Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/06/2020

Ca ngợi lãnh tụ, tự trả chức và đo lường tốc độ giàu

RFA tồng hợp

Ra sách, báo để tuyên truyền cho ông Nguyễn Phú Trọng : lề lối cũ kỹ, phản tác dụng !

RFA, 26/06/2020

Đầu tiên là sách có nhan đề : ‘Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế’, do Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và Sự thật, xuất bản.

cangoi1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và sách báo viết về ông. RFA Edited

Sau đó là nhiều bài báo đồng loạt đăng bài ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng... Đơn cử là bài đăng cho rằng : ‘Suy nghĩ của tổng bí thư là suy nghĩ của toàn đảng, toàn dân...’ khi cho rằng sau Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị tổ chức tại trụ sở Trung ương Đảng... thì toàn dân đồng lòng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của công tác nhân sự đảng... Trong khi không hề có cuộc khảo sát hay thống kê nào cho thấy, những điều ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra, cùng với suy nghĩ của người dân và ngay cả đảng viên cộng sản hay không ?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, vào ngày 26 tháng 6 nhận định về lề lối tuyên truyền xưa nay mà đảng cộng sản Việt Nam áp dụng :

"Đối với trí thức, thì ngày nay tôi tin là không có một trí thức nào bỏ tiền ra mua sách đó cả. Đó là chỉ báo tốt nhất cho thấy những lời tuyên truyền kiểu đó có hiệu quả hay không ? Và người ta có cần không ? Có nhu cầu tìm hiểu không ? Nhưng mà ở một bộ phận người dân nào đó, ở sâu ở xa chẳng hạn, thì cái đó có thể vẫn còn tác dụng. Nhưng người làm chính trị không phải làm trong thời gian ngắn hạn, nếu người ta muốn thật sự đi vào lòng dân tộc, thì người ta phải nhìn xa hơn rất nhiều. Cho nên nhìn theo hướng đó, có thể nói những loại sách như vậy, vừa không hợp thời, vừa không tốt gì cho dân trí cả, nó phục vụ thuần túy chính trị ngắn hạn, thế thôi".

Có thể nói, sách về chính mình có lẽ là điều mà những nhà lãnh đạo cộng sản, từ xưa đến nay bất kỳ ai làm Tổng bí thư đều có sách. Không chỉ ông Trọng, ông Lê Duẩn cũng có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách...

Truyền thông trong nước khi loan tin cuốn sách viết về Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây cho rằng, nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về người đứng đầu đất nước. Tuy nhiên, cư dân mạng xã hội cho rằng, việc in sách về lãnh đạo đất nước chẳng có giá trị gì cho đất nước, con người Việt Nam, mà đôi khi là việc tiêu tiền của một nhóm người nào đấy vì đơn giản họ nghĩ ra mọi cách để in ấn phẩm như vậy để họ có tiền... vì có thể một nhà xuất bản của nhà nước có ngân sách cho những việc này, nên họ phải in ra, để tiêu tiền vào việc ấy.

Trung tá Vũ Minh Trí, nguyên cán bộ của Tổng Cục 2, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 6 năm 2020, cho biết :

"Cái tờ báo Nhân dân, cũng như những loại sách tuyên truyền đó, đối với tôi là loại mạt hạng, và tôi không bao giờ để tâm. Tôi nghĩ rằng, hầu hết những người có học hành, những người có nhận thức, thì cách tuyên truyền đó hoàn toàn phản tác dụng".

cangoi2

Sách viết về Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Courtesy GĐVN

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho rằng :

"Bây giờ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân Dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi".

Không chỉ viết sách, viết báo để tuyên truyền, ca ngợi lãnh đạo cộng sản... đôi khi chỉ một câu nói được cho là nịnh bợ của cấp dưới cũng được Ban Tuyên giáo chỉ đạo báo chí đăng hàng loạt để tuyên truyền... Như trường hợp Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương hôm 27 tháng 5 năm 2020, cho rằng : "Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc".

Đây cũng là một minh chứng cho thấy, sách viết về người đứng đầu nhà nước Việt Nam hiện nay và lại do Ban Tuyên giáo xuất bản thì sẽ mang tính tuyên truyền, ca ngợi đảng cộng sản và ca ngợi lãnh tụ chứ không phản ánh đúng ý nhân dân. Chắc chắn khi viết về ông Trọng thì không ai dám viết về những mặt trái, những ý kiến trái chiều mà trái ngược với đảng cộng sản. Trong khi người dân Việt Nam ở đâu đó vẫn còn đang ca thán, không đồng tình với đảng cộng sản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định thêm :

"Tất nhiên tất cả những tuyên truyền muốn vào lòng dân thì đầu tiên phải là thật, người ta thấy làm thật, có tác dụng thật. Còn hiện nay nếu nhìn theo khía cạnh thì có quá nhiều hạn chế, ngay cả trong đảng người ta cũng đã nói. ‘Nói một đằng làm một nẻo’, chuyện đó rất bình thường. Ta cứ nhìn vô những vụ án chấn động gầu đây, thì cũng đủ biết người ta ‘nói một đằng làm một nẻo’ như thế nào... Vụ Hồ Duy Hải, đặc biệt là vụ Đồng Tâm, tấn công vào nhà dân, bắn chết người đó, rồi mổ bụng ra... Và bây giờ còn truy tố, họ nói họ đúng, và tuyệt nhiên không có một nguồn tin độc lập để kiểm tra".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, ở Việt Nam không thể có nguồn tin độc lập, tất cả nguồn tin đều từ cơ quan điều tra đưa ra. Vì vậy, những sự việc thực tế xảy ra như thế, thì khó lòng để người dân tin vào những tài liệu tuyên truyền của đảng cộng sản được.

Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 6 năm 2020, cho biết ý kiến của mình :

"Họ vẫn tư duy theo lối cũ, rõ ràng đây là một cách tư duy có từ những năm 60 thế kỷ trước, mà họ vẫn làm, không có gì thay đổi. Bây giờ là thời đại của internet, công nghệ thông tin, thì làm sao nó phù hợp được, trong khi hiện nay thông tin luôn luôn mới trong một thế giới đầy biến động. Bây giờ vẫn cứ nhìn nhận theo một cách áp đặt như thế thì không thể được".

Theo Nhà văn Phạm Đình Trọng, cách tuyên truyền của đảng cộng sản hiện nay là cách cũ, áp đặt, buộc người dân phải chấp nhận, cái mà người ta đã chọn sẵn cho dân. Tuy nhiên theo ông, người dân bây giờ đã thức tỉnh, mỗi người đều có quan niệm, chính kiến riêng, và người dân tự chọn thông tin cho họ, chứ không thể tiếp tục áp đặt được.

Nguồn : RFA, 26/06/2020

********************

Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi "trả chức" sau khi bị kỷ luật

RFA, 26/06/2020

"Từ chức" hay "Thôi giữ chức vụ" ?

Truyền thông quốc nội, trong vài ngày vừa qua, liên tục đăng tải những ý kiến của một số những người quan tâm đến việc cả hai lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt gửi đơn đến Bộ Chính trị xin thôi giữ chức vụ.

cangoi3

Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ. Courtesy : baochinhphu.vn

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch tỉnh trình bày lý do trong đơn xin thôi giữ chức vụ là để tạo điều kiện kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới.

Điều đáng chú là cả hai ông Bí thư Lê Viết Chữ và ông Chủ tịch Trần Ngọc Căng đều bị kỷ luật, với hình thức cảnh cáo.

Bộ Chính trị, vào trung tuần/6, ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ trong hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 vì đã vi phạm và có khuyết điểm trong điều động, luân chuyển và giới thiệu cán bộ, công chức ; đưa sinh viên tốt nghiệp đại học đi học nước ngoài không đúng tiêu chuẩn ; đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước ; cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất ; tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án ; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền…

Trước đó, ông Trần Ngọc Căng, hồi đầu tháng 6 đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do đã có sai phạm và khuyết điểm tương tự, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.

Đài RFA ghi nhận nhiều người Việt Nam không ít lần kêu gọi quan chức lãnh đạo các cấp nên từ chức khi họ không đủ khả năng điều hành và quản lý trong trách nhiệm được giao phó. Tuy nhiên, hành động gửi đơn đến Bộ Chính trị xin thôi giữ chức vụ của cả hai lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi không được đánh giá cao, mà trái lại còn bị chỉ trích.

Nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu, vào ngày 26/6 được Báo mạng Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời giải thích rằng việc thôi giữ chức của hai ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi không mang ý nghĩa về mặt hành chính, vì theo quy định chỉ có "từ chức" hoặc "cách chức". Ông Sửu còn khẳng định rằng "chưa nói đến vai trò lãnh đạo cao nhất tỉnh, với tư cách đảng viên, cách làm của họ là không chuẩn, làm khó cho tổ chức".

Tiếp tục sai phạm qua đơn thôi việc ?

Trong tối cùng ngày 26/6, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng với RFA rằng :

"Ngôn ngữ của những người bình thường khi trao đổi với nhau thì muốn nói gì là nói, tùy theo ý của người ta. Nhưng khi nói đến luật thì phải đúng từ ngữ của luật. Giả sử các ông nói rằng ‘tôi trả chức’ hay ‘thôi giữ chức’ thì không ai trách móc gì cả, vì các ông có quyền nói như thế. Nhưng khi viết một đơn chính thức thì phải dùng từ ngữ theo đúng luật pháp quy định, chứ không được quyền nói theo kiểu bỗ bã trong cách nói năng bình thường với người khác được. Một người làm công tác quản lý lâu như các ông thì lẽ nào các ông không thấy điều đó ? Chẳng qua các ông nói đúng theo từ ngữ của luật thì khó cho các ông quá, cho nên các ông tìm cách chơi chữ mặc dù biết rằng là không đúng với puật pháp".

Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông đối với hai quan chức lãnh đạo đương kim cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi :

"Trong đời lãnh đạo của hai ông đã làm nhiều việc sai luật pháp và việc thôi chức cũng là hậu quả từ việc làm sai trái đó. Và hai ông còn làm sai thêm một điều nữa trong luật pháp là trong đơn thôi việc cũng "không quên" làm sai luật".

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng quyết định xin thôi chức của hai ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi là một hành động "chạy tội" vì sĩ diện.

"Tội của hai ông này thì khá rõ và họ đang đứng trước tình huống liệu rằng có thể được bầu chọn lại trong Đại hội XIII sắp tới không. Do đó, họ phải cân nhắc và làm chuyện như kiểu mình biết trước là xin thôi giữ chức để khi bị gạt ra thì bảo rằng đã ‘từ chối’ trước rồi. Đấy là cái cách họ làm để chạy bớt tội. Thế còn trong Đảng cộng sản Việt Nam thì không có văn hóa từ chức đâu. Thậm chí còn có những người gây tội lỗi ở cấp dưới thì được ‘đá’ lên cấp trên và giữ chức cao hơn. Ví dụ như vậy ! Đây là chuyện thường xuyên trong thể chế này rồi".

cangoi4

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng. courtesy : cafef.vn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Mai nói rằng việc hai ông quyết định rút lui trong chính quyền cũng là một dấu hiệu được cho là tích cực đối với người dân. Bởi vì cứ chiếu theo lý do của hai vị đó viện dẫn thì họ sẵn sàng nhường chỗ cho những cán bộ khác thích hợp và có khả năng lãnh đạo tốt hơn trong nhiệm kỳ tới.

Mặc dù vậy, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định rằng vụ việc hai ông Bí thư Lê Viết Chữ và Chủ tịch Trần Ngọc Căng "thôi giữ chức vụ" hay "trả chức" đều là chuyện mà ông gọi là ‘ruồi bu". Chuyện quan trọng nhất trong cán bộ nhân sự của Đại hội Đảng XIII được lựa chọn, mà ông Nguyễn Khắc Mai nêu lên là họ có đủ tâm và đủ tầm để lãnh đạo đất nước Việt Nam trong thời gian tới hay không, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về kinh tế và mối đe dọa nhiều rủi ro từ Trung Quốc, không chỉ riêng vấn đề Biển Đông.

Ông Nguyễn Khắc Mai đề cập đến như vừa nêu, rồi ông kết luận :

"Như tình hình hiện nay thì tiêu chí lựa chọn cán bộ theo tiêu chí của ông Trọng đưa ra là tào lao, vớ vẩn và tôi không tin rằng họ sẽ chọn lựa được người tử tế".

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định vụ việc xin thôi giữ chức của hai lãnh đạo Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi rõ ràng đang thách thức dư luận. Bởi vì, ông nguyễn Ngọc Già lập luận rằng nếu như hai vị quan chức này không bị nhận bất cứ hình phạt nào hay biện pháp chế tài nào thì họ đã tạo ra một tiền lệ "vô cùng tốt đẹp" cho những cán bộ lãnh đạo về sau, là cứ tham nhũng, cứ vi phạm pháp luật rồi trả chức là xong.

"Họ coi chuyện trả chức như là một trò chơi. Và nếu như Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam để yên việc này theo cách không làm nữa thì thôi, như một kiểu giận lẫy, không phải là một công bộc của dân thì uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam càng rệu rã".

Nguồn : RFA, 26/06/2020

*********************

Sao định được tốc độ ‘giàu’ và khối lượng tài sản của cán bộ lãnh đạo ?

RFA, 25/06/2020

Để chuẩn bị cho Đại hội 13 sắp tới, công tác nhân sự đang là vấn đề mà lãnh đạo đảng cộng sản cho là ưu tiên hiện nay.

cangoi5

Cán bộ giàu nhanh bất thường : Phát hiện không khó vấn đề có làm hay không ? (nguoiduatin)

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về vấn đề nhân sự khẳng định quyết tâm không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương khóa 13 những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.

Vẫn theo người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo nhưng ông Trọng cho rằng với mức lương nhà nước hiện nay mà "giàu nhanh" là bất thường, cần phải loại ra khỏi quy hoạch nhân sự khóa mới.

Nhận xét về phát biểu vừa nêu của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội bày tỏ :

"Theo tôi từ xưa đến nay họ vẫn nói như vậy chứ chẳng có thước đo thế nào giàu bất thường và loại ra làm sao. Tóm lại ông ấy nói như vậy thì dân không đường nào kiểm soát phát biểu của ông ấy".

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội lại cho rằng phát biểu của người đưa ra chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng chỉ là cách ông Nguyễn Phú Trọng đang cố lấy lại uy tín cho cán bộ của ông. Do đó, phát biểu này không đưa ra rõ hướng giải quyết mà chỉ nói chung chung :

"Thực sự thế nào là giàu nhanh bất thường, thế nào là giàu chầm chậm, tất cả những cái đấy rất tù mù và thực sự phải có những quy định luật pháp rất rõ ràng và trước khi làm gì đấy thì phải khai báo tài sản một cách công minh. Tôi nghĩ bây giờ những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam ở chức cao thì người nào cũng giàu, rất giàu là khác. Thế nào là giàu nhanh, giàu chậm, chính đáng hay không chính đáng ? Có thể bản thân những người đó tham nhũng mà đại bộ phận chắc là như vậy là một chuyện, nhưng biết đâu lại có người nào đó, số rất ít thôi nhưng mà người ta thực sự giỏi, làm ăn gì đó. Vậy tại sao lại lấy tiêu chuẩn tù mù để chặn người tài ? Tôi nghĩ là phải rạch ròi tham nhũng là phải xử, chứ tham nhũng không cho vào trung ương thì cấp tỉnh, huyện, xã tham nhũng thì cũng khinh khủng lắm".

Trao đổi với RFA tối 25/6, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng nếu thực hiện đúng theo chủ trương của người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam loại bỏ những người giàu bất thường thì có lẽ bộ máy nhà nước sẽ trống rỗng do không còn ai ở các vị trí đó nữa.

"Chúng ta thấy tình trạng mà ai cũng biết là các đảng viên, nhất là những người ở vị trí cao thì các mức lương không thể giàu được, nhưng ví dụ như tài sản có nguồn gốc từ gia đình hay gì đó thì khác. Nếu nói theo ông Tổng bí thư là những người ‘giàu nhanh bất thường’ mà loại ra khỏi vị trí thì đây là điều bất khả thi, không thể xảy ra được".

Đồng quan điểm vừa nêu của Nhà báo Ngô Nhật Đăng, Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ :

"Bất kể người dân nào cũng thấy được các quan chức ngày nay đa phần có những nguồn thu nhập bất chính, nhìn các tài sản, nhà cửa, đất cát, xe ô tô… rồi con cái họ đi du học nước ngoài thì ai cũng có thể thấy được rằng đa phần họ có những thu nhập bất hợp pháp. Có thể đây là tình trạng phổ biến trong xã hội, người dân ai cũng nhận biết nhưng với cơ chế, thể chế chính trị hiện nay thì người dân không làm gì được trước những bất công như vậy".

Để có thể kiểm soát tài sản cán bộ, đảng viên, chính phủ Hà Nội ban hành quyết định những người tham gia nhân sự đại hội đảng phải kê khai tài sản.

cangoi6

Ảnh minh họa : Cán bộ công chức đang làm việc. Courtesy Thư ký luật

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan về tổ chức cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác kê khai tài sản. Khi xảy ra vấn đề vướng mắc hay có thông tin tố cáo thì các cơ quan vừa nêu sẽ xử lý.

Trên trang web của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, trong khoản 1 Điều 35 quy định tài sản, thu nhập phải kê khai, các cán bộ công chức phải khai báo : Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng ; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên ; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài ; Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Những nội dung này sẽ có trong mẫu bản kê khai do chính phủ Hà Nội quy định.

Với quan điểm cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định :

"Chủ trương cán bộ kê khai tài sản không phải bây giờ mới có mà rất nhiều năm, kể cả hàng chục năm nay mỗi khi sắp sửa kì đại hội hay việc gì đụng chạm đến nhân sự đều có ý kiến cán bộ kê khai tài sản. Ta thấy việc ấy là bất khả thi, không có ai, cơ quan độc lập nào, không có kiểm soát hoặc ít nhất do công luận kiểm soát để việc thực thi kiểm kê tài sản của cán bộ được minh bạch, công khai. Chuyện không có nhà dân sự độc lập, kiểm soát của công luận thì cũng không thể làm được".

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng công tác kê khai tài sản vẫn được thực hiện theo chỉ thị, nhưng kết quả kê khai dường như vẫn còn nằm trong diện ‘bảo mật’ :

"Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra hoặc không lôi ra tôi không biết. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào, không được dùng để hạ nhục lẫn nhau. Phải minh bạch, quan trọng là lúc đầu anh có từng này tài sản đến lúc anh làm chức đấy 2 năm thì tài sản anh là bao nhiêu. Phải có sự giám sát".

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam có Luật tiếp cận thông tin nhưng không một người dân bình thường nào có thể truy cập được những thông tin đó nên không thể kiểm soát được việc kê khai tài sản quan chức, cán bộ đảng viên. Chính phủ Hà Nội bên ngoài có vẻ minh bạch nhưng thực tế lại không như vậy.

Nhiều nhận định cho rằng việc kê khai tài sản được thực hiện nhằm mục đích để so sánh tài sản trước và sau khi bổ nhiệm, trước lúc ứng cử và sau khi ứng cử chênh lệch thế nào, có phản ánh đúng thu nhập bằng lương của cán bộ hay bằng các tài sản đã có của gia đình cán bộ sinh sôi nảy nở, hoặc do dùng quyền lực để tham nhũng.

Vì vậy, nếu chính phủ Hà Nội thực sự muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch toàn bộ tài sản cán bộ. Trong trường hợp không minh bạch tài sản cho dân biết như hiện nay thì công tác chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức.

Nguồn : RFA, 25/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 467 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)