Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ít nhất 15% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vùng có 18 triệu dân này cũng là một trong những khu vực bị biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất và chính điều này đang làm gia tăng áp lực về di cư tại đồng bằng sông Cửu Long.
Do tác động của biến đổi khí hậu, ngày càng có nhiều nông dân di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long.Reuters
Tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế
Trong một báo cáo được công bố ngày 09/01/2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, bởi vì nước này có bờ biển dài đến gần 3.500 km và phần chủ yếu của tài sản kinh tế quốc gia là nằm ở những vùng đất thấp ven biển. Tính từ năm 1990 đến nay, trung bình hàng năm, thiên tai đã khiến 500 người chết và khiến Việt Nam mất đi 1% GDP.
Theo thẩm định của IMF, những tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, di cư do khí hậu) có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 10% và ảnh hưởng đến 12% dân số nước này vào năm 2021.
Trong báo cáo nói trên, IMF cảnh báo : "Biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên môi trường : các cơn bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn có thể sẽ gây tác hại cho mùa màng, làm giảm thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa". Định chế này dự báo thêm : " Những nguy cơ đó sẽ tác động nhiều nhất lên người nghèo, buộc họ phải di cư đến những vùng trong nội địa và đến những thành phố lớn hơn".
Đồng bằng Cửu Long mất 1 triệu dân
Theo một nghiên cứu mới đây của giáo sư Alex Chapman, Đại Học Southampton, Anh Quốc và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì, Đại Học Cần Thơ, làn sóng di cư hiện đang gia tăng trong một thập niên qua đã khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long mất đi 1 triệu dân trên tổng dân số 18 triệu người. Cụ thể là đã có 1,7 triệu dân di cư khỏi vùng này, trong khi chỉ có khoảng 700 ngàn dân đến định cư ở đây. Tỷ lệ di cư này là cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Theo nghiên cứu của hai vị giáo sư nói trên, có nhiều yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu thúc đẩy di dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số người đã phải di cư do nhà của họ bị sập vì nước biển xói mòn vùng bờ biển. Hàng trăm hộ đã phải đi nơi khác kiếm sống do tình trạng ngập mặn. Số khác thì không thể tiếp tục sống ở đây do nạn hạn hán, một hiện tượng khí hậu vừa là do tác động của biến đổi khí hậu, vừa do các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Một nghiên cứu khác do trường Đại Học Văn Lang ở Sài Gòn thực hiện cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến 14,5% di dân đi tìm nơi cư trú khác, tức là tương đương với 24 ngàn người mỗi năm. Con số thực tế rất có thể là cao hơn, vì tình trạng di dân còn có quan hệ chặt chẽ với nạn nghèo khó.
Phần lớn di dân là từ các cánh đồng vùng thấp do tình trạng ngập mặn ngày càng nặng, vì nước biển dâng cao khiến nước mặn tràn sâu hơn vào trong. Tình trạng này càng thêm trầm trọng do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn, chủ yếu là của Trung Quốc và Lào, cản trở các dòng nước ngọt chảy xuống hạ nguồn, tức là xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn đã vào sâu đến hơn 80 km trong đất liền khi xảy ra trận hạn hán 2015-2016, trận hạn hán nặng nề nhất trong vòng thế kỷ, phá hủy ít nhất 160 ngàn hectare đất canh tác.
Chính sách tái định cư còn bất cập
Chính phủ Việt Nam đã có chính sách tái định cư, ưu tiên cho những hộ nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách cho vay với lãi suất thấp để họ có kinh phí di dời nhà ở và xây nhà mới. Nhưng Viện Brookings của Mỹ, sau khi xem xét việc thực hiện chính sách ở hai tỉnh Đồng Tháp và Long An, đã nhận thấy rằng chương trình này còn thiếu minh bạch. Phần lớn các hộ nói trên cho biết thu nhập của họ đã bị giảm sau khi di dời, vì nơi ở mới không thích hợp, khiến họ không thể trả các khoản vay và thế là lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Hai giáo sư Alex Chapman và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì trong công trình nghiên cứu nói trên cũng đã lên tiếng cảnh báo về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu. Đã có những người đã buộc phải di cư do chính những biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ họ trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Hàng ngàn km đê đã được xây dựng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngăn lũ. Nhưng một số con đê này lại phá hủy hệ sinh thái của vùng. Người nghèo và những người không có đất canh tác không còn kiếm được nguồn thủy sản để mưu sinh. Mặt khác, những con đê này ngăn những chất bổ dưỡng tự nhiên do các nước lũ dẫn về các cánh đồng lúa.
Trong một bác cáo thực hiện cho Tổ chức Di cư Quốc tế IOM vào tháng 6/2016, hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten, thuộc đại học Eramus, Rotterdam, Hà Lan, cũng đã từng cảnh báo :" Dường như biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các hình thái di cư quan trọng ở miền Nam Việt Nam (chủ yếu là di cư trong nước). Một hành lang di cư đã được hình thành, nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố như Cần Thơ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh".
Phân tích của hai nhà nghiên cứu này cho thấy phần lớn hộ gia đình di dân không xem biến đổi khí hậu là lý do chính cho quyết định di dời. Có thể họ không nhìn nhận việc di cư là để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà để thích ứng với các yếu tố khác, ví dụ như điều kiện kinh tế. Phần lớn những hộ gia đình xem biến đổi khí hậu là một lý do dẫn đến di cư thường đề cập đến các hiện tượng như xói lở đất đau, bão và lũ lụt (hơn là các hiện tượng như hạn hán và xâm nhập mặn).
Hơn nữa, các hộ gia đình di cư thường có thu nhập thấp và điều kiện nhà ở kém. Dường như các gia đình dễ tổn thương nhất thì mới phải di cư, trong khi các hộ có điều kiện nhà ở và kinh tế tốt hơn có đủ khả năng bám trụ.
Hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten dự báo rằng, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng di cư quy mô lớn từ nông thôn lên thành thị, một phần do hệ quả của suy thoái môi trường tác động lên các vùng nông thôn, và một phần do hiệu ứng thu hút của đời sống và kinh tế thành thị.
Họ cho rằng, phần nào nhu cầu di cư này có thể được giảm thiểu bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực chống suy thoái môi trường, giải quyết hiệu quả các hệ lụy, giảm thiểu rủi ro thảm họa và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa. Tuy nhiên, giải pháp này đôi khi lại không khả thi, và vì vậy di cư sẽ tiếp diễn. Do đó, theo khuyến cáo của hai nhà nghiên cứu Hà Lan, điều quan trọng nhất là phải gỡ bỏ các rào cản hiện hữu đối với di cư trong nước một cách triệt để.
Ngoài ra, theo họ, các chương trình tái định cư mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai nên được tiếp tục và cải thiện nếu phù hợp, đồng thời cũng cần đặc biệt chú ý đến việc tạo ra đầy đủ và đa dạng cơ hội nghề nghiệp lẫn cơ sở vật chất cho học tập, cho các cộng đồng phải tái định cư do suy thoái môi trường.
Các giải pháp cho Việt Nam theo IMF
Trong báo cáo ngày 09/01/2018, IMF đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có chính sách sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nước và rừng, và kiểm soát tốt hơn các phương thức trồng trọt dùng quá nhiều phân bón gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Mặt khác, theo IMF, Việt Nam còn là một trong 10 quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, không thua gì tại các thành phố lớn và khu công nghiệp ở Trung Quốc. IMF dự báo là lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020 và đến 2030 sẽ tăng gấp ba, một phần vì Việt Nam còn dựa nhiều vào các năng lượng hóa thạch. Cụ thể, 35% nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay là đến từ than, tăng so với mức 15% của năm 2000.
Với nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 và do chưa có giải pháp nào thay thế, Việt Nam sẽ lại càng phụ thuộc vào than, cho nên sẽ rất khó mà đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Trong báo cáo nói trên, IMF đã đề nghị Việt Nam một số chính sách để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu :
* Giảm bớt nguồn năng lượng hóa thạch và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo để phá vỡ mối liên kết giữa sản lượng và khí phát thải.
* Cung cấp cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp và chính phủ những công cụ mạnh hơn để tiếp tục tăng trưởng xanh : đánh thuế mạnh trên các loại nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy nhu cầu về năng lượng sạch.
* Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu để giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với bão lụt. Thiệt hại do các thiên tai nên được tính trong các phân tích về tính bền vững của nợ công.
* Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và cải tiến các công nghệ sạch.
* Chuyển dần sang việc sử dụng các xe hơi tự động, xe hơi chạy điện và chia sẻ dùng chung xe hơi để giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí ở các thành phố.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 19/02/2018