Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/01/2018

Thôi, đừng khóc nữa làm gì !

Quê Hương

Vừa là những đảng viên cộng sản, vừa là những lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn, Tổng công ty quan trọng của Nhà nước nhưng rất nhiều trong số 22 bị cáo của vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khi quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) đã bật khóc "ngon lành" tại tòa án khiến không ít dư luận cho đây là những giọt nước mắt yếu mềm, nhục nhã và thật trái ngược khi đem so sánh hình ảnh họ với hình ảnh khí khái của những Tù nhân lương tâm, cựu tù nhân lương tâm khi đối diện với bản án tù…

thoi1

Bị cáo Vũ Đức Thuận khóc nghẹn khi nói lời sau cùng (Ảnh : TTXVN)

Sau 10 ngày xét xử sơ thẩm vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và cùng 20 bị cáo khác đã có hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn PVN và Tổng Công ty PVC, Hội đồng xét xử Tòa án Hà Nội tuyên bố chấm dứt phần tranh luận chuyển sang phần nghị án.

Đảng viên cộng sản khóc trước tòa án

Trước khi nghị án và tuyên án vào ngày 22/01/2018 thì vào ngày 17/01 vừa qua, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cuối. Theo ghi nhận của báo đài-truyền thông tường thuật phiên xử, có rất nhiều bị cáo vừa nói lời sau cuối vừa khóc "ngon lành", nào là xin được tha tội, nào là ân hận và xin giảm hình phạt…v.v…

thoi2

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bật khóc tại Tòa (ảnh : TTXVN)

Tờ báo mạng Soha đã liệt kê một số hình ảnh như : Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến vừa khóc vừa nói mình đã làm khổ vợ, khổ con, tỏ rất ăn năn về những lỗi lầm mình đã gây ra, than kể con bị bệnh hiểm nghèo, vợ sức khỏe không tốt. Cũng như bị cáo Tiến, bị cáo Phạm Tiến Đạt và bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh cũng vừa khóc vừa nói lời sau cuối là thành thật nhận những sai phạm mà bản thân gây ra, xin lỗi và nhận trách trách nhiệm, mong được giảm hình phạt để trở về lo cho mẹ già và con thơ, tiếp tục đóng góp cho xã hội. Còn bị cáo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC khóc nỉ nót, than kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, lo ngại mức án từ 18 – 19 năm tù thì sẽ không còn cơ hội trở về để phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ, con cái không nhận ra cha. Bị cáo Vũ Đức Thuận-nguyên Tổng giám đốc PVC đã khóc đến nổi nói không thành lời. Trong khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người bị Viện kiểm sát để mức án chung thân đã khóc nhiều lần, nói lời xin lỗi đến Đảng và đặc biệt là đối với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuối cùng là bị cáo Đinh La Thăng, tuy không biểu lộ một khuôn mặt khóc lóc nhưng cũng nghẹn ngào nói lời sau cuối là mong được thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo có thể chăm sóc bố bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo và cho bị cáo được ăn Tết vui vẻ với gia đình, bạn bè, người thân rồi sau đó sẽ chấp hành án phạt tù. Đặc biệt vào ngày 13/01/2018, vào cuối buổi xét xử, ông Thăng đã nói nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù.

Những lời hối hận, xin lỗi có kèm theo những giọt nước mắt của các bị cáo được các phóng viên săn đón, đăng đầy trên các mặt báo đài Việt Nam, chắc chắn ít nhiều cũng làm nao lòng một số người. Bằng chứng là từ trang mạng xã hội Facebook có lời kêu gọi thu thập chữ ký để thả tự do cho Đinh La Thăng. Suy cho cùng đây cũng là cái tình người, người Việt Nam cũng có đặc tính dễ tha thứ, nhân hậu và hiền hòa thậm chí có trường hợp đánh chết kẻ trộm chó lại đi tha thứ cho những kẻ hại dân hại nước âu đây cũng là diễm phúc cho những người lầm đường đã biết khóc trước khi nhận bản án phải trả.

Tuy nhiên, cũng đông đảo dư luận Việt Nam cho rằng những giọt nước mắt của các bị cáo qua đó thể hiện sự yếu mềm và nhục nhã bởi vì dám gây tội thì nhận hình phạt chứ khóc lóc xin tha thứ làm gì ? Là Đảng viên cộng sản tự hào đánh thắng đế quốc Pháp, Mĩ khi chưa bị bắt thì có người từng hét ra"lửa" nay sao lại chảy nước mắt khi đứng trước tòa án ?

Đối nghịch khí khái của những người cùng là bị cáo

Chưa hết, hình ảnh của các bị cáo này còn được dư luận Việt Nam đem so sánh với hình ảnh khí khái của những cựu tù nhân lương tâm đứng trước tòa, đối diện với cường quyền, đối diện với bản án mà vẫn toát lên nét hiên ngang :

Đầu tiên phải kể đến hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị nhà cầm quyền ở Long An kết án theo Điều 88 Bộ luật hình sự là "Tuyên truyền chống nhà nước".

Đối diện với bản án tù, hai sinh viên đã thể hiện sự hiên ngang, dám làm dám nhận chứ không hề tỏ ra chút sợ hãi, đứng thẳng đáp :

"Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm"-Lời của Nguyễn Phương Uyên-"Việc tôi làm thì tôi chịu, xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, tươi sáng hơn".

thoi4

Sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.

Còn lời của Đinh Nguyên Kha : "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống Đảng cộng sản. Mà chống Đảng thì không phải là tội".

Phương Uyên đã mãn án tù và hiện đang đi du học. Còn Đinh Nguyên Kha thì vẫn đang còn tiếp tục thụ án hình sự ở trại giam Xuyên Mộc.

Hoặc mới đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, bất chấp bản án 09 năm tù giam và 05 năm quản chế khi bị nhà cầm quyền Hà Nam tuyên y án sơ thẩm nhưng bà Nga vẫn khẳng định mình chỉ chống Đảng cộng sản chứ không chống Nhà nước và dân tộc.

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Hà Nam hôm 22/12/2017

Và một nhà hoạt động nữ khác, tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã hiên ngang đối diện với bản án tù 10 năm chứ không thừa nhận những việc làm của mình là có tội hoặc xin khoan hồng.

Hay các tù nhân lương tâm Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng dù biết phải mang bản án nặng nề vì hoạt động đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam nhưng trước tòa hai ông đều khẳng định sẵn sàng đón nhận cái chết vì đất nước.

Phát ngôn trước tòa đanh thép, ngắn gọn nhất có lẽ là của Blogger Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng. Ông Nhất đã nói : "Có loại tù làm người ta nhục nhã nhưng cũng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang"

Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ nhà cầm quyền" cùng với những thanh niên công giáo ở Vinh cũng thể hiện một khí phách can trường trước tòa : "Tôi chấp nhận tất cả những gì mà chế độ này đè nén, chấp nhận tất cả những hình phạt miễn sao công lý và sự thật được hiện diện tại đất nước Việt Nam này !"

Mãn án tù giam xong, cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật tiếp tục con đường hoạt động và hiện đang đứng trước nguy cơ có thể bị bắt bỏ tù lần hai.

Và cuối cùng là tù nhân lương tâm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Trước vành móng ngựa tại Tòa án Hà Nội, ông Vinh dõng dạc tuyên bố mình vô tội, chứng minh những việc làm mình là đúng đắn và chấp nhận tù tội hoặc chết vì nó.

"Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận".

Hầu hết những cựu tù nhân lương tâm hoặc tù nhân lương tâm khi đứng trước vành móng ngựa Tòa án, ngoài vẻ mặt hiên ngang, khí khái hoàn toàn không có giọt nước mắt nào đã đổ hoặc ân hận, xin lỗi như các bị cáo trong vụ án PVN và PVC.

Khóc làm gì ?

Vì vậy khóc làm gì khi mà trên khắp đất nước Việt Nam mỗi một người dân dù mới sinh ra đều phải gánh một món nợ công gần 30 triệu đồng trong đó có phần tội lỗi của các anh (bị cáo) ?

Khóc làm gì khi mà trẻ em miền cao đi học phải đu dây đặng vượt sông suối để đến trường, mùa đông rét buốt không có áo ấm để mặc và thiếu ăn trong khi các anh lại làm thất thoát đến hàng ngàn tỷ đồng hết sức lãng phí ? Phận gánh mưu sinh của hàng triệu dân Việt để kiếm từng đồng cắt để đóng thuế lại không bằng tích tắc thời gian các anh "tham ô".

Các anh khóc có lẽ vì ân hận cho những tội lỗi của mình đã gây ra nhưng người dân sẽ khóc nhiều hơn các anh rất nhiều bởi phải gánh những hậu quả nghiêm trọng mà các anh đã để lại. Giọt nước mắt nào khi các anh chia chác bỏ tiền vào túi riêng, phủi đi niềm tin của người dân giao phó.

Thôi đừng khóc nữa ! Hãy giữ những giọt nước mắt này cho lương tâm có lẽ tốt cho người dân hơn.

Quê Hương

Nguồn : CaliToday, 19/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 668 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)