Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2018

Nhân chi sơ tính bản thiện

Thạch Đạt Lang

Trong một cuộc họp mặt tái ngộ bỏ túi cuối tuần giữa những người bạn cũ thời trung học khiến người viết (ngẫu hứng) lên bài này khi ( chợt ) nhớ lại quan niệm của một anh bạn, (nguyên) bác sĩ tâm lý cho rằng con người sinh ra tính bản ác.

nhan1

Con người sinh ra bản tính lương thiện, hiền lành, nếu có làm gì gian ác, tham lam là do hoàn cảnh xô đẩy, ép buộc, không còn chọn lựa nào khác.

Buổi họp mặt chỉ có 6 người khách với người viết, chủ nhà là 7. Bạn thời trung học, cách đây 40 chục năm nên rất thông cảm (và thông cổ) nhau, dễ tha thứ cho nhau nên chúng tôi đã cãi nhau quyết liệt với tiêu chuẩn Bốn Không : Không nhân nhượng, Không chấp nhận đầu hàng, Không thỏa hiệp, Không xin đình chiến - về câu Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện.

Những người cãi nhau chia làm 2 phe, mỗi phe 3 người, người viết là trọng tài kiêm (chuyên viên) điếu đóm, nâng bi, cho cả 2 phe, có nghĩa là lo châm thêm bia, đồ nhắm, vỗ tay (cò mồi) khi có ý kiến đúng để cuộc tranh cãi thêm hào hứng.

Phe thứ nhất cho rằng con người sinh ra bản tính lương thiện, hiền lành, nếu có làm gì gian ác, tham lam là do hoàn cảnh xô đẩy, ép buộc, không còn chọn lựa nào khác.

Phe thứ hai ngược lại, cả quyết rằng con người sinh ra đã có sẵn máu ác, tham, khi gặp môi trường thuận tiện là phát tiết ra không có gì ngăn được.

Cuộc tranh cãi rôm rã (tất nhiên) chỉ để làm sạch hai két bia, chai Remy Martin Blue Label với mấy món nhắm.

Để chứng minh cho tiền đề của mình, phe thứ nhất (gọi là A) đưa ra hai nhân vật Mahatma Gandhi, Nelson Madela. Hai người nổi tiếng thế giới về lòng nhân ái.

1. Mahatma Gandhi là lãnh tụ chính trị và tinh thần của người Ấn. Tốt nghiệp luật sư, ông dấn thân đòi hỏi quyền bình đẳng cho người dân Ấn, cho phụ nữ, chống lại sự phân biệt chủng tộc của thực dân Anh. Gandhi bị thực dân Anh cầm tù tổng cộng 9 năm.

Phong trào đòi hỏi độc lập do Gandhi lãnh đạo chủ trương bất tuân dân sự, bất bạo động và tuyệt thực, cuối cùng đã khiến chính phủ Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.

Khi lên làm thủ tướng Ấn Độ, Gandhi không hề có chủ trương hoặc hành động nào để trả thù những người Anh hoặc Ấn đã cộng tác với chính quyền Anh trong thời gian Ấn bị lệ thuộc.

2. Nelson Madela tương tự như Gandhi, bị cầm tù 27 năm, gấp 3 lần Gandhi, bị hành hạ, ngược đãi nặng nề hơn bởi chế độ Apartheid, do thiểu số da trắng cai trị Nam Phi, phân biệt chủng tộc.

Khác với Gandhi, coi "Bất bạo động" là nguyên tắc không thể lay chuyển, Madela quan niệm "Bất bạo động" chỉ là một chiến thuật được áp dụng tùy vào từng thời điểm hay tình thế.

Tháng 3 năm 1960 khi người biểu tình bất bạo động da đen bị bắn chết ở sân vận động Sharpeville, Madela đồng ý cho ANC (African National Congress) dùng bạo lực chống lại chế độ Apartheid. Bản thân Madela sau đó cũng tham dự huấn luyện quân sự ở Algeria.

Cuối tháng 3 năm 1961, mặc dù bị cấm Madela vẫn chủ tọa cuộc họp All-in-African Conference ở Pietermaritzburg với 1.400 đại biểu thuộc nhiều nhóm đối lập với chính quyền.

Buổi họp có mục đích phổ biến kế hoạch Tổng đình công một ngày (Stay at Home Day) để làm áp lực với chế độ Apartheid sau khi những đòi hỏi bằng các " diễn biến hòa bình" (chữ của Việt Cộng) chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc Đen-Trắng của chế độ đã không được đáp ứng.

Năm 1962 Madela bí mật rời khỏi Nam Phi, lưu lạc qua nhiều nước với danh nghĩa đại diện cho ANC. Năm 1963 một tuần lễ sau khi trở về nước, Madela bị bắt và bị kết án chung thân.

Ngày 11/2/1990 do áp lực quốc tế, Madela được chế độ Apartheid trả tự do. Trước đó, vào tháng 2/1985 Madela nhiều lần từ chối sự tự do với điều kiện ANC từ bỏ vũ lực chống chính quyền Apartheid. Bản thân Madela cũng bi tổng thống Reagan kết án là Terrorist và đưa tên vào danh sách những người cần phải theo dõi (Watch List).

Ngay hôm được trả tự do, Madela đã lên tiếng trước 120.000 người tại sân vận động Soweto về đường lối, chính sách hòa giải của ông và ANC với chính quyền Apartheid do tổng thống da trắng Frederic de Clerk lãnh đạo.

Ngày 27/04/1994 trong cuộc bầu cử tự do, dân chủ đầu tiên ở Nam Phi, khi người da đen được tham gia tranh cử, bỏ phiếu, ANC thắng cử với đa số tuyệt đối. Ngày 09.05 sau đó Madela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Giống như Gandhi, Madela không hề có chủ trương, chính sách hay hành động trả thù bất cứ người da trắng nào trong chế độ Apartheid khi ANC nắm trọn quyền lãnh đạo South Africa.

Hai người, Gandhi và Mandela đều được tặng thưởng giải Nobel Hòa Bình.

Đó là lập luận của phe A, nhân chi sơ tính bản thiện.

Phe B cũng đưa ra những cá nhân đặc biệt, chứng minh cho luận điểm của mình. Có quá nhiều những kẻ tham ô, sát nhân, giết người hàng loạt, từ Stalin đến Hitler, Mao Trạch Đông, Ceausescu tới Hồ Chí Minh, Pol Pot...

Những kẻ giết người này không giết người trong lúc hoảng loạn, sợ hãi hay vì để bảo toàn sinh mạng hoặc do vô ý, vô tình. Họ giết người có mục đích, có chủ trương, giết người một cách bình thản, không hề xúc động.

Trong những kẻ giết người nói trên, phải nói đến Hồ Chí Minh, người thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Hồ chí Minh giết người vừa tàn bạo, vừa đểu cáng.

Hóa trang đi coi đấu tố, giết người, sau đó lại khóc lóc, lên tiếng xin lỗi, nhận là sai lầm khi cả miền Bắc rúng động vì chính sách cải cách ruộng đất với hàng trăm ngàn nạn nhân bị giết chóc, đầy ải...

Lập luận của phe B chứng minh rằng nhân chi sơ tính bản ác.

Cuộc tranh luận cuối cùng (tất nhiên) không có kết quả, không đi tới đâu vì nói cho cùng, con người sống hợp quần với nhau tạo thành xã hội nhưng chính xã hội đó tạo nên con người.

Mỗi người sinh ra, thiển nghĩ có sẵn cả hai nhân tố Thiện và Ác trong cơ thể. Tùy theo môi trường giáo dục, đời sống trong gia đình, xã hội... người đó sẽ trở nên hiền lành, nhân bản hoặc gian, tham, độc ác... Câu Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện chỉ có nghĩa con người sinh ra vốn như tờ giấy trắng.

Bản thân ông Hồ Chí Minh, khởi đầu cũng chỉ là một thanh niên ít học, vượt biển ra đi, trốn theo tàu Pháp cũng chỉ có ước mộng bình thường, xin học trường Thuộc Địa, trở thành một quan lại phục vụ cho Pháp.

Không may cho dân tộc, đất nước Việt Nam, ông bị từ chối, không được vào học trường Thuộc Địa. Đời sống lưu lạc, giang hồ, đói khát, khổ sở trên xứ người đã dẫn dắt ông trở thành một đảng viên cộng sản của Đệ Tam Quốc Tế.

Sự khổ sở, nhọc nhằn trên bước đường lưu lạc dần dần khơi dậy lòng tham quyền lực trong tâm khảm, biến ông thành một kẻ trí trá, gian dối, nham hiểm, tàn ác...

Ông Hồ trở thành kẻ sẵn sàng làm đủ mọi cách, dùng mọi phương tiện để đạt được quyền lực, bởi chỉ có quyền lực mới thỏa mãn được tham vọng của ông.

Nhân tố Ác trong con người Hồ Chí Minh đã đè bẹp nhân tố Thiện, biến ông từ một kẻ tầm thường, ít học, chỉ vì thất vọng với giấc mộng quan lại cho thực dân Pháp trở thành một lãnh tụ đất nước, tàn ác, nham hiểm, gian dối trong môi trường cộng sản quốc tế.

Sự tranh cãi rồi thanh toán, công kích, chửi bới, hãm hại, kết án nhau giữa Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ Quốc Tế đã cho Hồ Chí Minh những bài học qúy giá về thủ đoạn chiếm đoạt, giữ vững quyền lực.

Chế độ xã hội của loài người phát triển theo trào lưu văn minh của thế giới trừ... chế độ cộng sản hoặc chế độ độc tài. Ở thế giới văn minh, các nước tự do, dân chủ, mạng người rất đáng quý, nhưng dưới chế độ độc tài hay cộng sản thì ngược lại.

Khi đời sống vật chất đầy đủ, no ấm, xã hội văn minh, chế độ giáo dục nhân bản, đời sống tinh thần thoải mái, tự do, luật pháp nghiêm minh, bình đẳng, con người sẽ trở nên bác ái, vị tha, tôn trọng lẫn nhau cũng như thượng tôn pháp luật.

Ở những nước tự do, dân chủ Âu, Mỹ...không có môn đạo đức học, công dân giáo dục trong chương trình giáo dục. Phương Tây không dạy dỗ, bắt buộc đứa trẻ phải lễ phép với cha mẹ, thầy, cô giáo, với người lớn tuổi... nhưng do đâu trong xã hội các nước Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Ý... người ta vẫn cư xử lịch sự, hòa nhã, thân thiện với nhau ngay cả khi nóng giận ?

Ngược lại, ở một xã hội độc tài, dù là phát xít hay cộng sản, nhân cách, phẩm giá con người không còn được tôn trọng. Những kẻ có quyền hành trong tay như cán bộ, đảng viên, công an... luôn coi thường, khinh rẻ giá trị đạo đức, văn hóa, mạng sống con người...con người vì thế đối xử với nhau luôn bằng cặp mắt nghi kị, dò xét, đề phòng lẫn nhau.

Người cộng sản sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện để giữ vững quyền lực cũng như quyền lợi. Người dân sống dưới chế độ CS muốn sinh tồn, một là chịu đựng, hai là hòa nhập, thả trôi theo giòng chẩy của xã hội bằng cách tham gia lừa đảo, gian dối, tham nhũng, hối lộ...

Theo thời gian, tính Ác càng ngày càng phát triển, con người trở nên vô cảm với những bất công, thản nhiên nhúng tay vào tội ác vì quyền lợi, danh vọng... Những khái niệm nhân bản, lương thiện, bác ái, bình đẳng... mờ nhạt đi, con người sống co rút lại trong cái vỏ ốc của mình.

Một đất nước khuyến khích bạo lực, môt xã hội hỗn loạn với những chuyện cướp đất của dân để xây khách sạn, khu giải trí, sòng bạc, sân golf..., một chế độ với công an đánh chết người trong khi điều tra xẩy ra hằng ngày, khắp nơi, nạn trộm, cướp, hành hung giữa thanh thiên bạch nhật, công an nhắm mắt làm ngơ... Đất nước, xã hội đó sẽ đi về đâu ?

Dân tộc Việt Nam vốn dĩ hiền hòa, chân thật, giản dị, hiếu khách... nhưng 21 năm đất nước chia đôi từ 1954 đến 1975, xã hội cộng sản ở miền Bắc trong thời gian đó đã làm thui chột nền văn hóa nhân bản của dân tộc nhưng may mắn còn lại miền Nam.

Từ 1975 đến nay chủ nghĩa cộng sản với nền giáo dục xuẩn động, khuyến khích bạo lực tiếp tục tàn phá văn hóa trên toàn thể đất nước thêm 40 năm, tạo nên lối sống, cách suy nghĩ của những con người không còn nhân tính.

Con người trở nên vô cảm, dững dưng trước những cảnh bất công, những tội ác xẩy ra hàng ngày trước mặt mình. Đa số người dân Việt Nam hiện nay chỉ nghĩ đến an toàn, no đủ của bản thân, gia đình, không còn quan tâm đến xã hội chung quanh.

Chỉ khi nào những quyền lợi, an ninh, tài sản, tính mạng của bản thân hay gia đình bị va chạm, thiệt hại trực tiếp họ mới phản ứng. Do đó, có thể nói không sợ sai lầm rằng hầu hết người dân Việt Nam sống ở quê hương mình như một người du khách dài hạn, không trách nhiệm, không bổn phận với những gì xẩy ra chung quanh.

Như vậy sự thay đổi tính tình, nhận định về cuộc sống cũng như thái độ ứng xử của con người theo thời gian bị xã hội ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong trường hợp phải có cách sống thích hợp để sinh tồn trong một xã hội đảo điên như ở Việt Nam hiện nay.

Chuyện kể về một người quản lý nhà hàng có tên Jerry. Jerry luôn lạc quan, yêu đời, vui vẻ, hòa nhã với tất cả mọi người. Nếu có ai hỏi Jerry, tại sao anh luôn sống được như vậy ? Câu trả lời của Jerry sẽ là "Nếu tôi là một người nào đó tốt hơn thì tôi sẽ là một cặp sinh đôi với người đó".

Rất nhiều nhân viên nhà hàng nơi anh làm quản lý, nghỉ việc đi theo Jerry mỗi khi anh đổi chỗ làm.

Tại sao ? Vì Jerry là một người năng động bẩm sinh.

Nếu có một nhân viên nào trong nhà hàng nơi Jerry làm việc gặp chuyện buồn phiền, lo lắng, Jerry luôn đến gặp họ, an ủi, khuyến khích, giúp đỡ họ tìm những khía cạnh tích cực của vấn đề để giải quyết.

Phương châm sống của Jerry khiến tôi tò mò, một ngày kia tôi đến gặp anh để hỏi : Tôi không thể hiểu nổi ? Bằng cách nào anh luôn lạc quan, yêu đời như thế ? Một con người không thể lúc nào cũng lạc quan trong suốt cuộc sống vì chắc chắn phải có những lúc thất bại, không vừa ý, hài lòng trong nghề nghiệp, gia đình...

Jerry trả lời : Mỗi sáng thức dậy tôi đều nhắc nhở mình, ta có một sự chọn lựa ngày hôm nay, Lạc quan, yêu đời hay buồn bã, bi quan ? Tôi luôn luôn chọn sự lạc quan, yêu đời. Mỗi khi gặp chuyện buồn bã, thất bại ta có thể để mình trở thành nạn nhân hay tìm cách rút ra từ chuyện thất bại, không vui đó những bài học.

Tôi lúc nào cũng tìm cách học hỏi từ những thất bại của mình trong tất cả mọi chuyện. Khi có một nhân viên đến phàn nàn chuyện gì đó, một là tôi chấp nhận sự phàn nàn của họ hoặc tôi tìm những mặt tích cực của đời sống. Tôi luôn tìm kiếm mặt tích cực trong cuộc sống.

- Điều đó không dễ ! Tôi phản đối.

- Không ! Rất dễ ! Jerry nói tiếp.

- Đời sống là môt sự chọn lựa. Khi bạn cắt bỏ những phiền toái, bực mình của cuộc sống, bạn đã chọn lựa. Đời sống là một sự chọn lựa, bạn chọn lựa phản ứng như thế nào khi gặp một vấn đề, bạn có để cho ảnh hưởng của người khác tác động đến bạn hay không. Bạn chọn lựa bạn sẽ sống ra sao, lạc quan hay bi quan. Tôi luôn chọn lựa sống lạc quan.

Bẵng đi một thời gian, ít năm sau tôi nghe tin Jerry bị một tai nạn nghề nghiệp. Anh đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng mà không người quản lý nhà hàng nào dám sơ ý để mắc phải.

Vào một buổi sáng, Jerry quên không khóa cửa sau và anh bị ba tên cướp xông vào bắt mở két sắt. Trong lúc đang mở an toàn cho két sắt, do tinh thần căng thẳng, anh để trợt ổ khóa gây hoảng loạn cho bọn cướp và chúng bắn anh.

Rất may, Jerry nhanh chóng được tìm thấy và đưa vào bệnh viện. Sau 18 tiếng đồng hồ giải phẫu và nhiều tuần lễ tích cực chữa trị, Jerry về nhà với thân thể còn nhiều mảnh đạn bên trong.

Sáu tháng sau tôi gặp lại Jerry, hỏi anh cảm thấy thế nào sau tai nạn. Jerry trả lời :

- Nếu tôi là một người yêu đời hơn thì tôi sẽ là cặp song sinh. Bạn có muốn coi những vết sẹo do đạn bắn không ?

Tôi từ chối coi những vết sẹo và hỏi thêm Jerry :

- Thôi ! Coi làm gì ? Nhưng lúc bọn cướp xông vào, anh nghĩ gì trong đầu?

Jerry đáp :

- Tôi nghĩ đáng lẽ mình phải khóa cửa. Sau khi bị bắn, nằm trên sàn nhà tôi nghĩ mình có sự chọn lựa, sống hoặc chết. Tôi chọn lựa sống.

- Anh có sợ không ?

Jerry nói tiếp :

- Những người cấp cứu thật tuyệt vời. Họ luôn miệng nói với tôi không sao hết, tôi sẽ bình yên. Tuy nhiên khi họ đẩy tôi vào phòng cấp cứu, tôi thật hoảng sợ. Tôi đọc được trong ánh mắt của những bác sĩ và y tá, tôi là người chết. Tôi thấy cần phải có hành động. Một nữ y tá cao, to, nói như hét vào tai tôi :

- Anh có bị dị ứng với cái gì không ?

- Có ! Với đầu đạn.

Không để ý đến tiếng cười của họ, tôi nói :

- Làm ơn giải phẫu tôi như một người sống ! Đừng giải phẫu tôi như một xác chết.

Jerry sống sót nhờ sự giải phẫu khéo léo, tài giỏi của những bác sĩ nhưng đồng thời chính nhờ ý chí quyết sống của anh.

Tôi học được điều đó từ Jerry và hiểu rằng tôi có sự chọn lựa hàng ngày là yêu mến, hưởng thụ cuôc sống hay ghét bỏ nó. Vật duy nhất không ai có thể lấy mất (và chỉ) thật sự của tôi là ý chí và sự nhận định. Nếu bạn quan tâm đến điều đó, mọi chuyện khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đây là một câu chuyện được kể bằng PPS, chẳng biết có thật hay không.

Trong một xã hội hỗn loạn, văn hóa suy đồi như Việt Nam hiện nay, đời sống của đại đa số người dân có quá nhiều căng thẳng, lo toan, thiếu thốn, nhất là ở các vùng quê, ngoại ô thành phố.

Áp lực cơm áo đè nặng lên vai với những lo nghĩ thường trực, ít người còn có khả năng suy nghĩ, kiểm soát, chế ngự được hành động của mình khi chung quanh có quá nhiều những phù phiếm, xa hoa với đầy những bất công, áp bức.

Giữ được thái độ ứng xử hòa nhã, lịch sự, thân thiện bằng những nụ cười, lời nói nhỏ nhẹ hoặc với một ý chí mạnh mẽ, yêu đời như trong trường hợp kể trên của Jerry thì đã trở thành Phật, Chúa hay Bồ Tát rồi.

Theo nhận định riêng của người viết bài này, (đa số) con người vốn dĩ khó thay đổi (change) tính tình mà chỉ hòa nhập, tương ứng (adapt) với xã hội, môi trường, nghề nghiệp mình sống.

Tình tình, thái độ cư xử của con người hình thành từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành qua môi trường giáo dục trong gia đình, học đường, sau đó đến giai đoạn hòa nhập vào sinh sống trong xã hội, con người bị cuốn vào trong đời sống, sẽ thích ứng với nghề nghiệp, thành công hay thất bại trong xã hội, từ đó tạo nên cách ứng xử (behavior adaption).

Nhìn lại cuộc biểu tình bất bạo động của hàng triệu sinh viên, học sinh, người dân Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1989 bị đàn áp dã man với hàng ngàn người chết, nhiều ngàn người khác bị thương, cũng như cuộc Cách Mạng Dù của tuổi trẻ Hongkong từ tháng 7 qua tháng 9 năm 2014, ta thấy cả hai đã bị thất bại dù hoàn toàn bất bạo động, rất trật tự.

Điều đó cho thấy rằng Bất Bạo Động, dù có đến hàng triệu người cũng chưa chắc đã làm lung lay chế độ nếu biểu tình Bất Bạo Động không gây được một áp lực cần thiết lên xã hội, lên cơ cấu hành chánh của chế độ, đủ để làm chế độ đương thời, một là phải thay đổi, hai là chịu sụp đổ.

Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, bạo động không hẳn là một đường lối đấu tranh duy nhất để thay đổi một chế độ xấu xa, tồi tệ, nhưng Bất Bạo Động lắm lúc cũng khó thành công như 2 trường hợp trên.

Người viết không chủ trương cách mạng phải có bạo động, người viết chỉ quan niệm rằng phải tùy từng hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh đất nước, từng thời điểm, dân tình... để có chiến thuật và chiến lược thích hợp. BBĐ không phải lúc nào cũng có tác dụng hữu hiệu.

Còn muốn làm cách mạng với bản thân thì thiển nghĩ, mỗi người cần phải gặp một cơ duyên mới thay đổi được nhận định, cách hành xử của mình trong cuộc sống, bởi sự cư xử, nhận định, suy nghĩ của mỗi cá nhân theo thời gian đã tạo thành nền nếp, thói quen khó lòng sửa chữa. Chỉ có những biến cố, tai nạn ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến tâm, sinh lý hoặc khi về già, gần đất xa trời đột nhiên hoát ngộ, thấy mọi chuyện trên đời đều là phù du thì con người mới có khả năng làm cuộc cách mạng với chính bản thân.

Thạch Đạt Lang

Quay lại trang chủ
Read 883 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)