Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2018

Tường rào biên giới : Dấu hiệu sợ hãi khủng bố và làn sóng di dân

RFI tiếng Việt

Hàng rào kẽm gai và tường ngăn cách đang trở thành công cụ để các nước bảo vệ đường biên và chủ quyền trước mối đe dọa khủng bố và di dân. Trong một thế giới bị giằng co giữa tiến trình toàn cầu hóa ngày một phát triển và thu mình bảo vệ bản sắc, những thành lũy này ngày càng xuất hiện nhiều, song song với những biện pháp an ninh.

mur1

Hàng rào biên giới ngăn cách Hoa Kỳ và Mexico ở Tijuana, Mexico. Ảnh chụp ngày 06/02/2017. CC/Tomascastelazo

Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Châu Âu và phương Tây từng nghĩ là Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và sự chia rẽ giữa các dân tộc đã biến mất. Vậy mà gần 30 năm sau, số lượng tường và hàng rào lại tăng lên gần như khắp nơi trên thế giới. "Bức tường lớn nhất, đẹp nhất"có thể sẽ là dự án kéo dài "bức tường của Bush" ngăn cách biên giới Mỹ và Mexico và được Tổng thống Trump nâng thành thách thức chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ của ông.

Thế giới có khoảng 70-75 bức tường biên giới

Tác giả Rémy Ourdan, trên nhật báo Le Monde (05/02/2018), nhận định chính sách "Đường biên - Tường rào là lời đáp trả cho những nỗi sợ mới". Số lượng tường hoặc hàng rào chiếm từ 6% đến 18% trên tổng số hơn 250.000 km biên giới đường bộ trên trái đất. Tuy nhiên, con số này giao động tùy theo "định nghĩa" rào cản, đường biên của mỗi nhà nghiên cứu.

Ông Rémy Ourdan lấy ví dụ thống kê của nhà nghiên cứu chính trị Elisabeth Vallet, thuộc đại học Québec ở Montréal (UQAM), "trên thế giới, có khoảng 70 đến 75 bức tường đã được xây hoặc thông báo sẽ được khởi công, riêng những bức tường đã tồn tại trải dài khoảng 40.000 km". Con số này thấp hơn, khoảng 60 bức tường, theo thẩm định của hai nhà báo phụ trách bộ phận bản đồ và đồ họa của nhật báo Le Monde. Còn với một số chuyên gia khác, chỉ có khoảng 20 hoặc 10 hàng rào trên thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia này đều có chung một nhận định : thời kỳ xây tường đang trở thành trào lưu. Từ hàng rào, chướng ngại vật, tường thật cho đến những "bức tường điện tử, tường ảo" như Brazil đang muốn thiết lập ở biên giới với 10 nước, tất cả đều phản ánh thực trạng thế giới chính trị hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, có ba nguyên nhân giải thích cho trào lưu này : hậu quả từ sau loạt khủng bố của Al Qaeda nhắm vào Mỹ ngày 11/09/2001 ; nhu cầu đảm bảo an ninh trước mối đe dọa thánh chiến và nhập cư ; khẳng định chủ quyền và biên giới quốc gia. Bà giải thích :

"Sau khi số lượng tường tăng cao từ năm 1945 - và còn khoảng 15 hàng rào ngăn cách kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ - hiện tượng này trở nên phổ biến trong những năm 2000. Từ năm 2003 số lượng tường tăng nhanh sau sự kiện 11/09, nhưng thực ra việc xây dựng này đã bắt đầu từ trước năm 2001 và nguyên nhân sâu xa có lẽ là do toàn cầu hóa. Tường rào là lời đáp trả tức thì của các chính trị gia trước tâm trạng mất quyền kiểm soát lãnh thổ của người dân, làn sóng nhập cư và các giá trị quốc gia".

Nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, kiêm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, cũng có cùng nhận định : "Năm 2001 là thời điểm quan trọng đối với thế giới. Những bức tường mới được xây dựng để chống chọi những nỗi sợ toàn cầu mới, như khủng bố và di dân. Chúng là một trong những giải pháp an toàn trong quan điểm an ninh của thế giới". Nhà nghiên cứu Pháp Michel Fourcher nhấn mạnh "khẳng định đường biên giới là điều không tránh được : nếu vẫn còn những vấn đề về an ninh, thì sẽ còn nhu cầu về bảo vệ. Và công việc bảo vệ đầu tiên, chính là đường biên giới".

Xu hướng xây tường bảo vệ chủ quyền, chống khủng bố và di dân

Trào lưu dựng tường biên giới trở nên phổ biến sau Thế Chiến II, khi thế giới bị chia thành hai cực tư tưởng : cộng sản và tư bản. Berlin trở thành biểu tượng của giai đoạn này, từ 1961 đến 1989. Hiện thế giới vẫn còn một đường biên giới hàng rào kẽm gai thể hiện rõ tư tưởng Chiến tranh lạnh, ngăn cách hai miền Triều Tiên, được dựng từ năm 1953 và là "bức tường"cổ nhất trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, bức tường này lại nhằm ngăn chặn người dân trong nước tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Số lượng tường rào biên giới tăng dần từ thập niên 2000 và do nhiều yếu tố khác nhau. Một số tường là kết quả của chiến tranh, như giữa Israel và Liban, giữa Kuwait và Iraq, hoặc bên trong một số thành phố như Belfast hay Bagdad. Ngoài ra, hàng rào an ninh được Israel xây từ năm 2002 tại Cisjordanie là một trong những "bức tường" gây nhiều tranh cãi nhất thế giới, bị Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án năm 2003 và bị Tòa án Công lý Quốc tế La Haye phản đối năm 2004.

Một số khác nhằm mục đích phân chia biên giới chưa chính thức tồn tại, như tường ngăn Maroc với Tây Sahara, ngăn Thổ Nhĩ Kỳ với Cyprus, ngăn Ấn Độ với vùng Cachemire. Cuối cùng, còn có những tường rào nhằm ngăn làn sóng nhập cư như tường ngăn Ấn Độ với Bangladeh, giữa Hoa Kỳ và Mexico, giữa Tây Ban Nha và Morocco, hoặc giữa hai thành phố Ceuta, Melilla (thuộc Tây Ban Nha) với phần lãnh thổ Morocco ở Bắc Phi.

Châu Âu phòng thủ

Hàng rào ngăn cách Ceuta, Melilla không phải là chướng ngại vật chống di dân duy nhất trên lãnh thổ Châu Âu, mà hiện còn nhiều hàng rào như vậy được dựng lên tại Hy Lạp, Bulgaria, Hungary.

Pháp cũng đang cố tìm cách ngăn chặn người nhập cư vượt biển Manche sang Anh Quốc, với dự án xây một bức tường kéo dài cao 4 mét ở Calais. Vậy mà, vào năm 2015, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Laurent Fabius, Pháp từng chỉ trích hàng rào mà Hungary xây ở biên giới Serbia là "đi ngược lại với các giá trị của Châu Âu". Một bức tường chia rẽ ngay trong lòng Liên Hiệp Châu Âu còn trái ngược với những giá trị căn bản về sự liên kết giữa các dân tộc và quyền tự do đi lại. Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, đây là "bức trường thành văn minh : một bức tường giữa một quốc gia phương Bắc và một quốc gia phương Nam", để ngăn làn sóng nhập cư đến từ phương Nam.

Về mặt chính trị, xây một bức tường thường được cho là cách thể hiện sức mạnh, nhưng thực ra, lại là một dấu hiệu thể hiện điểm yếu. Dĩ nhiên, theo nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, "một bức tường không bao giờ hiệu quả trong dài hạn. Nhưng đôi khi, nó mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, hoặc tạo cảm giác là giới chính trị đã làm điều gì đó".

"Bức tường Bush" mà Tổng thống Trump đang muốn kéo dài là một ví dụ, giúp giảm một nửa số người nhập cư trái phép từ Mexico và Trung Mỹ. Tuy nhiên, minh chứng điển hình nhất vẫn là bức tường Berlin, được xây trong vòng một đêm (12-13/08/1961). Trước khi có bức tường, hàng tháng có khoảng 30.000 người Đông Đức trốn sang Tây Đức và sau khi bức tường xây xong, người dân Đông Đức bị khép kín trong suốt 28 năm.

Châu Âu cũng phải đối mặt với hiện tượng tương tự như ở Mỹ, như nhận định của Michel Fourcher : "Chính sự hiểu biết thế giới đẩy mạnh quá trình di dân : người ta biết rằng "ở bên kia" tốt hơn, vì vậy họ cứ đi. Những hàng rào chống nhập cư chỉ làm chậm lại hoặc đổi hướng các luồng nhập cư mà thôi". "Giữa Ceuta, Melilla, quần đảo Canaries, Hy Lạp, giữa những đường biên giới trên bộ và Địa Trung Hải, đó là một hệ thống bình thông nhau. Không một bức tường nào có thể ngăn chặn làn sóng di dân đến Châu Âu", theo ghi nhận của Alexandra Novosseloff.

Trong một xã hội bị giằng xé giữa một bên là tiến bộ của toàn cầu hóa và bên kia là bảo vệ bản sắc, dường như ý muốn phòng vệ đằng sau bức tường ngày càng thắng thế. Bức tường là biểu hiện của sự sợ hãi, là biểu tượng của sự đối chọi giữa một bên là người chu du thế giới, bị buộc tị nạn hoặc di dân tự nguyện và bên kia là một Nhà nước thu mình phòng thủ.

Vạn Lý Trường Thành, bức tường biên giới chính trị đầu tiên

Vạn Lý Trường Thành chính là bức tường chính trị đầu tiên trên thế giới. Được khởi công vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên, bức tường trải dài đến 50.000 km trong nhiều triều đại và có vị thế khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử : chiến tuyến, chiến lũy, biên giới.

Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tường lớn khác mang tính chính trị trong quá khứ, như phòng tuyến biên giới thời La Mã cổ đại xây từ thế kỷ I trước công nguyên đến thế kỷ III. Hoàng đế Julius Ceasar là người Châu Âu đầu tiên xây tường biên giới. Dưới thời hoàng đế Hadrianus, khoảng 7.000 km thành lũy đã được xây dựng. Từ đó, những bước tường vẫn được nhắc đến trong lịch sử của các triều đại, vương quốc, Nhà nước, qua nhiều thế kỷ và ít được nhắc đến hơn vào thế kỷ XX.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 06/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)