Thay đổi cục diện chiến tranh
80 ngàn quân của lực lượng cộng sản Việt Nam đồng loạt tấn công hơn 100 địa điểm trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam, vào đúng đêm giao thừa Tết Mậu thân, nhằm ngày 29 tháng 1 năm 1968 Tây lịch.
Binh sĩ Biệt động quân kêu gọi cấp cứu một phụ nữ bị quân cộng sản bắn trọng thương trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Ảnh tuần báo Life, 30/01/1968
Các vị trí bị tấn công bao gồm hầu như toàn bộ các thành thị miền Nam, nơi quân đội miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ kiểm soát, bao gồm cả thủ đô Sài Gòn. Tại các thành thị này, trong suốt khoảng thời gian trước đó, ít xảy ra các trận giao tranh giữa lực lượng chính quyền Nam Việt Nam và các du kích quân cộng sản, thường kiểm soát vùng thôn quê và rừng núi.
Cuộc tấn công bất ngờ đúng vào ngày Tết cổ truyền này là một hành động đơn phương xóa bỏ thời điểm hưu chiến mà hai bên mặc định công nhận trong những năm chiến tranh trước đó Đó là một cuộc chiến bắt đầu hầu như ngay sau khi cuộc chiến Đông Dương kết thúc và người Pháp rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1954, với sự tồn tại trên thực tế hai quốc gia Việt Nam, miền Bắc theo chế độ cộng sản, và miền Nam thuộc thế giới tự do.
Bắt đầu từ năm 1965, quân đội Mỹ chính thức tham chiến tại Việt Nam bên cạnh đồng minh miền Nam Việt Nam, trong một cuộc chiến chống du kích cộng sản nổi dậy tại chổ, với sự hỗ trợ ngày càng lớn của lực lượng chính qui từ miền Bắc.
Hãng tin Pháp, AFP, trong bài kỷ niệm 50 năm ngày cuộc tấn công xảy ra viết rằng cuộc tấn công Mậu thân là một cuộc tấn công dũng cảm, đã làm thay đổi cuộc chiến Việt Nam.
AFP phân tích rằng khi lực lượng cộng sản tiến hành cuộc tấn công, họ có hai mục đích, một là tiêu diệt lực lượng đối thủ, và hai là kích động lực lượng dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
AFP cũng như nhiều phân tích khác cho thấy rằng cả hai mục đích được các vị lãnh đạo cộng sản đề ra đều thất bại.
Lực lượng Nam Việt Nam không bị tiêu diệt mà ngược lại quân đội cộng sản bị tổn thất rất nặng nề sau khi bị phản công.
Điều thứ hai là không có cuộc nổi dậy nào của dân chúng xảy ra.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng nói rằng hình ảnh các trận đánh của Tết Mậu thân, nhất là cảnh chiến tranh trên đường phố Sài Gòn, nơi quân đội cộng sản đã tấn công vào Tòa Đại sứ Mỹ, đã làm cho nước Mỹ không còn ý chí để tiếp tục cuộc chiến, với phong trào phản chiến lan rộng khắp nơi.
Trả lời chúng tôi từ Hà Nội, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, và hiện là đại biểu quốc hội bình luận về nhận định này của báo chí phương Tây :
"Tôi nghĩ rằng các ý kiến, các cách nhìn từ phương Tây như ông vừa nói, ngày càng gần với nhận thức của một số người trong giới sử học của chúng tôi. Trong một thời gian rất dài người ta chỉ nói đến chiến thắng thôi, tức là sử học Việt Nam đấy. Họ nói giảm nhẹ đi phần nào cái tổn thất, kể cả những sai lầm, và nhấn mạnh đến điều mà phương Tây nói là nó làm cho ý chí của nước Mỹ không còn nữa".
Ông Dan Southerland, vào thời điểm Tết Mậu thân 1968, là phóng viên của hãng tin UPI tại Sài Gòn nói với đài RFA rằng phía Mỹ và Nam Việt Nam cho rằng họ đã thắng các trận đánh, nhưng phái miền Bắc cộng sản cho rằng điều đó không có liên quan vì cuối cùng họ vẫn thắng cuộc chiến tranh. Ông nói tiếp :
"Tướng Westmoreland, Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam báo cáo đã thắng trận Mậu Thân. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson lúc bấy giờ bị sốc khi xem được hình ảnh Việt Cộng tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ. Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin cuộc chiến ở Việt Nam bị sa lầy và phong trào kêu gọi rút quân. Tổng thống Johnson đã ra lệnh ngưng bỏ bom ở miền Bắc và kêu gọi Bắc Việt ngồi vào bàn Hội nghị Paris".
Cuộc thảm sát tại Huế
Đó là những đánh giá về vai trò của Mậu thân trong toàn bộ cục diện cuộc chiến Việt Nam nói chung. Ngoài ra còn có một điểm rất đặc biệt của Mậu Thân đối với người Việt Nam, nhất là người miền Nam Việt Nam, đó là vụ thảm sát hàng ngàn dân thường tại Huế của lực lượng cộng sản.
Nhà báo Bob Kaylor, làm việc cho hãng UPI tại Nha Trang vào thời điểm Tết Mậu thân nói với chúng tôi :
"Có những câu chuyện được kể lại quân đội Cộng sản vào trong thành phố, đi đến từng nhà ghi tên từng người và bắt họ đi, rồi họ bị mất tích luôn vào thời điểm đó. Không ai biết việc gì đã xảy ra với những người này. Sau cuộc tấn công nhiều tuần lễ, những hố chôn tập thể được khám phá và các cuộc thảm sát ghê rợn mới được phơi bày".
Câu chuyện này hầu như được kể lại mỗi dịp xuân về tại các cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, và chưa bao giờ được nhà nước Việt Nam nhắc đến, hay công nhận. Rất hiếm hoi là trường hợp của một nhân vật cộng sản tại Huế là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường được đài phát thanh RFI tiếng Việt của Pháp phỏng vấn năm 1997, cũng như trước đó trả lời phỏng vấn về sự kiện thảm sát Mậu thân với các nhà làm phim Việt Nam thiên sử truyền hình của Mỹ. Ông Tường có đề cập đến những người bị giết oan bởi lực lượng cộng sản mà ông gọi là lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên ông cho rằng đây không phải là chủ trương của quân đội cộng sản.
Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về thảm sát Mậu thân đối với ông Dương Trung Quốc. Ông trả lời như sau :
"Tôi nghĩ là câu chuyện này cũng xuất hiện nơi này nơi kia rất nhiều, trong những hồi ký, trong những công trình ở nước ngoài. Điều đó thực ra phải có một sự thẩm định. Còn đương nhiên chiến tranh là tàn phá, chiến tranh là chuyện mà ở thời điểm đó con người bị cuốn vào chiến tranh, nhân tính có thể bị tổn thương. Điều đó, tôi nghĩ rằng chắc cuộc chiến tranh nào cũng vậy thôi. Còn thực sự nó diễn ra như thế nào, và bản chất nó là cái gì thì chắc phải một thời gian nữa chúng ta mới làm rõ được".
Ông Dương Trung Quốc nói rằng phải cần một thời gian nữa chúng ta mới làm rõ được cuộc chiến Tết Mậu thân diễn ra như thế nào, và bản chất nó là gì. Tức khắc câu hỏi được nêu ra là phải chờ bao lâu nữa, vì đừng quên đã năm mươi năm sau chiến cuộc Mậu Thân, tại Việt Nam người ta vẫn chưa nghe lời giải đáp nào từ phía những người cộng sản đang cầm quyền.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 25/01/2018