với Bắc Triều Tiên hay phải chăng các số liệu nói trên đúng với thực tế.

Asialyst : Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh chơi trò gì trong quan hệ với Bình Nhưỡng ?

Théo Clément : Bắc Kinh trong tình thế bấp bênh về ngoại giao cực kỳ phức tạp. Trung Quốc duy trì lập trường chờ đợi nhằm giữ cho tình hình ổn định. Họ nói đang thực hiện các trừng phạt nhưng các xe tải có thể được phép hoặc không vẫn tiếp tục đổ về khu vực bờ sông Áp Lục (Yalu), biên giới giữa hai nước. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc hiểu rõ rằng gây áp lực với Bắc Triều Tiên không phải là một giải pháp. Bình Nhưỡng tìm cách kéo dài sự bền vững của các cơ cấu chính trị thông qua chính sách răn đe hạt nhân và một nước Bắc Triều Tiên bị cô lập, suy yếu thì còn nguy hiểm hơn là một nước Bắc Triều Tiên khỏe mạnh về kinh tế.

Stéphane Lagarde

(thực hiện phỏng vấn cho trang mạng Asialyst)

Quay lại trang chủ
Read 794 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)