Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2018

Mậu Thân Huế - Bị dồn vào đường cùng

Lữ Giang

Trong bài trước chúng tôi đã trình bày rõ kế hoạch tàn sát ở Huế trong Tết Mâu Thân đã được Đảng cộng sản Việt Nam hoạnh định rất kỹ càng như thế nào, lý do tại sao phải tàn sát cũng như tên tuổi các sát thủ chính đã được trao cho chỉ đạo hay thực hiện công tác này.

mauthan1

Khu vực phía sau Chùa Ấn Quang, nơi đặt bản doanh của bộ chỉ huy lực lượng quân cộng sản đột nhập vào Sài Gòn trong trận Tết Mậu Thân ngày 05/02/1968, bị dội bom thành bình địa - AP Photo/Johner

Trong bài này chúng tôi sẽ đề cập đến con đường nghiệt ngã mà Giáo hội Phật giáo Ấn Quang phải lựa chọn và bị cả CIA lẫn Cộng sản dồn vào đường cùng. Đây là một kinh nhiệm đau thương cho cả Phật giáo lẫn dân tộc do một số tăng sĩ và Phật tử có tinh thần tôn giáo cực đoan gây ra.

Khi tham vọng tới đỉnh cao

Sau khi ông Diệm bị giết, một số các nhà lãnh đạo Phật giáo tưởng rằng thời vận của Phật giáo đã đến, nên đã phát động một phong trào đấu tranh bạo động để cướp chính quyền và hình thành một chính phủ do Phật giáo lãnh đạo, trong đó Phật giáo là quốc giáo và các tăng sĩ là quốc sư, giống như dưới thời Lý Trần. Phong trào này đã lên tới cao điểm vào năm 1966 khi Phật giáo đã cướp được chính quyền tại Đà Nẵng và Huế. Nhưng thực tế đã không dễ dàng như vậy.

mauthan3

Cảnh Đại đức Thích Chơn Ngữ (Huỳnh Văn Hải) tưới xăng vào người Thượng tọa Thích Quảng Đức

Phong trào Phật giáo tuy được trang bị bằng lòng cuồng tín tôn giáo cao độ, nhưng lại thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo và thiếu kinh nghiệm… nên trước hết đã trúng kế của CIA !

Thượng tọa Thích Quảng Đức bị thiêu sống

Đọc lại các tài liệu ghi lại các biến loạn (trong đó có Bạch Thư của Hòa thượng Tâm Châu) do các phong trào Phật giáo gây ra lúc đó ở Sài Gòn, Đà Nẵng và Huế, ai cũng thấy kinh hoàng. Đợi khi sự cuồng tín tôn giáo lên đến cao độ và đưa tới biến loạn, và khi các đặc công cộng sản nằm vùng ẩn nấp trong các chùa xuất đầu lộ diện - dưới danh nghĩa "Lực lượng Thanh niên Phật tử Cứu quốc" và "Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử" - Mỹ mới bật đèn xanh cho hai tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan dẹp tan.

mauthan2

Thượng tọa Thích Trí Quang (trái) trong một cuộc biểu tình ngồi tại Sài Gòn năm 1966 - Ảnh internet

Ngày 20/5/1966, từ Huế, Thượng tọa Thích Trí Quang lên tiếng kêu gọi Tổng thống Johnson can thiệp và đòi tướng Kỳ phải từ chức ngay lập tức. "Lực lượng Tranh thủ Cách mạng" yêu cầu Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ra tay, nếu không họ sẽ phá phi trường Đà Nẵng. "Quân đoàn Cách mạng Vạn Hạnh" đã được thành lập do Thích Minh Chiếu làm Tư lệnh và đặt Tổng hành dinh tại chùa Phổ Đà ở số 340 đường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Nơi đây đã trở thành nhà tù giam giữ, tra tấn và thủ tiêu những viên chức chính quyền, quân đội, công giáo, Việt Nam Quốc Dân Đảng… không theo "Cách Mạng". Trưa 26/5/1966 đoàn biểu tình đã đốt cơ quan USISPhòng Thông tin và Thư viện Hoa Kỳ tại Huế, tiêu hủy khoảng 5.000 quyển sách. Ngày 1/6/1966, cuộc biểu tình đập phá Tòa Lãnh sự Mỹ tại Huế. Họ rãi truyền đơn đòi đưa Thích Trí Quang lên làm quốc trưởng và Trần Quang Thuận làm thủ tướng. Nhưng Tổng thống Johnson tuyên bố sẽ ủng hộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và yêu cần chính phủ và các tổ chức đấu tranh chấm dứt các cuộc xô xát "để chống cộng và thực hiện dân chủ".

Khi tình hình đã chính muồi, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương, lên các đài truyền thanh và truyền hình tuyên bố rằng cộng sản đã xâm nhập vào các phong trào tranh đấu ở miền Trung và cho biết sẽ dùng võ lực để tái lập an ninh tại Đà Nẵng. Ngày 14/5/1966, các tàu vận tải của Hoa Kỳ đã đưa 40 xe tăng và thiết vận xa đến Đà Nẵng. Ngày 15/5/1966, chính phủ gởi 5 tiểu đoàn Nhảy dù đến Quân đoàn I tăng cường cho Thủy quân lục chiến. Chỉ trong một giờ, quân Nhảy dù đã tái chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng... Tất cả những biến cố nói trên đều do tướng Lewis Walt, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Vùng I đạo diễn. Mục tiêu của kịch bản này là biến phong trào đấu tranh Phật giáo thành một phong trào bạo loạn và khủng bố, rồi viện lý do đó dẹp tan mà không bị dư luận quốc nội và quốc tế phản đối. Nói cách khác, CIA đã bày mưu để đẩy Phật giáo Ấn Quang vào con đường cùng.

Một cuộc tháo chạy vào đường cùng

Bị thất bại một cách thê thảm, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã công khai đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Các cán bộ nồng cốt của nhóm này đã bỏ thành phố đi vào chiến khu chiến đấu với Cộng sản, chẳng hạn như Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên Y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên Đại học Sư phạm), Trần Quang Long (sinh viên Đại học Sư Phạm), Lê Minh Trường (Sinh viên Mỹ thuật), Huỳnh Sơn Trà (sinh viên Y khoa), Nguyễn Văn Sơ (sinh viên Đại học Sư phạm), Ngô Yên Thi (sinh viên Văn Khoa), Trần Bá Chữ (sinh viên Đại học Sư phạm, Nguyễn Thị Đoan Trinh (sinh viên Dược), v.v. Đa số còn lại bị cơ quan an ninh Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ, một số ẩn trốn trong quần chúng.

Một nhóm khá đông khác, do Hoàng Văn Giàu lãnh đạo, đã chạy vào Trung tâm Quảng Đức ở Sài Gòn gồm khoảng 90 người, trong đó có Vĩnh Tùng, Vĩnh Kha, Huỳnh Ngọc Ghênh, Nguyễn Tấn Hùng, Nguyễn Thế Côn, Trần Xuân Kiêm, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Triệu Luật, Phan Long Côn, Trần Văn Long… Một số trong nhóm này đã được đưa vào chiến khu, trong đó có Hoàng Phủ Ngọc Phan và Trần Triệu Luật (đã chết trong chiến khu).

Sau biến cố nói trên, tại Trung tâm Quảng Đức, Thích Thiện Minh quyết định tách ra khỏi Thích Trí Quang và thành lập Phật Xã Đảng để hoạt động riêng, nhưng nghiêng hẳn về phía Cộng sản. Sau nhiều lần cảnh cáo, tối 25/2/1969 cơ quan an ninh đã lục soát Trung tâm Quảng Đức, tìm thấy nhiều truyền đơn tuyên truyền cho cộng sản và một số vũ khí, bắt Thích Thiện Minh và 66 sinh viên đang cư ngụ và đưa về điều tra, trong đó có lãnh tụ Hoàng Văn Giàu.

Hoàng Văn Giàu sinh năm 1938 tại Phú Cam, Huế, con ông Hoàng Văn Xương (ở khu sau nhà thờ), nhưng gia đình này không theo Công giáo. Giàu là người hoạch định mọi kế hoạch đấu tranh của nhóm sinh viên Phật giáo ở Huế cũng như ở Trung tâm Quảng Đức và là "cố vấn" của Thích Thiện Minh. Đi sát với Giàu có Nguyễn Tấn Hùng, Phan Long Côn, Trần Văn Long… bị phát hiện là những cán bộ cộng sản nằm vùng. Khi dẫn đi, cảnh sát đã còng chung Giàu với Hùng.

Ngày 15/3/1969, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng III đã xét xử và tuyên phạt Thích Thiện Minh, tên thật là Đỗ Xuân Hàng, sinh năm 1921, 10 năm khổ sai và 5 năm cấm cố. Ít lâu sau ông được ân xá vì cam kết không hoạt động cho cộng sản nữa.

Còn nhóm Hoàng Văn Giàu được chia ra hai loại, loại cán bộ cộng sản thì bị giam giữ, có người cho đến 1975, còn loại sinh viên đấu tranh thì bị bắt đi nhập ngũ, sung vào những đơn vị thuộc Sư Đoàn 21 đóng ở Chương Thiện. Riêng Hoàng Văn Giàu chỉ ở quân trường một thời gian thì được biệt phái về Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị. Giàu nhân danh Vụ trưởng Vụ Sinh viên Phật tử tuyên bố giải tán Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn - Vạn Hạnh vì bị các sinh viên Mặt Trận Giải Phóng thao túng. Vì thế nhiều người tin rằng Giàu là phản gián của cơ quan an ninh. Nhưng có người lại cho rằng Giàu là một tên hèn nhát, lừa thầy phản bạn, bán đứng tổ chức.

Việt Cộng cũng không tin Giàu nên sau khi chiếm miền Nam, đã bắt Giàu giam ở Trại giam số 4 Phan Đăng Lưu hay Trại B20 (tức trại tù Gia Định cũ) một thời gian. Năm 1982 Giàu đã qua Úc và bắt đầu viết nhiều bài trên Sachhiem.net của nhóm Giao Điểm và Chuyenluan.net chửi Công giáo và chế độ Ngô Đình Diệm với nhiều bút hiệu khác nhau để chứng tỏ "ta đây không phải là phản gián" hay phản bội ! Hoàng Văn Giàu đã qua đời ngày 24/7/2016 tại Úc châu.

Báo chí và sách vở đã viết quá nhiều về những tội ác mà Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, đặc biệt là những thành phần thuộc Giáo hội Ấn Quang đã bỏ vào chiến khu năm 1966 nay trở lại để gây tội ác, trong đó 4 tên được chú ý nhất là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Thị Đoan Trinh.

Vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Chúng tôi đã viết hai bài trình bày khá đầy đủ về vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Tết Mậu Thân, một bài phổ biến ngày 30/7/2015 và một bài ngày 15/3/2016. Tuy nhiên, ngày 9/2/2018 vừa qua, các cơ quan truyền thông đã cho phổ biến "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn" của Hoàng Phủ Ngọc Tường đề ngày 1/2/2018 do Nguyễn Ngọc Lập công bố, chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong biến cố Tết Mậu Thân.

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937 tại Huế, nhưng quê ở Triệu Phong, Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn (ban Việt-Hán) năm 1960. Sau đó Hoàng Phủ Ngọc Tường học Triết và tốt nghiệp Cử nhân Triết Đại học Văn Khoa Huế năm 1964. Từ năm 1960 đến 1966, Tường dạy ở trường Quốc học Huế. Năm 1966, sau  vụ cướp chính quyền thất bại, Tường lên chiến khu Trị-Thiên đi theo Việt Cộng.

Trong biến cố Tết Mậu Thân, ngày mồng 3 Tết (tức 1/2/1968) Hà Nội tuyên bố thành lập "Liên minh Dân chủ dân tộc hòa bình" tại Huế, do Tiến sĩ Lê Văn Hảo làm Chủ tịch. Ngoài Lê Văn Hảo, Liên minh còn có Phó chủ tịch là bà Tùng Chi (Đào Thị Xuân Yến) Hiệu trưởng trường nữ trung học Đồng Khánh, và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, đương kim Chánh đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh. Các thành phần nồng cốt của Liên minh còn có : Nguyễn Đóa (cựu giám thị trường Quốc Học), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Duy Nhân, Phạm Thị Xuân Quế, Tôn Thất Dương Tiềm, Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Hanh... Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng thư ký của Liên minh và là người lèo lái đường lối của Liên minh.

Nguyễn Đắc Xuân khẳng định rằng trong suốt thời gian xảy ra biến cố Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở chiến khu tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm công việc của Mặt trận Giải phóng. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng xác định Tường không hề có mặt tại Huế. Nhưng nhiều ngưòi lại cho biết họ thấy Tường ngồi xử án ở Trường trung học Gia Hội.

Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" (Vietnam : A Television History) tại Huế năm 1982, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại xác nhận chính mình là chứng nhân của biến cố Tết Mậu Thân tại Huế 1968 và cho rằng thủ phạm vụ tàn sát đó là Mỹ. Nay trong "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn" ngày 1/2/2018 Tường lại thanh minh như sau :

"Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.

"Tôi xác nhận đây là link clip tung lên mạng là bản gốc cuộc phỏng vấn :

"Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất- "tôi", "chúng tôi" khi kể một vài chuyện ở Huế mậu thân 68…".

Nguyễn Quang Lập, người công bố "Lời cuối" của Tường, tự nhận là em kết nghĩa của Lâm Mỹ Dạ, vợ của Tường, đã phân trần về lời giải thích của Tường như sau :

"Anh Tường nói những gì tôi có thể hiểu, anh muốn gửi thông điệp của anh tới ai tôi cũng hiểu, nhưng cái "liếm môi huyền thoại" và ánh mắt láo liên của anh trước cuộc phỏng vấn thì tôi không thể hiểu nổi. Biết anh đã hết sức bối rối khi đứng giữa sự thật và "ý đảng", tổ chức mà anh đang nguyện phấn đấu, dù thế nào hành vi ấy cũng thật đáng ngờ".

Nói cách khác, theo Nguyễn Quang Lập, Tường nói ngược hay nói xuôi cũng chỉ là làm theo ý Đảng, tức theo chỉ thị của Đảng và Tường là người lãnh đủ. Đó là thân phận của một người theo Đảng. 

Mặc dầu đã sống một cuộc đời tận tụy với Đảng, sau khi bị vắt chanh bỏ vỏ, cuộc đời còn lại của Tường và gia đình đã rất bi thảm. Chúng ta hãy nghe nhà văn Nhật Tuấn kể lại chuyện đến thăm nhà của vợ chồng Tường vào năm 1978 tai Hà Nội trong bài "Chân dung hay chân tướng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường" :

"Tôi tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng mái tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một người đàn ông gầy guộc, ngồi xệp, hai đầu gối quá tai. Chắc đã hẹn trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ  - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thì xin phép vào bếp rang… lạc đãi khách. Trịnh Tú vội xua tay : "Thôi thôi… tôi tới coi sức khỏe chị sao ? Liệu có giúp được gì rồi phải  về ngay…".

"Trong lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn. Ôi chao ôi, người đàn ông gầy gò, ốm đói kia lại là người viết ra bút ký "Rất nhiều ánh lửa" đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư ? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa ?

Nói chung. Đảng cộng sản Việt Nam không tin tưởng gì vào các thành phần thuộc Giáo hội Phật giáo Ấn Quang đã đi theo họ. Họ chỉ coi đó là những công cụ, xài xong rồi bỏ.

Ngày 23/02/2018

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 1256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)