Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2018

Luật riêng dành cho quan chức

Trúc Giang

Từ tháng 11//2016 đến nay, với sự kiện cách hết các chức vụ chính quyền và đảng của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian là Bộ trưởng Bộ Công thương, có vẻ từ tiền lệ "kỷ luật cách chức áp dụng cho người không còn cái chức ấy" đang được vận dụng rộng rãi hơn. Như trường hợp ông Lê Phước Thanh là bí thư Quảng Nam nhiệm kỳ 2010/2015, thì nay (2018) đâu còn chức "bí thư" nữa mà bị cách chức ?

quan1

Vũ Huy Hoàng trong thời gian là Bộ trưởng Bộ Công thương

Hiện tại và theo lẽ thông thường, theo quy định của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và tại Bộ luật lao động, thì khi đối tượng vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế... có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với chức vụ mà người đó đang nắm giữ. Nhưng hiện chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích về vấn đề cách chức khi chức vụ không còn.

Bộ Chính trị có phải là… Nhà nước ?

Nếu căn cứ theo Hiến pháp và hệ thống văn bản pháp quy, thì Bộ Chính trị chưa bao giờ là cơ quan Nhà nước. Mang tên là Bộ Chính trị, nhưng không có ai làm bộ trưởng, thứ trưởng. Tuy nhiên các chính sách về lương bỗng thì Bộ chính trị vẫn nhận lương từ ngân sách của Chính phủ giống như tất cả các bộ khác trong bộ máy công quyền.

Hiến pháp 2013, Điều 2.3 "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Như vậy, nếu căn cứ theo luật định, ông Vũ Huy Hoàng không thể bị cách chức Bộ trưởng Bộ Công thương, vì ông Hoàng chịu sự quản lý của Thủ tướng Chính phủ. Ông Lê Phước Thanh có thể bị Bộ Chính trị cách chức, vì ông này chỉ làm mỗi công tác của Đảng, và vẫn hưởng lương từ ngân sách của Chính phủ.

Có hồi tố tiền lương và bổng lộc ?

Trong trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, hàng loạt câu hỏi đặt ra từ tháng 11/2016 cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời : Thứ nhứt, các văn bản mang tính pháp lý tại Việt Nam và đàm phán thỏa thuận quốc tế mà ông Vũ Huy Hoàng ký với chức danh Bộ trưởng Bộ Công thương, có trở nên "vô hiệu" ? Thứ hai, các khoản lương, bảo hiểm, công tác phí cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ do ai trả lại cho ngân sách quốc gia ? Thứ ba, trong lý lịch tư pháp, ông Vũ Huy Hoàng sẽ ghi ra sao ?

Ba câu hỏi nói trên cũng dành cho hàng loạt quan chức tiếp theo : tháng 4 năm 2017, Ban Bí thư tước bỏ chức vụ Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và môi trường mà các ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến đã… từng mang từ năm 2011 đến 2016 ; tước bỏ hàm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường của ông Lai, ông Tuyến từng mang từ 2011 đến 2015.

Tương tự, ông Võ Kim Cự bị tước bỏ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mà ông ta đã mang từ 2005 đến 2015. Ngoài ra ông Cự còn bị tước bỏ chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh mà ông từng mang từ 2005 đến 2010 và chức vụ Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh mà ông từng mang từ 2010 đến 2015. Trong trường hợp ông Võ Kim Cự, 3 thắc mắc trên cần thiết có ngay câu trả lời, vì việc cho phép Formosa đầu tư gây ô nhiễm ở Hà Tĩnh là do bút phê của ông Võ Kim Cự.

Ban Bí thư chậm chạp hay là những đòn thù quyền lực ?

Câu hỏi đặt ra là tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới thấy chuyện ông Lê Phước Thanh sử dụng hệ thống công quyền ở Quảng Nam để tạo điều kiện cho con trai của ông "luồn sâu, leo cao" là "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ" ? Tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới thấy vi phạm của ông Thanh là "rất nghiêm trọng" và "ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng" ? Tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới nghe được "dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, nhân dân" ?

Phải chăng là năng lực tiếp cận, điều tra các vụ việc tiêu cực ở Ban Bí thư chịu sự giới hạn ?

Ngày 3/1/2018, ông Trần Quốc Vượng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ký ban hành Quyết định 684-QĐ/UBKTTW ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thông tin trong quyết định này bắt đầu được công khai từ ngày 9/2/2018, mặc dù hiệu lực thi hành tính từ ngày ký.

Cụ thể là các quy trình : Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm ; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm ; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng ; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo đề nghị thi hành kỷ luật ; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo kết luận kiểm tra ; kiểm tra, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư, Bộ Chính trị do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị ; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ; giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên ; kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp ; kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới ; kiểm tra tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc cơ quan tài chính đảng ở Trung ương.

Quyết định số 1084-QĐ/UBKTTW ngày 5/12/2012 mà Quyết định 684-QĐ/UBKTTW thay thế, rất tiếc người viết không tìm được, nên vẫn không rõ quy trình kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng và hàng loạt quan chức tiếp theo đó như thế nào.

Đến nay, vẫn chưa đúng pháp luật

Tuy nhiên, có thể thấy rằng – như lời ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu trên báo Dân Trí : "Tôi có thể nói đến giờ phút này Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Đây là việc rất khó vì hiện ông Hoàng là Bộ trưởng Công thương của khóa trước, đã được Quốc hội khóa trước (khóa XIII) miễn nhiệm nên đến nay ông Hoàng không còn giữ chức vụ Bộ trưởng nữa.

quan2

Không còn chức vụ thì cần phải giao cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu quy định về mặt pháp luật thế nào, quy trình thế nào để xử lý kỷ luật. Việc này đang được giao cho những cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu về tính pháp lý để đảm bảo căn cứ khi trình ra Quốc hội xem xét. Việc xử lý một người không còn chức vụ Bộ trưởng nữa, Quốc hội đã miễn nhiệm rồi thì phải làm sao đảm bảo đúng pháp luật. Cần phải làm chặt chẽ vì kỷ luật nghiêm minh nhưng phải đúng pháp luật" (1).

Từ đó đến nay, chưa thấy có văn bản chính thức nào giải thích, hay đưa ra cơ sở lý luận về việc cách chức khi chức vụ không còn. Chính vì vậy rất nhiều người, trong đó có người viết, cảm thấy mù mờ, chưa hiểu.

Phải chăng khi có những quan chức không phải là Đảng viên thì sẽ không có cảnh "cách chức khi chức vụ không còn", mà tất cả sẽ tuân thủ theo đúng nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, như Hiến định tại Điều 14.1 Hiến pháp 2013 : "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật".

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 10/02/2018

(1) http://dantri.com.vn/chinh-tri/chua-co-tien-le-phai-cach-chuc-nguoi-khong-con-chuc-vu-nhu-ong-vu-huy-hoang/2016110416530749.htm

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)