Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2018

Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Madeline Brennan

Biến đổi khí hậu đe doạ sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam. Hành động nhanh có thể ngăn ngừa những thiệt hại tồi tệ nhất.

khihau1

Ảnh minh họa - Flickr/ katiebordner

Kể từ khi đưa ra các cải cách tự do hóa kinh tế vào những năm 1980, Việt Nam đã dần dần khôi phục lại nền kinh tế non trẻ của mình từ những tàn tích của cuộc chiến tranh kéo dài trên bán đảo Đông Dương trong gần hai thập kỷ. Trong 30 năm qua, cải cách kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về thương mại trong khu vực, mở đường cho việc cải tổ kinh tế thông qua tăng cường hợp tác thương mại và hội nhập vào nền kinh tế chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, đối với một quốc gia phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp để tăng trưởng kinh tế, thay đổi khí hậu đe doạ làm giảm đi các tiến bộ kinh tế đạt được trong thập kỷ với việc đe dọa nghiêm trọng đến nước, lương thực và an ninh năng lượng, và do đó, ảnh hưởng đến sức mạnh mới của Việt Nam.

Việt Nam chia sẻ nguồn lợi từ hệ thống sông Mekong với các quốc gia láng giềng Trung Quốc, Myanmar, Lào và Campuchia. Mỗi quốc gia đều có lợi ích đặc biệt trong việc duy trì sông Mekong do vai trò của nó trong sản xuất nông nghiệp và các tuyến thương mại đông nam mà nó tạo ra. Tuy nhiên, do địa lý ven biển thấp, đồng bằng sông Cửu Long được xem là một trong những đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Nhiệt độ trung bình được dự đoán sẽ tăng ít nhất là hai độ vào cuối thế kỷ này, với sự thay đổi lớn về lượng mưa đe dọa gây lũ lụt hơn 40% đồng bằng sông Cửu Long và 3% của đồng bằng sông Hồng. Bên ngoài sông Mekong, biến đổi khí hậu dự kiến ​​sẽ làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của điều kiện thời tiết cực đoan, bao gồm hạn hán, mưa bất thường và bão.

Tác động của biến đổi khí hậu đang bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam. Giữa năm 2015 và 2017, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán lịch sử làm suy giảm trồng trọt. Đồng thời, xâm nhập mặn ở nhiều vùng khác của nước này đã làm ô nhiễm nước uống, gây tình trạng mất nước ngọt ở diện rộng. Nếu xu hướng tiếp tục diễn ra, sản xuất nông nghiệp ở Châu Á dự báo ​​sẽ giảm một nửa trong vòng 30 năm tới, làm cho an ninh lương thực khu vực gặp rủi ro.

Một nghiên cứu về những tác động thương mại của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo ở Việt Nam năm 2030 cho thấy nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do hậu quả của sự mất an ninh nước, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang một nền kinh tế phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng. Các dự đoán tương tự cho thấy sự tăng giá lương thực quốc gia do biến đổi khí hậu sẽ trùng khớp với việc giảm thương mại, điều này có thể dẫn đến những lệnh cấm xuất khẩu tương tự lệnh cấm xuất khẩu gạo của quốc gia trong năm 2008. Mất ổn định liên quan đến tài nguyên và bất ổn có thể tăng và lan rộng khắp khu vực theo cách tương tự như cuộc khủng hoảng giá lương thực trong giai đoạn 2007-2008.

Các nhà phân tích tin rằng những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với ngành nông nghiệp sẽ dẫn đến sự suy giảm trong nhiều lĩnh vực khác, tạo ra sự mất việc làm trên diện rộng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị, gây thêm căng thẳng và tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng mỏng manh và nguồn lực mỏng của các thành phố công nghiệp hóa, dân cư đông đúc nhất ở Việt Nam. Nó cũng có thể làm tăng di dân xuyên biên giới khi các cá nhân tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn và an ninh việc làm ở các nước láng giềng. Điều này không chỉ đe dọa làm giảm sự ổn định của nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam, mà còn đe dọa làm gia tăng luồng di dân ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khắc phục biến đổi khí hậu nhưng vẫn duy trì các nhượng bộ về kinh tế được thực hiện dưới tên giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phần lớn là trách nhiệm của các quốc gia phát triển. Tâm lý này được củng cố bởi niềm tin rằng việc duy trì các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, chủ yếu dựa vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, là một phần không thể tách rời trong tăng trưởng kinh tế và thương mại khu vực của Việt Nam, với lợi ích quốc gia "ngày càng được đầu tư vào mô hình hiện đại hóa".

Mặc dù những tác động của biến đổi khí hậu dường như không làm giảm được những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và phát triển gần đây của đất nước, điều này không nhất thiết phải xảy ra. Để hòa giải mong muốn tăng trưởng kinh tế với những thiệt hại về môi trường mà nó có thể gây ra, chính phủ phải có những giải pháp toàn diện hơn để giảm thiểu rủi ro, làm giảm tác hại và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều này đòi hỏi một cách suy nghĩ mới, cũng như sự chuyển đổi nhiều ngành, bao gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và nước. Các chính sách kinh tế hướng đến tự do hóa thương mại, sẽ giúp Việt Nam tạo ra ngoại hối cần thiết để mua lương thực trên thị trường toàn cầu trong trường hợp khủng hoảng an ninh lương thực xảy ra. Điều này sẽ rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng khẩn cấp nhân đạo. Trong khi đó, các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và các kỹ thuật nông nghiệp ít sử dụng năng lượng sẽ nâng cao năng lực thích ứng của đất nước, đồng thời làm giảm rủi ro. Cuối cùng, đa dạng hóa năng lượng sẽ không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà còn có thể thu hút đầu tư nước ngoài cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế của một quốc gia trải qua quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững hơn.

Madeline Brennan

Nguyên tác : Mitigating the Effects of Climate Change in Vietnam,

The Diplomat, 20/01/2018

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 22/01/2018

Madeline Brennan là biên tập viên của Viện Hòa bình Quốc tế (International Peace Institute) ở New York.

Quay lại trang chủ
Read 748 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)