Chỉ vài ngày sau khi ra mắt chiến lược mới của Ngũ Giác Đài đặt trọng tâm vào sự cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang có cơ hội để bắt đầu thực thi chiến lược mới.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis thảo luận về Chiến lược An ninh Quốc gia mới. Ảnh chụp ngày 19/1/2018 tại Washington. (AP Photo/Jacquelyn Martin)
Ông Mattis đang ở Jakarta, Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến đi kéo dài 1 tuần cũng sẽ đưa ông tới Việt Nam. Cả Việt Nam và Indonesia đều đang hiện đại hóa quân đội của mình và đã tìm cách cưỡng lại các tuyên bố chủ quyền có tính lấn át của Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, ông Mattis ra mắt Chiến lược Quốc phòng phác họa một nỗ lực mới nhằm chuyển trọng tâm sự chú ý từ cuộc chiến chống khủng bố sang "sự cạnh tranh nước lớn" với Trung Quốc và Nga.
Trên chuyến bay trực chỉ Jakarta, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo :
"Điều mà chúng tôi tìm kiếm là một thế giới trong đó chúng ta có thể giải quyết những vấn đề mà không hủy hoại niềm tin nơi nhau, một thế giới trong đó chúng ta không xâm phạm lãnh thổ của các nước khác, như trong trường hợp Nga".
Phân tâm
Chính phủ của Tổng Thống Obama trước đây đã tìm cách tái cân bằng lực lượng và cổ vũ hợp tác kinh tế để xoay trục sang Thái Bình Dương, rõ ràng là để đương đầu với một nước Trung Quốc hùng mạnh và hung hăng hơn.
Tuy nhiên chiến lược xoay trục trở nên phức tạp với sự trỗi dậy của Nhà Nước Hồi giáo và mối đe dọa do các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên tiếp tục đặt ra, trong khi vẫn phải đương đầu với những thách thức toàn cầu còn lại.
Bộ trưởng Mattis xác nhận Triều Tiên sẽ là vấn đề được nêu lên trong các cuộc thảo luận của ông tại Việt Nam và Indonesia.
Nỗ lực chống khủng bố và chống Nhà Nước Hồi giáo (IS) có phần chắc sẽ vẫn là trọng tâm tại Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Nước này sẽ phải đương đầu với hiểm họa đặt ra bởi hàng trăm công dân Indonesia từng cầm súng chiến đấu bên cạnh IS ở Syria và Iraq, nay có thể trở về nước.
Vấn đề Biển Đông
Một trọng tâm quan trọng của chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis là Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự và phương tiện khác, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng nhỏ hơn.
Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tại Jakarta, ngày 22/1/2018 (Foto courtesy : Kemlu RI).
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói :
"Các nước nhỏ lẽ ra phải được tôn trọng, và được đối xử y như các nước lớn. Sự tồn tại của mỗi quốc gia là quan trọng bởi vì không nên để diễn ra bất cứ hành vi hiếp đáp nào, hoặc xé bỏ niềm tin của các nước khác".
Ông Mattis nói thêm :
"Điều mà chúng tôi muốn ở đây là một Châu Á hòa bình, thịnh vượng và tự do, với một trật tự khu vực tư do và cởi mở, dựa trên pháp quyền".
Việt Nam có lẽ là đối thủ hay lên tiếng chống đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhất. Trong mấy năm gần đây Việt Nam nhiều lần đối đầu với tàu bè Trung Quốc.
Mặc dù Indonesia ít ồn ào hơn và không coi mình là một nước tranh chấp chủ quyền, thế nhưng Jakarta cũng đã có những động thái nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Năm ngoái, Jakarta đổi tên một vùng biển trong Biển Đông, làm Bắc Kinh giận dữ.
Ông Joseph Felter, giới chức quốc phòng Mỹ hàng đầu đặc trách Đông Nam Á, phát biểu :
"Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của bất cứ nước nào nhằm bảo vệ chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của họ, quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, cũng như quyền được hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Chiến lược lâu dài :
Trong năm qua, vấn đề Biển Đông không xuất hiện trên các hàng tít lớn nhờ sự phối hợp của nhiều yếu tố : Một chính phủ mới ở Philippines dường như ít cứng rắn hơn trong lập trường đối đầu với Bắc Kinh, một nước Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc thuyết phục Trung Quốc hợp tác để tránh một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, và những công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc chậm lại, mặc dù lý do có thể là vì Bắc Kinh đã hoàn tất xây đảo, theo ông Felter.
"Trung Quốc áp dụng một chiến lược dài ngày trong khu vực, và chúng ta cũng cần phát triển một chiến lược để thể hiện sự chân thành của chúng ta trong tư cách một đối tác đáng tin cậy, có thể cung cấp những sự lựa chọn cho các nước khác ".
Một trong những lựa chọn đó là tái tục cuộc đối thoại bốn bên về an ninh", một liên minh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản được hình thành từ năm 2007.
Nỗ lực này nhanh chóng bị mất đà, một phần do những lo sợ của Trung Quốc là liên minh này nhắm mục đích kiềm hãm Bắc Kinh, tuy nhiên các nước trong liên minh 4 bên đã nhóm họp vào tháng 11, lần đầu kể từ khi được hình thành, và một số nhà bình luận đặt câu hỏi : liệu có phải các đối tác đang thảo luận việc hình thành một liên minh " NATO Á Châu " hay không.
"Cơn ác mộng lớn nhất đối với Trung Quốc là một liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii
Ông Alexander Vuving, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, nhận định :
"Cơn ác mộng lớn nhất đối với Trung Quốc là một liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Câu hỏi lớn là, làm thế nào để 4 quốc gia này nối kết các nỗ lực của họ với một số đối tác địa phương mới nổi, như Việt Nam và Indonesia".
Giáo sư Vuving nói liên minh 4 bên không phải là trọng tâm chính, tuy nhiên đó có thể là do cố ý.
Ông nói : "Các nước đó không muốn khích Trung Quốc để gióng lên một hồi chuong báo động ở Bắc Kinh về một chiến lược kiềm hãm mới".
"Vì vậy, tôi nghĩ không nên quá ồn ào với liên minh 4 bên, và duy trì nó trong tình trạng không chính thức".
Nhưng lên tiếng hồi tuần trước cùng với các đối tác bốn bên tại một diễn đàn ở New Delhi, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, mạnh mẽ công kích Trung Quốc là một "lực lượng chuyển đổi có tính cách phá hoại tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Đô Đốc Harris nhấn mạnh : "Chúng ta phải sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn trong năm 2018, chống lại những cách đơn phương thay đổi hiện trạng bằng quyền tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế".
William Gallo
Nguồn : VOA, 23/01/2018