Dấu hỏi về cải cách ở Việt Nam sau những bản án nặng nề đối với tội phạm tham nhũng
Trong một phiên tòa xét xử tội phạm tham nhũng lớn nhất vừa kết thúc, nhiều bị cáo đã phải nhận những bản án nặng nề. Việt kết án này là nỗ lực chống tham nhũng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đinh La Thăng tại phiên tòa (Hình : Báo Dân Trí)
Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị kết án 13 năm tù và cấp dưới của ông ta, Trịnh Xuân Thanh, cựu tổng giám đốc một doanh nghiệp năng lượng thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam) bị án tù chung than. Cả hai đều bị kết tội quản lý kinh tế yếu kém, trong khi Thanh, 51 tuổi, còn bị buộc tội tham ô.
Thanh, một cựu lãnh đạo cấp tỉnh, được cho là bị bắt cóc từ Đức để đối mặt với cáo buộc ở Việt Nam, mặc dù Hà Nội nói ông ta đã tự quay trở lại để đầu thú.
Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã mô tả các hình phạt như là một ví dụ về sự công bằng của luật pháp.
Khi các bản án được tuyên hôm 22/01, báo chí đưa tin Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang xem xét kế hoạch cho ban chỉ đạo trung ương về chống tham nhũng mà ông chủ trì. Ông nói : "Đảng phải kiên quyết loại bỏ các quan chức không trung thực và tham nhũng khỏi đảng và chính phủ. Việt Nam phải làm sạch hệ thống".
Các nhà phân tích đã liên kết chiến dịch chống tham nhũng và đấu đá nội bộ. Một số người đã chỉ ra sự tương đồng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng chiến dịch này cũng giúp ông Trọng gia tăng quyền lực của mình.
Ông Phạm Chí Dũng, người đứng đầu Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã so sánh việc truy tố ông Thăng với cựu chính trị gia Trung Quốc Bạc Hy Lai.
Ông Thăng là chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trước khi ông trở thành Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong năm 2011, và sau đó là bí thư thành ủy tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bạc Lai Hy, cựu lãnh đạo đảng của Trùng Khánh, là một ngôi sao đang lên. Ông ta bị cách mọi chức tước và bị kết án chung than với cáo buộc tham nhũng vào năm 2013.
Không giống như Bạc Lai Hy, Thăng không bị kết tội tham nhũng mà là "cố tình làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Các công tố viên cho biết, PetroVietnam, dưới sự lãnh đạo của Thăng, đã không theo đúng thủ tục đấu thầu trước khi trao thầu cho Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, một đơn vị thuộc PetroVietnam. Tổng Công ty này, đứng đầu là Thanh, được trao cho một hợp đồng xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Ông Thăng bị bắt năm ngoái và bị kết án theo quy định của một bộ luật hình sự, một điều khoản đã bị thay thế trong bộ luật mới có hiệu lực ttrong năm nay.
Cùng với cáo buộc "quản lý yếu kém" như Thăng, nhiều quan chức chủ chốt ngành ngân hàng đang bị xét xử bới một tòa án khác về vi phạm các quy định ngân hàng.
Một số nhà phân tích đã tự hỏi liệu việc áp dụng điều khoản thuộc bộ luật cũ không còn hiệu lực sẽ làm giảm tính hợp pháp của việc chống tham nhũng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một học giả đã về hưu, đưa ra một sự phân biệt giữa tham nhũng và các quyết định kinh doanh tồi. Ông nói với The Straits Times : "Khi bạn đầu tư, bạn đối mặt với thất bại. Đó không phải là một tội phạm".
Thanh bị xử án vào ngày 24/01 với cáo buộc biển thủ liên quan đến một công ty con khác của PetroVietnam. Ông ta có thể bị kết án tử hình.
Hà Nội đang phản ứng mạnh với những chỉ trích đối với chính phủ trong bối cảnh chống tham nhũng. Năm ngoái, một sinh viên 24 tuổi viết blog về tham nhũng đã bị tống giam 6 năm vì cáo buộc tuyên truyền chống lại nhà nước.
Theo báo VnExpress, trong chiến dịch chống tham nhũng, Việt Nam muốn xét xử 21 trường hợp trong năm nay và điều tra thêm 21 trường hợp nữa.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chiến dịch chống tham nhũng có dẫn đến cải cách cơ cấu.
Tan Hui Yee
Nguyên tác : Stiff sentences bolster Vietnam's anti-graft drive but question remains over larger reform, The Straits Times, 23/01/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 27/01/2018