Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2018

Vì sao Nguyễn Phú Trọng là một thảm họa lâu dài của đất nước ?

Kami

"Một đàn lợn được dẫn dắt bởi một con hổ vẫn mạnh hơn một đàn hổ được dẫn dắt bởi một con lợn"

Danh ngôn

danlon1

Một đàn lợn được dẫn dắt bởi một con hổ - Ảnh minh họa

Giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở mức cao trào, chiều ngày 29/1/2018, Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại buổi lễ ông Trần Quốc Vượng, thành viên thường trực Ban bí thư, đánh giá Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể "xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn". Đáng chú ý, vẫn theo ông Trần Quốc Vượng thì ông Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng của Đảng.

Cần phải nhắc lại, trong 2 nhiệm kỳ trong cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những quyết định sai lầm, buông lỏng kỷ cương. Đồng thời ông Dũng đã dung túng cho cấp dưới để họ có cơ hội từ làm trái tới cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản quốc gia một số lượng khổng lồ không kể xiết. Chính vì thế, việc làm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chỉnh đốn đảng, là hành động cần thiết để chặn đứng thảm họa của đất nước. Có lẽ vì thế dư luận xã hội và người dân hết sức ủng hộ và đồng tình.

Tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng quát, sâu xa hơn người ta sẽ thấy "tấm gương sáng Nguyễn Phú Trọng" sẽ là một thảm họa lâu dài đối với đất nước. Thậm chí Nguyễn Phú Trọng đang lao sâu vào con đường nô lệ cho ngoại bang, thậm chí là bán nước.

Vì thực chất công cuộc chỉnh đốn đảng của ông, là một bản sao của chiến dịch "đả Hổ diệt Ruồi" do Tập Cận Bình khởi xướng. Không phải ngẫu nhiên mà báo chính trị Nikkei Asian Review của Nhật bản đã bình luận "Thời điểm trừng phạt làm cho mọi người ngạc nhiên và so sánh với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc"..

Ngay từ nhiệm kỳ Tổng bí thư đầu tiên, thế lực chính trị cũ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là "Một bộ phận không nhỏ đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất là lực lượng ghê gớm nhất trong Đảng, là lực lượng có khả năng thao túng mọi vấn đề" như nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa 11. Song hình ảnh ông Trọng gạt nước mắt khi đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 - Khóa 11 đã phần nào phản ánh đầy đủ trình độ và bản lĩnh của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam. Nói một cách khác, khi đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn bất lực.

Có thể khẳng định rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng bí thư, một chức vụ cao cấp nhất của Đảng cộng sản Việt Nam gần 2 nhiệm kỳ, nhưng phải mãi cho đến gần đây kể từ trước đại hội 12, với giúp sức trực tiếp hết mình của ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ông Trọng mới giành được thắng lợi bước đầu, trong việc thâu tóm quyền lực để chấn chỉnh đảng và bài trừ tham nhũng.

Có lẽ vì thế nên Tổng bí thư Trọng đã không hề giấu giiếm khi cho biết "Tôi nói thẳng mà ông Tập Cận Bình không hề tự ái" khi chủ trì cuộc gặp mặt chúc tết giới trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Mậu Tuất sáng ngày 7/2/2018.

Theo báo Dân trí, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cao hứng kể rằng, "Tôi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chân tình. Tôi nói tình đồng chí anh em muốn giữ được thì phải tin nhau mà muốn tin nhau thì việc làm phải đúng như lời nói. Tôi nói thẳng như thế mà không thấy ông ấy tự ái gì".

Xin hỏi, một người có quyền lực cao nhất đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam mà sợ một người đồng cấp của quốc gia láng giềng, thì liệu có xứng đáng hay không ? Đây là cái tư duy dúm dó của một kẻ lãnh đạo quốc gia bạc nhược trước một nước lớn, có lẽ đây là nguyên nhân của lời phát biểu "Trà Trung quốc ngon hơn trà Việt Nam". Điều mà trong cương vị một chính khách có tự trọng không được phép phát biểu như vậy. Kể cả đó là sự thật.

Một quốc gia mà người ta trị quốc không bằng luật pháp như ở Việt Nam, ở đó ý chí hay ý muốn của những nhà lãnh đạo cao cấp nhất là quyết định tối cao trên cả pháp luật thì những bản án chỉ mang tính hình thức. Đó là lý do mà hầu hết các nhà phân tích chính trị Việt Nam ở nước ngoài đều thống nhất chung rằng, cuộc chiên chống tham nhũng ; chỉnh đốn đảng của ông Trọng thực chất là một cuộc thanh trừng phe nhóm với một mục đích chính trị rõ rệt.

Ông Zachary Abuza chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á đã cho rằng, "Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng 13 sắp tới... Toàn bộ vụ ông Đinh La Thăng, từ chuyện ông mất ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến vụ xử đại án Ocean Bank, đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đầy ngạc nhiên, đều là những chỉ dấu cho thấy vụ này lớn hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát".. Điều đó đã cho thấy ông Đinh La Thăng người được xem là cánh tay mặt của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời là một nhân tố hàng đầu có tương lai chính trị rất lớn. Song ông Thăng không được Tổng bí thư Trọng ưa nên đã bị ông Trọng thịt.

Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Bất chấp nỗ lực từ phía luật sư và lời phủ nhận của Đinh La Thăng về hành vi "cố ý làm trái", khi ông Thăng viện dẫn rằng mình thực hiện theo "chủ trương của Bộ Chính trị". Song Viện Kiểm sát vẫn đưa ra kết luận "Bị cáo Đinh La Thăng là chủ mưu xuyên suốt trong vụ án". Ngay sau đó báo chí nhà nước đưa nội dung này đều đồng loạt bị gỡ bỏ.

Nếu chiếu theo Nghị quyết của Hội nghị trung ương 4 - Khóa XI của Đảng cộng sản Việt Nam, đã ghi rõ "cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…", thì rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sao không được đưa ra xem xét để truy cứu trách nhiệm liên đới ?

Từ trước đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi nguyên tắc pháp trị đều bị ông này vứt vào sọt rác. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ cần biết nguyên tắc đảng trị, sử dụng pháp chế xã hội chủ nghĩa thay cho luật pháp quốc gia. Nghĩa là đảng muốn làm gì thì làm, đảng có quyền đứng trên luật pháp và thậm chí Cương lĩnh của đảng được xếp trên Hiến pháp quốc gia. Thủ đoạn lợi dụng nguyên tắc đảng lãnh đạo toàn diện, đã được ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị Tổng bí thư khai thác triệt để. Ông Trọng đã sử dụng các quyết định của đảng để tiếm quyền bằng cách sửa đổi các luật lệ trong hệ thống đảng để trục lợi cho mình. Mà các quyết định lắt léo về nhân sự đã giúp cho ông Nguyễn Phú Trọng loại bỏ được đối thủ chính trị của mình tại đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Đơn cử khi muốn giành quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lập tức trong bản quy định số 105/QĐ/TW có tên là "Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử", ngày 19/12/2017 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký là một ví dụ. Đó là một quy định về cấp ra quyết định các chức danh do Bộ chính trị và do Ban bí thư quyết định từ quân hàm cấp tướng của quân đội và công an đến các chức vị cấp cao của chính phủ từ trung ương đến địa phương. Đó là điều trái với điều 88 - khoản 5 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định rõ, trách nhiệm của Chủ tịch nước là, "Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân…".

Đó là lý do khi nói về quy trình chọn lựa Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Lê Kiên Thành con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn khi trả lời phỏng vấn báo An ninh Thế giới trong bài "Tôi nói điều này với trái tim yêu đảng tha thiết", đã có nhận xét rằng, "Nhưng tôi là đảng viên, tôi muốn bầu Tổng bí thư thì bầu như thế nào ? ... Sự dân chủ đã bị vơi bớt đi rất nhiều ! Vì tôi không biết ông đại biểu trên tôi nghĩ gì, rồi ông đại biểu đó cũng không biết cái ông ở trên nữa nghĩ gì... 4 lần như vậy thì sự dân chủ không còn nữa. Tại sao trong Đảng không làm như Quốc hội, là cho đại biểu của địa phương chia thành từng khu vực, bầu thẳng đại biểu đi dự Đại hội Đảng, đại biểu này bầu thẳng Tổng bí thư. Và khi tôi bầu ông đi Đại hội Đảng, ông ấy phải nói cho tôi biết ông ấy nghĩ rằng ai sẽ là Tổng bí thư, phải phân tích và thuyết phục được tôi"…

Trong lúc xu hướng chung của thế giới tiến bộ để xây dựng một quốc gia phát triển, người ta dựa trên ba nền tảng trụ cột. Đó là, nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, một nhà nước pháp quyền và thúc đẩy các tổ chức xã hội dân sự. Thì Quy định 102-QĐ/TW mới đây đã quy định ngược lại, khi bất cứ đảng viên nào, lên tiếng ủng hộ tam quyền phân lập, cổ vũ cho hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và đòi đa nguyên đa đảng sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng.

Tóm lại từ trước đến nay, mọi quyết định hay hành động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ với mục đích phục vụ cho quyền lợi của cá nhân và phe nhóm của mình, mà không hề quan tâm đến vận mệnh, lợi ích quốc gia của dân tộc Việt Nam. Một kẻ lãnh đạo trục lợi như thế, cộng với thứ tư duy nô lệ "cõng Rắn cắn Gà nhà", nhất cử nhất động dựa vào Trung Quốc một quốc gia vốn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ là một thảm họa lâu dài của đất nước.

Ngày 10 tháng 02 năm 2018

© Kami

Nguồn : RFA, 10/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 1031 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)