Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2018

Những trí thức bị tống vào tù !

Ánh Liên

Những ngày cuối năm, nhà tù tiếp tục chào đón bác sĩ Hồ Hải, sinh viên luật Trần Hoàng Phúc,…

Sở dĩ phải nhắc hai người này trong số hàng tá người đã, chuẩn bị nhập kho vì họ là hai trong số nhiều trí thức phải ngồi tù, những người vừa có trình độ học vấn, vừa có lương tâm con người trước thời cuộc.

trithuc1

Bác sĩ Hồ Văn Hải bị áp giải sau phiên xử. (Hình: Zing)

Khi ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một buổi họp gần đây đã nhấn mạnh : công tác điều hành của Chính phủ cũng phải như U23 Việt Nam. Thì cần phải nhấn mạnh cả tính trách nhiệm nằm bên trong đó,...

trithuc2

Sinh viên Trần Hoàng Phúc

Tính trách nhiệm của đội tuyển U23 làm nên nỗ lực, bởi đằng sau họ là kỳ vọng của xã hội, gia đình ; và vì tương lai của bóng đá quốc gia. Bác sĩ Hồ Hải, sinh viên Trần Hoàng Phúc cũng vậy. Cả hai cũng là những người có trách nhiệm với xã hội, họ không chọn một hệ số an toàn để toàn tâm toàn trí tiến thân bằng cái nghề danh giá như bác sĩ hay luật sư, mà cả hai lên tiếng vì trách nhiệm của một công dân, và họ đánh đổi tuổi trẻ bằng những con số tù vô cảm để khấy động nhận thức của nhiều người về hiện tình quốc gia.

Luật sư Luân Lê trong tác phẩm 'Một người Quốc dân' đã chia sẻ về việc 'học để lên tiếng chứ không phải im lặng', và một người quốc dân là người 'phải có những lời nói chân thật, có tinh thần phê phán', bởi con-người vốn dĩ không thể chỉ như loài chim, kiến.

‘Không thích thì ra nước ngoài mà sống’

Câu chuyện bác sĩ Hồ Hải, sinh viên Trần Hoàng Phúc cũng liên quan đến quan điểm của những người yêu Đảng, yêu chế độ, rằng : đồ phản động, ham hư danh, ăn không ngồi rồi.

Và khi một ai đó đề cập trái chiều hay phê phán chế độ, lập tức : không thích thì ra nước ngoài mà sống.

Giá như những người ‘yêu đảng, yêu chế độ’ hiểu rằng, những người như bác sĩ Hồ Hải hay sinh viên Trần Hoàng Phúc lên tiếng hay đấu tranh chỉ đơn giản họ yêu mảnh đất họ sinh ra, và muốn gắn bó chặt chẽ với nó. Càng chặt chẽ bao nhiêu, họ càng nhận thấy mảnh đất hình chữ S bị bạc đãi bởi thể chế chính trị bấy nhiêu, họ đau - và thương cho số phận của chính họ cũng như cộng đồng dân chúng vốn không hưởng được sự bình đẳng như nhiều công dân các nước khác, chịu đừng nhiều sự bất công và phi lý trong đời sống kinh tế - xã hội.

Những người phê phán, áp đặt quan điểm không thích thì ra nước ngoài mà sống chỉ cho thấy sự đố kỵ, tầm nhìn hữu hạn, với lăng kính ‘trục lợi’, nên thành ra, những ai phê phán chế độ bị đồng nhất là phản bội quốc gia, dân tộc.

Tù và sự trưởng thành

Về phía những nhà bất đồng chính kiến, họ đến với sự đấu tranh bởi tình yêu nước ngây thơ và trưởng thành qua từng vụ đánh đập, tạm giam, và nhà tù. Vì thực sự yêu nước, nên họ mới lên tiếng, đấu tranh. Bởi chẳng ai có thể đánh đổi tự do bằng nhà tù chỉ để gây dựng cái danh này, danh nọ cả ; nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, khi các giá trị vật chất và tri thức liên tục phát triển không ngừng…

Họ lên tiếng phản ứng, bởi họ nhìn thấy ngân sách quốc gia đang cạn kiệt, và nhà nước sẵn sàng chi cho chỗ an nghỉ của mình trong tương lai bằng một không gian an táng riêng biệt, đẳng cấp. Liệu nền chính trị có xứng đáng để ‘ca tụng’ ?

Cũng như một nền giáo dục quốc gia đào tạo ra hàng trăm ngàn cử nhân chỉ để thất nghiệp, và giờ đây – 54.000 cử nhân thất nghiệp này được Nhà nước định hướng ‘xuất khẩu lao động’ sang thị trường Nhật để làm những công việc tay chân. Liệu nền giáo dục có xứng đáng để ‘ca tụng’ ?

Khi cái nhìn đã thoát ly khỏi sự ca tụng về thực tại trơ trẽn của truyền thông, dư luận viên và lãnh đạo. Họ đã thực sự trưởng thành về mặt tư duy và định hướng cá nhân.

Đất nước có bao giờ được như thế này ?

Phê phán, lên tiếng trước những hệ lụy tồi tệ của đất nước này dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, toàn diện’ của một chính đảng, của một nhà nước chính là góp phần ngăn chặn sự ‘đi xuống’ của quốc gia, sự phân cách – bất bình đẳng - giàu nghèo xã hội ; là nói lên tiếng nói công bằng lẫn lương tri con người ! Là nói lên nội tình của một con dân nước Việt không chìm đắm trong quán bar, sa đà nơi rượu thuốc lá, và không bị bọc mình trong cuộn báo ‘Nhân Dân’…

Liệu đó là sai ?

Hay là vì dân tộc này bi thương, nhẫn nhục, chịu đựng và bị lai dắt nên còn có những tiếng nói ‘chửi bới, miệt thị’ đối với những người bất đồng chính kiến ?

Một đất nước mà không có người 'bao đồng', mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy đều chăm chăm vun bón bản thân, vun vén gia đình như cách Chính trị gia Việt Nam đang thực hành, thì đất nước này sẽ về đâu ? Hay chỉ là một đất nước với cộng đồng chỉ toàn người vụ lợi và dẫm đạp lên nhau mà sống ?

Đất nước có bao giờ được như thế này ?

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 06/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)